Ăn cơm đúng giờ, ăn cơm trong không khí đầm ấm với những món ăn ngon, đủ năng lượng, chính là bảo vệ sức khỏe cho cả nhà và gia tăng món ăn tinh thần trong một bữa cơm vật chất. Ở đây, cả người nấu ăn và người được ăn đều cảm nhận được tình thương, sự quan tâm lẫn nhau, là sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ này với thế hệ khác.
1. Khái niệm
Bữa cơm gia đình là sinh hoạt vào một thời điểm nhất định trong ngày mà mọi thành viên cùng ngồi ăn với nhau ở một khoảng không gian nào đó theo lệ thường.
Gia đình cổ truyền của người Việt thường tập trung nhiều thế hệ: tam đại đồng đường (ba thế hệ), tứ đại đồng đường (bốn thế hệ)… tạo nên sự gắn kết khăng khít giữa các thành viên trong một không gian sinh hoạt chung. Bữa cơm gia đình, đặc biệt là bữa cơm gia đình truyền thống đã phản ánh một cách rõ nét nhiều mặt đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của người Việt Nam. Trong bữa cơm, các thành viên trong gia đình sẽ có dịp thể hiện tình cảm keo sơn gắn bó:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”…
2. Bữa cơm gia đình trong trục giá trị văn hóa
Để đánh giá được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình trong văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ đặt bữa cơm gia đình trong trục giá trị văn hóa không gian, thời gian, chủ thể, để từ đó đó làm rõ giá trị văn hóa của bữa cơm trong tâm thức người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Nhận diện được bữa cơm gia đình trong trục không gian khi so sánh giữa bữa cơm người Việt Nam với bữa cơm người phương Đông, người phương Tây; trong trục thời gian khi so sánh bữa cơm nông thôn và bữa cơm đô thị; trong trục chủ thể khi so sánh quan niệm giữa người già và người trẻ về tầm quan trọng bữa cơm gia đình.
2.1. Về không gian văn hóa, ta có thể thấy giá trị văn hóa của bữa cơm gia đình trong từng quốc gia có sự khác nhau. Việc duy trì bữa cơm gia đình truyền thống rất quan trọng trong việc giữ gìn gia đình truyền thống, thể hiện nét bản sắc văn hóa riêng của từng nước. Chúng ta có thể làm một so sánh nhỏ giữa bữa ăn người Việt Nam và bữa ăn các nước phương Đông: Người Việt Nam nông nghiệp với tính thiết thực cho rằng ăn uống hết sức quan trọng, do đó bữa ăn cũng mang tính quan trọng như thế. Các nước phương Đông coi trọng tính cộng đồng nên trong bữa ăn cũng thể hiện rõ nét tính cộng đồng, cả nhà quây quần sum họp. Ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, tuy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh nhưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được giữ gìn, trong đó có bữa cơm gia đình. Nhìn chung, do cùng nằm trong môi trường văn hóa phương Đông nên bữa cơm Việt Nam cũng không khác gì lắm so với bữa cơm của các nước phương Đông. Còn về các nước phương Tây, theo GS. Trần Ngọc Thêm, “Hiển nhiên, để duy trì sự sống, ăn uống luôn là việc có tầm quan trọng số một. Tuy nhiên, quan niệm của con người về chuyện này lại có khác nhau. Người phương Tây coi ăn là chuyện tầm thường không đáng nói đến, triết lý phương Tây nhắc nhở: “Người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn” [Trần Ngọc Thêm 1997: 377]. Trong xã hội Mỹ, thức ăn thừa mứa, vật chất đầy đủ nhưng trái lại thời giờ quá hạn chế, căng thẳng. Quá trình công nghiệp hóa đã ở mức cao nên thời gian dành cho bữa ăn không nhiều. Các thành viên trong gia đình ở các nước phương Tây ít có thời gian dành cho nhau vào ban ngày, phải đến bữa cơm tối mọi người mới có dịp quây quần sum họp, và cách thức ăn, tổ chức bữa ăn cũng khác ta. Người Mỹ tự lập từ rất sớm, họ sống riêng khi còn rất trẻ nên số thành viên trong gia đình không đông như ở ta. Bữa ăn không có mâm cơm, không có thức ăn chung, mỗi người một phần riêng nên ta thấy dường như thiếu một cái gì đó gắn kết như ở phương Đông.
Giá trị văn hóa của bữa cơm gia đình trong từng quốc gia đã khác, trong mỗi vùng miền còn phong phú và đa dạng hơn, bữa cơm miền Bắc, bữa cơm miền Trung, bữa cơm miền Nam với cách ăn, cơ cấu ăn khác nhau... nhưng chung hết vẫn là cảnh đầm ấm, quây quần bên mâm cơm. Cho dù trên mâm cơm là đầy đủ thịt cá hay đơn giản chỉ là một dĩa rau muống thì tất cả đều chỉ nói lên một điều: đó chính là khung cảnh đầm ấm của gia đình, bất kể giàu hay nghèo, bất kể ở vùng nào, miền nào. Ở miền quê, trước mỗi bữa ăn, cả gia đình cùng dọn cơm ra trước sân, vừa ăn và trò chuyện, vừa hóng gió mát từ ngoài thổi vào, tiếng cười của tất cả thành viên trong gia đình đã mang lại cho cả nhà một bữa cơm ngon về tinh thần.
Đi sâu hơn nữa vào từng ngôi nhà, ta thấy mỗi nhà mỗi hoàn cảnh khác nhau, không nhà nào giống nhà nào. Nhưng, không gia đình nào muốn bữa cơm nhà mình phải nguội lạnh, dù là nguyên nhân khách quan hay nguyên nhân chủ quan chăng nữa. Trong quá trình đô thị hóa, đô thị Việt Nam đang chuyển mình từ nông thôn sang thành thị với quá nhiều bỡ ngỡ, có gia đình quen dần nếp sống công nghiệp, có gia đình vẫn giữ truyền thống, có gia đình vừa tìm cách vừa thích nghi vừa bảo tồn... Gia đình giàu, gia đình nghèo, gia đình trí thức, gia đình lao động... bữa cơm cũng khác nhau dần đi...
2.2. Về thời gian văn hóa, ta thấy bữa cơm gia đình với các thành viên quây quần bên nhau đã có từ lâu đời. Xét quá trình đô thị hóa là ta đi từ nông thôn lên thành thị, với sự chuyển biến đầy phức tạp và trăn trở của một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp. Từ thói quen bảo lưu, trọng tĩnh ta phải dần dần trung hòa tính trọng động để có thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng cấp thiết của cuộc sống. Đô thị hóa diễn ra với nhiều cái lợi trước mắt, và đó là một quá trình tự nhiên, sẽ dẫn đến đào thải tự nhiên những gì không phù hợp. Khi còn là nông thôn, cuộc sống thanh bình, khoan thai, bỗng nhiên trở mình tiến lên thành phố đô thị, có quá nhiều thay đổi và nhiều giá trị bị mai một dần đi, trong đó có bữa cơm gia đình. Ngày xưa, khi nước ta còn mang nặng tính chất phong kiến, thì những trói buộc về hành xử lại càng nghiêm khắc hơn. Việc ứng xử trong bữa ăn cũng đặt lên hàng quan trọng, thể hiện phẩm chất con người. Ở nông thôn thời giờ lúc nào cũng dư dả, nhàn hạ, việc lo ngày ba bữa ăn không phải là một việc quá khó khăn nên mọi người đều coi đó như một điều tự nhiên. Và càng không có lý do gì để không ăn cơm nhà khi chồng và vợ cùng làm nông. Ở nông thôn, mang dáng dấp gia đình truyền thống, nhà nào cũng đông thành viên. Cô con dâu có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ chồng, lo lắng cơm nước cho cả nhà dù có bận rộn trăm công ngàn việc. Không ai nghĩ đến chuyện sẽ đi ăn ở ngoài và nếu có muốn đi chăng nữa, cũng không có nhiều quán để mà chọn lựa.
Còn trong cuộc sống hiện đại, bữa cơm gia đình đã dần mất đi với nhiều lý do khác nhau. Người phụ nữ không còn quan tâm nhiều tới nấu nướng, và nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, như thế thì “Người chồng sẽ không thấy được hình ảnh người vợ xách giỏ đồ chợ bước vô nhà, mồ hôi bết tóc, mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng. Không thấy được cái cảnh người phụ nữ ngồi bên bếp than hồng, làm cá, vo gạo, bằm ớt, lặt rau rồi chí thú và hồi hộp bày biện các món ra bàn, thắc thỏm hỏi “Anh có ngon miệng không?” [1].
2.3. Về chủ thể văn hóa, ngày xưa có những gia đình đông con, cả đại gia đình sống chung với nhau, ông bà, cha mẹ, con cái… đến bữa cơm hết sức đông vui. Các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau một cách vui vẻ. “Mặc dù về hình thái tổ chức gia đình tồn tại hai kiểu gia đình cơ bản – hạt nhân và mở rộng – song mối liên hệ giữa hai thế hệ vẫn rất chặt chẽ, cả về vật chất lẫn tinh thần” [Phan Huy Lê: 2002:327]. Như vậy, cả hai thế hệ có thể tác động qua lại về mặt nhận thức lẫn nhau. Những gia đình nhỏ (2-3 thành viên) rất dễ mất đi giá trị bữa cơm gia đình. Mang xu hướng gia đình hiện đại, đa số các thành viên đều bận rộn học hành, công việc. Khi có con cái thì sẽ có xu hướng bảo vệ bữa cơm gia đình hơn, nhất là với người phụ nữ. Còn đối với những gia đình lớn (gia đình truyền thống, ông bà cha mẹ con cái sống chung), người già (ông bà, cha mẹ) vẫn ở địa vị quan trọng, tiếng nói có trọng lượng, nên có thể hướng con cái về truyền thống với việc cả nhà quây quần bên mâm cơm. Từ đây, ta xét thêm về hai loại chủ thể quan trọng, đó là người già và người trẻ để làm sáng rõ vấn đề hơn.
Đối với người già, việc duy trì bữa ăn gia đình là một việc hết sức quan trọng để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Những người già trước đây sống ở môi trường nông thôn, công cuộc đô thị hóa chưa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay nên quan niệm của họ khác người trẻ. Họ coi việc duy trì bữa ăn là việc hết sức bình thường, đến bữa ăn phải có mặt đông đủ cả nhà nhà chuyện bình thường. Cho nên, khi sống trong thời đại như hiện nay, nhiều người đã sốc vì không chịu được cảnh mình phải ngồi ăn cơm một mình trong khi cả nhà đầy đủ cháu con, mà khi ấy công việc và học hành đã cuốn họ đi, đến nỗi họ không còn quan niệm là phải về nhà ăn cơm nữa. Khá nhiều người già đã tỏ ra bảo thủ khiến nhiều gia đình phải chịu cảnh chỉ vì thiếu một thành viên mà cả nhà phải nhịn đói chờ cơm. Người già lấy cương vị là người có tiếng nói quan trọng nhất nhà, khi ấy đã không cần biết đến hoàn cảnh bận rộn của từng thành viên, gây khó xử cho thành viên vắng mặt và những căng thẳng không cần thiết trong gia đình.
Còn đối với người trẻ, có khá nhiều người cho rằng nên tìm cách thích nghi với đời sống công nghiệp hóa tất bật ngày nay bằng cách dung hòa cả quan niệm truyền thống lẫn hiện đại về bữa cơm gia đình. Họ tìm giải pháp là mỗi tuần chỉ nên nấu ăn tại nhà một lần. Họ cho rằng bữa ăn có nhiều giá trị nhưng nếu lặp đi lặp lại liên tục, đúng giờ thì sẽ nhàm chán. Họ ủng hộ bữa ăn gia đình, nhưng khuyên những ai giữ gìn truyền thống cũng không nên quá tiếc rẻ khi nó diễn ra không nhiều như trước đây. Sự đa dạng diễn ra từng ngày, những mô thức cũ cũng đã thay đổi, vậy thì bữa ăn chung của gia đình cũng nên biến đổi theo đời sống hiện đại. Bữa ăn bên ngoài gia đình cũng có thể củng cố thêm tình cảm đồng nghiệp, tạo thuận lợi cho công việc. Theo họ, sự đa dạng cần được quan tâm, bởi nếu các gia đình hiện đại giờ đây có nhiều mô hình làm việc, học hành, giờ giấc khác nhau, tình huống khác nhau thì khó có một kiểu có một bữa cơm chung để phỏng theo. Mọi người có thể ăn chung trong một nhà, hay ăn chung ở nơi nghỉ dưỡng cuối tuần… Vấn đề là các thành viên trong gia đình phải quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Nếu khư khư giữ mãi mô hình cũ, thì sẽ tự gây ra áp lực sống cho mình và toàn bộ thành viên trong gia đình[2].
Bảng so sánh quan niệm người già và người trẻ về bữa cơm gia đình trong quá trình đô thị hóa
Tiêu chí |
Quan niệm người già |
Quan niệm người trẻ |
Thời gian |
Mỗi ngày ba bữa, có thể một bữa tối nếu quá bận, thời gian cố định. |
Mỗi tuần vài ba lần, có thể một lần vào ngày cuối tuần nếu quá bận, thời gian có thể xê dịch. |
Thành viên |
Đầy đủ thành viên |
Có thể thiếu thành viên. |
Ý nghĩa |
Gắn kết thành viên, tài nội trợ đảm đang, giữ gìn hạnh phúc |
Giữ gìn hạnh phúc cho gia đình nhưng khá tốn thời gian. |
Người nấu ăn |
Chủ yếu là phụ nữ |
Cả hai vợ chồng thay nhau nấu nếu rảnh. |
Tầm quan trọng |
Rất quan trọng |
Quan trọng, nhưng có thể đi ăn ngoài thường xuyên nếu bận việc. |
Giải pháp |
Tìm cách giữ gìn, phát huy |
Giữ gìn nhưng có sự thay đổi đi. |
3. Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới bữa cơm gia đình
Đô thị hóa ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, đây là một quá trình tự nhiên và theo quy luật, nó có lợi nhiều hơn có hại. Nhưng, mọi vấn đề luôn có hai mặt của nó, tích cực và tiêu cực, và ở đây ta sẽ xét mặt tiêu cực của quá trình đô thị hóa tới bữa cơm gia đình.
Ảnh hưởng đô thị hóa tới môi trường tự nhiên: Không gian tự nhiên dần dần bị thu hẹp, thay vào đó là nhà cửa san sát, không còn khoảng không gian dành cho mảnh vườn, ao cá của gia đình. Chính vì mất khoảng không gian đó mà người dân đô thị phải lệ thuộc hoàn toàn vào giá cả hàng hóa. Nhà ở đô thị chỉ để ở mà không thể nuôi trồng được gì, họ không có cách nào khác là sáng sáng phải đi chợ. Do đó, cũng dễ dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, giá cả biến động thất thường, rau không sạch, thịt cá bị bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh của bữa ăn.
Ảnh hưởng tới môi trường xã hội: Xã hội đô thị hóa là xã hội cạnh tranh khốc liệt, trên tất cả các lĩnh vực. Để tồn tại được trong một xã hội bon chen như thế, đòi hỏi con người phải tìm mọi cách thích nghi với nó, bằng cách làm việc quên thời gian và tìm cách học tập nâng cao trình độ mỗi khi có thể. Một môi trường mà các giá trị truyền thống tạm thời nhường chỗ cho sự phát triển và hiện đại hóa trên mọi phương diện. Con người ngày càng bận rộn, không còn thời gian vun đắp cho tình cảm gia đình, huống chi là một bữa cơm gia đình nhỏ. Quỹ thời gian dành cho gia đình ngày càng khan hiếm. Nếu bắt người ta đứng trước sự lựa chọn giữa thời gian đi ăn ngoài và học thêm (hoặc mở rộng quan hệ làm ăn) với việc nấu cơm phục vụ gia đình, quây quần bên nhau thì có lẽ cán cân đó cũng khá lệch, nhiều người sẽ chọn nâng cao trình độ của mình, thành công trong công việc trước, rồi mới lo vun đắp gia đình, nhưng như thế có khi là quá muộn.
Quá trình đô thị hóa cũng có ảnh hưởng nhiều đến nhận thức của người dân: hình thành ba quan niệm chính về việc giữ hay không bữa ăn gia đình truyền thống: giữ gìn bữa cơm gia đình, phương Tây hóa bữa cơm gia đình và cải biến bữa cơm gia đình.
Quan niệm giữ gìn bữa cơm gia đình: Những năm gần đây, do có nhiều biến động trong đời sống ở thành thị cũng như nông thôn bởi những thay đổi quá nhanh về kinh tế và xã hội, nên quan niệm truyền thống về bữa cơm gia đình của người Việt đã có nhiều biến đổi. Nhiều gia đình đã tan vỡ cũng bởi chỉ đơn giản từ việc không coi trọng bữa cơm gia đình truyền thống. Bữa cơm gia đình truyền thống cần gìn, xóa bỏ hay cải biến là điều cần phải suy tính; nhưng ở đây, chúng ta đều thấy rõ: một khi giá trị truyền thống bị biến đổi do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, nó sẽ dẫn đến những biến động làm lung lay nhiều gía trị đích thực đã được hình thành, tồn tại từ ngàn xưa[3].
Quan niệm phương Tây hóa bữa cơm gia đình: Thời hiện đại bây giờ nhiều người không chú trọng đến bữa cơm gia đình nữa. Nhiều khi cả tuần liền bố mẹ không ăn chung với con cái bữa cơm nào. Trọng trách của phụ nữ hiện đại bây giờ cũng nặng nề với đủ mọi lo toan trong cả “đối nội” lẫn “đối ngoại” không thua kém gì so với nam giới. Thời gian người phụ nữ có mặt ở nhà ngày càng ít dần đi khiến mọi người đều cảm thấy dường như ăn cơm ngoài là tốt nhất. Cuộc sống bận rộn với bộn bề công việc đã khiến nhiều người vô tình hoặc cố ý quên đi hương vị của những bữa cơm gia đình. Người ta cho rằng: Ăn ở đâu mà chẳng được, miễn sao nạp đủ năng lượng để tái sản xuất sức lao động[4].
Cuộc sống công nghiệp hiện nay đã có sự tác động rất lớn đến tổ chức đời sống gia đình, và tất cả các thành viên trong gia đình dù muốn dù không cũng bị cuốn theo quỹ đạo của nó. Dù nhiều người không đồng tình với cách mà các thành viên khác trong gia đình đầu tư hết mình cho công việc và dành rất ít quỹ thời gian cho cuộc sống gia đình thì công việc và bộn bề lo toan vẫn cứ níu lấy họ theo một quy luật không thể cưỡng lại.
Quan niệm vừa duy trì vừa cải biến bữa cơm gia đình: Trước kia, trong rất nhiều gia đình thường có những quy định như: Đến bữa ăn, vào đúng vào giờ đã định, bất kể công việc bận rộn thế nào, các thành viên trong gia đình phải có mặt đông đủ, bởi: “Người đi không bực bằng người chực nồi cơm!”. Song, ngày nay, quy định ấy đã dần trở nên “lỗi thời”. Mỗi người mỗi việc khác nhau, giờ giấc đang chéo không theo bất cứ quy luật nào. Thế cho nên, mỗi gia đình đều có cách điều chỉnh hợp lý riêng, nhưng nhìn chung nhóm muốn bão hòa giữa đời sống đô thị hóa và nếp ăn cơm truyền thống là có thể một tuần tổ chức 2-3 bữa cơm gia đình, và không nhất thiết là phải đầy đủ tất cả các thành viên trong gia đình.

4. Giá trị văn hóa của bữa cơm gia đình và giải pháp giữ gìn bữa cơm gia đình
4.1. Bữa cơm gia đình có phải là một giá trị văn hóa cần giữ gìn hay không? Có lẽ, ai đã từng được nếm được vị ngọt ngào của cảnh gia đình sum họp, không thể trả lời không được. Bữa cơm mang giá trị văn hóa to lớn, chính bởi nó do con người tạo ra, là một giá trị vật chất nhưng chứa đựng tình thương yêu và mang chức năng gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau. Ăn uống |