I. Mục đích của việc đi điền dã là gì ?
Trong phạm vi gia phả, đi điền dã có nghĩa đơn giản là đi nắm thông tin về bà con, dòng họ của một họ tộc nào đó mà ta đang thực hành gia phả, nghĩa là ta phải quan hệ từng gia đình để lấy lý lịch từng người, quá trình sinh hoạt của người đó từ thời thơ ấu cho tới lúc trưởng thành, mối liên hệ giữa người đó với bà con xung quanh, thành tích hoạt động của cuộc đời họ.
Vậy, làm phả ký hay phả hệ đều cần phải đi điền dã. Đó là khâu quyết định cho việc hình thành bộ gia phả.
II. Vài kinh nghiệm khi làm phả hệ
1/. Dùng tờ rơi theo mẫu mà bạn bè tôi thường nói là làm theo "Phom" (tiếng Anh gọi là "Form")
Tất cả các bạn khi mới vào nghề thực hành gia phả đều có ý kiến sao không thực hiện tờ mẫu này? Xin thưa: làm theo cách này hiệu quả chưa cao. Không phải mẫu của chúng ta chưa tốt mà do tờ mẫu chỉ giúp chúng ta nắm đúng tên, năm sinh, còn mọi cái theo yêu cầu thì thiếu hết. Chúng ta cần hành trạng chi tiết hơn để phần phả hệ thể hiện được cuộc đời con người. Nếu chúng tôi đã làm nhiều bộ gia phả theo cách này nhưng rốt lại phải trực tiếp đi gặp họ hàng để nắm thông tin thôi.
2/. Trực tiếp đi nắm thông tin
- Người làm gia phả phải đi từng gia đình để phỏng vấn, nếu trong họ có người nhà đưa chúng ta đi đến bà con, giới thiệu với bà con trước thì chuyện ghi chép rất nhẹ nhàng. Nhưng thường gia đình chỉ đưa chúng ta đến một số nhân vật lão thành hay quan trọng nào trong họ thôi, còn thì ta phải tự từ nhà này đến nhà kia trong họ để phỏng vấn.
- Nếu không có người đưa đi giới thiệu thì :
+ Chúng ta phải dài dòng giải thích về lợi ích của gia phả,
+ Nên có một quyển gia phả làm mẫu cho người ta xem, để người ta có thể hình dung ra được là mai mốt họ cũng sẽ có một quyển sách gia phả tương tự để họ tin tưởng ta mà cung cấp thông tin.
Trong quá trình đi điền dã, thỉnh thoảng chúng ta cũng gặp trường hợp người trong họ không muốn làm gia phả hoặc nghi ngờ chúng ta, muốn điều tra họ làm điều gì thì họ phản ứng lại, hoặc không cho ghi hoặc đuổi khéo … thì phải kiên trì giải thích hay nhờ người đứng ra xây dựng gia phả giải quyết.
Đi điền dã cùng bà con dòng họ Ngô (Thủ Thừa, Long An)
Tôi xin điển hình :
Được bà con họ Nguyễn cho địa chỉ, cô Lương và tôi, đến nhà ông Nguyễn Văn Nô, năm nay cũng trên 70 tuổi, để làm quyển gia phả họ Nguyễn ở Mỹ Ngãi (tỉnh Đồng Tháp). Chúng tôi phải tự giới thiệu, rồi giải thích đủ thứ chuyện về gia phả (hôm đó trời mưa nên chúng tôi không đem theo tập gia phả nào hết). Họ là nông dân, chân chất thật thà, nên sau một hồi nghe chúng tôi hỏi chuyện "y như điều tra lý lịch" họ ngưng ngay, không khai báo nữa và yêu cầu cho gặp người đã nhờ chúng tôi làm gia phả này. Con trai của ông Nô tên Phú còn đem máy ảnh ra chụp hình chúng tôi nữa ... Thật là một "tai nạn nghề nghiệp" mà có lẽ trong Trung tâm không ít người gặp phải. Nhưng sau khi hiểu ra thì họ rất áy náy và còn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi tìm đến những bà con khác, một trở ngại là nhà người này cách xa nhà người kia, nên sau khi phỏng vấn xong hộ này chúng tôi phải tự đi tìm địa chỉ của một hộ khác chứ họ cũng không thể đưa mình đi giới thiệu được.
Vậy, kinh nghiệm cho chúng ta thấy, có người nhà đưa chúng ta đi giới thiệu trước thì thuận lợi vô cùng... Hoặc có tập gia phả làm mẫu thì hay quá, vì họ thấy rằng chúng ta là "người thật, làm việc thật".
III. Xử lý thông tin :
Khi đi lấy thông tin để làm phả hệ ta nên nắm cho hết những điều cần biết về người đó (họ, tên, tên riêng, ngày sinh , ngày mất, giỗ, mộ, quê quán, học lực, công việc, nơi làm việc, thói quen, địa chỉ cư trú ...), giúp cho con cháu các thế hệ sau biết rõ tổ tiên mình. Nó có thể giúp cho phần viết phả ký, ngoại phả... thuận lợi hơn. Sau khi có đầy đủ thông tin ta phải xử lý.
Muốn nói tốt cho dòng họ mình hay giấu cái xấu (vợ 1, vợ 2, - muốn bỏ bớt) hay có những thông tin ta phải xem lại bối cảnh lịch sử.
III. Kết luận :
Làm phả hệ là việc làm rất quan trọng, phải thực hành thật khoa học. Việc thu thập thông tin phải thật khéo léo, phải xem xét những mâu thuẫn trong thông tin một cách nhẹ nhàng – phỏng vấn phải đầy đủ về hoạt động tóm tắt của một con người song không đi phải điều tra “khai thác” làm cho người ta sợ mà phải giải thích để họ thấy cần thiết để lại cho con cháu thế hệ sau hiểu biết về mình.
Nếu làm thật tốt khâu này thì phần phả ký, ngoại phả sẽ đầy đủ hơn – chất lượng bộ gia phả sẽ được nâng lên.
Trần Kim Xuyến
TP.HCM, ngày 6.11.2009 |