Gia phả - hồi ký: Chứng tích của sự có mặt
08/08/2022 17:18:26Một dòng họ muốn lưu lại lai lịch dòng tộc mình cho con cháu biết gốc gác tổ tiên; một con người vô danh, hạnh phúc, khổ đau hay thất bại muốn những đau thương mất mát ấy không vô ích, không bị quên lãng mà trở thành kinh nghiệm cho con cháu sau này. Tại sao không?
Bài viết này muốn nói về gia phả - hồi ký dưới khía cạnh đại chúng, chứ không phải những hồi ký đã được xuất bản của các bậc tiền bối trên mọi lĩnh vực, mang tính “chuyên nghiệp”, trau chuốt như những tác phẩm văn chương
Chưa rầm rộ như ở nước ngoài, nhưng nhu cầu làm gia phả và nhất là hồi ký đã bắt đầu có thật. Chi hội Khoa học lịch sử TP.HCM thành lập ngày 23-3-2002 bao gồm hai nhóm “Nghiên cứu và thực hành gia phả” và “Trung tâm hồi ký” vừa họp tổng kết về những thành quả mới mẻ của họ đầu tuần qua tại hội trường Trường Văn hóa nghệ thuật (số 5 Nam Quốc Cang, Q.1).
1. Gia phả - chứng tích và niềm tự hào về nguồn cội
“Lần đầu tiên được thấy và sở hữu một quyển gia phả, tôi rất cảm động. Từng trang, từng trang được lật ra, tôi thấy như ông bà tôi hiển hiện. Đó là quyển gia phả Đặng tộc chi hệ Bàu Sim, Tân Phú Trung, Củ Chi, được nhóm của các ông Văn Công Chí, Võ Ngọc An thực hiện năm 1995...Và tôi thầm mơ ước ngày nào đó mình cũng sẽ viết được bộ gia phả cho chi họ Đặng Thúc Liêng, là chi hệ trực tiếp của gia đình chúng tôi...”.
Đó là những cảm tưởng dẫn dắt ông Đặng Công Dõng - nhà giáo, cháu nội cụ Đặng Thúc Liêng - gia nhập một nhóm làm gia phả thuộc Chi hội Khoa học lịch sử TP.HCM. Hiện có bốn nhóm làm gia phả như thế với thành viên là các nhà giáo, nhà báo, cán bộ hưu trí, chuyên viên Hán - Nôm...
Thành lập từ đầu năm 2002, chi hội đã dựng mới được 10 bộ gia phả như gia phả họ Võ, họ Lê, họ Ngô, họ Đoàn ở Củ Chi; họ Nguyễn ở ấp Long Khánh, Long Thành, Đồng Nai; họ Hồ (Hảo Hớn) ở ấp Hòa, xã Đại Điền, Thanh Phú, Bến Tre...
Bộ gia phả chi họ Hồ (Hảo Hớn) do nhóm Nguyễn Ứng - Nguyễn Thanh Bền - Trương Võ Anh Giang thực hiện được xem là một trong những bộ công phu, trong đó phần phả ký, phả hệ và phụ khảo liệt kê khá đầy đủ tên tuổi, hình ảnh những vị tổ trong tộc họ Hồ, giới thiệu đất đai quê hương, nhà tổ và các khu mộ của dòng họ, đặc biệt nhấn mạnh chân dung một người nổi tiếng trong họ la liệt sĩ Hồ Hảo Hớn.
Có những tộc còn giữ được gia phả gốc từ đời ông tổ đầu tiên cách đây 150 năm, có họ còn lưu truyền về những vị tổ như Nguyễn Bặc, ghi nhớ chuyện từ năm 1170, hay những tộc có nhiều chi... là những bộ gia phả giá trị không chỉ với dòng họ con cháu mà còn là những tư liệu lịch sử quí giá.
2. Hồi ký - chứng tích của “sự có mặt”
Nếu gia phả là chứng tích của cả một dòng họ thì hồi ký đi sâu vào từng cuộc đời, nặng dấu ấn cá nhân. Trung tâm hồi ký thuộc Công ty văn hóa Phương Nam là một nhánh của Chi hội Khoa học lịch sử ra đời được bốn năm đã thực hiện được 61 bản thảo...
Giáo sư Trần Văn Khê là một khách hàng lớn của trung tâm. Sau khi xem xong bản thảo đầu tiên, ông gật đầu hài lòng, và thế là cho đến nay cuốn thứ sáu trong bộ hồi ký của ông sắp được phát hành.
Chị Lý Thị Lý đang lấy tư liệu làm hồi ký với giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: T.T.D
Hồi ký Mai Chí Thọ hợp tác với trung tâm cũng đã phát hành cách đây hai năm. Hồi ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương ra mắt kịp đúng giỗ đầu của ông.
Một nhà sư VN - tiến sĩ sử học tại Đại học Sorbonne (Paris), người chỉ muốn được gọi một cách giản dị là thầy Huyền Diệu - cũng đến trung tâm nhờ thực hiện bản thảo ghi lại quá trình xây dựng hai ngôi chùa mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) - nơi Phật đắc đạo và Lâm Tỳ Ni ở Nepal - nơi Phật đản sinh...
Các doanh nhân thành đạt muốn ghi lại những kinh nghiệm thành công, những phấn đấu khó nhọc. Những Việt kiều xa quê muốn viết lại cuộc đời mình gắn với mảnh đất quê hương cho con cháu biết thêm về cội nguồn...Và thú vị là bắt đầu có cả những bà nội trợ bình thường - theo yêu cầu của con cái - tìm đến nhờ trung tâm viết lại cuộc đời làm thân cò lặn lội của mình.
Chưa trở nên phổ biến, nhưng nhu cầu viết hồi ký lưu truyền cho gia đình, trong dòng họ đang bắt đầu được quan tâm. Vui buồn, thành công - thất bại của một đời người chính là những bài học làm người vô giá cho lớp trẻ, vì còn ở đâu hơn ảnh hưởng tốt đẹp lâu dài từ chính gia đình mình!
3. Buồn vui chuyện làm gia phả - hồi ký
Ông Đặng Công Dõng kể lại rằng nhờ có gia phả mà bà con mới nhìn được nhau. Số là trong khi làm gia phả cho Đặng tộc Bàu Sim, ông mới phát hiện ông và ông Bảy Câu - hai người từng gặp nhau trước đây - có họ hàng với nhau, một là cháu cố, một là cháu nội của cụ Đặng Thúc Liêng. Thế là họ cùng góp sức tiến hành hội thảo, in sách về cuộc đời, sự nghiệp Đặng Thúc Liêng.
Nhưng công việc không đơn giản khi gặp phải những họ tộc vốn có bất hòa, các nhánh không muốn công nhận lẫn nhau, đường xa đi lại tốn kém, việc xác minh nhân thân khó khăn... Lại có những ông chồng, bà vợ chịu đựng nhau cả đời, khổ quá cũng tìm đến trung tâm yêu cầu viết ra hết mọi thói hư tật xấu của “đối tác chung thân” cho con cháu đời sau biết rõ, phải thuyết phục họ “giảm nhẹ mức độ”; có cả người tự xưng là đại diện của đấng tối cao siêu nhiên nào đó thì trung tâm đành từ chối vì không hợp với tôn chỉ của mình.
Chị Lý Thị Lý, người phụ trách trung tâm, xúc động kể lại một câu chuyện mà chị không thể quên trong khi làm hồi ký: chuyện của một chị ở Hà Nội thời chiến tranh, có chồng mất trong đêm B52 Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai. Chôn cất chồng xong, chị lặn lội về nơi sơ tán đưa con trở về Hà Nội. Bao nhiêu thảm cảnh dọc đường, chồng mất vợ, con lạc mẹ, người ta điên loạn vì nỗi đau mất mát. Rồi còi báo động lại hú vang, đứa con đẩy chị xuống chiếc hầm trú ẩn đầy chật người không đủ chỗ cho cả hai mẹ con: “Mẹ đừng giấu nữa, con đã nhìn thấy giấy báo tử rồi. Giờ mẹ phải sống để nuôi em, vì mẹ chết mà con sống thì con còn nhỏ quá chưa lo cho em được...”.
“Không có ai nhìn lại cuộc đời đầy thăng trầm của mình mà không khóc, và chúng tôi cũng đã bao phen không kìm được nước mắt. Rất có thể sau này tôi sẽ viết một cuốn sách về việc “Tôi đi làm hồi ký”, thật vô vàn chuyện hay” - chị Lý nói.
HOÀI HƯƠNG (Theo Tuổi trẻ)
(GP: 21-07-2021)
Các tin cũ
- » Những ông đồ Sài Gòn đi... làm gia phả 08/08/2022 17:00:35
- » Nhân ngày 28-6: Bàn về đạo gia đình 08/08/2022 16:28:03
- » Dựng phả, một dịch vụ hấp dẫn 08/08/2022 15:35:32