Trang chủ > Chuyện Má Võ Thị Thay hộ công Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn (1947-1949)

Chuyện Má Võ Thị Thay hộ công Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn (1947-1949)

06/09/2023 18:41:03

Tham luận của Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng Viện Lịch sử dòng họ) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Đặt vấn đề: Đây là nhân vật (nữ) lịch sử, tiền khởi nghĩa, tài năng từ nông thôn Đồng Tháp Mười.

Thế hệ chúng ta tiếp tục khắc ghi các hoạt động của nhiều cán bộ, chiến sĩ, cả anh hùng và liệt nữ. Những hoạt động tiêu biểu được lịch sử Đảng địa phương ghi nhận và tôn vinh, có những tấm gương tưởng như ở tầm cơ sở, nhưng thực tế vượt lên trên rất nhiều. Câu chuyện Má Tám (Võ Thị Thay) ở Căn cứ Xứ ủy Nam bộ (1946-1949) vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp thật đặc sắc, Tham luận này ghi nhận không thể đầy đủ về người nữ cán bộ tiền khởi nghĩa vì thời cuộc đã đi qua gần 80 năm: Má Tám, người phụ nữ chân chất Nam bộ, nữ cán bộ dân vận mưu trí thật xứng đáng, trân quí; một nữ kiệt con cháu Tổ mẫu Âu Cơ và nhiều liệt nữ trong lịch sử nước ta.

Nội dung

1. Sơ nét về tổ quán, gia phả Võ Thị Thay

Gia phả họ Võ ấp Trại Lòn xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày nay; là cụ Võ Văn Hạo (đời 1) đi khai nghiệp mở cõi vùng trung tâm Đồng Tháp Mười trước đây. Trong dòng tộc lẫy lừng giỏi võ nghệ, có má Võ Thị Thay (đời 4). Đời 4 có 6 nữ, 2 nam; các phụ nữ họ Võ không kém gì “Ai về Bình Định mà xem/ Con gái, phụ nữ cầm roi đi quyền”. Một số điểm son của nữ giới họ Võ như sau:

- Bà hai Võ Thị Ngô thách thức: chỉ lấy ông chồng đánh thắng được bà, khi lấy ông Huỳnh Tồn Tâm rồi bà nói: “tôi nhường Ổng”. Hai ông bà sinh 6 người con họ Huỳnh (2 trai, 4 gái), cả chi họ lao vào cuộc kháng chiến lẫy lừng; một người cháu nội của bà Hai Ngô là đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo rất nổi bật về võ thuật ở miền Nam nước ta hiện nay.

Ở quê chồng, bà Ngô phụ giúp chồng làm nghề thuốc đông dược(1), đồng thời ủng hộ kháng chiến chống Pháp và dạy võ thuật (tôn chỉ y - võ là cơ sở văn hóa truyền thống gia đình được truyền từ bà nội Võ Thị Ngô), song điều răn dạy con cháu của bà Ngô không chỉ là quyền thế mà là đức học với tinh thần thượng võ trước tiên. Ông bà sinh 6 người con (2 trai và 4 gái). Người con trai lớn (thứ ba của chi họ) là Huỳnh Văn Khanh (sinh năm 1923), người nối chí cha và nội tổ làm nghề thuốc và đặc biệt tham gia hoạt động cách mạng tích cực. Nghề thuốc là vỏ bọc hợp pháp để ông hoạt động công khai suốt thời gian dài trong lòng địch.

Ông Huỳnh Công Khanh cưới bà Trần Thị Chiến (sinh năm 1932) theo kiểu “đời sống mới” ở vùng kháng chiến xã Tuyên Nhơn, bấy giờ cả hai đều là cán bộ cách mạng. Bà Chiến vừa làm mẹ vừa làm cha vì người chồng thường đi làm ăn xa xứ với nghề thuốc Đông y mặt nổi để hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch. Sau ngày giải phóng, ông bà đều nhận được Huân chương kháng chiến, về hưu ông tiếp tục tham gia trị bệnh tại Bệnh viện Y dược học Long An; đặc biệt ông dồn sức dịch sách thuốc cổ “Hoàng Hán y học”, một công trình có giá trị y học của Nhật Bản (dịch ra tiếng Hoa), đã được Hội Y dược học Việt Nam xuất bản, phổ biến rộng rãi. Y dược là ngành nghề truyền thống của họ Huỳnh, đồng thời cũng là ngành nghề gắn kết nhiều đời với họ Võ.

Ông bà sinh 8 người con (4 trai và 4 gái), hầu hết các cháu của bà Ngô được sự nuôi dưỡng chăm sóc dạy dỗ của bà. 8 anh em của Huỳnh Quốc Thắng ân sâu nghĩa nặng với bà nội Võ Thị Ngô và mẹ Trần Thị Chiến ở ấp Rạch Hào, xã Bình Phong Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Bà Ngô và con dâu Trần Thị Chiến nối kết dòng họ Huỳnh với lao động nghề nghiệp nhọc nhằn ở miền sông rạch chằng chịt; hoài bảo y - võ được lưu truyền trong huyết quản con cháu, hết lòng vì nước đóng góp công sức cho cộng đồng xã hội đến ngày nay.

- Chuyện Má Tám, má tên cha mẹ đặt là Võ Thị Thay, thứ tám trong các chị em, khi hoạt động cách mạng và tuổi trung niên được đồng chí, đồng đội kém tuổi hơn gọi là Má Tám và lấy tên là Võ Thị Tám. Tuổi thiếu niên sống cùng cha mẹ và chị em, như bao chi em gái khác Má cũng luyện võ và có nội công khá cao cường, không kém chị hai Ngô. Học Võ để phòng thân và giúp đời là lý lẽ đơn giản nhưng không phải ai cũng thuần thục vì sân hay giận là bộc lộ dễ thấy của con người, biết kềm chế sân giận là bản lĩnh của thầy võ, nên bài học về nhân văn đi trước rồi mới tới thượng võ, rồi nhân văn tác dụng biện chứng với thượng võ để hành xử ngoài đời chính là bản lĩnh của con nhà võ. Những điều này ứng nhiều với phái nam, song phái nữ ứng dụng phát huy tính nhu mì của giới tính tầm cao hơn nữa. Các chị em gái họ Võ đã thấu triệt triết lý nhân sinh của nghề võ gia truyền này, có bà khởi đầu dạy con cháu về đạo làm người: thờ Phật trời, kính tổ tiên, hiếu cha mẹ, thuận hòa anh chị em, nhân ái bao dung với mọi người… là các mối đạo thuộc truyền thống nhân văn trong văn hóa dân tộc; sau đó mới truyền đòn thế võ thuật, dụng công chỉ dạy thấu đáo. Có bà mẹ biết võ nhưng không dạy đòn thế nào cho con cháu vì ngộ rằng có thể hại cuộc đời chúng nó vì cá tính và bối cảnh xã hội.

Má Tám lấy chồng về xã Nhơn Thọ Lập cách quê nhà hơn 10km, tuy vậy rừng rậm và kinh rạch chằng chịt khiến má ít về trực tiếp gặp chị em; nên tinh thần tự thân tự lực và tính tự tin, tháo vát của con nhà võ giúp bà trụ vững trong công tác tiền khởi nghĩa đến Cách mạng tháng Tám thành công, má đã là cán bộ rất căn cơ được tổ chức Việt Minh tin dùng. Đó cũng là cơ duyên nhà má Tám được sử dụng làm nơi phục vụ, hộ công nhiều mặt, nhất là chu toàn an ninh cho các vị lãnh đạo làm việc tại nhà mình, trong đó có đồng chí Lê Duẩn với căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam bộ những năm 1946-1949.

2. Mô tả địa hình và sinh hoạt của Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam bộ

Theo mô hình phục dựng trong Di tích Căn cứ Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến 1946-1949, ta thấy rằng: khu vực đóng quân của căn cứ là cánh đồng rộng lớn, có từng khu nhà với những tàng cây trồng tự cấp; căn nhà lợp lá dừa nước kết mảng trên nóc và dựng vách, nhà rộng thoáng trống trải gần với thiên nhiên; nhiều mảnh ruộng lúa đang mùa chín vàng… Một khu dân cư yên bình như nhiều làng quê Nam bộ. 

Nơi căn cứ này có hai ngôi nhà cách biệt nhau vài trăm mét: nơi trú ở của các vị trong Xứ ủy, trải rộng cách bức để bảo đảm an ninh; nơi làm việc, sinh hoạt, hội họp của người lãnh đạo. Câu chuyện má Tám là việc hộ công cho đồng chí Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn, bà cùng toán du kích bảo an từ gần và vòng ngoài; má Tám là người gần gũi nhất, chăm lo cơm nước phục vụ cho mọi người cùng đồng chí Bí thư tại nhà mình, chỉ vài ba người, có lúc hàng chục người, có hầm trú ẩn bí mật phòng tránh mật thám Pháp.

Ngôi nhà làm việc của đồng chí Lê Duẩn được phục dựng trong khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam bộ

Căn  nhà (hiện nay mang số 130 ấp Trại Lòn Bắc) của má Tám được chỉnh sửa, xây lại nhiều lần, song vẫn đứng trên nền đất cũ, nay cặp đường 837, phía trước mặt là kinh Dương Văn Dương, đặt một bia đá thô sơ sau ngày 30-4-1975. 

 Bia truyền thống 

Dẫn theo Lê Lối (Báo Giao thông): Ông Lê Văn Mới (93 tuổi, ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) cho biết, vùng này được chọn làm căn cứ kháng chiến từ chống Pháp đến chống Mỹ bởi địa hình hiểm trở, rừng tràm dày đặc bao phủ. Hồi đó gần như không có đường bộ để đi vào khu kháng chiến, muốn đi vào chỉ có xuồng. Tất cả cán bộ, hàng hóa, vũ khí đều đi bằng kênh rạch. Ông Nguyễn Tấn Thành (70 tuổi, nguyên Chủ tịch xã Nhơn Hòa Lập) cho biết thêm, trước năm 1975, vùng này duy nhất chỉ có đường kênh Dương Văn Dương, nhưng cũng là đường đất đắp. Bà con muốn mua sắm gì phải đi xuồng ra trung tâm huyện mất cả ngày trời. “Giờ tuyến đường đất kênh Dương Văn Dương đã được thảm nhựa, nâng cấp lên đường tỉnh 837, đi xe máy vài chục phút đã đến trung tâm huyện, thỏa sức mua sắm”, ông Thành nói.

Khu nhà má Tám số 130 ấp Trại Lòn Bắc, mới thực sự là nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, còn nơi xây dựng Di tích căn cứ chỉ là nơi trú ngụ của các đồng chí lãnh đạo bấy giờ. Yếu tố tách biệt có ý nghĩa bảo toàn tuyệt đối cho đồng chí Bí thư Xứ ủy, và được so sánh như là “Việt Bắc của miền Nam” vì các hội nghị quan trọng thực hiện ở đây.

Bấy giờ, căn nhà 3 gian của má Tám chủ là nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn, chỗ làm việc gồm vài người, có lúc đến hàng chục người. Cách nơi này khoảng 10 mét là hầm bí mật, có thể dung chứa hơn 10 người. Trách nhiệm báo nguy và hướng dẫn ra hầm sao cho an toàn là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của má Tám. Hơn 2 năm làm việc ở đây, sự chu toàn của má Tám giúp ích cho hoạt động của đồng chí Bí thư, lan truyền ra đảng bộ và Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ.

Nhà má Tám hiện nay

3. Chuyện kể về các nhiệm vụ của má Tám: Trước 1947, 1947-1949, 1948-1983

Lý lịch đảng viên của cháu ngoại má Tám ghi cô đọng thành tích: “Năm 1946 đến năm 1952, che giấu nuôi dưỡng bộ đội tại nhà ấp 3, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thành, tỉnh Long An. Từ năm 1952-1975, tiếp tục nuôi dưỡng, che giấu nuôi dưỡng bộ đội… Sau 30-4-1975, đến năm 1983 làm ruộng, năm 1984 chết do bệnh già; được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Một lý lịch mà phần ghi về má Tám rất cô đọng, nổi lên một chiến tích suốt 30 năm kháng chiến là nuôi dưỡng và che giấu bộ đội. Nhưng hình dung cuộc chiến đấu sinh tử đó với những mẫu chuyện hào hùng, đặc biệt nhất là đã giúp đồng chí Lê Duẩn (Bí thư Xứ ủy) thời kỳ mở đầu chống Pháp xâm lược lần 2.

Việc che giấu và nuôi bộ đội được làm xuất sắc trong suốt thời chống Mỹ ác liệt. Trước năm Mậu Thân (1968), một trận chiến diệt 20 tên lính diễn ra, trong đó có tên Thiếu úy chỉ huy. Bấy giờ bọn lính bảo an của Sài Gòn cũng thường chà đi xát lại khu đất cạnh nhà, và chúng cũng gọi bà là má Tám, thật đặc sắc chứng tỏ má che giấu du kích, bộ đội, cán bộ cách mạng rất tài tình. Tên Thiếu úy chỉ huy còn dặn má rằng: Ban đêm không được ra khỏi nhà vì bị lạc đạn nguy hiểm. Và đó cũng là lý do má Tám trả lời cho cấp thanh sát quân đội Sài Gòn đến chất vấn má Tám: có biết Việt cộng về đêm qua không? Việc thương vong hơn 20 người, có một người lính bị thương được con gái má Tám băng bó, nên việc chối chạy thành công. “Không biết vì ngủ yên trong nhà do ông chỉ huy dặn…”. Qua câu chuyện vùng xôi đậu, giữ thân mình đã vô cùng khó khăn, lại là nơi che giấu và nuôi dưỡng du kích, bộ đội, rõ ràng là “chết như chơi” vậy.

Rồi một trận bom đánh sát nhà má Tám trước năm 1973, một hố bom to đùng còn quanh nhà dù được san lấp ít nhiều. Trận này má Tám bị thương, nhưng đau thương nhất là ông chồng má Tám hy sinh. Và đó là trận thiệt hại duy nhất của nhà má Tám.

Kinh qua vùng chiến đấu trực diện với quân thù, không một lần bị lộ, thành tích che giấu đến hàng trăm lượt du kích, bộ đội cán bộ cách mạng của má Tám suốt 30 năm chống Pháp, chống Mỹ thật xứng đáng là liệt nữ, anh hùng. Má Tám được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

Kết luận

1. Phụ nữ Việt Nam xưa nay có nếp truyền thống lo cho gia đình, nuôi dạy con rồi cháu một cách tự nhiên, tự tại trong sinh hoạt hàng ngày. Chị em họ Võ (đời 4) ấp 915 xã Nhơn Ninh là một nét riêng đặc sắc: là phụ nữ có võ công tầm cỡ, mang ý chí và tài năng giúp đời, tham gia kháng chiến giành độc lâp cho dân tộc. Một dạng phụ nữ đoan trang, oai hùng như vậy, thực sự không hiếm trong lịch sử, ở thời đại Hồ Chí Minh có mặt trên cả nước, “ra ngõ gặp anh hùng” rất nhiều ở nam giới nhưng không hiếm ở nữ giới; đó là những người phụ nữ dùng tài trí đối mặt với quân thù trên mọi trận địa hiểm nguy. Con cháu mẹ Âu Cơ, thừa kế khí phách Bà Trưng, Bà Triệu thật sự oai hùng.

2. Một tấm gương sáng cho các hệ cán bộ nữ, cho dòng họ, con cháu; đó là điều mong muốn của người đời nay, nhưng chưa hẳn là hoài bão của quí mẹ, quí chị khi lao vào cuộc chiến đấu sinh tồn chống Mỹ và bọn tay sai ác ôn nhiều mưu kế và phương tiện hiện đại hãm hại con người đối mặt trong chiến đấu. Do đó, học nơi các bà mẹ anh hùng này là sự ngưỡng mộ chân thành không phải vì phô diễn thành tích hiển hách. Thưc sự nhiều mẹ không kể nhiều về mình cho con cháu nghe, việc làm và hành động mưu trí như là điều tự nhiên mà người trong cuộc chiến phải thể hiện; mẹ nói “có gì đáng kể đâu các con”, thật cảm động về người phụ nữ anh hùng trên đất nước ta.

3. Một tượng đài phụ nữ cứu nước cần lưu danh muôn thuở; đó là hoài bảo của tác giả tham luận này; mong được sự đồng tình của quí khán giả, độc giả.

CHÚ THÍCH:

(1): Gia đình ông/bà Huỳnh Tồn Tâm và Võ Thị Ngô thành công với hai bài thuốc gia truyền: sản phụ đẻ không đau và toa cải tử hoàn sanh (cứu sống người sắp chết). Cháu nội của ông bà là Huỳnh Thị Thu Ba bị trúng gió, chết ngất, phải chuyển từ Tuyên Nhơn đến Bình Phong Thạnh (10 km) bằng xuồng, đến nổi đóng quách định phải chôn, nhưng được cứu sống, khỏe mạnh đến nay (68 tuổi).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lê Lối, “Việt Bắc của miền Nam” và những trận đánh ghi danh sử sách

2. Hoàng Văn Lễ (Chủ biên) Dự thào Gia phả họ Võ (Võ Văn Hạo), ấp 915 xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thành, tỉnh Long An, Viện Lịch sử Dòng họ, 2023.

TS HOÀNG VĂN LỄ