Hiện nay, trên đất nước ta tồn tại chủ yếu là các nhóm họ tộc ta gọi chi họ. Thí dụ họ Vũ/Võ, chi họ Phan, chi họ Bùi... thường bảy, tám đời ở trong Nam, mười bảy, mười tám đời ở miền Trung, hai mươi ba, hai mươi bốn đời ở miền Bắc. Hai mươi bốn đời là gia phả gồm nhiều đời nhầt mà chúng tôi biết, như gia phả vị thủy tổ là Vũ Hồn, tiếp nối mười một đời, sau thì bị mất không còn ghi chép được tên người nào. Như hiện nay, chi họ Võ của Võ Văn Tần ở Đức Hòa chưa tìm thấy mối liên hệ gì với chi họ Võ của Võ Văn Nhâm ở Bà Giả xã Phước Vĩnh An, Củ Chi hay với các chi họ Võ khác ở khắp nơi từ Trung, Bắc.
Lý do duy nhất là từ xưa, ít ai dựng gia phả hoàn chỉnh từ đầu cho dòng họ mình. Lịch sử gia phả của mỗi dòng họ không được ghi chép lại từ đầu, thì việc đứt đoạn, phân tán họ tộc tất yếu xảy ra. Bây giờ, đặt vấn đề ghi chép lại lịch sử (tức gia phả) toàn họ tộc, là một việc làm vô vọng ! Song ta cứ để ngỏ, và cố truy tìm may ra trong một cơ hội nào đó ta có thể tìm được. Thí dụ tìm được mười một đời của họ Vũ/Võ đã mất ở Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương, thì việc kết nối toàn họ tộc mới gọi đã hoàn tất.
Sự kết nối hay sự nhận họ là trường hợp đang diễn ra. Mỗi họ phát sinh từ một vị thủy tổ. Họ Nguyễn, vị thủy tổ là Nguyễn Bặc, họ Vũ/Võ có người ghi là Vũ Hồn, họ Phan ghi là Phan Tây Nhạc, họ Hồ là Hồ Hưng Dật v.v... Ta tạm chấp nhận như thế.
Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM trao gia phả tại Thủ Thừa, Long An
Hiện nay, ta đang bắt đầu dựng phả cho các chi họ trước, đây là khả năng có thực. Cứ có vị tổ đời 1 và tổ quán là đủ để bắt tay vào công việc dựng phả. Bắt đầu từ đây nối tiếp các đời con cháu để tạo ra một bộ gia phả cho chi họ.
Vậy phải có vị tổ sinh ra vị tổ đời 1 này ? Đây là điều tất định, song vị này tên gì, ở cố quán nào, là câu hỏi của mỗi dòng họ và của những chuyên viên dựng phả. Ở những bộ gia phả Nam bộ, thường có câu giải đáp: “ở miền ngoài vào”, tức ở Trung xa hơn ở Bắc.
Có các dòng họ còn giữ gia phả cổ bằng Hán – Nôm. Việc truy tìm diễn ra, trong đó có việc nhận họ. Nhận họ là một thuật ngữ mới do Trung tâm gia phả định ra để chỉ việc hai, ba, bốn chi họ có mối quan hệ thân tộc, tức cùng một ông tổ (cùng họ), nhận là bà con với nhau. Đây là một việc đã diễn ra, chúng tôi chứng kiến, thiêng liêng và rất xúc động.
Sự việc nêu trên, trường hợp họ cùng cố quán và họ cùng thiên cư, vốn trước kia cùng một ông tổ sinh ra. Trong quá trình Nam tiến, họ thiên cư đi vào Nam chẳng hạn, lại để lại các chứng cứ, để có thể nhận họ được, thì Trung tâm gia phả sẽ hướng dẫn cách thức để nhận họ.
Cách thức nhận họ : Họ thiên cư phải có thông tin hoặc có gia phả cổ là tốt nhất. Thông tin cho biết :
- Ông tổ đời 1 (của chi họ thiên cư) trước kia ở thôn nào, thuộc huyện tổng và tỉnh nào ở đàng ngoài ? Trung tâm gia phả sẽ cho biết hiện nay địa danh đó thuộc ấp (thôn), xã, huyện nào.
- Tiếp cận ấp (thôn) của họ cố quán, tìm các tên, hoặc một số nhiều hơn các tên trong gia phả cổ đã ghi, chôn ở nghĩa trang nào và tìm ngay con cháu hậu duệ của các vị đang sống tại thôn ấp, hỏi thêm trong họ này vào những năm …. đã có người vô Nam – nếu họ nhận là có. Hai nơi, một là nơi họ thiên cư, hai là nơi họ cố quán, với những chứng cứ ăn khớp, ta xác định họ là thân tộc.
Trường hợp vào Nam anh em đã ly tán, thất lạc, song việc nhận họ lại đơn giản hơn. Như họ Võ ở xóm Bà Giả, thuộc ấp 1 xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, có một ông tổ là Võ Văn Sót, em ruột ông tổ Võ Văn Hay, sinh năm 1784 vào khoảng năm 18 …. đã thiên cư lên Bàu Trâu – Tân Mỹ, nay là ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Số người ở Bà Giả đi tìm nhiều lần, sau cùng gặp người cho biết là con cháu hậu duệ cụ Võ Văn Sót. Khi ra thăm mộ thì thấy mộ bia ghi đúng là Võ Văn Sót. Ở đây có câu di ngôn “Sống Lê chết Võ”, có nghĩa khi sống thì toàn họ con cháu lấy họ Lê, khi chết thì lấy lại họ Võ như ở tổ quán Bà Giả. Thế là hai chi họ nhận họ nhau và nay đã quan hệ, sum họp nhau hoàn toàn. Trong gia phả họ Võ ở Bà Giả lại có các câu thơ: “Ông sơ thuở trước ở Thuận An. Trịnh – Nguyễn phân tranh khắp phủ làng…”, sau nghiên cứu lại biết thêm ở hai bên Bắc và Nam cửa biển Thuận An - Huế, là hai thôn Phước An và Tân Mỹ mà trong Nam, ở hai xã họ Võ đang sống, xưa là Phước An nay đổi lại là Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Năm 2004, ông Võ Ngọc An là cháu đời 6, đã đi về Thuận An để tìm song chưa có kết quả.
Trường hợp trong “Trương gia từ đường thế phả toàn tập”, tức gia phả họ Trương của Trương Minh Giảng, ở Gò Vấp, ghi: “Ông nguyên tổ Trương Đạt, tự Văn Phòng nguyên quán tỉnh Quảng Bình, phủ Quảng Ninh, huyện Khang Lộc (nay là Phong Lộc), tổng Hoành Phổ, xã Trường Dục thiên cư vào Bình Định, phủ Quy Nhơn (nay là An Nhơn), huyên Tuy Viễn, tổng Thời Hòa (nay là Mỹ Thuận), thôn Nhơn Thuận (xưa là An Mỹ), ông thủy tổ “tên là Đuốc, tự Văn Đốc, là con trai thứ ba ông nguyên tổ, tổ quán ở tỉnh Bình Định, thôn Nhơn Thuận”. Với nhân vật và địa danh thôn, huyện, tỉnh nêu trên, con cháu có thể truy tìm nguyên gốc tổ tiên mình.
Trường hợp gia phả họ Trương ở xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trong khi sưu tầm, Trung tâm Gia Phả có một bộ gia phả gốc chữ Hán – Nôm ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh, phối hợp các yếu tố điền dã, chúng tôi thấy gia phả cổ có ghi :
(a) Có một người đi vào Gia Định
(b) Nguyên quán cũng có tên là thôn (xã) Đức Hòa
(c) Cách nay ba hay bốn đời, môt bà cụ họ Trương nay còn sống ở Đức Lập nói: “Có một ông họ Trương bà con ở xứ Nghệ vào sống ở nhà ông nội tôi”, cọng với những điều xác tính của dòng họ hai nơi công nhận nhau, từ đây, ta thấy: họ Trương ở Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có thể có nguyên quán và viễn tổ từ xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh.
Trường hợp một bộ gia phả cổ họ Nguyễn (của Nguyễn Chơn Trung) ở xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An ghi tên tuổi của các vị tiên tổ, cách nay 16 đời, ở Bàu Lai (Bàu Lầy, Bàu Lai …), phủ Tư Nghĩa xưa, nay là tỉnh Quảng Ngải. “Bàu Lai” hay “Bàu Lầy”, chữ Nôm, nay là ở thôn, xã, phường nào, con đang truy tìm.
Trở lại nguyên tắc cơ bản để có thể dựng được phả là phải nắm rõ tổ đời 1, (thủy tổ) và tổ quán. Việc lập tổng gia phả một họ, cũng xuất phát từ nguyên tắc cơ bản đó. Các chi họ đang tồn tại, việc truy tìm người tiên tổ bên trên cũng phải nắm rõ tên họ và tổ quán, cố quán đương sự. Vì vậy, các chi họ Việt Nam, khi chưa có phả, việc đầu tiên là hãy dựng phả cho chính chi họ mình.
Các chi họ đang qui tụ trong các Ban liên lạc toàn họ tộc Việt Nam có các nhiệm vụ lớn, cơ bản là đoàn kết họ tộc, tương trợ, giúp đở nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó cần sớm hướng dẫn cho bà con dựng gia phả cho mỗi chi họ. Mỗi chi có gia phả, có khả năng truy lên để tìm các vị viển tổ và nối kết dần với nhau. Lúc ấy, thế, chi trưởng, chi thứ cũng được xác định, cách xưng hô mới đúng. Hiện nay, họp Ban liên lạc các chi hay gặp nhìn nhau vội vàng nhận họ, là nghĩa cử đang diễn ra, lớn tuổi gọi là “anh”, nhỏ tuổi gọi là “em”, song khi thưa cho đúng thứ bậc thì không biết phải thốt lên “anh, chú, bác” thế nào cho phải ...
Như đã trình bày trên, việc dựng phả cho toàn tộc là việc làm có thể thực hiện được, nhưng đòi hỏi phải có thời gian và phải kiên trì.
VÕ NGỌC AN, ngày 28.11.09
|