Trang chủ >
Làm quen các bộ phận cơ bản trong buồng lái xe ô tô
Làm quen các bộ phận cơ bản trong buồng lái xe ô tô
24/05/2021 22:52:18Làm quen các bộ phận cơ bản trong buồng lái xe ô tô
Những bộ phận trong buồng lái các bạn cần làm quen trước khi học thực hành lái xe:
- Bảng đồng hồ
- Đồng hồ báo vận tốc cho biết tốc độ di chuyển mỗi giờ. Khi lái xe bạn thỉnh thoảng nhìn đồng hồ vận tốc để làm quen với cảm giác về tốc độ và không chạy quá nhanh 1 cách vô thức.
- Đồng hồ đo tốc độ quay động cơ cho biết số vòng quay của động cơ trong 1 phút. Đồng hồ chỉ số 1 có nghĩa là mỗi phút động cơ quay được 1000 vòng, số 2 là 2000 vòng. Khi xe chạy chậm gần như dừng lại thì động cơ quay khoảng 800 vòng/phút. Khi bạn đạp ga thì kim đồng hồ cũng di chuyển tăng theo số vòng quay động cơ. Xe đang chạy trên đường thì kim đồng hồ nên ở mức số 2-3 rpm (2000-3000 vòng/phút) là tốt nhất. Để động cơ có tuổi thọ lâu và tiết kiệm nhiên liệu bạn không nên để kim đồng hộ vượt qua mức 5 rpm.
- Đồng hồ đếm số km đã đi cho biết tổng số km mà xe đã đi kể từ khi xuất xưởng, là thước đo để phán đoán tính năng và giá trị hiện tại của xe (đồng hồ này là một trong những bộ phận cần xem xét kỹ khi mua xe cũ). Thông thường mỗi năm xe chạy khoảng 10.000 – 20.000km. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dựa vào đồng hồ đếm km để tính toán thời điểm cần thay thế các phụ tùng bị hao mòn hoặc bảo trì xe.
- Đồng hồ đo khoảng cách giữa 2 địa điểm thường được dùng để tính mức tiêu hao nhiên liệu. Khi ấn nút reset thì chữ số hiển thị trên đồng hồ đo khoảng cách sẽ về 0, từ đó ta có thể tính được khoảng cách đã đi kể từ khi reset.
- Đồng hồ đo nhiệt độ nước làm lạnh máy cho chúng ta biết “thân nhiệt” của xe. Nhiệt độ trung bình của nước làm lạnh máy là 80 đến 95°C. Kim đồng hồ bao giờ cũng phải chỉ ở vị trí giũa H và C. Tuy nhiên khi nước làm lạnh máy bị rò rỉ hay bộ phận cảm biến bị hư hỏng thì nhiệt độ nước sẽ trở nên quá cao hoặc quá thấp. Kim đồng hồ dịch chuyển về phía H nghĩa là nhiệt độ nước quá cao, nếu bạn bỏ qua điều này nước làm lạnh máy sẽ bốc hơi mù mịt ở nắp capo xe, xe sẽ càng ngày càng nóng làm phát sinh hiện tượng quá nhiệt và động cơ có thể bị biến dạng. Khi gặp hiện tượng này tài xế cần ngừng xe lại để làm nguội động cơ.
2. Đèn cảnh báo:
- Đèn cảnh báo áp lực dầu: Khi thiếu dầu máy hoặc thiết bị lọc dầu bị nghẽn thì đèn sẽ sáng lên. Cần thay đầu máy mỗi khi xe chạy được 5.000 đến 10.000km. Nếu đầu máy bị cạn hoặc thiết bị lọc dầu bị nghẽn thì áp lực dầu sẽ yếu và gây hại cho động cơ. Khi bạn thay thiết bị lọc dầu hoặc dầu máy thì đèn sẽ tắt. Trong trường hợp đèn cảnh báo sáng lên mà bạn vẫn không để ý và tiếp tục lái xe thì động cơ sẽ gây tiếng ồn lớn hơn, xe sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn và máy yếu đi. Ngiêm trọng hơn động cơ có thể bị vỡ và biến dạng đến mức không thể sử dụng được.
- Đèn cảnh báo nạp điện: Đèn sẽ sáng lên khi bình ắc quy có hiện tượng lạ. Đây là tình huống nguy cấp và bạn cần nhanh chóng đem xe đến nơi bảo trì. Nguồn điện xe hơi gồm có bình ắc quy và bộ phận phát điện. Khi máy tắt thì bình ắc quy cung cấp điện cho xe, còn khi máy nổ thì bộ phận phát điện cung cấp. Nếu xe đang chạy mà đèn cảnh báo nạp điện bật sáng thì có khả năng do bộ phận phát điện gặp trục trặc. Lúc này bạn chỉ nên tắt bớt những bộ phận sử dụng điện không cần thiết như radio, điều hòa, màn hình,…và đến ngay cơ sở sữa chữa trước khi ắc quy hết điện. Nếu xe tắt máy giữa đường bạn sẽ không khởi động lại được.
- Đèn cảnh báo thắng tay: đèn sáng khi thắng tay đang giữ bánh xe lại, khi bố thắng bị mòn hoặc thắng bị thiếu dầu. Nếu bạn đang lái xe không kéo thắng tay mà đèn sáng lên thì có thể do bố thắng đã bị mòn hoặc thắng bị thiếu dầu. Bạn nên đến các cơ sở bảo trì để kiểm tra.
- Đèn cảnh báo nhiên liệu: Đèn sáng khi xe sắp hết nhiên liệu.
- Đèn cảnh báo động cơ: Đèn sáng lên khi có hiện tượng lạ ở các bộ phận hoặc thiết bị cảm ứng điều khiển bằng điện tử. Bạn cần đưa xe đến ngay trung tâm bảo trì gần nhất để kiểm tra.
- Đèn pha: báo hiệu đèn chiếu xa đang được bật. Nếu cứ để đèn pha trong lúc lái xe thì tài xế ngược chiều sẽ bị chói mắt và dễ gây tai nạn. Vì thế, bạn chỉ sử dụng đèn pha khi cần thiết.
- Đèn cảnh báo mở cửa: Đèn sáng lên khi cửa đang mở hoặc đóng chưa chặt.
3. Cần điều khiển đa năng: là hai cần điều khiển nằm hai bên phía dưới vô lăng. Chúng dùng để điều khiển hệ thống chiếu sáng và cọ rửa kính xe.
- Cần điều khiển đèn xi-nhan: Đèn xi nhan còn được gọi là đèn hiệu, được dùng khi thay đổi lộ trình như rẽ trái, rẽ phải, chuyển làn đường. Khi đẩy cần này lên trên thì đèn hiệu bên phải sáng lên, còn đẩy xuống dưới đèn hiệu bên trái sẽ sáng.
- Đèn hậu 1 nấc: Nếu xoay phần cuối của cần điều khiển theo chiều kim đồng hồ 1 nấc thì đèn hậu sẽ bật sáng đồng thời đèn sương mù, đèn trên bảng đồng hồ đo và đèn biển số cũng sáng lên. đèn sương mù khi sáng có màu vàng, nằm cùng vị trí với đèn xi nhan ở hai bên đầu xe; còn đèn hậu nằm kế đèn thắng ở hai bên đuôi xe, có màu đỏ nhạt hơn đèn thắng. Đèn hậu dùng để báo có các tài xế phía sau biết vị trí cũng như độ lớn của xe.
- Đèn cos (chiếu gần ở đầu xe) 2 nấc: khi đang mở đèn hậu, nếu xoay phần cuối cần điều khiển theo chiều kim đồng hồ thêm 1 nấc nữa thì đèn cos phía dưới đầu xe sẽ bật lên soi rõ mặt đường. Cả đèn pha và đèn cos đều là các chế độ khác nhau của đèn đầu xe.
- Đèn pha 2 nấc + đẩy cần điều khiển ra phía ngoài: Nếu đẩy cần điều khiển ra phía ngoài ở trạng thái đèn cos thì đèn pha sẽ bật sáng. Đèn pha được sử dụng khi bạn muốn nhìn xa hơn trên đường vắng vào buổi tối. Khi lưu thông bình thường bạn không nên sử dụng đèn pha, tài xế xe ngược chiều sẽ bị chói mắt có thể dẫn đến tai nạn.
- Đèn đối đầu – kéo cần điều khiển vào phía trong: Nếu bạn kéo cần điều khiển vào phía trong và giữ nguyên như vậy thì đèn sẽ sáng lên một chút rồi tự tắt. Đèn tạo tín hiệu “nhấp nháy” nếu thao tác được lặp lại. Khi muốn vượt xe phía trước, tài xế thường dùng đèn này để gây sự chú ý và ngầm yêu cầu xe đang chạy chậm ở phía trước hãy chạy nhanh lên hoặc nhường đường.
- Cần điều khiển bộ phận cọ rửa:
– Cần điều khiển que gạt nước: đẩy lên hoặc xuống cần điều khiển bên phải tay lái đến vị trí mình bạn muốn (off: ngừng lại; int: chuyển động theo chu kì; low: chuyển động chậm; hight: chuyển động nhanh).
– Cần điều khiển rửa tự động: Nếu kéo cần điều khiển bên phải tay lái vào phái trong thì nước xà phòng sẽ phun lên.
4. Công tắc khởi động:
- Khóa (Lock): Sau khi dừng xe lại và rút chìa khóa ra thì ổ khóa sẽ tự động bật về vị trí khóa vô lăng. Nếu muốn xoay chìa khóa sau khi đã khóa vô lăng bạn nên nhẹ nhàng xoay vô lăng sang hai bên trái, phải đồng thời xoay chìa khóa, lúc đó khóa sẽ mở và bạn sẽ xoay chìa khóa được. Khóa là thiết bị được tạo ra để chống nạn trộm xe, bởi dù bọn trộm có thể cắt dây điện của xe rồi khởi động xe mà không cần chìa khóa thì chúng cũng không thể lái được xe khi vô lăng bị khóa.
- ACC: Nếu bạn xoay chìa khóa đến vị trí ACC thì có thể khởi động một số thiết bị điện như radio, đèn hậu, đèn chiếu sáng, bên trong xe chứ chưa khởi động được máy. Khi bạn để xe ở tình trạng này lâu thì bình ắc quy sẽ hết điện.
- ON: Đây là vị trí khởi động xe. Vị trí này có thể khởi động mọi thiết bị điện trừ mô tơ khởi động. Nếu bạn để tình trạng này kéo dài thì bình ắc quy cũng sẽ hết điện.
- Khởi động (Start): Sau khi cắm chìa khóa vào ổ khóa và xoay theo tuần tự LOCK->ACC->ON->START thì xe sẽ được khởi động. Sau đó chìa khóa sẽ bật về vị trí ON khi bạn thả tay ra. Do việc khởi động xe rất tốn điện nên không khởi động được thì cũng không nên xoay chìa khóa quá 10 giây và không nên khởi động lại ngay mà nên đợi vài giây. Nếu động cơ đã hoạt động mà bạn tiếp tục xoay chìa khóa thì mô tơ khởi động có thể bị hư hại. Trước đây khi chưa có mô tơ khởi động thì người ta khởi động bằng cách quay tay khởi động ở bên ngoài xe.