Ngày 12/5/2001, hội thảo “Lịch sử gia phả - các giá trị và ý nghĩa” đã diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc họcViệt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một trong các tham luận đã trình bày tại hội thảo.
Thế giới ngày càng quan tâm đến phả học
Phương Đông có gần ba nghìn năm lịch sử gia phả, châu Âu có gần năm trăm năm (généalogie), môn nghiên cứu về dòng dõi, tổ tiên một người, gần gũi với tộc phả của phương Đông. Trong học đường Á, Âu chưa có môn Phả học. Nhưng nước Mỹ mới lập quốc hơn hai trăm năm nay mà nhiều trường đại học Mỹ đã đặt môn “Gia sử” (Familly History) thành một chuyên khoa.
Trung Quốc là nước có gia phả sớm nhất, khởi nguồn từ thời nhà Chu (TK X - III tr. công nguyên). Nhưng Hàn Quốc mới là nước phát triển nhất thế giới về phả. Chokpo, phả của Hàn Quốc, khá hoàn chỉnh về thể chế và cách ghi chép, đồng thời có mức phổ cập trong cả nước rất cao. Tại Hán Thành (Séoul) có Trung râm Gia phả mang tên “Hồi Tưởng xã” lưu giữ tới 2250 tộc phả, trong số có bộ tộc phả 2 cuốn dày của dòng họ Lý Long Tường ở Hoa Sơn . Lý Long Tường thuộc dòng dõi nhà Lý (Việt Nam), là con thứ của vua Anh Tông Lý Thiên (1136-1175).
Nhưng nơi lưu trữ gia phả lớn nhất thế giới hiện nay là thư viện của một nhà thờ o7 thành phố Salt Lake, bang Utah nước Mỹ. Tại đây đã có hơn một triệu cuốn, dưới dạng microfilm. Mỗi tháng được bổ sung thêm khoảng bốn nghìn cuốn nữa. Có 500 thủ thư chuyên nghiệp cùng hơn 400 người tòng nghiệp không hưởng lương làm việc, bình quân hàng tháng giải đáp trên năm nghìn lượt thư độc giả hỏi các vấn đề liên quan đến phả.
Xu hướng nghiên cứu Gia sử ở nước Mỹ nhằm vẽ ra một bức tranh thu nhỏ của xã hội ở vùng đó, trong thời đó, cùng với quá trình hình thành những biến thiên xã hội theo hướng khoa học xã hội, lịch sử xã hội.
Trên thế giới, hội nghị về tộc phả họp lần đầu ở Barcelona (Tây Ban Nha) năm 1929; lần thứ hai, sau đại chiến thế giời, ở Naples (Italia) năm 1953. Lần thứ ba ở Madrid (thủ đô Tây Ban Nha) năm 1955, cuộc họp này đã có 408 học giả đến từ 31 nước. Và mùa hè năm 1991 Hội nghị Phả học Quốc tế họp ở Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, có học giả của trên 180 nước và khu vực tham gia.
Chắc chắn không phải vô cớ mà nhân loại ngày càng quan tâm đến tộc phả.

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM làm lễ tổng kết cuối năm
Gia phả ở Việt Nam
Ở Việt Nam, gia phả sơ giản, chỉ ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và mồ mả ông cha, có thể đã có từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Chỉ, hay từ thời Lý Nam đế (476-545). Nhưng phải tới thời nhà Lý, nhà Trần (thế kỷ XI-XIII), nhất là sau các chiến thắng lẫy lừng chống ngoại xâm, thanh bình mới có những cuốn tộc phả, thế phả (ghi thế thứ tông tích cả họ), phả ký (ghi cả hành trạng, sự nghiệp tổ tiên). Thoạt đầu chỉ có ở hoàng tộc. Nhà Lý có “Hoàng Triều Ngọc Điệp” (1026, nhà Trần có “Hoàng Tông Ngọc Điệp”, nhà Lê có “Hoàng Lê Ngọc phả”... Rồi đến các danh gia, quan chức . Sau mới phổ biến dần trong nhân dân.
Nhưng trước Cách mạng tháng Tám, 90 % dân ta mù chữ, ngày xưa số người giỏi chữ Nho không nhiều... rồi lại qua chiến tranh, loạn lạc, cải cách... số gia phả ít ỏi đó lại còn bị thất lạc, mất mát.
Tuy nhiên, làm người ai mà không có cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Làm người mà không biết rõ tông tích tổ tiên thì khác nào cây không có gốc, nước chẳng có nguồn. Hướng về cội nguồn, những từ ấy vô cùng thiêng liêng và đầy cảm hứng vang vọng, xuất phát từ đáy lòng, là trào lưu rộng rãi trong nước hiện nay và cả trên toàn thế giới nữa.
Việt Nam ta lại là một nước văn hiến lâu đời. Việt Nam có một tôn giáo bao trùm, đó là đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ những người có công với dân, với nước. Mỗi khi chiến thắng ngoại xâm xong, đất nước thanh bình, dù chưa phú quý, dân ta đã nghĩ đến lễ nghĩa. Hiện nay, trong Nam, ngoài Bắc, không ai bảo ai, không có chỉ thị nghị quyết, mà vẫn tự động nổi lên một phong trào “vấn tổ tầm tông”, viết tiếp tộc phả hay lập mới gia phả tiểu chi.
“Xưa nay ông bà ta luôn luôn cho rằng để giáo dục con cháu, không gì hay hơn dạy lịch sử: lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương, lịch sử gia đình” (1).
Mà chính Gia phả lại là tài liệu cụ thể nhất để giáo dục truyền thống quý báu của dòng họ, gắn liền với truyền thống dân tộc, cho từng gia đình. Truyền thống ấy trở thành gia phong, “phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc truyền thụ những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác” (Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ 8). Truyền thống mà dòng họ nào, gia đình nào cũng có và cần giữ gìn là: Uống nước nhớ nguồn, nhân hậu, thủy chung, thương người như thể thương thân, đoàn kết, tương trợ phường xóm khi tối lửa tắt đèn, hiếu học, lao động, cần cù, sáng tạo v. v...
Gia phả theo các nhà sử học, còn là nguồn bổ sung quan trọng cho chính sử.
Nhân loại ngày nay đang thấm thía vai trò gia đình, tế bào xã hội. Nhiều quốc gia, dù khoa học rất hiện đại, kinh tế rất tiến tiến, đang lo “tế bào gia đình” có nguy cơ bị tan rã. Đấu tranh bảo vệ đạo đức gia đình cũng cần phải có “Tầng tầng lớp lớp”. Không thể chỉ có sự phòng tuyến gia đình, cho dù lúc đầu cứng đến đâu cũng có khi bị tan vỡ do sóng gió, bão táp cuộc đời. Chính gia tộc, từ tiểu chi đến đại tông, cả dòng họ, đó chính là “Tầng tầng lớp lớp” để bảo vệ nền nếp gia phong, truyền thống dòng họ, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc.
Rất nhiều nhà, nhiều họ hiện nay, nhất là các cụ cao tuổi, muốn viết gia phả để truyền lại cho con cháu, mà không biết bấu víu vào đâu, kể cả về cách thức làm lẫn tư liệu cần trao đổi.
Vì vậy , chúng ta rất cần một Trung tâm Phả học Việt Nam để vừa tập trung lưu giữ các gia phả cổ, kim, vừa làm nơi trao đổi thông tin, học thuật về phả học. Có lẽ đặt ngay ở Bảo tàng Dân tộc học cũng có nhiều mặt hợp lý. Cũng cần có chi nhánh ở các tỉnh, thành phố.
PHẠM HỒNG (Theo Xưa & Nay, số 95, tháng 7/2001)
(1) GS Trần Văn Giàu, lời tựa cuốn Thế thứ các triều vua VN của Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, 1998. |