Đó là buổi sáng 12-7 tại thủ đô Seoul, Quĩ Hàn - Việt do ông Ly Sang Joon (theo tiếng Việt là Lý Tường Tuấn) sáng lập đã long trọng cử hành lễ khai trương với khẩu hiệu “Chúng ta chia sẻ tất cả, chúng ta cùng nhau tiến lên”.
Ông Lý Tường Tuấn là hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường đời Lý nước ta (người đã đến Hàn Quốc 780 năm trước). Hiện ông Lý Tường Tuấn là chủ tịch Công ty Golden Bridge, một doanh nhân thành đạt, một gương mặt sáng giá trong giới doanh nhân tại Hàn Quốc.
Ông Lý Tường Tuấn đã đọc tuyên bố về sứ mệnh của quĩ, cũng là một tổng kết lịch sử súc tích: “Nằm dọc theo bờ biển phía đông của lục địa châu Á, chúng ta là hai dân tộc sống sót trên con đường duy trì sự sinh tồn riêng của mình. Hàng triệu sinh linh đã mất trong chiến tranh. Chúng ta là hai trong những dân tộc đã đóng góp xuất sắc cho việc minh định những chuẩn mực của tự hào dân tộc, phẩm giá con người và phồn vinh kinh tế trong các dân tộc châu Á. Hai dân tộc chúng ta là hai số phận.

Chùa Boemoesa phía Bắc thành phố Busan, Hàn Quốc
Chúng ta cần hiểu biết lẫn nhau và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và sự thông thái của nhau. Và trên hết, chúng ta chia sẻ số phận và dòng máu của nhau như hoàng tử Lý Long Tường đã khởi đầu 780 năm trước đây. Quĩ Hàn - Việt là một sáng kiến phi chính phủ khiêm tốn nhằm đóng góp vào việc thực hiện mối quan hệ “đối tác toàn diện” mà hai Chính phủ đã khởi động. Quĩ này là sự biểu hiện ước vọng sâu xa nhất của hai dân tộc chúng ta gắn kết thật chặt chẽ với nhau”.
Giáo sư lịch sử Yu Insun, Đại học Quốc gia Seoul, đã nhắc lại chiến công của hoàng tử Lý Long Tường hai lần đánh đuổi quân Nguyên sau khi đến Hàn Quốc năm 1226, đến các mối giao thương của thương nhân VN tại đảo Cheju của Hàn Quốc và thương nhân Hàn Quốc tại Hội An, những ghi chép về các cuộc gặp gỡ giữa Lee Su Kwang và Phùng Khắc Khoan năm 1597 trong biên niên sử VN, những trao đổi giữa Hong Kye Hee và Lê Quý Đôn trong thế kỷ thứ 17 khi Lê Quý Đôn công du phương Bắc được ông ghi lại tỉ mỉ - trong cuốn Bắc sử thông lục, đàm thoại giữa Seo Ho Su và Phan Huy Ích năm 1789 tại Bắc Kinh, về sách của Phan Bội Châu năm 1905 đã được dịch ba lần sang tiếng Hàn và rất được giới học giả Hàn Quốc chú ý.
Trao đổi với tôi sau buổi lễ khai trương, ông Lý Tường Tuấn cho biết dòng họ ông ghi chép tỉ mỉ và đầy đủ họ hàng của 35 đời từ hoàng tử Lý Long Tường đến bây giờ, cho biết trụ sở liên lạc của dòng họ Lý đặt tại trụ sở của công ty ông, đến việc hằng năm tháng ba cả dòng họ đều gặp mặt để tưởng niệm tổ tiên, nay thì bao gồm cả cử đại diện về lễ tại nhà thờ họ Lý ở Bắc Ninh, về ước vọng của ông đóng góp vào phát triển VN, về kế hoạch học tiếng Việt của ông... Ông Tuấn nhấn mạnh dòng máu Việt trong người ông cũng như trong dòng họ Lý ở Hàn Quốc luôn nhắc nhở ông hướng về quê hương VN.
Nếu như tất cả hơn 3 triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài đều gắn bó với đất nước như họ Lý ở Hàn Quốc trong gần 800 năm qua và đều đóng góp cho sự lớn mạnh của nước nhà bằng nhiều hình thức như Quĩ Hàn - Việt này thì đất nước ta có thể phát triển nhanh hơn biết bao nhiêu và dân tộc ta sẽ lớn mạnh lên nhường nào. Tất cả chúng ta hãy góp sức để cho Quĩ Hàn - Việt đem lại những kết quả thiết thực trên hai nước Việt - Hàn và để cho hình mẫu này được nảy nở ở mọi nơi có dòng máu Việt sinh sống trên hành tinh này.
TS LÊ ĐĂNG DOANH gửi từ Seoul (Theo Tuổi trẻ) |