Tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia và bối cảnh Việt Nam tiếp nhận
27/05/2023 15:41:36Tham luận của Tiến sĩ Khoa Văn hóa học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM Trần Phú Huệ Quang viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh.
TS Trần Phú Huệ Quang (tác giả bản tham luận)
Tóm tắt
Trong hệ thống tư tưởng giáo dục của Nho gia nói chung, tư tưởng giáo dục nữ giới là một bộ phận mà Việt Nam tiếp nhận. Bài viết tìm hiểu tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia, và khi truyền vào Việt Nam gặp phải những yếu tố bản địa gì, những yếu tố đó tác động như thế nào đến quá trình tiếp nhận, chúng trở thành “lực cản” nhất định hay “chấp cánh” cho tư tưởng giáo dục đó phát triển sâu rộng ở Việt Nam, hay chỉ đơn giản là “chất xúc tác” làm nên hiện tượng bản địa hóa.
1. Đặt vấn đề
Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận Nho gia, tiếp nhận tư tưởng giáo dục của Nho gia. Xét về khía cạnh giới, cũng như Trung Hoa, nam giới được truyền thụ chính thống kinh điển Nho gia bởi hệ thống trường công lẫn trường tư, được đặc quyền trong chế độ khoa cử, chế độ quan lại; nữ giới được giáo dục ở trong gia đình. Mặc dù không được đặc quyền như nam giới, và dù xuất phát từ mục đích hay động cơ gì, nữ giới vẫn được quan tâm giáo dục nghiêm khắc.
Ở Việt Nam, những công trình viết về phụ nữ nói chung nghiêng về nội dung tìm hiểu vai trò, vị thế, nét đẹp, phẩm chất đạo đức phụ nữ hay những tấm gương điển hình trong lịch sử. Một số tác phẩm với nội dung trên như Truyền thống phụ nữ Việt Nam (Trần Quốc Vượng, 1972), Giai thoại về phụ nữ Việt Nam (Hoàng Khôi, Hoàng Đình Thi biên soạn, 1978), bộ sách Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (Cao Tự Thanh tổng chủ biên, Trần Thị Kim Anh chủ biên, 2012), Những liệt nữ trong lịch sử Việt Nam (nhóm Trí thức Việt biên soạn, 2013), Phụ nữ Việt Nam xưa và nay (Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ), Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc (Mai Ngọc Chúc, Hoàng Khôi, 2014), Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam (Thu Hiền biên soạn, 2014), Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Nguyễn Văn Vĩnh); một số bài viết như Báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX với việc đánh giá vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (Đặng Thị Vân Chi), v.v.. Liên quan đến giáo dục nữ giới trong lịch sử có ít tác phẩm hơn, bài viết “Nữ tiểu học và các sách nữ huấn của Việt Nam dưới góc nhìn của thư chí học so sánh” của Peter Kornicki và Nguyễn Thị Oanh in trên tạp chí Hán Nôm năm 2021, đã tiếp cận đến các đầu sách dùng cho việc giáo dục nữ giới bằng chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam.
Tác giả quan tâm đến lĩnh vực giáo dục nữ giới Việt Nam trong lịch sử, nhưng bài viết này hiện chưa đi sâu, chỉ bước đầu đặt vấn đề “vòng ngoài”, nhưng mang tính chất nền tảng quyết định tính chất, nội dung, thực trạng, kết quả… của công cuộc giáo dục nữ giới Việt Nam. Đó là, Việt Nam tiếp nhận tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia trong bối cảnh bản địa như thế nào. Bối cảnh đó tác động như thế nào đến quá trình tiếp nhận, chúng trở thành “lực cản” nhất định hay “chắp cánh” cho tư tưởng giáo dục đó phát triển sâu rộng ở Việt Nam, hay chỉ đơn giản là “chất xúc tác” làm nên hiện tượng bản địa hóa.
2. Tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia
Quan điểm “nam nữ hữu biệt” được khẳng định từ lâu đời trong xã hội truyền thống Nho gia. Chuyện “nam nữ có khác biệt” là điều đương nhiên, xét từ góc độ tâm sinh lý đã khác biệt, vấn đề quan điểm này đề cập đến là chiều hướng khác biệt mất cân xứng nghiêm trọng từ góc độ xã hội. Dưới chế độ phụ quyền, nam giới thống lĩnh, chi phối gần như mọi mặt trong đời sống xã hội. Luân lý, triết học, luật pháp, đạo đức, tôn giáo, chính trị, kinh tế… tất cả là thế giới của nam giới, và giáo dục cũng không ngoại lệ. Công cuộc giáo dục, quyền lợi thụ hưởng giáo dục của hai giới nam nữ khác biệt rất lớn.
Trước tiên là quan điểm về “chuyện đến trường” của nữ giới. Trong Nội huấn viết: “Cổ giả giáo tất hữu phương, nam tử bát tuế nhi tiểu học, nữ tử thập niên nhi thính mẫu giáo” (người xưa giáo dục tất có phương pháp, nam tử tám tuổi học tiểu học, nữ tử mười tuổi nghe mẹ dạy dỗ). Qua đó, thấy rõ quan điểm nữ giới không được thụ hưởng giáo dục ở trường học, còn thấy được sự đồng tình về phương pháp này dành cho nữ giới.
Các đứa bé đương nhiên được dạy dỗ từ nhỏ bất luận trai hay gái, thậm chí lý luận “thai giáo” (tức giáo dục trẻ từ thuở còn cưu mang) xuất hiện từ sớm, khoảng giai đoạn Ngụy Tấn Nam Bắc triều, nhưng cái mốc đánh dấu bước vào giai đoạn chính thức thụ hưởng giáo dục là 10 tuổi đối với bé gái. Và thực tế, nữ giới đã được dạy dỗ bằng phương thức đặc biệt riêng, chủ yếu có ba phương thức, một là hằng ngày nghe mẹ dạy dỗ bằng miệng, hai là nghe cha hoặc anh em trai thuật lại những điều trong sách vở (đa số nữ giới không biết chữ), ba là quan sát cảm nhận và bắt chước làm theo. Không gian sống, sinh hoạt, học tập… của nữ giới hoàn toàn bị giới hạn trong “không gian gia đình”, nữ giới không có khái niệm gọi là “tuổi đến trường”.
Phương thức giáo dục nữ giới bó hẹp trong không gian gia đình bắt nguồn từ tư tưởng xem nhẹ việc giáo dục nữ giới, cho rằng “nữ tử vô tài tiện thị đức” 女子无才便是德 (nữ giới không có tài chính là đức). Xã hội cổ đại không cần dùng tài trí của nữ giới. Quả thật, xã hội đã từng có đề cao vai trò của phụ nữ trong việc giáo dục con cái, và bày tỏ quan điểm cần xem trọng giáo dục phụ nữ, với nguyên nhân người phụ nữ có ảnh hưởng đến sự thành đạt của con cháu, ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp của chồng, thậm chí ảnh hưởng đến chính trị quốc gia. Trong Giáo nữ di quy đời Thanh có câu: “Phu tại gia vi nữ, xuất giá vi phụ, sinh tử vi mẫu. Hữu hiền nữ nhiên hậu hữu hiền phụ, hữu hiền phụ nhiên hậu hữu hiền mẫu, hữu hiền mẫu nhiên hậu hữu hiền tử tôn. Vương hóa thủy ư khuê môn, gia nhân lợi tại nữ trinh. Nữ giáo chi sở hệ, cái kỳ trọng hề”
夫在家为女,出嫁为妇,生子为母。有贤女然后有贤妇,有贤妇然后有贤母,有贤母然后有贤子孙。王化始于闺门,家人利在女贞。女教之所系,盖綦重矣 (ở nhà làm con gái, xuất giá làm vợ, sinh con làm mẹ. Có hiền nữ sau đó mới có hiền phụ, có hiền phụ sau đó mới có hiền mẫu, có hiền mẫu sau đó mới có hiền tử tôn. Vương hóa bắt đầu từ khuê môn, gia đình có lợi chỗ nữ trinh. Giáo hóa nữ giới vì vậy mà nên xem trọng). Trong Khuê huấn thiên tự văn đời Thanh cũng có câu ý nghĩa tương tự: “cái văn nam chính vị hồ ngoại, nữ chính vị hồ nội. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã, nam giáo cố trọng, nhi nữ giáo diệc vị khả khinh. Cổ kim gia quốc chi tế, hữu thánh mẫu tức hữu thánh tử, hữu hiền phụ thủy hữu hiền phu, chính trị chi bản, vạn hóa chi nguyên, giai hệ hồ thử, kỳ giáo cố bất trọng dư”
盖闻男正位乎外,女正位乎内。男女正天地之大义也,男教故重,而女教亦未可轻。古今家国之际,有圣母即有圣子,有贤妇始有贤夫,政治之本,万化之原,皆系乎此,其教固不重欤 (vị trí chính của nam là bên ngoài, vị trí chính của nữ là bên trong. Nam nữ ở đúng vị trí là đại nghĩa của thiên địa, vì thế trọng nam giáo, mà nữ giáo cũng không được xem nhẹ. Xưa nay trong phạm vi mỗi nước mỗi nhà, có thánh mẫu tức có thánh tử, có hiền phụ mới có hiền phu, gốc của chính trị, nguồn của vạn vật hóa thành, đều ở nơi đây cả, giáo dục vì thế mà không xem trọng được sao). Như vậy, người xưa đã từng khẳng định tầm quan trọng của nữ giới, khi cho rằng người phụ nữ có giáo dưỡng là căn bản của chính trị, khởi đầu của vạn vật hóa thành, phải chăng việc giáo hóa nữ giới có liên quan đến củng cố hoàng quyền.
Chúng tôi cho rằng, có hiện tượng đề ra những đề xướng trên, đặt chuyện “cần xem trọng giáo dục nữ giới” thành vấn đề và hô hào nó, cũng chứng tỏ trên thực tế có hiện tượng bất bình đẳng giữa giáo dục hai giới nam nữ, xem nhẹ giáo dục nữ giới từ bao đời trước. Ở phương diện thân phận xã hội của nữ giới, ứng xử xã hội theo hướng nam tôn nữ ti, việc giáo dục nữ giới bị xem nhẹ; mặt khác, ở phương diện ảnh hưởng đa chiều trong công cuộc giáo hóa, cũng như quan niệm “giáo dục chi bản, nguyên tại gia đình”, nhận thức cái gốc của giáo dục vốn từ gia đình, mà người mẹ là khởi nguồn của mọi hình thức giáo dục, giữ vai trò chính trong giáo dục con cái, có “hiền mẫu” mới có “hiền tử tôn”, từ đó nhận thức tầm quan trọng của vai trò người mẹ trong giáo dục gia đình, mở rộng ra sự giáo hóa toàn xã hội, và tiếp tục suy luận ảnh hưởng đến sự bền vững vương triều. Do vậy, nhận thức trước tiên cần bồi dưỡng người mẹ, cần quan tâm đến giáo dục giới nữ.
Tiếp tục tìm hiểu sách vở và nội dung của giáo dục sẽ càng rõ hơn tư tưởng giáo dục nữ giới trong xã hội Nho gia truyền thống. Mặc dù Nho gia đề xướng “hữu giáo vô loại”, nhưng hệ thống giáo dục trường lớp (cả trường công lẫn trường tư), hệ thống khoa cử, con đường quan học… mang lập trường nam giới mạnh mẽ, hoàn toàn loại bỏ đối tượng nữ giới, hệ thống “sư – trò” trong xã hội không có mặt của nữ giới. Kinh học cũng có đặc trưng nam giới hóa, kinh điển Nho gia không có kinh điển dành cho nữ giới, giáo dục bồi dưỡng “đạo quân tử” càng không có chỗ dành cho nữ giới. Tuy nhiên, với nhận thức tầm quan trọng của nữ giới trong vai trò là người vợ, người mẹ, nữ giới được “dạy dỗ riêng”, theo “cách thức riêng” và đương nhiên được thực hiện trên lập trường của nam giới.
Việc giáo dục nữ giới đã thực hiện từ sớm, riêng nói về sách vở thì trong lịch sử từng có những quyển như: đời Hán có Liệt nữ truyện 列女传của Lưu Hướng 刘向, Nữ giới 女诫của Ban Chiêu 班昭; đời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều có Nữ điển thiên 女典篇, Nữ sử châm 女史箴, Hiền viện thiên 贤媛篇; đời Tùy Đường có Nữ hiếu kinh 女孝经của Trịnh Thị 郑氏, Nữ luận ngữ 女论语 của Tống Nhược Tuy 宋若萃; đời Tống Nguyên có Gia phạm 家范, Huấn kiệm thị khang 训俭示康của Tư Mã Quang 司马光; đời Minh có Nội huấn 内训của Từ hoàng hậu 徐皇后, Khuê phạm 闺范 của Lã Khôn 吕坤, Ôn thị mẫu huấn 温氏母训, Nữ phạm tiệp lục 女范捷录 của Lưu Thị 刘氏; đời Thanh có Giáo nữ di quy 教女遗规của Trần Hồng Mưu 陈宏谋, Tân phụ phổ 新妇谱của Lục Kỳ 陆圻, Nữ nhi kinh 女儿经của Hạ Thụy Lân 贺瑞麟, Nữ học 女学của Lam Đỉnh Nguyên 蓝鼎元.
Ngoài ra, đời Thanh còn có nhiều tác phẩm lưu truyền trong dân gian về việc giáo hóa phụ nữ như Cải lương nữ nhi kinh 改良女儿经, Khuê huấn thiên tự văn 闺训千字文, Hội đồ nữ nhi tam tự kinh 绘图女儿三字经, Khuê các châm 闺阁箴, Nữ tiểu nhi ngữ 女小儿语, Thôi thị phu nhân huấn nữ văn 崔氏夫人训女文, Thái công gia giáo 太公家教, Phụ nữ nhất thuyết hiểu 妇女一说晓, v.v.. Cho đến đời Thanh, bốn quyển Nữ giới, Nữ luận ngữ, Nội huấn và Nữ phạm tiệp lục hợp lại gọi là Khuê các nữ tứ thư tập chú 闺阁女四书集注, gọi tắt là Nữ tứ thư, được xem là “giáo trình” giáo dục phẩm chất đạo đức nữ giới một cách có hệ thống.
Công cuộc giáo dục nữ giới xây dựng trên lập trường của nam giới thể hiện ở nội dung giáo dục. Hệ thống quyền lực “quân – sư – phụ” không tồn tại nữ giới, nhưng suy cho cùng, không thể loại nữ giới ra khỏi hệ thống, không thể loại ra khỏi chế độ tông pháp, chỉ là chịu sự khống chế của nam quyền. Vậy người phụ nữ phải được giáo dục như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu trên. Phân tích một trong số hàng loạt sách vở trong suốt chiều dài lịch sử kể trên sẽ thấy rõ nội dung giáo dục nữ giới.
Nữ giới của Ban Chiêu là quyển xuất hiện sớm nhất (từ đời Hán) và được tuyển chọn là một trong Nữ tứ thư, có bảy thiên: thứ nhất “ti nhược” (thấp hèn yếu kém), thứ hai “phu phụ” (đạo vợ chồng), thứ ba “kính thận” (kính cẩn, thận trọng), thứ tư “phụ hạnh” (phẩm hạnh phụ nữ), thứ năm “chuyên tâm”, thứ sáu “khúc tòng” (thuận theo), thứ bảy “hòa thúc muội”.
Thiên thứ nhất dạy nữ giới nhận thức vị trí bản thân là thấp hèn yếu kém, “người xưa, sinh con gái ba ngày, cho bé gái ngủ dưới giường, cho chơi con thoi và tiến hành làm trai thông cáo. Ý nghĩa của ngủ dưới giường là thể hiện tính chất thấp hèn yếu kém, phải ở với hạ nhân, chơi con thoi nghĩa là phải thành thục lao động, trai cáo tổ tiên thể hiện phải lo việc cúng tế. Ba phương diện của người con gái (thấp hèn yếu kém, cần lao và cúng tế) nếu hoàn bị, mà lo lắng không được tiếng thơm, thân vướng vào sỉ nhục, điều này chưa từng thấy vậy. Nếu ba mặt này mà mất đi, tiếng thơm đâu ra mà được truyền, bản thân sao có thể rời xa điều sỉ nhục”.
Thiên thứ hai dạy đạo vợ chồng, “chồng không hiền minh thì không thể quản được vợ, vợ không hiền minh thì không thể phụng sự hầu hạ chồng. Chồng không quản được vợ thì mất đi tướng mạo trang nghiêm, vợ không thể phụng sự chồng thì nghĩa lý bị hủy hoại mà không hoàn chỉnh”.
Thiên thứ ba dạy “đạo kính thuận là “đại lễ” của phụ nữ”.
Thiên thứ tư dạy phẩm hạnh của phụ nữ cần có bốn loại “đức, ngôn, dung, công”, “thanh nhàn tiết tháo tĩnh lặng, thủ tiết chỉnh tề, hành vi biết liêm sĩ, biết hổ thẹn, hành động có phép tắc, gọi là nữ đức; lựa lời mà nói, không nói lời ác, khi nào nên nói mới nói, không khiến bị chán ghét, gọi là nữ ngôn; phục sức sạch sẽ, tắm gội đúng thời, thân không bẩn nhục, gọi là nữ dung; chuyên tâm kéo sợi, không ưa đùa giỡn, chuẩn bị đồ ăn thức uống sạch sẽ, đối đãi tốt khách khứa, gọi là nữ công. Bốn điều này là “đại đức” của nữ nhân, không thể thiếu”.
Thiên thứ năm dạy tấm lòng chuyên nhất, “chồng là trời của vợ, không thể trốn khỏi trời, không thể rời khỏi chồng. Lễ nghi thuần khiết, tai không nghe điều không phải, mắt không nhìn nghiêng, ra đường không trang điểm lòe loẹt, ở nhà không bỏ phí phục sức đang mặc, không tụ tập nhiều người, không nhìn ra cửa nhà, gọi là chính trực một lòng”.
Thiên thứ sáu dạy biết nghe lời, biết thuận ý bậc trưởng bối, đừng lý lẽ đúng sai, đừng hiếu thắng tranh luận, cho dù là nói điều gì cũng biết thuận theo, gọi là khúc tòng.
Thiên thứ bảy dạy biết hòa thuận với anh chị em trong nhà.
Qua tìm hiểu nội dung trên cho thấy, thứ nhất, nội dung giáo dục nữ giới là không truyền thụ tri thức, chỉ truyền thụ “lễ giáo”, không bồi dưỡng “tài”, chỉ bồi dưỡng “đức”, gọi là “nữ đức”, “nữ đạo”, “phụ đạo”. Cụ thể là tam tòng (vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử 未嫁从父,既嫁从夫,夫死从子) tứ đức (phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công 妇德、妇言、妇容、妇功), không cần làm quan, chỉ cần làm hiếu nữ, hiền thê, lương mẫu, trinh phụ.
Thứ hai, giáo hóa nam giới có kết cấu hướng ngoại “tu - tề - trị - bình”, thực hiện giá trị cá nhân thông qua quá trình xã hội hóa bên ngoài gia đình; giáo hóa nữ giới có kết cấu hướng nội, thực hiện giá trị cá nhân thông qua thể hiện bên trong gia đình. Sự dạy dỗ nam giới mang chiều hướng tích cực, họ được dạy “sẽ trở thành người đem đến vinh quang cho gia tộc, người phát triển gia tộc”, ngược lại sự dạy dỗ nữ giới theo chiều hướng tương đối tiêu cực, họ được dạy “sẽ trở thành người đừng khiến cho bản thân bị sỉ nhục hay bị ghét bỏ, đừng khiến cho tông tộc bị nhục nhã”.
Do vậy, nữ giới chỉ phát triển bản thân, hay phát huy tác dụng của bản thân ở phương diện “đức giáo”, và xác lập vị trí tồn tại của bản thân trong gia đình thông qua sinh sản (đặc biệt là phải sinh con trai). Thứ ba, nữ giới còn được dạy nhận thức địa vị bản thân là thấp hèn, là thứ phụ thuộc trong xã hội, từ đó mất đi ý thức cá nhân, ý thức chủ thể của bản thân.
3. Bối cảnh Việt Nam tiếp nhận tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia
Việt Nam là một trong những nước ảnh hưởng tư tưởng Nho gia, ảnh hưởng tư tưởng giáo dục của Nho gia. Hệ thống trường học công của Việt Nam chính thức bắt đầu vào thời Lý, với ngôi trường đầu tiên được xây dựng là Văn miếu (năm 1070), mở đầu cho hệ thống giáo dục theo Nho học. Khoa thi Minh kinh bác học đầu tiên cũng vào thời Lý (năm 1075), mở đầu cho chế độ khoa cử theo Nho học.
Cách thức tổ chức, ứng xử xã hội cũng trên lập trường nam giới, nam giới được đến trường, được đào tạo, được truyền thụ cả tài đức, được truyền dạy “tứ thư ngũ kinh”, được ra làm quan, được giữ vai trò làm vẻ vang dòng họ, v.v.; nữ giới không được đến trường, không ra làm quan, chỉ được truyền thụ “đức”, được dạy dỗ hướng nội, giữ gìn phẩm chất tiết tháo, bốn chữ “tam tòng tứ đức” và hai chữ “trinh tiết” không xa lạ với phụ nữ Việt Nam xưa nay.
Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam đã không biến thành sản phẩm giống như mô hình phụ nữ Trung Quốc, vẫn là phụ nữ Việt Nam với nét rất riêng. Điều gì làm nên chất riêng ấy, đó là, nữ giới Việt Nam cũng được giáo dục theo tư tưởng giáo dục của Nho gia, nhưng trong “môi trường/ bối cảnh Việt Nam”, trên nền tảng “văn hóa Việt Nam”. Chúng tôi mạo muội đưa ra một số điểm của bối cảnh đất nước con người Việt Nam liên quan đến việc tiếp nhận tư tưởng giáo dục của Nho gia dành cho nữ giới.
Theo con đường tiếp nhận Nho học, hệ thống kinh điển Nho gia có mặt ở Việt Nam gần như đầy đủ, căn bản nhất là bộ tứ thư ngũ kinh, nhưng trong hệ thống đó không có kinh điển dành cho nữ giới dùng làm sách học. Hệ thống “giáo trình” giáo dục nữ giới từ đời Hán đến đời Thanh theo chúng tôi thống kê ở phần trên, được truyền vào Việt Nam như thế nào, được mấy quyển, việc phổ cập đến mức độ nào, hiện nay vẫn chưa xác định được, chưa có chứng cứ để xác định. Hai nhà nghiên cứu Hán Nôm cho rằng “Khi chúng tôi điều tra về việc du nhập các sách nữ huấn của Trung Quốc vào Việt Nam, có một điều không thể phủ nhận đó là có rất ít tài liệu” [Peter Kornicki, Nguyễn Thị Oanh].
Theo thống kê của hai nhà nghiên cứu này (thống kê từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia), sách nữ huấn ở Việt Nam có: Liệt nữ tiệp lục giải âm 列女捷錄解音 (sách viết tay, chữ Nôm, lời tựa năm 1856), Nhị thập tứ nữ tắc diễn âm 二十四女則演音 (sách viết tay, vừa chữ Hán vừa chữ Nôm), Quỳnh Vương Lưu tiết phụ truyện 瓊王留節婦傳 (sách in, chữ Hán, năm 1900), ba quyển này chủ yếu là các truyện ký về phụ nữ; Tào đại gia nữ giới 曹大家女誡 (năm 1908), Giáo nữ di quy 教女遺規 (sách in, chữ Hán, năm 1878); Nữ huấn tam tự thư 女訓三字書 (cuối thế kỷ 19), Lan phòng pháp ngữ 蘭房法語 (sách chép tay, năm 1860), Trinh ác phụ nữ tục biên貞惡婦女續編, Nữ tắc diễn âm 女則演音của tác giả Trần Vạn An (chữ Nôm, năm 1845), Huấn nữ tử ca 訓女子歌 (chữ Nôm, năm 1875), Phượng Sơn nữ kinh bảo lục 鳳山女經寶錄 (chữ Nôm, năm 1912), Nữ học diễn ca 女學演歌 (chữ Nôm, năm 1914).
Hai nhà nghiên cứu cũng nhận định: “Trong các sách nữ huấn của Việt Nam rất ít sách nữ huấn viết bằng chữ Hán, chủ yếu được viết bằng chữ Nôm với hình thức diễn ca. …Nhưng phụ nữ Việt Nam với tư cách là độc giả sẽ cảm nhận như thế nào khi đọc các sách nữ huấn đó? Có phải họ thật sự muốn trang bị cho mình những kiến thức của nữ huấn, hay là giống như Tadano Makuzu của Nhật Bản suy đoán, họ muốn trút bỏ nữ huấn? đến nay chúng ta vẫn chưa có thể biết rõ điều này” [Peter Kornicki, Nguyễn Thị Oanh].
Thêm một điều chúng tôi quan tâm nữa, đó là với loại sách chép tay liệu làm sao được phổ biến rộng rãi. Nội dung các sách thì đã được viết lại dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm, dựa vào tên sách chỉ thấy có một quyển Giáo nữ di quy là trùng tên với quyển sách đời Thanh Trung Quốc, và dấu tích thời gian trên các sách là rất muộn, đều từ thế kỷ XIX về sau. Như vậy, về sự ảnh hưởng của sách vở, chưa thấy dấu hiệu của mức độ sâu và rộng, càng không thấy được vai trò là “giáo trình” giáo dục nữ giới Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.
Thời gian thấm nhuần Nho học toàn xã hội và quá trình bản địa hóa cũng là vấn đề làm nên tính chất riêng của giáo dục nữ giới Việt Nam. Nho học truyền vào Việt Nam quả là rất sớm, song thời gian Nho học thâm nhập sâu trong xã hội nhìn chung là muộn, ít nhất muộn hơn so với Nhật Bản vài thế kỷ. Nhật Bản chậm nhất đến thời Nara (710-794), cùng với sự tiếp nhận mạnh mẽ văn hóa Trung Hoa dưới thời nhà Đường, đến mức được cho rằng văn hóa Nhật Bản thời đó mang dáng dấp “Đường phong”,
Nho học cũng đã thâm nhập mạnh mẽ toàn xã hội, từ lĩnh vực chính trị, xây dựng triều đình đến lĩnh vực nghệ thuật như thơ ca, v.v... ở lĩnh vực giáo dục trường học đào tạo theo tư tưởng Nho gia chính thức thành hệ thống. Ở Việt Nam, như đã trình bày trên, hệ thống trường học công đào tạo theo tư tưởng Nho gia và khoa cử đến thời Lý mới bắt đầu, với ngôi trường đầu tiên xây dựng năm 1070, và tiếp nhận từ Trung Hoa dưới thời nhà Tống. Nhà nước phong kiến thời Lý bước đầu xây dựng triều đại dành sự quan tâm cho “đại sự” trước, như bộ máy nhà nước, luật pháp, khoa cử…; bước vào lịch sử giáo dục theo tư tưởng Nho gia muộn, sự quan tâm ưu tiên sẽ dành cho kinh điển chính thống của Nho gia – đó là bộ thập tam kinh đời Tống, các sách nữ huấn nếu có truyền vào chắc chắn chưa được chú ý đến; giữa khu vực triều đình và địa phương sẽ ưu tiên cho triều đình trước (mãi đến đời Trần hệ thống trường công mới phủ tới địa phương); giữa quý tộc và thường dân sẽ ưu tiên cho quý tộc trước; giữa nam và nữ đương nhiên chỉ có nam giới được đến trường.
Tuy khoảng trống mà nhà nước và hệ thống công chưa lo được, có hệ thống trường tư bổ khuyết, nhưng vẫn là tự phát nhỏ lẻ, chỉ có thể đáp ứng mức tối thiểu nhu cầu những người ham học, những người có điều kiện, và nhu cầu khoa cử. Như vậy, với tình hình chung đó, độ thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Nho gia nói chung liệu được bao phủ toàn xã hội của một đất nước “đa số là nông dân”?, độ thấm nhuần liệu được sâu khắp các làng khép kín?. Nữ giới Việt Nam nói riêng rõ ràng phần lớn chưa được giáo hóa tỉ mỉ, chi tiết và có bày bản về nội dung của “tam tòng tứ đức” theo nữ huấn, có chăng họ cảm và nhận thức được những điều cơ bản phải giữ gìn trinh tiết, phẩm hạnh. Do vậy, họ có sự tự do, cởi mở, phóng túng nhất định so với mức độ “khắc kỷ phục lễ” của Nho gia.
Bên cạnh đó, Phật giáo cũng được truyền vào Việt Nam từ rất sớm, lịch sử ghi nhận dòng Nam truyền được truyền vào sớm hơn cả dòng Bắc truyền, hoàn toàn bằng con đường hòa bình. Phật giáo sau khi có mặt đã thâm nhập sâu rộng trên cả hai tuyến quan lại, quý tộc và thường dân, bác học và dân gian, đối tượng tiếp nhận cũng không phân biệt giới tính nam nữ.
Nếu Nho gia chỉ ảnh hưởng ở phương diện triết học thì Phật giáo ảnh hưởng đến người Việt Nam cả hai phương diện triết học và tâm linh. Đối với Trung Quốc, Nho gia là yếu tố bản địa, Phật giáo là yếu tố du nhập, Nho gia góp phần làm cho văn hóa Trung Quốc mang tính thế tục, hiện thực cao, Phật giáo truyền vào có thể lắp khoảng trống lãng mạn, tâm linh, mềm mại mà khu vực này có phần thiếu hụt. Đối với Việt Nam, cả hai Nho Phật đều là yếu tố du nhập, so với Nho, Phật giáo truyền vào Việt Nam lại phù hợp với kết cấu tâm lý đậm chất nông nghiệp của nông dân lúa nước, sẵn nhịp điệu lãng mạn, mềm mại, tâm linh của vùng sông nước. Trong lịch sử, Phật giáo đã giữ vai trò quan trọng nhất định trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.
Chùa là trung tâm học tập đầu tiên trước khi có trường học, và vẫn là nơi học tập trong khắp dân gian bổ khuyết cho hệ thống trường công, truyền thụ cả Phật học và Nho học. Nội dung nhân quả, trí huệ, từ bi, bình đẳng,… của Phật giáo ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thái độ xã hội đối với nữ giới và giáo dục nữ giới Việt Nam, làm mềm mại hơn cục diện xã hội nếu chỉ ảnh hưởng từ tư tưởng Nho gia.
Yếu tố nông nghiệp là một trong những yếu tố bản địa mạnh mẽ nhất làm nên tính chất của việc tiếp nhận tư tưởng giáo dục của Nho gia nói chung, giáo dục nữ giới của Nho gia nói riêng. Ở góc độ tính chất dân tộc, dân nông nghiệp lúa nước có đặc trưng nặng “tình” hơn nặng “lý”, lối sống linh hoạt chứ không cứng nhắc, nguyên tắc, người nông dân vốn bản chất chân chất, xề xòa, tự do, cởi mở.
Việt Nam đã tiếp nhận lễ giáo của Nho gia bằng cái chất nông dân đó. Trong khi đó, cái gọi là “lễ” của Nho gia là thuộc “lý” không phải thuộc “tình”. Ở góc độ làng nước, người làm nông bám đất bám ruộng, sống định cư khép kín trong làng, giữ ổn định trật tự bằng lệ làng cùng luật nhà nước, bên cạnh phương diện “nặng tình, linh hoạt”, phương diện danh dự, sĩ diện, chuẩn mực hành vi, cùng một số nguyên tắc cứng mà mỗi thành viên của làng phải tuân thủ để duy trì nề nếp và tổ chức làng, cũng là điều xuất hiện hiển nhiên và tất yếu.
Chữ “lễ” của Nho gia đã bổ sung thêm về phương diện “lý” này, chứ không phải là yếu tố duy nhất tạo nên phương diện “lý”, “nguyên tắc” của làng xã. Ở góc độ gia đình, gia tộc, trong đa số gia đình nông dân Việt Nam, sự phân công lao động “chồng cày vợ cấy” sẽ tiếp nhận quan điểm đối xử khác biệt giới gay gắt “chồng chúa vợ tôi, chồng là trời của vợ” như thế nào? Mặt khác, với chế độ tông pháp lập “đích tử” của Trung Quốc, người phụ nữ trong gia đình rơi vào tình trạng luôn đấu tranh căng thẳng, thậm chí lợi dụng con cái “để được tồn tại”, “để được sống”.
Khái niệm “hiền thê, hiền mẫu” được tiếp cận nghiêng về phương diện là quy chuẩn khắt nghiệt của “lý” hơn là phương diện cảm xúc tự nhiên của “tình”. Người làm vợ, người làm mẹ trong gia đình Việt Nam liệu thiên về phương diện nào? Như vậy, trên nền tảng tổ chức và phân công lao động của cư dân lúa nước, yếu tố “tự nhiên, tình cảm, linh hoạt,…” góp phần quyết định mức độ ứng xử xã hội đối với nữ giới và giáo dục nữ giới Việt Nam.
Những trang sử Việt Nam nổi bật nội dung chống giặc ngoại xâm, người Việt Nam từ xưa đã rất vất vả giữ gìn lãnh thổ, bảo toàn sự sống còn của dân tộc. Trong bối cảnh đó, nữ giới giữ vai trò không nhỏ ở cả vị trí hậu phương lẫn tiền tuyến. Hình ảnh những người phụ nữ tài đức ra trận và những người phụ nữ hiền đức làm hậu phương vững chắc cho chồng con, là những bài học thực tiễn và gần gũi trước mắt cho việc giáo dục nữ giới Việt Nam hơn là những câu chuyện trong Liệt nữ truyện của Trung Hoa.
Cuối cùng, truyền thống “trọng mẫu” bản địa ẩn sâu trong tiềm thức văn hóa dân tộc, tạo nên lối nhận thức riêng của Việt Nam về giới. Như trên phân tích, tư tưởng Nho gia dạy dỗ nữ giới tự nhận thức bản thân là “thấp kém, tồn tại phụ thuộc”, dẫn đến nữ giới mất đi ý thức “chủ thể” đối với bản thân mình. Yếu tố dân gian Việt Nam lan tỏa thông qua tín ngưỡng, phong tục tập quán, ngôn ngữ,… thể hiện vai trò của nữ giới, thái độ đối với nữ giới, thái độ của nữ giới về chính mình. Tín ngưỡng thờ mẫu, thờ Bà Trời, truyền thuyết mẹ Âu Cơ, ngôn từ “con dại cái mang, đường cái, trống cái,...”, thói quen để phụ nữ quản lý tài chính gia đình v.v., góp phần ảnh hưởng đến nhận thức của nữ giới về chính mình.
4. Kết luận
Việt Nam có tiếp nhận tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia trong công cuộc giáo dục nữ giới Việt Nam. Chưa bàn tới mức độ, tính chất, nội dung và kết quả của giáo dục, một điều khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam với nét độc đáo riêng kế thừa từ truyền thống mẹ Âu Cơ, đến các Bà Trưng, Bà Triệu, đến những nữ sĩ tài ba (lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ, tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, Bà huyện Thanh Quan,…), và đến những người phụ nữ bình thường làm con gái, làm mẹ, làm vợ trong dân gian, v.v.. Điều gì quyết định nên nét độc đáo riêng đó? Chính là việc tiếp nhận tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia trên nền tảng song song tiếp nhận Phật giáo, trên nền tảng bản địa là đất nước nông nghiệp, truyền thống làng khép kín, truyền thống trọng mẫu, và tinh thần sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Nhà chùa góp phần tích cực vào công cuộc giáo dục của Việt Nam nói chung, đã từng đóng vai trò là cơ sở trường lớp, ảnh hưởng ở cả hai phương diện triết học và tâm linh.
Chuẩn mực lễ giáo nguyên tắc mang chất “lý” của Nho gia đã gặp ngay “rào cản” là “chất tình” của cư dân nông nghiệp khi thâm nhập làng xã. Truyền thống phụ nữ Việt Nam qua các trang sử bảo vệ dân tộc là những bài học gần gũi và trung thực nhất. Truyền thống trọng mẫu ẩn sâu trong tiềm thức văn hóa dân tộc ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của xã hội về phụ nữ và nhận thức của phụ nữ về chính mình. Tất cả là nền tảng cho quá trình bản địa hóa tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Peter Kornicki, Nguyễn Thị Oanh. 2010. “Nữ tiểu học và các sách nữ huấn của Việt Nam dưới góc nhìn của thư chí học so sánh”. Tạp chí Hán Nôm số 6(103) 2010, tr23-36.
2. Trần Hồng Mưu. Thanh. Giáo nữ di quy. Trang web Trung Quốc triết học thư điện tử hóa kế hoạch
https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=199610&remap=gb
[陈宏谋《教女遗规》]
3. Viên Hiểu Tinh. 2017. “Phản tư đương đại về giáo hóa nữ giới Nho gia truyền thống”. Quốc tế Nho học luận tòng, kỳ 1 năm 2017. [袁晓晶《传统儒家女性教化的当代反思》,国际儒学论丛,2017年1期]
4. Vương Hữu Anh. 2010. “Bàn thảo vấn đề giáo hóa nữ tử cổ đại Trung Quốc”. Học báo ĐH Sư phạm Sơn Tây: khoa học xã hội, kỳ 2 năm 2010. [王有英《中国古代女子教化深析》,山西师大学报:社会科学版,2010年02期]
5. Vương Tương (chú). 2015. Nữ tứ thư tập chú. NXB Đoàn kết. [王相 (清)注《女四书集注》,团结出版社,2015]
TRẦN PHÚ HUỆ QUANG
Các tin cũ
- » Nam Huỳnh Đạo với tâm thức mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ 16/05/2023 15:56:38
- » Phong trào nữ quyền trong xã hội Việt Nam thời cổ đại 16/05/2023 11:47:53
- » Nghề và ngành, môn và khoa đối với gia phả hiện nay là gì? 15/05/2023 17:58:50
- » Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam 15/05/2023 17:23:32
- » Viện Lịch sử Dòng họ nói chuyện gia phả tại Tiền Giang 13/05/2023 16:58:26
- » Bản quyền gia phả dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ 06/05/2023 14:21:37
- » Kỷ yếu hội thảo Di sản mẹ Âu Cơ ngày 28/4/2023 30/04/2023 10:36:37
- » Hội thảo về Di sản mẹ Âu Cơ 28/04/2023 14:24:44
- » CLB Gia phả Trẻ tổng kết 5 năm thành lập 24/04/2023 11:54:40