Trong những nhà khoa bảng của các dòng họ, cũng đã có những người tâm huyết, dứng ra đảm đang công việc dựng phả cho chính dòng họ mình, đã để lại cho các thế hệ đời sau những tác phẩm gia phả tiêu biểu như Phương Lan Vũ Phượng Đề với các bộ gia phả họ Vũ làng Mộ Trạch, Hải Dương nay. Ngày nay, chúng ta xung phong đi đầu trong việc dựng phả, và đã được các dòng họ cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, các vị đại diện cho các hội khoa học, trước tiên ngành sử học, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ngành văn hóa, hết sức cổ vũ, góp ý hoặc đã nhờ làm gia phả cho dòng họ mình.
.jpg) |
Nhu cầu dựng phả của các dòng họ là hệ trọng, cấp bách và chính đáng, lôi cuốn chúng ta: Qua thực tế của 100 chi họ chúng ta dựng phả, mới thấy rằng nhu cầu ấp ủ của dòng họ muốn hiểu biết lịch sử của mình là lớn lao, tha thiết, bức bách biết mấy mà chúng ta phải kịp thời đáp ứng. Nhân dân làm chủ là phải biết căn cơ, cội rễ, nguồn gốc của mình. Ngày xưa, với nhiều lý do, họ không làm được, thì nay ta cố gắng thực hiện. Ai cũng có tổ tiên, ông bà, cũng xuất phát từ những tổ quán nhứt định. Lịch sử chúng ta chủ yếu là lịch sử Nam tiến, từ Bắc và Trung vào Nam. Dựng phả để nói rõ với nhau đây là một khối người đoàn kết thống nhứt, có mối quan hệ nội thân ngoại thích với nhau từ lâu đời, nay phải cần đoàn kết, yêu thương, gắn bó cùng nhau mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng và bảo vệ đất nước. Cung cấp cho các thành viên trong họ những sự kiện, hành trạng tốt đẹp mà họ có, góp phần un đúc lòng tự hào, tính ưu việt mà dòng họ nào cũng có. Mỗi dòng họ thủ đắc được quyển phả của dòng họ mình, được dựng nghiêm túc, toàn diện, phong phú, thì đất nước sẽ có được bộ sử với nội dung kết tụ tính “nhân dân” hoàn hảo hơn lên!
Các dòng họ Nam bộ ít có gia phả do hoàn cảnh tha phương, do cuộc sống vật chất đòi hỏi mạnh hơn, do có khi phải dấu kín tông tích, hơn nữa muốn viết gia phả thì phải có một vốn chữ nhứt định. Ngày nay, ta có đủ những điều kiện cho phép thực hiện thì không còn gì để chần chừ.… Thực tế của hiện tại và tương lai môn gia phả là thật sự hấp dẫn chúng ta!
Từ kết cấu, bố cục, cấu trúc hợp lý của tác phẩm gia phả, từ cách đi thực tế, tiếp cận với những người trong họ thận trong, có bài bản, từ cách chấp bút, thực hiện bộ gia phả… là những yếu tố cụ thể để nói lên chất lượng của bộ gia phả. Các chuyên viên - từ các ngành khác nhau, tập hợp lại thành một trung tâm - Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh - và từ đây tỏa ra với nhiều “trung tâm” ở khắp Bắc - Trung - Nam cùng làm gia phả.
Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng ở Long An, Hà Nội, Đà Nẳng… những người có khả năng chuyên về gia phả, có thể tư vấn những vấn đề về dòng họ và dựng gia phả cho từng chi họ. Chúng ta xin chúc cho nhóm ông Nguyễn Phấn Đáu, nhà báo, nhà gia phả mới là người đại diện của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh ở Long An, sẽ khởi động công việc làm phả, sẽ tiếp cận càng nhiều những người làm phả và sẽ thắng lợi trong công việc mới của mình khi mà chúng tôi luôn đứng bên cạnh.
Sự nghiệp dựng phả cho dòng họ là cách viết lịch sử cho dòng họ đó theo phương pháp gia phả học. Bài phả ký mô tả dòng họ toàn diện, tỉ mỉ, từ vị khởi thủy, đến từng đời, các tập họp tên tuổi, đời trong chuỗi dài dòng họ về tư tưởng, hành vi của họ như thế nào, đối với dòng họ và xã hội sẽ được phản ánh đầy đủ. Đây mới thật sự là sử của người dân, đây mới thật sự cần đến các quan điểm khoa học - lịch sử. Nêu tổ quán là nơi phát tích dòng họ, một loại địa chí thôn ấp, bậc hành chánh nhỏ nhất; nêu những ưu đểm nổi bật của dòng họ trong các quá trình phát triển đi tới, với quan điểm “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng”, từ đó đề ra tính chất ưu việt của mỗi dòng họ Việt Nam, đây là bản sắc dân tộc, những giá trị bền vững, những tinh hoa của dân tộc, của dòng họ, trải qua hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đó là tình yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường dân tộc; tinhn thần đoàn kết, ý thức công đồng gắn kết cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh té trong ứng xử. Bản sắc còn thể hiện đậm nét trong các hình thức biểu hiện độc đáo của nó. Và cuối cùng, nêu phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa, góp phần của môn gia phả vào công cuộc xây dựng gia đình - dòng họ văn hóa của ta hiện nay. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả chúng tôi thực hiện chế độ: nghiên cứu thực tiễn, từ sách vở và từ những nhà am hiểu để tích lũy cho hành động.
Phả hệ là một loại liệt kê, tập hợp có hệ thống tất cả những thành viên của một họ, đã quá vãng và còn sống - mà chúng tôi gọi là “kỷ sự”, với cả tên họ, lai lịch, hành trạng từng người. Đây là môn tiểu sử học áp dụng trong gia phả học. Hiện nay, chúng tôi đề xuất: trong phần phả hệ, có thêm bảng liệt kê danh mục quan hệ hôn nhơn, cưới hỏi của dòng họ, bởi hôn nhơn là một trong các qui luật cơ bản của việc phát triển dòng họ, liệt kê danh sách học vị trong họ…
Phả ký là phần khó thực hiện nhứt. Để đi tới hoàn hảo, đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật mà bao quát lên trên là cái tình của người đi làm phả, và nó đã hình thành một nghệ thuật dựng phả; dựng phả là một việc làm thiêng liêng!
Trong quyển gia phả có hai phần nữa là ngoại phả và phụ khảo. Đây là hai phần để ghi lại những điều mà các phần trên chưa ghi hết, chủ yếu, với ngoại phả thì ghi về nhà thờ tổ, việc cúng bái, văn khấn, khu mộ dòng họ, tiểu sử của vài nhân vật nổi trội trong họ…. Phụ khảo, nêu địa chí ấp, nêu đình làng, chợ, bến sông… Các phần này là dịp cho phép ta nêu văn hóa dân gian ở thôn ấp, khám phá ra các tay nghề truyền thống, những bài ca, điệu hát cổ xưa.
Chưa đi chưa có con đường. Đã thành đường rồi phải làm cho nó thông thoáng, thấu suốt, ai cũng có thể hiểu, thực hiện được.
Từ tổ chức, tổ chức và tổ chức để tạo ra tất cả. Trước hết là một đội ngũ cùng tâm huyết, cùng mục tiêu, ý chí để thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ. “Dựng gia phả cho các dòng họ và góp phần phục hồi ngành gia phả, xây dựng gia đình - dòng họ văn hóa Việt Nam”, mục tiêu đó là đúng đắn, thích hợp. Hai mươi lăm người từ các vị trí khác nhau, tham gia Trung tâm. Giờ đây và từ đây bắt đầu nhân ra khắp nơi, có thể đến một lúc nào đó, cả nước có hằng chục “Trung tâm gia phả”, và từ các chi họ có người biết dựng bộ gia phả cho dòng họ mình. Riêng Trung tâm thì tập trung vào hai cách làm chủ yếu: nghiên cứu và thực hành (gia phả), nghiên cứu dẫn đường cho thực hành và ngược lại quá trình thực hành sẽ rút ra các kinh nghiệm, bổ sung cho nghiên cứu. Do đó, chúng ta quan tâm đến công việc đầu tiên của mình là tạo mối quan hệ gắn bó, tìm hiểu sâu sát về dòng họ, tiếp cận cho được những người hiểu biết trong họ, có khi là những bà mẹ, ghi nhận các ký ức về dòng họ, nắm đặc điểm tình hình xã ấp xưa và nay thật thấu đáo, kỹ lưỡng. Cái tâm và trí phải trong sáng, phải khách quan và khoa học, không nói sai sự thật, hoặc là chưa nói. Đây cũng là phương châm cơ bản của những người làm khoa học. Tìm hiểu một dòng họ lâu đời, qui mô lớn, nhiều nhân vật và sự việc tác động trong lịch sử, không phải là chuyện dễ. Ta phải có vốn sống, có kiến thức và phải kiên trì, nhẫn nại, đeo bám, cho đến khi chín muồi mới chấp bút. Trong khi làm gia phả, có hai trường hợp xảy ra: đi điền dã tới nơi trực tiếp khảo sát rồi viết, thứ hai, ngồi tại chỗ, chỉ thông qua mgười trong họ, để viết. Cả hai đều có cách làm của nó, nhưng việc không đi tới nơi là việc cực chẳng đã! Cách lãnh đạo, hướng dẫn Trung tâm là phải xác định mục tiêu phương hướng đúng (như đã nêu trên), phải hình thành lối làm việc theo nhóm, tiến hành triển khai ăn ý, người cũ hướng dẫn người mới, rút kinh nghiệm từng bước, từng vụ, phải chăm sóc về việc bồi dưỡng và phải công khai, trong sáng, một lời.
Ta có người đại diên ở Long An, Hà Nội, Đà Nẵng và một số nơi. Hy vọng rằng các nơi đó, những người đó cũng sẽ là những nhân tố tich cực trong suy nghĩ và hành động, cũng nhiệt tình và tự nguyện cống hiến cho sự nghiệp gia phả, song báo hiệu một tương lai đầy triển vọng, ở đất nước chúng ta. Ta lập lại câu nói: chưa đi chưa có con đường… Tương lai của ngành gia phả sẽ là màu hồng, các dòng họ đã kết tập thành Ban liên lạc và hướng về chúng ta. Họ đã và đang cậy nhờ chúng ta.
VÕ NGỌC AN (26-9-2009)
|