Trang chủ > Bản quyền gia phả dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ

Bản quyền gia phả dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ

06/05/2023 14:21:37

Sáng 6/5/2023 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM phối hợp cùng CLB Gia phả Trẻ (Viện Lịch sử Dòng họ) tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề "Bản quyền gia phả dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ". 

Người trình bày chuyên đề là nhà báo Hữu Trịnh, Phó Giám đốc, Chi hội phó Chi hội Khoa học lịch sử Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM.

Đây là buổi sinh hoạt chuyên đề nằm trong lịch hoạt động hàng tháng của Chi hội Khoa học Lịch sử Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM.

Nhà báo Hữu Trịnh đang trình bày đại cương về Luật Sở hữu trí tuệ

Đến dự buổi nói chuyện chuyên đề có nhà nghiên cứu Võ Ngọc An (Giám đốc Trung tâm NC&TH GP TP.HCM), TS Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng Viện LSDH), PGS-TS Hà Minh Hồng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện LSDH), PGS-TS Võ Văn Lộc (Phó Viện trưởng Viện LSDH), Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền (Phó Giám đốc, Chi hội trưởng Trung tâm NC&TH GP TP.HCM), Thạc sĩ Phạm Hoàng Nam Huân (Phó Viện trưởng Viện LSDH)… cùng các thành viên Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM, Viện Lịch sử Dòng họ, CLB Gia phả Trẻ…

... mọi người chăm chú theo dõi

Nội dung chuyên đề gồm 5 phần:

I. Mục đích - ý nghĩa.

II. Đại cương về Luật Sở hữu trí tuệ.

III. Gia phả là một tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả.

IV. Quyền tác giả (Luật Sở hữu trí tuệ).

V. Bản quyền gia phả.

Nhà báo Hữu Trịnh cho biết: “Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm mục đích điều chỉnh các quan hệ pháp luật liên quan đến các sản phẩm trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan nhằm mục đích bảo vệ, nuôi dưỡng, khuyến khích các tác giả không ngừng sáng tạo để mang lại ngày càng nhiều những sản phẩm trí tuệ ngày càng có giá trị cao cho xã hội.

Là những người làm công việc nghiên cứu và thực hiện những bộ gia phả, chúng ta cũng rất cần biết vấn đề bản quyền của gia phả dưới góc nhìn của Luật Sở hữu trí tuệ, nhằm có những ứng xử đúng theo những quy định của pháp luật”.

Luật Sở hữu trí tuệ là luật quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.

Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, cho đến nay, nó được sửa đổi, bổ sung 3 lần:

- Lần 1: Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010;

- Lần 2: Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019;

- Lần 3: Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ gồm 222 Điều được chia làm 6 phần, 18 chương. Quyền tác giả và quyền liên quan nằm ở Phần thứ hai, từ Chương I đến Chương VI, gồm 57 Điều (từ Điều 1 đến Điều 57).

Tại buổi nói chuyện, nhà báo Hữu Trịnh đã chứng minh: Gia phả là một tác phẩm sáng tạo thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả.

Nhà báo Hữu Trịnh đang trình bày nội dung về Quyền tác giả

Quyền tác giả có 2 phần là quyền nhân thân và quyền tài sản: 

- Quyền nhân thân (gồm có các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm).

- Quyền tài sản (hay nói cách khác là quyền sử dụng, khai thác tác phẩm - tức chủ sở hữu tác phẩm). Nếu người sáng tạo tự đầu tư kinh phí để sáng tạo ra tác phẩm thì quyền tài sản thuộc người sáng tạo; nếu người khác đầu tư thì quyền tài sản thuộc người đầu tư). 

Quyền tác giả được hình thành từ lúc tác phẩm được định hình với bất kỳ phương tiện thể hiện nào mà không cần phải công bố hoặc đăng ký.

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An (bên trái) và Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ nêu những vần đề liên quan đến bản quyền gia phả cần được giải quyết

Về bản quyền gia phả, những khách mời tham dự như nhà nghiên cứu Võ Ngọc An, TS Hoàng Văn Lễ, ThS Nguyễn Thanh Bền, ThS Phạm Hoàng Nam Huân, chuyên viên Hán Nôm Lâm Hoài Phương, chuyên viên gia phả Hồ Việt Kim Chi… đã thảo luận sôi nổi, đặt ra những vấn đề như: Việc đưa phả ký của 80 bộ gia phả do Trung tâm và Viện thực hiện lên trang web của Trung tâm; việc in và xuất bản gia phả họ Trần (Trần Văn Giàu), gia phả họ Võ (ấp Bàu Giã, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi), trong Lời nói đầu của một số bộ gia phả có ghi “đồng ý cho Trung tâm sử dụng” v.v… là có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ?

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền (bên trái) và chuyên viên Hán Nôm Lâm Hoài Phương phát biểu trong phần thảo luận...

Tất cả những bàn luận đều được làm rõ để thống nhất theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ là: Những gia phả do Trung tâm hoặc Viện ký hợp đồng dịch vụ với đại diện dòng họ, thì quyền nhân thân thuộc về những người thực hiện gia phả; còn quyền tài sản thì thuộc người đại diện dòng họ đứng tên ký hợp đồng.

Những gia phả mà Trung tâm thực hiện miễn phí, để tặng các dòng họ như gia phả Nguyễn Huỳnh Đức, gia phả Trần Văn Giàu, 10 gia phả của các dòng họ cố cựu ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi... thì cả quyền nhân thân và quyền tài sản đều thuộc Trung tâm (chính xác hơn là thuộc những người thực hiện các gia phả này).

Thạc sĩ Phạm Hoàng Nam Huân (bên trái) và anh Nguyên Tuấn phát biểu trong phần thảo luận...

Tuy nhiên, anh Nguyên Tuấn, đại diện thương hiệu cà phê Má Sáu - đơn vị đồng hành tài trợ nước uống cho nhiều sự kiện của Viện Lịch sử Dòng họ và Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP.HCM cho rằng, mặc dù quyền tài sản (tức việc sử dụng khai thác tác phẩm) thuộc Trung tâm, nhưng cần nghiên cứu đến luật “bảo vệ quyền riêng tư, bí mật cá nhân” khi chúng ta công bố phần phả hệ lên Internet.

TS Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ) đánh giá buổi nói chuyện chuyên đề lần này là một sinh hoạt rất thiết thực và hữu ích, giúp cho những người đang làm việc trong lĩnh vực gia phả hiểu rõ hơn về bản quyền gia phả theo tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bài: HẢI LONG

Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG ANH QUÍ, PHAN KIM HÙNG, LÊ BÁ QUANG