Mỗi lần đi làm gia phả chúng tôi rất thích thú. Bên A (bên hợp đđồng) lo xe cộ, ăn, ngủ, nghỉ cho phái đoàn đi khoảng 2,3 ngày hoặc nhiều hơn (nếu đi xa). Đi gần thì mỗi người một chiếc honda (như đi Củ Chi, Long An...). Đoàn có từ 3, 4 người trong một tổ.
Tôi kể lại một lần đi xa:
Tổ chúng tôi gồm 4 thành viên: anh Nguyễn Thanh Bền, cô Bùi Thị Thái Lương và hai vợ chồng tôi là Đặng Công Dõng và Trần Kim Xuyến về tỉnh Đồng Tháp thực hiện gia phả ở xã Mỹ Ngãi TP.Cao Lãnh.
Sáng sớm chúng tôi phải tập trung ở nhà anh Bền (tổ trưởng) đúng 5 giờ sáng. Bên A cho xe chở chúng tôi về Cao Lãnh.
Đến nơi chúng tôi chia lực lượng, mỗi người một việc như đã phân công. Riêng tôi và cô Bùi Thị Thái Lương đi chung vì cô là lính mới. Người nhà cấp một Honda, cô Lương chở tôi. Một đại diện gia đình đưa chúng tôi đi giới thiệu với đối tượng mà chúng tôi phải phỏng vấn. Xong người nhà ra về, đâu theo chúng tôi suốt ngày được. Chúng tôi phỏng vấn hộ nầy xong phải hỏi địa chỉ hộ kế tiếp, cứ như thế mà làm, từ sáng tới chiều. Nếu nhà gần thì trưa chúng tôi về ăn cơm, nếu xa thì tùy cơ ứng biến (có khi gia chủ mời cơm chúng tôi đâu thể từ chối).
Thế là hai chị em hỏi lần, hỏi mò và tự đi trên những con đường ở nhà quê chưa được bêtông hóa, và rất giống nhau, có lúc đi lạc. Cầu thì khỏi nói, hết cây nọ đến cây kia. Phần lớn là cầu ván, không có lan can, quá tuổi sử dụng. May là cô Lương chạy xe rất giỏi.
Gặp những hộ có người ở nhà (vì không hẹn trước nên họ ra ruộng, đi buôn bán ở chợ chưa về...). Có người không nhớ gì cả, thậm chí tên con dâu, rể, hoặc cháu nội ngoại. May là đang ở chung một nhà, còn ở riêng thì không nhớ là chuyện bình thường. Rồi năm sanh, ngày mất, ngày giỗ, mộ... không nhớ. Mộ bia thì không có, hoặc có thì bị xóa (họ quét vôi lấp hết chữ, chúng tôi có cạo ra cũng khó thấy hết). Mình là người ngoài cuộc mà cũng thấy đau lòng! Gặp trường hợp vậy chúng tôi phải đi hỏi người khác khai giùm (dĩ nhiên là không chính xác 100% nhưng có còn hơn không).
Phần lớn dân quê ít học, những thành tích của ông bà họ, hay chú bác tuy rất lớn nhưng họ không biết khai báo. Có những gia đình bất mãn vì họ cho rằng công trạng họ như thế mà Nhà nước không quan tâm. Chúng tôi phải một phen làm công tác tư tưởng cho họ, hướng dẫn họ khai báo lại cho chính quyền để kịp cho họ hưởng chế độ. Gặp một gia đình nọ, khi chúng tôi tới hỏi thông tin, họ phản đối dữ dội, họ cho là họ đã bị xí gạt nhiều lần khi có người tới nắm thông tin để làm thủ tục cấp chế độ. Thậm chí anh con trai, đã lớn khôn, hầm hầm cầm máy ảnh chụp hình chúng tôi. Tôi còn cười bảo: "cháu có cần cô cười để cháu chụp ảnh cho đẹp không?". Nhưng một lát sau , khi biết chúng tôi đến đây với thiện chí cháu ấy bẽn lẽn lánh mặt, không dám nói câu xin lỗi. Tôi giận quá nói như quát: "cháu phải xin lỗi chúng tôi".
Vượt sông trong một chuyến điền dã
Lần sau có dịp ghé lại nhà ấy, gia đình đổi thái độ, rất ân cần, vui vẻ...
Lần nọ tới Chợ Thống Linh (thuộc xã Phương Trà, Cao Lãnh) để gặp bà con họ Nguyễn. Hai đại gia đình ở đây rất tốt, ông, bà, con, cháu tề tựu đầy đủ sẵn sàng tư thế. Khi chúng tôi cần hỏi tới người nào là tiểu gia đình đó quây quần lại, người nầy bổ sung ý kiến cho người kia; do đo, chúng tôi lấy thông tin rất nhanh, đầy đủ và chính xác. Các hộ đó sống liền kề nhau thành một tập thể lớn mạnh mà chúng ta ít thấy nơi nào có được ở thôn quê. Thường hai nhà cách nhau ít nhứt là cái hàng rào. Chúng tôi được mời cơm, mời nước, ăn trái cây... và nghỉ trưa ở đó.
Trên đường về, chúng tôi gặp một chuyện rất thú vị. Só là khi ra khỏi nhà thì trời đổ cơn mưa tầm tả. Chúng tôi ráng chạy tới Chợ Thống Linh tránh mưa. Tình cờ đứng trước hàng hiên của một tiệm vàng... Mưa càng ngày càng lớn, ướt cả quần áo. Chúng tôi đang lúng túng chưa biết tính sao, thì cô chủ cửa hàng vội đẩy rộng cửa và mời chúng tôi vô nhà trú mưa. Vàng đầy ấp trong tủ kiếng, cô chủ thì ngồi xây mặt vô trong xem tivi không một chút cảnh giác. Ở TP đâu được vậy, mình đứng lớ ngớ trước cửa là họ đã mời mình đi chỗ khác rồi (nếu không nói là xua đi). Chúng tôi ngồi đó hơn nửa giờ, mưa còn đang như trút nưpớc, ấy mà có người tới mua vàng.
Tạnh mưa, chúng tôi ra về. Lúc đi đã quan sát kỹ đường đi nước bước, vậy mà khi về chúng tôi đi lạc đường. Mà cũng chưa biết mình lạc đường mới lạ. Đường nào cũng giống đường nào. Nhưng càng đi càng biết mình không có lối ra, đành thẳng đường mà đi thôi. Cô Lương phóng xe qua mấy cây cầu ván ọp ẹp trơn trợt làm tim tôi muốn ngừng đập. Ai dè cô ấy cũng run! (cầu ván gì mà liên miên, hết cái nầy tới cái khác, không có lan can, đường trơn sau cơn mưa rất nguy hiểm và gồ ghề, ổ gà, ổ voi). Không dám ngừng lại vì trời càng ngày càng tối. Thật là một bữa hết hồn. Mỹ Ngãi đúng là miền sông nước.
Bận đi chúng tôi được chồng cô Nguyễn Thị Thu dẫn đường. Bữa trước khi lần tìm tới nhà cô Thu ở ấp 3, xã Mỹ Ngãi, hỏi han xong thì trời gần tối, ở lại dùng cơm với gia đình (nơi đây họ rất hiếu khách, không thể từ chối) thì trời tối hẵn. Lên xe mới phát hiện đèn hư. Giữa vùng sông nước như vậy làm gì có chổ sửa chữa? May bữa đó có con cô ấy vừa về, đem xe đi sửa, chúng tôi mới có thể về nhà. Vì thuộc vùng không phủ sóng, hai bên đều không liên lạc được bằng điện thoại di động, nên ở nhà cho người đi tìm và gặp chúng tôi trên đường về. Và hẹn chồng cô Thu dẫn đường qua Thống Linh vào ngày hôm sau.
Thuận lợi hơn khi chúng tôi ra liên hệ công tác ở TP. Cao Lãnh: ông Bùi Hữu Phương, con rể của ông Nguyễn Văn Phối, đưa chúng tôi đến Bảo Tàng, đến Nghĩa trang Liệt sĩ, quan hệ với cán bộ cơ quan đều suông sẻ. Ông Nguyễn Văn Phối nguyên là Bí thư tỉnh Đồng Tháp, ai mà không biết. Do vậy chúng tôi chụp được những hình ảnh như mong muốn.
Về nhà khách, họ tiếp đãi chu đáo, ân cần, thân thiện như người thân. Chỉ có anh Bền ngủ lại ở đó, chúng tôi ra chợ ở nhà người quen.
Tôi kể lại một lần đi gần:
Tổ gia phả của chúng tôi có 3 người: anh Nguyễn Hữu Trịnh và hai vợ chồng tôi làm gia phả họ Ngô ở Thủ Thừa, Long An. Gia phả lần nầy của một dòng họ nông dân, một họ lớn ở Long An. Gia phả gần 400 trang.
Vì đi công tác gần nên bên A không cho xe đưa rước mà chúng tôi phải tự túc phương tiện đi lại.
Lần đầu tiên chúng tôi đi 4 người trên hai chiếc Honda: anh Ngô An Hạ-đại diện bên B, dẫn đường, ông Võ Văn Sổ đi nắm qui mô dòng họ, anh Nguyễn Hữu Trịnh và tôi.
Có lẽ anh Hạ liên lạc trước, cho nên khi chúng tôi đến nơi thì đã thấy đủ mặt những bậc lão thành tập hợp lại nhà ông Ngô Văn Mão - ông nội của anh Hạ. Sau một hồi trao đổi, bàn bạc, chúng tôi xác định được ông tổ họ Ngô. Mỗi bô lão chịu trách nhiệm một đầu mối. Chúng tôi làm việc với từng bô lão và tìm được qui mô dòng họ một cách nhanh chóng ngay trong buổi sáng đó.
Ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một vùng quê nhà cửa thưa thớt, bà con có nhiều ruộng, đất, nên muốn liên hệ phải đi rất xa, thậm chí có người ở tận Cù Lao. Sông rạch ít hơn ở Cao Lãnh, đường đê thì hẹp, mặc dù đã lót đan nhưng chỉ một người đi, qua mặt thì phải xuống ruộng hoặc xuống mương.
Nhớ nhứt là lần nọ, theo chân anh Ngô Văn Vũ (cha của anh Ngô An Hạ) chúng tôi đi vào nhà của một người trong họ. Đường đê tuy đã lót đan sạch sẽ, nhưng ngoằn ngoèo, lại rất hẹp (bề rộng khoảng 4 tấc). Họ đi quen rồi nhưng còn mình đi mới khó khăn. Anh Vũ đi trước rất xa, Dõng chạy xe một mình, tôi đâu dám ngồi xe cho anh Dõng chở, đành chạy bộ lọt thọt theo sau cho kịp. Cẩn thận thế mà "vèo" một cái, anh Dõng đã bay xuống ruộng. Xe đè lên chân không sao cựa quậy, đau quá anh ấy cũng quên la làng. Tôi vội chạy tới đỡ phụ, không được, nhìn quanh cũng chẳng thấy ai. Tôi vừa chạy vừa la làng cầu cứu, mà mãi mới thấy bóng người chạy tới. Tưởng sao, bận về cũng lại lọt chỗ đó, nhưng lần nầy lọt qua phía mương; may là có hàng cây cản lại, nếu không có cây chắc anh ấy đã tắm! Cũng lại mấy em ban nảy như chờ sẵn để cứu ảnh. Họ bảo mấy người lạ đi tới đó là trợt té. Có nhiều con đường, đan lót rộng hơn, đi dễ hơn.
Mồ mả thì chôn ở ruộng, đất sâu, nước nhiều, ngập tới gối, mấy ông phải cởi quần Tây ra, lội xuống nước mới chụp hình được. Nhưng cái đáng nói là họ Ngô rất quí trọng ông bà, mồ mả được họ chăm sóc kỹ lưỡng, sạch sẽ, có mộ bia đầy đủ và hầu hết là mộ đá. Họ hàng giàu có, con cháu hiếu thảo mới được như vậy. Là một dòng họ thuộc thành phần nông dân, ở vùng quê hẻo lánh nhưng họ không quê chút nào. Lòng hiếu khách luôn luôn thể hiện. Tới nhà ai làm việc chúng tôi đều được mời cơm.
Phải nói, anh Vũ rất nhiệt tình, cởi mở. Suốt thời gian làm gia phả, anh ấy đều thu xếp việc nhà để theo chân chúng tôi trên từng cây số. Chúng tôi không gặp những trường hợp phản đối hay gây khó khăn. Gặp những nhà quá xa, đi lại bất tiện, như ở cù lao, anh đều sốt sắng lấy thông tin giùm chúng tôi. Sau thời gian theo chân chúng tôi, anh Vũ đã trở thành một chuyên viên gia phả. Nếu bộ gia phả nào cũng được gia đình hổ trợ như anh Vũ thì công việc của chúng ta sẽ dễ dàng biết bao!
Trần Kim Xuyến
Chuyên viên, Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả
TP.HCM, ngày 16.7.2009 |