.jpg)
Bà Võ Thị Tân Việt
|
Bà tìm cho tôi nhiều tư liệu về người cha thân yêu: nhiều bài viết, nhiều bài thơ của ông và của bạn hữu viết cho ông. Giữa chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thân mật.
* Thưa bà, tại sao chàng trai trẻ 17 tuổi Võ Khắc Triển rũ bạn bè lên núi Đâu Mâu?
- Đó là căn cứ khi xưa của phong trào Cần Vương chống Pháp. Nhưng thuở ấy theo nếp nhà, tất cả các chàng trai trẻ, điều trước tiên là phải học hành.
* Được biết ông là một trong 7 vị tiến sĩ, trong khoa thi cuối. Bà có thấy văn bia này không?
- Bảy vị trong cùng một văn bia, đặt tại Văn Miếu Huế. Tại đây có 32 văn bia thuộc triều nhà Nguyễn. Mặc dù thời gian và chiến tranh, các văn bia hầu như vẫn nguyên vẹn.
* Các quan địa phương khi xưa kiêm luôn việc xử án, ông có giúp gì cho dân?
- Đối với dân, ông rất ôn nhu, tìm cách hòa hoãn khi có tụng kiện và bản thân ông lại sống cần kiệm, nên người dân đặt cho ông nhiều tên gọi: “ông quan hòa” (hòa hoãn), “ông quan cà” (thích ăn dưa cà).
* Ông có cảm tình với cách mạng? Bằng cách nào ông giúp cho “chàng trai” Nguyễn Tất Thành?
- Ông có người bạn vong niên là ông Nguyễn Sinh Sắc, lúc ông Sắc làm Thừa chỉ ở Huế. Ông biết ông Thành là con ông Sắc. Nên khi Nguyễn Tất Thành bị giam ở phủ An Nhơn, nơi ông làm Tri Phủ, ông tìm cách thả ra và cho ông Thành 20 đồng bạc Đông Dương, bảo trốn đi. Đó là cuối năm 1929, khi ông Thành từ Xiêm về qua đường 9, định trở vào Nam thì bị bắt tại An Nhơn - Bình Định.
* Chị biết gì về nạn đói năm 1945?
- Lúc ấy ba tôi đang nghỉ hưu ở quê nhà huyện Lệ Thủy (1945 - 1950). Ba tôi đã tủng hộ cuộc đấu tranh để được mở kho thóc của huyện. Mỗi ngày tại đình làng trong cả huyện, dân đinh nấu cháo cấp cho từng hộ dân, trong nhiều tháng liền, cho đến ngày gặt lúa mới. Làng xã trong huyện tôi vì thế tránh được nạn đói.
* Sau khi nghỉ hưu, vua Bảo Đại mời ông tham gia một chức vụ quan trọng, ông từ chối cách nào, thưa bà?
- Đơn giản là ông nói: Tôi già yếu, chân chậm mắt mờ tai điếc, thế thôi.
* Khi làm việc ở các Viện Văn học, Triết học, các đồng sự nhận xét về ông ra sao?
- Lúc ấy nhà thơ Vũ Khiêu làm Viện trưởng. Mọi người hay nói đùa nhau, ba tôi là một “tự điển sống”. Ông có thể dẫn giải cho mọi người những điển cố, sự tích mà không cần tra cứu. Ông làm việc cẩn trọng trong từng chi tiết văn sách.
* Sức khỏe ông ra sao, thưa bà?
- Mặc dù làm việc nhiều như thế, ông không hề mệt mỏi. Một ngày hè oi bức, ông mất nhanh, vì tai biến.
* Ông có kịp để lại cho các con những gì không, thưa bà?
- Rất nhiều văn thơ và tài liệu dịch thuật. Là hoài bảo của ông, qua đôi câu đối mà anh em chúng tôi thuộc nằm lòng:
CHỈ THỬ NHẤT PHIẾN BÀ TÂM,
NGUYỆN THẾ THƯỢNG TÌNH NHÂN THÀNH QUYẾN THUỘC.
AN ĐẮC VẠN GIAN QUẢNG HẠ,
TÍ THIÊN HẠ HÀN SỈ CÂU HOAN NHAN.
(Dịch nghĩa như sau:
Tôi chỉ có một mảnh lòng nhân từ, nguyện cho người hữu tình trên thế gian đều thành quyến thuộc.
Làm tế nào để được một vạn gian nhà rộng giúp cho hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui tươi.
Dịch thơ:
Từ tâm một mảnh với đời
Nguyện thành quyến thuộc của người thế gian
Ước nhà rộng có vạn ngàn
Nhân gian hàn sĩ an nhàn vui tươi.
* Bà tự hào nhất ở ông điều gì?
- Là một nhà Nho có khí tiết, có tấm lòng. Ông còn như là một nhà tiên tri nữa. Khi còn ở chiến khu, ông làm Chủ tịch Liên Việt huyện Lệ Thủy, ông nói trong cuộc mít-tin toàn huyện: Ta sẽ thắng Pháp và sẽ thắng thằng thứ hai, thứ ba nữa mới độc lập hoàn toàn. Năm 1966 khi làm việc ở Viện Triết học, ông viết:
Tết Đinh Vị tới đây, quả mùi chín, ngày mai thống nhất,
Thắng Điện Biên dịp nữa, hoa xinh tươi, sân khấu liệt cường
(Ông đã tiên tri sẽ có một trận Điện Biên Phủ nữa và năm 1972 là trận Điện Biên Phủ trên không)
* Bà có đông anh em không?
- Chúng tôi còn tất cả 8 người, trong đó 7 anh em trai, tất cả tham gia cách mạng. Tôi thứ sáu.
* Bà là người con gái duy nhất, lại giỏi văn thơ. Ông quý bà lắm?
- Nhiều anh em tôi học rất giỏi và đỗ đạt cao. Nhiều người trong làng tôi cũng thế. Mọi người như được ơn phước “địa linh nhân kiệt”.
* Bà là đời thứ mấy trong gia tộc?
- Ông Tổ đời 1 tên Võ Khắc Bình, mộ hiện còn ở tại thác Ro, An Mã, Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ đường họ Võ Khắc ở Mỹ Lộc, Lệ Thủy, Quảng Bình. Gia phả ghi ông Tổ có 3 người con trai. Tính theo trực hệ, anh em tôi thuộc đời thứ 9.
* Xin bà đọc cho chúng tôi nghe vài câu thơ bà viết về cha của mình
- Trong bài Nhớ cha:
Giữ lòng chính đại quang minh
Yêu tổ quốc yêu hòa bình tha thiết
Yêu quê hương đồng bào nồng nhiệt
Đem tài năng tâm quyết dâng đời
Thủy chung trọn vẹn tình người
Vì chính nghĩa không rời chân lý.
* Cám ơn bà về những thông tin quý giá này.
Ông Nghè Võ Khắc Triển (1883 -1966) là vị tiến sĩ cuối cùng thời nhà Nguyễn. Ông người làng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ này lên núi Đâu Mâu, xem người xưa lập chiến khu chống Pháp, đã nhìn thấy tình yêu nước, yêu dân tộc cao cả như núi, anh tự đặt cho mình tên “Thiếu Đâu” (Núi Đâu Mâu non trẻ). Rồi chàng trai trở về, mang trong lòng lời hứa lớn lao đó, anh quyết chí học tập, lập thân.
Năm Kỷ Mùi 1919, khoa thi Đình năm Khải Định thứ tư, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (bia Tiến sĩ hiện còn tại Văn Miếu Huế). Con đường khoa hoạn mở lối, giúp ông thực hiện ý nguyện mình: hỗ trợ cho cộng đồng sống hòa thuận (trong cách xử án), cứu nguy cho các chiến sĩ cách mạng lỡ sa vào tay giặc (năm 1929 ông giải thoát cho Nguyễn Tất Thành ra khỏi nhà giam An Nhơn - Bình Định), cứu đói người nghèo (1945 ông đã ủng hộ cho Đoàn Thanh niên Cách mạng đấu tranh với huyện trưởng cho mở kho thóc huyện Lệ Thủy cứu đói cho dân).
Ông đã kinh qua nhiều chức vụ, nhưng không được lòng cấp trên nên được cho nghỉ hưu sớm năm ông 54 tuổi. Sau đó, vua Bảo Đại cho người mời ông vào chức Tổng Trấn Trung phần, ông kiên quyết từ chối. Sau chiến thắng Điện Biên, khi ông đã 73 tuổi, ông nhận lời mời của Chính phủ cách mạng, làm công tác nghiên cứu dịch thuật và hiệu đính các tác phẩm Hán Nôm tại Viện Văn học, rồi Viện Triết học tại Hà Nội. Ông lao động tích cực, cho đến một ngày ông mất đột ngột trong khi còn tại chức, trong nỗi tiếc thương của bao người (27/6/1966 nhằm 9/5 Âm lịch).
|
Hồ Việt Kim Chi
|