.jpg)
Gia đình hiện đại đang vắng dần những bữa cơm đầy đủ cả nhà
|
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hoá với các nước khu vực và thế giới, chúng ta cũng đang phải chấp nhận những biến đổi sâu sắc về cấu trúc và chức năng của gia đình Việt Nam. Bên cạnh những thành quả do kinh tế thị trường mang lại, nhiều khó khăn bất trắc đang tồn tại, gây ra sự bất ổn cho gia đình và xã hội.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, các loại hình gia đình ở những quốc gia kém hoặc đang phát triển đang đứng trước nguy cơ bị đồng nhất hoá, làm suy kiệt hệ thống giá trị và chuẩn mực văn hoá riêng của cộng đồng. Những lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, cổ xuý cho tư tưởng tự do phát triển cá nhân... đang là nguy cơ làm mai một, xói mòn nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Trước đây, ở những nước kém phát triển với nền tảng kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tổ chức gia đình phổ biến là gia đình mở rộng, trong đó tồn tại nhiều thế hệ các thành viên cùng sống và làm việc với nhau. Những quan hệ "ấm cúng" trong gia đình đã đóng góp vào việc duy trì sự ổn định lâu dài của kiểu gia đình "nông nghiệp" dưới chế độ phong kiến, nhưng mặt hạn chế của nó là tham gia vào quá trình kìm hãm năng lực phát triển của các cá nhân cả về trí tuệ và sự tham gia công việc xã hội.
Quá trình đô thị hoá cùng với kết quả của chương trình sinh đẻ có kế hoạch đang làm giảm đáng kể số lượng gia đình mở rộng, thay vào đó là dạng gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng. Mức độ tăng thêm số lượng hộ gia đình chậm lại, quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi. Đời sống gia đình hiện nay đang xảy ra nhiều mâu thuẫn với mức độ ngày càng phức tạp và diễn biến dưới nhiều hình thức.
Tình trạng kết hôn bất hợp pháp, bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn... đang có chiều hướng gia tăng. Các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải, như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân hoặc kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó đã để lại nhiều tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình.
Trong xã hội hiện đại, vị thế của người phụ nữ nói chung đã được xã hội xác nhận trên cơ sở bình đẳng giới nhờ vào kết quả của phong trào nữ quyền. Cùng với tiến bộ xã hội, ngày càng có nhiều công cụ và các điều kiện giúp con người giảm nhẹ sức lao động, nhưng phụ nữ vẫn phải gánh vác công việc chính trong gia đình.
Một nghịch lý đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình của phụ nữ thường bị coi là không có giá trị kinh tế. Ngoài ra, phụ nữ còn là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, phải gánh chịu những lạm dụng về thể xác, tinh thần từ phía người đàn ông.
Việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng của gia đình và xã hội. Trong khi đó, những biến động về các mặt kinh tế - xã hội cùng với lối sống công nghiệp khiến các thành viên trong gia đình ngày càng có ít thời gian bên nhau. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo hơn. Vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại cũng đang có biểu hiện bị suy giảm ở nhiều gia đình vì những lo toan thái quá trong làm kinh tế mà ít chú ý đến việc giáo dục nhân cách đối với con cái.
Đời sống được cải thiện thì tuổi thọ con người ngày càng cao, số lượng người cao tuổi sẽ ngày càng lớn. Nhiều người cao tuổi hiện đang sống trong tâm trạng là "người thừa" trước con cháu, bởi vì tuổi trẻ có xu hướng muốn sống độc lập và các dịch vụ giúp việc gia đình đang thay thế phần việc trước đây thường do người cao tuổi đảm nhận. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ khá gay gắt và sẽ còn tiếp tục phát triển.

Nhiều phụ nữ nông thôn phải xa chồng con ra thành phố mưu sinh. ảnh: H.HÀ.
|
Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hoá dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ những định hướng cơ bản cho gia đình Việt Nam phát triển bền vững bằng các chủ trương, chính sách. Nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ X nêu rõ:"... Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc...".
Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, cần cù, lao động sáng tạo, biết duy trì, phát huy giá trị văn hoá dân tộc và tiếp thu các giá trị tiến bộ. Những tài sản tinh thần đó luôn tồn tại trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và là thế mạnh của gia đình trong việc giáo dục thế hệ tương lai nhằm tạo một không gian văn hoá lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn nhằm bảo vệ các thành viên gia đình trước những biến động của xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế.
Th.S Đinh Văn Quảng (Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em)
Theo Lao Động Chủ nhật
|