 |
Tôi chưa đến Huế. Tôi chưa được đặt chân lên thềm hoàng thành.Tôi chưa được chạm tay vào các cụ rùa từ vài trăm tuổi đến ngàn tuổi, trong khi các cụ vẫn bền lòng cỏng trên lưng những bia đá vinh danh những ông Nghè nổi tiếng! Các cụ rùa của chúng ta chuyên chở qua năm tháng, tên của người đứng đầu thi Hội, phảng phất đâu đó anh linh, địa linh, dòng họ gia tộc của những nhân tài đất nước! Bia tiến sĩ còn thể hiện nền văn hóa khoa bảng Việt có một không hai trên thế giới. Quả thật : Trăm năm bia đá… không mòn!
Qua hình ảnh tư liệu thật rõ nét, bia Tiến sĩ ở Huế chạm khắc sắc sảo, vững vàng trên lưng các cụ rùa giữa đất và trời, trong sân hoàng thành, trải qua hằng trăm năm, chứng kiến bao thằng trầm, thời nhà Nguyễn.
Nhiều lần tôi gặp chị, tôi biết chị là một nhà thơ. Chị viết nhiều thơ, in nhiều sách và có nhiều giải thưởng. Trước đó rất lâu, gần như suốt một đời phục vụ, chị làm một kế toán trưởng thanh liêm. Thế mà tôi vẫn chưa biết chị là con của một trong 7 ông Nghè cuối cùng nhà Nguyễn!
Khi lịch sử được mở ra cho một nhân vật, nó như sợi tơ trong ổ kén. Bao nhiêu giai thoại chung quanh nhân vật của chúng ta, kéo theo cả những gì liên quan đến thời đại của nó. Nó sống động và làm chúng ta thú vị hơn nếu nhân vật là người đương thời, hoặc ít ra là những chứng nhân gần gũi nhất của nhân vật.
Tôi thật hạnh phúc được phỏng vấn người con gái rượu của cụ Nghè Võ Khắc Triển. Bà Võ Thị Tân Việt là con gái duy nhất trong 8 anh em, được sinh ra lúc cha đã 50 tuổi đang trên đường hoạn lộ thênh thang. Vài năm sau, những cuộc bể dâu nào ai lường trước được. Là quan thanh liêm nên ông cũng cho con dòng máu truyền thống ấy. Nay chị đã 75 tuổi, đang giữ gìn quyển gia phả họ Võ, gốc Quảng Bình, có 400 năm thế hệ nối tiếp, thuộc dòng dõi khoa bảng.
Với những ai đang nghiên cứu phả học, thông tin này thật hấp dẫn, bỏi kèm theo tiểu sử ông Tiến sĩ Võ Khắc Triển, là tư liệu thơ văn Hán Nôm. Ông dịch sách làm thơ và còn truyền lại cho con cháu lòng yêu quê hương và tính cương trực của một nhà Nho.
Nhưng thật ra, từ 2008, các nhà sử học Hà Nội và Quảng Bình đã tổ chức được một cuộc Hội thảo khoa học về ông rồi.
Trong loạt bài kế tiếp, chúng tôi sẽ có bài phỏng vấn “Những giai thoại thú vị về người cha thân yêu của nhà thơ Võ Thị Tân Việt - ông Tiến sĩ Võ Khắc Triển”.
Hồ Việt Kim Chi (14-5-2010)
|