Tuy không chuyên môn trong việc biên soạn gia phả nhưng họ tộc đã có nhiều công sức để sưu tập, hệ thống thành một tập gia phả.
Không riêng dòng họ, mọi người rất hoan nghênh và rất cảm phục những người vì sự thiêng liêng của dòng họ làm việc trong hai năm để hoàn thành.
Để đóng góp với gia tộc trong bản gia phả biên soạn năm 2005 - 2007 theo yêu cầu của ông Lê Công Giàu, đại diện gia tộc, TT NC&TH GP TP.HCM có những phân tích sau.
I. VỀ HÌNH THỨC
Yếu tố trình bày đúng, trang nghiêm, rõ ràng và yếu tố chất liệu được dùng để in ấn khẳng định giá trị bên trong của bản gia phả. Yêu cầu hiện nay của TT NC&TH GP bền,đẹp,trang nghiêm đối với hình thức, phong phú đối với nội dung.
Đề nghị quý tộc tham khảo tại trung tâm để chọn lựa. Hiện nay đang sử dụng bìa cứng bọc giấy xi màu nâu đỏ in chữ giả kim, sắp đến có thể in giả kim trên gấm Thượng Hải hoặc gấmThái Tuấn màu đỏ thẩm.
II. VỀ NỘI DUNG
A. Ưu Điểm:
Mặc dù không chuyên trong việc dựng gia phả và dành nhiều thời gian để thực hiện, các ông Lê Mạnh Hùng và Lê Đình Hòa đã hoàn thành bản gia phả 2005 - 2007 cho tộc Lê có nhiều ưu điểm đáng học tập.
1/ Lời mở đầu hay, sâu sắc nói lên được ý nghĩa “gia phả là gia bảo” cần gìn giữ bảo tồn để mối quan hệ huyết thống không mất.
2/ Phả đồ thiết kế thể hiện các đời rõ ràng, chi tiết, tra cứu nhanh, dễ hiểu, nếu thiết lập trên trang giấy A3 thì hợp hơn.
3/ Phần gia phả cổ đã đưa được vào bản gia phả 2005 - 2007 là một suy nghĩ hay, những chứng cứ cổ khẳng định tính trung thực của dòng họ, các thế hệ sau thấy được rằng gia phả của dòng họ có và mang tính liên tục từ năm Đinh Hợi (1827) và Quý Tỵ (1953).
4/ Các tài liệu tham khảo như bản nõn chủ, gia phả năm Đinh Hợi và gia phả năm Quý Tỵ là cơ sở xác định thông tin trong bản gia phả 2007. (Trong từ điển không có chữ nõn chủ, tuy nhiên nhìn vào phần dịch chúng tôi hình dung được đây là một thông tin hành trạng của ông bà đã qua đời ghi trên tờ giấy màu vàng, hoặc màu đỏ hay màu cam).
B. Những đề nghị cần bổ sung:
1/ Viết thêm phần phả ký.
Phần nầy diễn tả lai lịch tuần tự phát triển của tộc từ khởi thủy đến ngày nay. Phả ký đưa ra được diễn biến của dòng tộc qua nhiều triều đại, có nhiều tình tiết mang tính sử tộc, kích động lòng tự hào, hiếu kính, noi gương tiên tổ phát huy truyền thống gia tộc, gia đình làm rạng rỡ dòng họ.
2/ Dịch và trình bày lại một cách dễ đọc, dễ hiểu hơn các nõn chủ - gia phả cổ.
- Các nõn chủ nên viết chữ Hán Nôm trên gia phả, ngay dưới chữ Hán Nôm là âm quốc ngữ phổ thông, dưới một gạch ngang là lời dịch.
- Bản gia phả cổ phải dịch đầy đủ phả hệ - hành trạng, hệ thống lại từ đời Thủy tổ đến đời thứ chín như trong gia phả cổ.
- Điền khuyết những chữ bị mất đúng đủ nghĩa, tẩy xóa những hoạch hoạt và chữ âm bằng quốc ngữ phổ thông để phục hồi giá trị cổ của bản gia phả chữ Hán Nôm. (Bản gia phả Hán Nôm cổ nên nhờ Thư viện TP.HCM số hóa phục chế để lưu giữ).
3/ Tiếp tục tục biên cho những con cháu tộc Lê đến đời cuối cùng hiện nay.
4/ Đưa các hình ảnh:
- Nhà thờ, từ đường, ấn kiếm, thi thư, sắc phong, bằng công nhận, liễn đối mang ý nghĩa ca ngợi tộc họ… nói chung những di sản cũ và mới đều được ghi lại bằng hình ảnh trong gia phả.
- Hình ảnh những người quá cố, mồ mả, hình ảnh người còn sống và những hình ảnh có liên quan đến tộc Lê, liên quan đến quê hương những người họ Lê trong dòng tộc.
5/ Phần Ngoại phả.
Ghi nhận các yếu tố địa linh nhân kiệt ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển dòng tộc, yếu tố gia đình, yếu tố hôn nhân trong sự hình thành tính cách con người. Ghi nhận những nét đặc biệt về ông bà trong đó có sự thăng trầm và quang vinh.
6/ Phần cuối cùng là ngày kỵ, ngày lễ của tộc và mục lục.
Bằng cách nhìn chung, bản gia phả 2005 - 2007 của quý tộc là rất quý, tuy nhiên để được phong phú hơn, giá trị cao hơn nữa, đề nghị nên bổ sung theo đóng góp của Trung Tâm NC&THGP TP.HCM. Công việc đòi hỏi nhiều công sức và kinh phí, nhưng không thực hiện lại là một thiếu sót trong khi chúng ta còn đủ điều kiện.
Người báo cáo
Trần Văn Đường
Thành viên của TT NC&TH GP TP.HCM |