Cụ Ý là bộ đội chống Pháp, rồi đánh Mỹ xâm lược. Năm 1981, với quân hàm Thiếu tá, Chủ nhiệm hậu cần Đoàn 583, Mặt trận 479, cụ nghỉ hưu, chuyển luôn vợ và các con vào sinh sống tại phường 13, Quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh… Nay đứng giữa họ mạc, bà con thôn xóm, trong bộ áo dài, khăn xếp đỏ, cụ Ý xúc động hồi hộp lắm, xao xuyến như hồi còn bé giúp bố mẹ mang lễ ra đình mỗi dịp lễ thọ của làng.
Anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đỗ Thượng bên cạnh, 24 năm làm ăn trên đất Tây Nguyên, cứ trong dòng họ có cụ mừng thọ là về quê. Năm nay, từ Bản Đôn, anh về mừng thọ mẹ 80 tuổi. Anh bảo, sướng nhất là được nói câu: “Mẹ ơi, có người đến chúc thọ mẹ đây này!”…
Không phải bây giờ mới thế, mà từ bao đời nay, cứ đến Tết là tất cả những người ở đất Phạm Kha đi làm ăn xa đều cố gắng về quê. Ai vì lí do gì đó không về được từ 30, mồng 1… thì mồng 9 cũng phải có mặt ở làng để hôm sau dự chúc thọ, như cụ Ý đã phát biểu: “Nhà nào cũng có tổ tông/ Có cụ, có kị, có ông, có bà/ gần cho chí đi xa/ Mừng thọ là phải về nhà, về quê!”.
Xã Phạm Kha có 4 thôn: Đỗ Hạ, Đỗ Thượng, Đạo Phái, Hàn Lâm. Địa bàn này gắn với danh nhân Lý Chí Thắng - người đã phù nhà Đinh, tham gia dẹp loạn 12 sứ quân xưa. Ngài sinh ngày 10 tháng 1 tại chùa Đỗ Thượng (chưa rõ năm nào), sau khi mất, mộ phần được nhân dân đặt tại hậu cung của đình Đỗ Thượng.
Uống nước nhớ nguồn, lại để rạng danh tổ tông, dân Phạm Kha lấy ngày sinh của Ngài làm ngày lễ chúc thọ của làng xã. Các cụ cao tuổi nhất ở khu vực này nói rằng, khi sinh ra đã thấy lễ này rồi.Trước kia người 60 tuổi là có lễ chúc thọ. Gần đây, tăng thêm 10 tuổi, bởi dân Phạm Kha càng ngày càng trẻ khoẻ lâu hơn, 70 mươi tuổi mà phong độ chẳng kém người 50 tuổi ngày xưa. Với lễ chúc thọ ở Phạm Kha, nghi thức ngày càng văn minh, văn hoá, phù hợp với đời sống hiện thực hơn và sự kính ý thì không bao giờ phai nhạt.
Đó là tình cảm và trách nhiệm đối với người cao tuổi trong mối quan hệ họ mạc, cộng đồng; mừng thọ người già cũng là bày tỏ kính ý với tổ tiên, thành Hoàng nên không ai xem nhẹ cả.
Lễ thọ mồng 10 tháng 1 năm Kỷ Sửu 2009 được coi là thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Trước đó, ngày mồng 6, UBND xã kính cẩn mời toàn thể 120 cụ tròn tuổi 70, 80, 90 về trụ sở Uỷ ban để đại diện lãnh đạo xã chúc thọ, biếu đường, sữa. Bậc 90 tuổi được tặng áo dài đỏ và khăn xếp đỏ. Mồng 9 tháng 1, từ sáng, đường làng đã trưng cờ hội, đình chùa phong quang sạch sẽ, lễ đường trang trọng, chính chuẩn.
Các gia đình có cụ tuổi chẵn (70, 80, 90…) thì chuẩn bị cau trầu, trà nước, có nhà làm rạp để tiếp khách. Cả làng tràn ngập không khí hội, vui vẻ hơn cả Tết. Buổi tối các cụ mặc quần áo đẹp, ứng với bậc tuổi (vàng, bạc…), con cháu quây quần tươi tắn; dân làng nườm nượp đến thăm, mừng tuổi. Sáng mồng 10 tháng 1 - chính lễ, ngay từ sớm, văn nhạc đã rộn ràng trên loa truyền thanh. Toàn dân ra đình. Các cụ y chuẩn mẫu mực, tế vái Thành hoàng, “nét” đến từng cử chỉ, đủ chương hồi, tuần tiết mới mãn lễ...
Phạm Kha còn được mệnh danh là đất thọ. “Trẻ” như cụ Vũ Xuân Tìu (70 tuổi), mắt còn tinh, hành nghề cắt tóc không cần dùng kính, 7 cháu nội ngoại, đi cạnh cụ bà (64 tuổi) vẫn “trai tài, gái sắc” chẳng kém thanh xuân. Đại thọ như các cụ: Nguyễn Thị Tỵ (93 tuổi) vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, kể chuyện thủa thiếu thời không hề nhầm lẫn; cụ Nguyễn Văn Bản (91 tuổi) còn tráng kiện lắm, chuyên cầm trịch trống tế trong các lễ hội của làng; cụ Trương Công Nội (90 tuổi) hàm răng vẫn chặt, xem bóng đá, bình luận rất sắc sảo, cụ thường đạp xe đi thăm bạn hữu, con cháu trong làng…
Về Phạm Kha dự lễ chúc thọ để được cảm nhận thêm về một nét văn hoá cộng đồng, âu cũng là du xuân hữu ích.
Phạm Xưởng (Theo nguoicaotuoi.org.vn)
|