Trang chủ > Quản lý ruộng đất của nhà Nguyễn qua tư liệu địa bạ

Quản lý ruộng đất của nhà Nguyễn qua tư liệu địa bạ

18/09/2023 16:25:27

Đây là tham luận của TS Phan Thương Thảo (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX" được tổ chức tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008.

Đại Nội - cố cung của Vương triều Nguyễn

1. Quản lý ruộng đất là một trong những trọng tâm của của quản lý Nhà nước thời phong kiến. Ở Việt Nam, dưới thời phong kiến, chế độ ruộng đất là cơ sở, là nền tảng của nhà nước trung ương tập quyền, là nguồn thu nhập chủ yếu của triều đại phong kiến, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng chi phối mọi hoạt động của xã hội đương thời. Vì vậy, quyền sở hữu tối cao của nhà nước về ruộng đất được xác lập một cách vững chắc trên cơ sở làm tốt công tác quản lý chặt chẽ và có hiệu quả đối với ruộng đất.

Thời phong kiến, mặc dù nhà nước nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất song phần lớn ruộng đất lại do làng xã trực tiếp quản lý, bao gồm cả ruộng đất công, ruộng đất tư và một số loại ruộng đất khác, còn ruộng đất do nhà nước trực tiếp quản lý chiếm tỷ lệ nhỏ (như tịch điền, ruộng quốc khố, quan điền, quan thổ...). Vì vậy, để quản lý ruộng đất - cơ sở kinh tế của quản lý nông thôn nói chung, nhà nước phải lấy làng xã làm đơn vị. Địa bạ ra đời cũng từ thực tế như vậy. “Địa bạ là văn bản chính thức về địa giới và diện tích các loại ruộng đất, các loại hình sở hữu ruộng đất của làng xã, được xác lập trên sự khám đạc và xác nhận của chính quyền, dùng làm cơ sở cho việc quản lý ruộng đất và thu tô thuế của nhà nước. Có thể định nghĩa một cách tổng quát về địa bạ như vậy, tuy mỗi thời và mỗi nơi, tên gọi và qui cách địa bạ có khác nhau”(1).

Theo ghi chép của sử biên niên, nhà nước phong kiến Việt Nam đã tiến hành lập địa bạ lần đầu tiên là vào năm 1092, khi đó gọi là tịch điền (sổ ruộng) (2). Từ đó trở đi, các vương triều phong kiến Việt Nam rất quan tâm tới việc lập điền tịch, hộ tịch các làng xã làm cơ sở cho quản lý nhà nước và qui định các loại tô thuế, nghĩa vụ lao dịch, binh dịch của các làng xã đối với vương triều.

Đầu thế kỷ XV, ngay sau khi mới lên ngôi, vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đã ra lệnh cho các địa phương khám đạc, kiểm tra tình hình sở hữu các loại ruộng đất và lập địa bạ trong thời hạn 1 năm(3). Sau đó lại qui định cứ 4 năm làm lại địa bạ một lần(4), làm cơ sở quản lý ruộng đất.

Theo ghi chép của Lê Quí Đôn, ở Đàng Trong, năm 1669 đã “…khám đạc ruộng công, ruộng tư, nhà nước thu tô định làm hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cùng đất khô và bãi mầu, biên vào sổ sách…”(5). Rồi 102 năm sau, năm Cảnh Hưng thứ 31 (Canh Dần, 1770), chúa Nguyễn lại “sai quan và thông lại các huyện soạn ruộng tư các họ ở các xã qui lại thành tập”(6).

Sang tháng 4 năm Bính Thân (1776), sau khi chiếm giữ Thuận Hóa, chính quyền Trịnh có văn bản: “Quan huyện chuyển sức cho các tổng xã khai qua số mẫu sào thước tấc ruộng đất công tư, ruộng chùa, đất bãi mầu, quan điền trang quan đồn điền, ruộng tư các họ, biệt trưng, bỏ hoang chưa khẩn”(7). Công việc này mới chỉ thực hiện được với xứ Thuận Hóa.

2. Năm 1802, Nguyễn ánh lên ngôi vua, niên hiệu là Gia Long, sáng lập vương triều Nguyễn (1802 - 1945). Lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước ta thống nhất và có một hệ thống cai trị từ trung ương đến địa phương trên một lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đã được mở rộng tới tận mũi Cà Mau, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại.

Năm 1803, tức là chỉ 1 năm sau khi lên ngôi, Gia Long đã bắt đầu cho lập lại địa bạ của các trấn ở Bắc Hà, tức là vùng Đàng Ngoài thuộc quyền cai trị của chúa Trịnh trước đây(8). Công việc cơ bản hoàn thành vào năm 1805 (trừ hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận thuộc nội thành Hà Nội và ba trấn đạo Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An). Năm 1810, Gia Long tiếp tục triển khai việc lập địa bạ các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến nam Trung Bộ(9). Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) cho lập địa bạ ba trấn Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, các địa phương “không biết vì sao” đã có lệnh làm địa bạ từ năm Gia Long thứ 3 (1804) mà “giữa chừng lại thôi”(10). Riêng Nam Kỳ, đến năm 1836 mới tiến hành đo đạc ruộng đất và lập địa bạ(11). Đây là lần đầu tiên, từ sau khi các chúa Nguyễn hoàn thành việc thiết lập phủ huyện trên toàn vùng Nam Bộ (1757), Nhà nước mới chính thức đo đạc và lập địa bạ trên qui mô 6 tỉnh Nam Kỳ bấy giờ. Như vậy, tính đến năm 1836, trên phạm vi toàn quốc, trừ những vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh còn nói chung đều có địa bạ. Như vậy, về cơ bản, đến cuối thời Minh Mệnh, nhà Nguyễn đã hoàn thành việc lập địa bạ trên phạm vi cả nước. Từ Thiệu Trị về sau, số địa bạ bổ sung không đáng kể do một vài địa phương trước đó chưa làm xong.

Tất cả các địa bạ đều do những người có trách nhiệm của làng xã lập ra trên cơ sở khám đạc và xác nhận của các cấp quản lý hành chính cao hơn là phủ, huyện, trấn hay tỉnh và Bộ Hộ. Địa bạ các làng xã đều viết bằng chữ Hán (trừ một vài tên riêng, nhân danh hoặc địa danh, viết bằng chữ Nôm) và nói chung đều thống nhất ghi chép theo trật tự sau:

a. Đơn vị hành chính là mục mở đầu của mỗi địa bạ, bao gồm tên gọi của làng/xã/thôn/ấp, thuộc tổng, huyện, phủ trấn/tỉnh; tiếp đó là giáp giới tứ bề đông, tây, nam, bắc, được ghi rất rõ những vật làm mốc giới như cọc gỗ, đường thiên lý, tiểu lộ, đoạn sông…

b. Phần tiếp theo kê khai tổng số ruộng đất của cả làng/xã/thôn/ấp, trong đó liệt kê rõ diện tích mỗi hạng công, tư, điền, thổ, thổ trạch viên trì, ruộng tam bảo, tịch điền, tha ma mộ địa, công châu thổ (loại đất này không phổ biến, chỉ những làng ven sông mới có), công điền xã khác có tại bản xã (loại ruộng này không phổ biến)...; nếu là ruộng đất thực canh thì còn ghi rõ đẳng hạng (ruộng loại 1, loại 2, hay loại 3) và thời vụ (hạ vụ, thu vụ, hạ thu nhị vụ...). Sau đó là phần kê khai cụ thể từng thửa ruộng đất với đầy đủ tên chủ sở hữu (nếu là phụ canh thì ghi rõ quê quán), diện tích cùng vị trí, giáp giới bốn bề đông, tây, nam, bắc. Phần này thường rất dài, chiếm tới 80-90% dung lượng của mỗi địa bạ.

c. Phần cuối của địa bạ là các thủ tục hành chính xác nhận địa bạ có bao nhiêu tờ, cam kết kê khai đầy đủ và chính xác về các loại loại đất, và cuối cùng là ngày tháng năm lập địa bạ cùng tên họ và điểm chỉ của những người chịu trách nhiệm lập địa bạ.

Hiện nay, số địa bạ lưu giữ được chủ yếu là lập vào thời Nguyễn (1802-1945), được bảo quản tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và Trung tâm lưu trữ I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước. Ngoài ra, rải rác tại một số thư viện các tỉnh, thành phố, và một số trường đại học cũng có giữ một số địa bạ mới phát hiện nhưng không có số liệu thống kê đầy đủ.

Tổng số địa bạ của cả hai kho ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước lên tới 10.570 tập với 18.519 đơn vị địa bạ. Trong đó, sưu tập địa bạ tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đầy đủ hơn và là các bản chính được lưu giữ tại triều đình trung ương. Còn sưu tập địa bạ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm chỉ có địa bạ từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra, tuy không đầy đủ bằng, nhưng là các bản sao chép ở thời điểm khác nhau nên có thể bổ sung thêm một số thông tin giá trị mà địa bạ tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước không có. Tuy vậy, hai sưu tập địa bạ trên nguồn tư liệu đồ sộ và vô cùng quí giá để nghiên cứu lịch sử nông thôn, thành thị Việt Nam trên nhiều phương diện(12).

Sưu tập địa bạ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm

Đây hầu hết là các bản sao chép lại các địa bạ do làng xã quản lý được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp sưu tầm lại trước năm 1945. Sưu tập này gồm địa bạ các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, mang ký hiệu chung là AG. Địa bạ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm mới chỉnh lý và đóng lại năm 1990, được bảo quản khá tốt. Tổng số địa bạ này là 1.635 đơn vị địa bạ, đóng thành 526 tập, gồm 35.331 tờ. Đó là địa bạ của 94 huyện thuộc 18 tỉnh Bắc Kỳ và 2 tỉnh Trung Kỳ thời Pháp thuộc, tương đương với các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ hiện nay. Ngoài ra, thư viện Viện Nghiên cứu Hán - Nôm còn có một số địa bạ mang nhiều niên đại khác nhau của một số làng xã riêng lẻ nhưng số lượng không nhiều, có thể bổ sung thêm tư liệu cho sưu tập địa bạ AG.

Sưu tập địa bạ tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Đây vốn là kho địa bạ của triều đình Huế, trước được bảo quản tại Huế rồi chuyển lên Đà Lạt. Sau ngày giải phóng miền Nam (4/1975), kho địa bạ này được chuyển về Sài Gòn, do Cục lưu trữ Nhà nước quản lý. Đến cuối năm 1991, phần lớn số địa bạ này được chuyển ra Hà Nội, bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Số địa bạ do Trung tâm lưu trữ quốc gia II hiện quản lý tại thành phố Hồ Chí Minh rất ít. Sưu tập này gồm hầu hết địa bạ các tỉnh thành trên toàn quốc: Bắc Kỳ với ký hiệu DB, Trung Kỳ với ký hiệu TB và Nam Kỳ với ký hiệu NB. Đây là những địa bạ chính thức (bản giáp) do bộ Hộ của triều đình Nguyễn quản lý. Toàn bộ kho địa bạ này gồm 16.884 đơn vị địa bạ, được đóng thành 10.044 tập, mỗi tập có thể có một hoặc một vài địa bạ, thỉnh thoảng có tập có tới gần 10 địa bạ. Các địa bạ trên phân bố không đều giữa các miền, các tỉnh và nói chung tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng.

Địa bạ Bắc Kỳ (ký hiệu ĐB) gồm 4.296 tập với 8.576 đơn vị địa bạ(13) của 12 trấn/tỉnh trên với 162 huyện đương thời. Căn cứ vào bản đồ địa hình hiện nay, đối chiếu với các huyện trong địa bạ tôi phân làm ba vùng: đồng bằng, trung du và miền núi. Sự phân định này chỉ có ý nghĩa tương đối vì có những huyện vùng giáp ranh, vừa có đồng bằng, vừa có trung du hay vừa có trung du, vừa có miền núi. Trên cơ sở đó chúng tôi lập bảng phân bố địa bạ theo đơn vị hành chính và địa hình như sau:

Bảng 1: Phân bố địa bạ các tỉnh Bắc Kỳ(14)

Như vậy, ở khu vực Bắc Kỳ, địa bạ đã được lập ở khắp các tỉnh thành, từ đồng bằng, tới trung du và cả miền núi xa xôi. Nếu thống kê số lượng địa bạ ở Bắc Kỳ theo phân loại địa hình và niên đại lập, ta có bảng 2 sau:

Bảng 2: Địa bạ Bắc Kỳ phân bố theo niên đại

Có thể nhận thấy ngay, 82,8% (78,3 +4,5) số lượng địa bạ được lập vào năm 1805 (bao gồm các địa bạ lập năm 1805, lập năm 1805 nhưng sao chép lại vào năm 1830 nên đề cả hai niên đại) là năm Gia Long cho tiến hành lập địa bạ ở các nội, ngoại trấn của Bắc Thành.

Hơn số địa bạ ở miền núi (694/2747) phải tới năm Minh Mệnh 21(1840) mới lập xong. Hơn 91% địa bạ của các thôn xã của Bắc Kỳ, từ vùng đồng bằng tới miền rừng núi xa xôi được lập vào các năm 1805 và 1840, chứng tỏ giai đoạn này, vua Gia Long và Minh Mệnh đã quản lý ruộng đất khá chặt chẽ. Số địa bạ lập trong các năm 1831, 1832, 1837 chiếm tỷ lệ “khiêm tốn”: 7,44%, trong đó chủ yếu là các địa bạ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận (tương đương với các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ của Hà Nội hiện nay) với niên đại 1837 (15).

Cho đến nay, mới chỉ khai thác, nghiên cứu và xuất bản đ-ợc địa bạ của 3 tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc Kỳ(16) .

Địa bạ Trung Kỳ (ký hiệu DT) có 5.264 tập với 6.373 địa bạ của 13 trấn/tỉnh, phủ đương thời phân bố như sau:

Bảng 3: Phân bố địa bạ Trung Kỳ

13 đơn vị trấn/tỉnh, phủ trên tương đương với các tỉnh, thành hiện nay từ Thanh Hóa vào tới Bình Thuận. Riêng vùng Tây Nguyên chỉ có 2 địa bạ của Kon Tum nhưng trong đó có 1 địa bạ ghi bằng chữ quốc ngữ và không rõ niên đại.

Bảng 4. Địa bạ Trung Kỳ phân bố theo niên đại

Địa bạ Trung Kỳ được lập trong khoảng thời gian khá dài, từ năm Gia Long 10 (1811) tới Minh Mệnh 20 (1839), trong đó tập trung vào các niên đại Gia Long 13 (1814), Gia Long 14 (1815), Minh Mệnh 13 (1832), Minh Mệnh 15 (1834) và Minh Mệnh 20 (1839), chiếm tới 75,5%.

Trong các tỉnh Trung Kỳ, Thanh Hoá là tỉnh có nhiều địa bạ nhất rồi tới Bình Định. Nhưng Bình Định lại là tỉnh duy nhất trong cả nước có địa bạ lập vào hai thời điểm năm 1815 và năm 1839 trên qui mô cả trấn/tỉnh. Sở dĩ có tình trạng đặc biệt đó là do năm 1839 Minh Mệnh đã thực thi chính sách quân điền tại một tỉnh duy nhất tỉnh là Bình Định, sung một nửa ruộng tư của tất cả các thôn ấp trong tỉnh có ruộng công nhiều hơn ruộng tư để làm công điền (17).

Sau khi thực hiện quân điền, Minh Mệnh cho lập lại địa bạ cả tỉnh năm 1839. Toàn bộ 648 địa bạ Trung Kỳ lập năm 1839 đều là địa bạ của Bình Định lập sau chính sách quân điền của Minh Mệnh. Đây là một nguồn tư liệu rất phong phú và có giá trị, cung cấp nhiều thông tin cụ thể cho các nhà khoa học khi nghiên cứu và đánh giá về chính sách quân điền năm 1839(18).

Ngoài địa bạ Bình Định, địa bạ của một vài tỉnh, thành Trung Kỳ đã được xuất bản(19).

Địa bạ Nam Kỳ (ký hiệu DN) gồm 484 tập với 1.715 đơn vị địa bạ của 26 huyện thuộc 6 tỉnh Nam Kỳ bấy giờ phân bố như sau:

Bảng 5: Phân bố địa bạ Nam Kỳ

Bảng 6: Địa bạ Nam Kỳ phân bố theo niên đại

Nếu như 82% địa bạ của Bắc Kỳ và Trung Kỳ (12.227/14.949) có niên đại từ năm 1805 (Gia Long 4) đến năm 1834 (Minh Mệnh 15) thì ngược lại, toàn bộ địa bạ của Nam Kỳ lại có niên đại sau năm 1834, chủ yếu tập trung vào năm 1836 (Minh Mệnh 17) là thời điểm mà Minh Mệnh cho đạc điền toàn vùng Nam Bộ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh bấy giờ, tương đương với 19(20) tỉnh và thành phố vùng Nam Bộ hiện nay được đo đạc và lập địa bạ(21).

Ngoài 1.634 địa bạ lập năm 1836 và 6 địa bạ được bổ sung và hoàn thiện vào năm 1837, 75 địa bạ còn lại có niên đại Tự Đức 1 (1848), Tự Đức 2 (1849), Thành Thái 5 (1893), Thành Thái 6 (1894) đều là địa bạ của các tổng, huyện thuộc tỉnh Biên Hòa.

Toàn bộ địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh đã được hệ thống, nghiên cứu và xuất bản tuy mới chỉ dừng lại ở các số liệu tổng quát, chưa dịch và thống kê, công bố phần kê khai chi tiết của từng chủ sở hữu trong mỗi địa bạ(22).

3. Vài nhận xét

- Trong lịch sử Việt Nam, quản lý ruộng đất luôn luôn là một chức năng rất quan trọng của các vương triều phong kiến. Đặc biệt, vương triều Nguyễn (1802 - 1945), nhất là trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, đời Gia Long (1802 - 1819), Minh Mệnh (1820 - 1840) đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu to lớn trong quản lý ruộng đất thông qua việc kiểm tra, đo đạc và lập địa bạ trên phạm vi toàn quốc, từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, việc lập địa bạ được thực hiện trên qui mô cả nước, kể cả những vùng trước đây chưa từng lập địa bạ.

Số lượng địa bạ còn lại hiện nay chắc chắn chưa phải là toàn bộ địa bạ nhà Nguyễn đã lập. Nhưng các bảng phân bố địa bạ trên đã cho thấy, không chỉ vùng đồng bằng mà cả trung du và miền núi rừng biên cương phía bắc đã được đo đạc và lập địa bạ. Số liệu diện tích ruộng đất trong các địa bạ không chỉ tính đến mẫu, sào, thước mà còn đến cả những đơn vị rất nhỏ như tấc, phân, li. Hiện nay chưa xác định được độ chính xác của việc đo đạc ruộng đất thời bấy giờ nhưng đã phản ánh việc đo đạc ruộng đất được thực hiện rất chặt chẽ. Công việc lập địa bạ của triều Nguyễn, nhất là triều Gia Long, Minh Mệnh chứng tỏ nhà Nguyễn đã xây dựng được một hệ thống chính quyền rất mạnh, có khả năng đo đạc và quản lý ruộng đất trên qui mô lãnh thổ quốc gia thống nhất.

- Địa bạ là nguồn tư liệu rất phong phú và có giá trị nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về chế độ ruộng đất. Tuy nhiên, vì số lượng địa bạ quá lớn nên việc khai thác nguồn tư liệu này đến nay mới chỉ là những bước đầu. Mặc dù vậy, những thành tựu nghiên cứu về địa bạ đã giúp cho nhận thức về bức tranh chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX tiến thêm một bước, và là cơ sở quan trọng để đánh giá vấn đề quản lý ruộng đất cũng như các chính sách ruộng đất của nhà nước và lý giải các hiện tượng kinh tế - xã hội giai đoạn này.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước đang tiến hành dịch, nghiên cứu và có kế hoạch công bố địa bạ của các tỉnh thành trên cả nước.

CHÚ THÍCH:

(1): Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo: Địa bạ Hà Đông, H. 1995

(2): Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch Nxb KHXH, H. 1993, T.I, tr. 283

(3): Đại Việt sử ký toàn thư, Sdd, Tập II, tr. 298

(4): Quốc triều hình luật, tr. 130

(5): Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Tập I, NXB KHXH, H. 1977, tr. 125

(6):  Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tập II, tr. 134.

(7): Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tập II, tr. 135

(8): Đại Nam thực lục chính biên, tập III, NXB Khoa học xã hội, H. 1963, tr. 161

(9): Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, NXB Thuận Hóa, Huế 1993, tr. 120

(10): Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV, đd, tr. 123

(11): Nguyễn Đình Đầu: Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, H. 1992

(12): Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Tập I, NXB Thế giới, H. 1998, tr. 238-242

(13): Số lượng đơn vị địa bạ thống kê này đã loại đi các địa bạ ghi chép trùng nhau trong Danh mục địa bạ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước

(14): Thống kê theo Danh mục địa bạ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước

(15): Phan Huy Lê (Chủ biên): Địa bạ cổ Hà Nội, Tập I, NXB Hà Nội, H. 2005, tr. 25

(16):  Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo: Địa bạ Hà Đông, H. 1995

Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyễn Đức Nghinh, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo: Địa bạ Thái Bình, NXB Thế Giới, H. 1998

Phan Huy Lê (chủ biên): Địa bạ cổ Hà Nội, 2 tập, NXB Hà Nội, H. 2005 và 2008

(17): Đại Nam thực lục chính biên, Tập XXI, NXB KHXH, H. 1969, tr. 148-149

(18):  Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Địa bạ Bình Định, Tập I, II, III, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh 1996.

Phan Phương Thảo: Chính sách quân điền ở Bình Định năm 1839 qua tư liệu địa bạ, NXB Thế giới, H. 2004

(19): Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Địa bạ Phú Yên, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1997.

Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Địa bạ Thừa Thiên - Huế, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1998.

(20): Là các tỉnh, thành Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà RịaVũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

(21):  Có thể xem thêm về địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh trong Nguyễn Đình Đầu: Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1994.

(22): Nguyễn Đình Đầu: Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994

TS PHAN PHƯƠNG THẢO 
(ĐH Quốc gia Hà Nội)