Nơi vùng đất Thuận Hưng, Thốt Nốt hình thành chưa trọn 300 năm, có một vị Tiền Hiền xuất thân từ một dòng họ Lê tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên về đây khẩn hoang lập ấp cho dân. Vị Tiền Hiền đó chính là vị tổ nơi phương Nam của họ Lê mà bà Lê Thị Liếp là hậu duệ và chính bà Liếp là kẻ cất công đi tìm được nguồn cội ngài Tiền Hiền ĐiềnThuận Hưng.
Nhờ vào di bút của ngài Hậu hiền Thái Văn Sơn, danh phận ngài Tiền Hiền Lê Văn Liễu sáng ngời đến ngàn sau, không những được tạc trên bia đá mà trong lòng dân nhiều thế hệ đến sinh sống tại đây ai cũng biết và ghi nhớ.
Ngài Lê Văn Liễu sinh năm Tân Sửu (1781), người làng Chí Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là hậu duệ đời thứ IX của dòng họ Lê có vị Thủy tổ là Ngài Lê Văn Vang. Ngài Lê Văn Vang là khai canh (*) thủy tổ tại làng Chí Long được phong thần: “Chánh Thần Trước Phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò, gia tặng Đoan Túc Tôn Thần”. Theo gia phổ họ Lê làng Chí Long, ngài Liễu là con thứ bảy của ngài Lê Văn Trung và tài liệu ghi lại tại đình Thuận Hưng, vào thời kỳ Nam tiến của Chúa Nguyễn đến phương Nam mở đất thì tại Thuận Hưng là vùng hoang hóa chưa có người ở, ngài Lê Văn Liễu và một số tùy tùng cùng đến khai hoang lập ấp định cư mở đầu cho sự hình thành và phát triễn của ngày nay. Theo lời kể của một số người lớn tuổi cho biết: “Ngài Liễu là người nhiều hiểu biết, ngài đã giúp dân khai khẩn, dạy chữ, tạo dựng cho dân làng cùng được ấm no hạnh phúc”. Ngài không để lại dấu vết gì của ngài là quan chức hoặc lĩnh mệnh Vua Nhà Nguyễn trong thời kỳ nầy, ngài đã cùng dân tại đây xây đình thờ Thần Bổn Cảnh gọi là
Thành Hoàng Điền (**) năm 1845 (năm Thiệu Trị Thứ hai), đến năm 1848 (năm Tự Đức thứ nhất) được phong Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng.
Một thông tin khác, ngài Liễu là thuộc hạ của Tướng công Lê văn Duyệt. Tuy không có di chỉ nào để lại nhưng nhìn nhận từ cấu trúc và chữ nghĩa tại đình ta phải thừa nhận là các ngài là những người nhiều khả năng và thông Nho. Sự hiện diện của đình là một đại diện cho nét văn hóa xưa cổ của một vùng quê Miền Tây Nam bộ hẻo lánh. Qua đó, ta có thể suy luận thông tin nầy là đúng.
Ngài Liễu qua đời Năm 1850, con gái ngài là bà Lê Thị Quyên lấy ngài Thái Văn Sơn về tiếp tục sự nghiệp ngài Liễu. Đến lúc ngài Thái Văn Sơn mất, dân bổn xứ nghĩ đến công lớn của hai ngài nên tôn ngài Liễu là Vị Tiền Hiền và ngài Sơn là Vị Hậu Hiền tiếp nối phong tục thờ tự đến nay. Hằng năm vào ngày 17, 18 và 19 tháng 4 âm lịch dân làng thường mở hội cúng Thành Hoàng Điền bằng nghi lễ múa lân, rước sắc, nghinh thần lễ bái, hát bội. Nghi thức hành lễ tại đây cũng mang nhiều nét rất riêng, đội ngũ nam nữ học trò lễ và chánh tế bồi tế rất đông, áo nón, mão giày mỗi ban mỗi khác và đẹp. Dân trong thôn tập trung lễ bái tấp nập, đặc biệt ở tại đây dân làng không giết bò hay heo để cúng mà chỉ cúng những vật phẩm chay, các hương văn, hương lễ đều là người trường chay.
Công đức của các ngài vì dân đã hiến dâng, dân làng không quên. Ngôi đình thôn Thuận Hưng chính là cỏi riêng các ngài ngự trị, dẫu tuế nguyệt có phủ che, hưng phế bao lần dẫu có vùi dập thì nơi ngự của các ngài nơi lòng dân vẫn mãi mãi. Có lẽ phải dùng một chút dư âm xưa xin đề tặng các ngài: Dĩ thặng phong công thùy hương sử,
Thường tồn lương đức dự thôn dân.
(Đã thừa công lớn trong hương sử, còn mãi đức hiền với dân thôn)
Năm 2006 được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố của Cần Thơ cho ngôi đình cổ Thuận Hưng, đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị đầu thế kỷ XX, so sánh với các ngôi đình khác đình Thuận Hưng thật nguy nga, đẹp với vẻ cổ kính đầy nét văn hóa. Tuy nhiên nơi sâu thẳm của tâm linh, ngài Liễu như muốn cháu con ngài phải tìm cho được cội nguồn nguyên quán!
Người cháu gái Lê Thị Liếp hiện là Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Việt - Hoa, đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh là một hậu duệ xứng đáng của ngài Thủy tổ Lê Văn Vang nơi tổ quán, xứng đáng và hiếm hoi làm người cháu gái của ngài Tiền Hiền Lê Văn Liễu và cả dòng họ Lê.
Mỗi bận về thăm mẹ tại Cần Thơ, bà ghé sang đứng bên mộ ngài Tiền Hiền lòng mang theo nỗi ưu tư tìm về nguồn cội bởi lòng hiếu thảo cổ kim chưa có quyền lực nào tước đoạt được. Càng đối diện với thành đạt càng thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn, bà Liếp đi tìm nối lại dòng họ nơi tha hương là Hưng Thuận,Thốt Nốt, Cần Thơ và quê cũ xa xưa là Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Năm ngoái, sự công bằng của tạo hóa không nỡ phụ người hiếu thảo, sau khi gặp được các hậu duệ tại tổ quán, bản gia phả họ Lê làng Chí Long mở ra, như cơn mưa tưới mát giữa trưa hè rửa trôi đi cả nước mắt mừng vui lẫn nước mắt đợi chờ, ngài Tiền Hiền Liễu nơi chín suối cũng ngậm cười mừng khi con cháu của riêng ngài không là kẻ lạc loài (***). Bà Liếp nối chiếc cầu để người phía Nam, người miền Trung làm những cuộc hành hương cho máu chảy về tim. Không có sự ngờ vực, hậu duệ ngài Thủy tổ Lê Văn Vang tiến hành việc nhận Họ. Đoàn người đi nhận Họ, kẻ từ Hà Nội, người từ thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Thanh Hóa và tại Thừa Thiên – Huế nam mặc áo dài khăn đóng màu xanh chữ thọ, nữ khăn liên áo dài đen, mang lễ phẩm đến Thuận Hưng lễ bái sau đó đi nhìn nhận anh em. Vinh quang này không riêng dành cho bà Liếp mà cho cả dòng họ, hãy tôn vinh và tiếp tục phát huy để gia phong ngày một sáng tươi, cốt nhục thắm tình trọn vẹn. Đúng vậy, họ đang có chung dòng máu, họ đang là anh và em.
Hạnh phúc cho những người con, người cháu “hiếu thảo”! Niềm tự hào chất chứa cho cả dòng họ khi nhận biết được những bậc Thủy Tổ, Tiền Hiền là những bậc quý trọng không chỉ dòng họ tôn vinh mà cả dân nhiều làng ngưỡng mộ.
Có rất nhiều giấc mơ chưa để thành hối tiếc, bà Liếp đã thêm một điều vui từ lâu nay chưa từng có. Các ông Lê văn Tư, bà Nguyễn Thị Nga và ông Lê Văn Sáng, bà Đỗ Thị Lõi là những ai bà chưa nghe chưa biết bao giờ. Từ chuyến hành hương ngày tế lễ tháng tư, các chuyên viên của Trung Tâm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả TP HCM đã chỉ giúp bà biết được đó chính là ông bà cố và ông bà nội của bà! Niềm tự hào về dòng tộc không có nơi nào khác hơn nguồn cội, để cội nguồn minh bạch không có gì khác hơn gia sử. Chính Gia Phả thể hiện đầy đủ các yếu tố tên tuổi ông bà, cha mẹ và thứ lớp, thân thế, sự nghiệp, hành trạng của tất cả người trong tộc, gia phả là gia bảo không thiếu được của mọi gia đình trừ khi lực đã chẳng tòng tâm.
Còn một điều mang tính thiêng liêng, một việc làm không thể để lâu hơn có thể dẫm lại dấu vết ray rứt của bà xưa nay, tập Gia Phả Họ Lê phường Thuận Hưng, Thốt Nốt có tổ quán làng Chí Long, huyện Phong Điền,tỉnh Thừa Thiên chưa dựng được.
“Chánh Thần Trước Phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò, gia tặng Đoan Túc Tôn Thần” và “Vị Tiền Hiền Thôn Thuận Hưng”, các ngài là ai, ngàn năm sau còn đó chính nhờ Gia phả vậy!
Trần Văn Đường
----------
(*) ghi theo gia phả cổ của HỌ LÊ tại làng Chí Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
(**) nhiều tỉnh miền Tây của Nam bộ không dùng “làng, thôn” mà dùng từ “điền”.
(***) đó là cảm xúc bà Lê Thị Liếp bày tỏ.
|