Lễ trao gia phả họ Châu có tổ quán tại phường 5, TP Cà Mau
27/08/2022 20:58:53Ngày 17 tháng 7 năm 2012, Trung Tâm Nghiên Cứu và Thực hành gia phả thành phố Hồ Chí Minh đã trao bộ gia phả họ Châu có tổ quán nêu trên sau hơn một năm đi điền dã và nghiên cứu mới dựng xong.
Ông Võ Ngọc An, Giám đốc TTNC&THGP TP.HCM trao gia phả cho đại diện gia đình
Buổi lễ trao gia phả được tổ chức tại số 49 đường Hoàng Việt, Q.Tân Bình TP.HCM, là nhà của bà Châu Nhật Sinh - người đại diện dòng họ đứng ra dựng bộ gia phả này. Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí thân mật nhưng không kém phần trang nghiêm. Đông đảo đại diện các tiểu chi đời III từ Cà Mau, Bạc Liêu, TP.HCM và một số nơi khác sau chuyến đi Hà Nội thăm Lăng Bác rồi về nhà bà Sinh để dự lễ. Một mâm cơm được dọn trước bàn thờ gia tiên. Con cháu họ Châu thắp hương, khấn tổ tiên về chứng giám cho con cháu đã lập xong gia phả cho họ tộc.
Đại diện tổ lập gia phả báo cáo quá trình dựng phả, tóm tắt lịch sử dòng họ.
Đây là một trong 6 bộ gia phả gốc người Hoa mà Trung tâm đã dựng trong những năm qua. Tổ tiên họ Châu là hai anh em gốc người Triều Châu, do tình hình Trung Quốc rối ren nên hai ông đã đến Việt Nam lập nghiệp tại vùng đất Cà Mau vào đầu thế kỷ XIX, năm 1825 (dưới triều Minh Mạng năm thứ 5) khi vùng đất này còn hoang vu, hiện nay không có tư liệu nào cho biết tên hai ông. Hai ông ra sức khẩn hoang được rất nhiều đất đai, sống bằng nghề nông, và lấy vợ người Việt Nam sinh con đông đúc, tạo ra hai chi.
Bộ gia phả được dựng là chi II, trực hệ của em ông tổ vì chi này họ hàng đã truy tìm được hầu hết đời I đến đời hiện tại một cách liên tục.
Ông bà tổ chi II, hạ sinh được hai người con trai. Người con trai đầu là ông Châu Văn Bính và em là Châu Văn Khánh. Hậu duệ ông Châu Văn Bính truyền nối đến nay tạo ra một cộng đồng huyết thống họ Châu đến 101 người trong đó có đến 62 người con trai.
Ông Châu Văn Khánh có hai con trai và một gái, nhưng con trai đầu lập gia đình chỉ có con gái, không có con trai nối dòng. Còn người con trai kế của ông Khánh đã lưu lạc nơi nào con cháu không tìm được. Hậu duệ phát triển chi II là hậu duệ ông Bính.
Con cháu ông Châu Văn Bính đời III, đời IV, sống bằng nghề nông tại phường 5, TP Cà Mau, đất đai nhiều, đời sống sung túc. Nhưng khi người Pháp đã đặt chân đến vùng Cà Mau thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con cháu họ Châu. Đất đai ông tổ khai khẩn bị thực dân chiếm đoạt, mộ tổ tiên phải cải táng di dời. Ông Châu Văn Sóc (con trai duy nhất của ông Bính) phải đưa vợ con sang Bạc Liêu mướn ruộng địa chủ để canh tác và phải ra sức khẩn thêm đất đai ở đây để tạo dựng sự nghiệp nơi quê hương thứ hai ở xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Khi các con ông Châu Văn Sóc trưởng thành cũng là lúc diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dù là tổ tiên người Hoa, song con cháu đã bao đời gắn bó với người Việt, cùng gian khổ tạo nên quê hương xinh đẹp, nhưng thành quả lao động bị tước đoạt, cuộc sống bị áp bức bóc lột. Do vậy đời IV, V con cháu họ Châu đã giác ngộ cách mạng, một lòng theo Đảng, chấp nhận gian khổ, hy sinh để giải phóng quê hương, đất nước.
Đời IV, đã có người ủng hộ nuôi giấu cán bộ cách mạng như ông Châu Văn Tống. Hai em trai ông là Châu Văn Đây và Châu Văn Đặng đã thoát ly gia đình theo cách mạng rất sớm. Con gái có chồng cùng chồng ủng hộ cách mạng. Ông Châu Văn Đây trong quá trình công tác bị giặc cầm tù, bị tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ khí tiết của người cộng sản. Khi ra tù ông tìm cách liên lạc với tổ chức để tiếp tục công tác. Đặc biệt vợ chồng ông Châu Văn Đặng là hai cán bộ ưu tú của khu Tây Nam Bộ. Ông Đặng thoát ly gia đình 1936. Năm 1937 ông đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông cống hiến suốt đời cho cách mạng. Trong quá trình công tác ông đã giữ rất nhiều chức vụ quan trọng.
Năm 1937-1939, ông là huyện Ủy viên huyện Giá Ray. Năm 1953 ông là Phó Bí thư huyện Giá Ray tỉnh Bạc Liêu. Năm 1954 ông là Phó Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu, rồi Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Bạc Liêu. Đến cuối năm 1959, ông là Phó Bí thư liên tỉnh Ủy miền Tây Nam Bộ, được rút về Khu ủy phụ trách công tác tổ chức và trực tiếp đào tạo cán bộ miền Ttây. Ông đã hy sinh trên đường đi công tác cuối năm 1959, được công nhận liệt sỹ. Năm 2011 ông được truy tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vợ ông là bà Trần Thị Ngảnh theo cách mạng 1945, suốt đời cống hiến cho cách mạng, bà là Ủy viên giáo dục Khu Tây Nam Bộ, tham gia lãnh đạo trường nội trú thiếu sanh quân - tiền thân của trường trung học Lý Tự Trọng. Năm 1954, hòa bình lập lại, trong công tác bà có nhiều đóng góp cho việc xây dựng căn cứ mật cho xứ Ủy, bảo vệ và thu xếp nơi ăn chốn ở cho cán bộ lãnh đạo. Rất tiếc trên đường đi Liên Xô bà bị tai nạn máy bay và qua đời sớm.
Đời V trưởng thành thì cuộc chiến đấu càng gay go quyết liệt. Ông Châu Khắc Cần suốt cả đời công tác cho cách mạng, kinh tế gia đình do một mình vợ ông lo. Các em ông Châu Văn Đây người làm du kích, người đi bộ đội, làm liên lạc văn hóa, còn hầu hết thì ủng hộ cách mạng, không ai đi theo giặc sát hại nhân dân. Riêng con ông Châu Văn Đặng là Châu Nhật Sinh và Châu Huệ Cẩm, cha mẹ hy sinh sớm, được Đảng và Nhà Nước nuôi ăn học. Nhật Sinh, Huệ Cẩm học hành chăm ngoan nên đã thành đạt, tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Bà Châu Huệ Cẩm; nguyên là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Bà Châu Nhật Sinh đã là doanh nhân làm kinh tế giỏi, để dìu dắt con cháu họ Châu vượt khó trong cuộc sống và trong học tập.
Sau 30/4/1975, khi hòa bình lập lại con cháu đời VI, VII đã phấn đấu học hành tốt hơn. Đã có gia đình ông Châu Văn Dương hầu hết con trai, con gái đều có bằng đại học, có người có hai bằng đại học như Châu Thành Tôn, Châu Chí Tâm. Con ông Dương hầu hết là cán bộ tốt, đảng viên gương mẫu trong các cơ quan Nhà nước.
Trong quá trình sống lao động và chiến đấu, con cháu họ Châu, dù là người Hoa nhưng đã gắn bó với cộng đồng cư dân Việt nên đã hình thành những truyền thống tốt đẹp như cần cù lao động, yêu nước, có tinh thần cách mạng triệt để, hiếu thảo. Đó là những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Sau khi nghe tóm tắt lịch sử dòng họ và nhận gia phả, bà con không cầm được nước mắt vì họ biết được nguồn gốc và công lao của tổ tiên. Bà Châu Nhật Sinh, đại diện họ tộc nhận gia phả và phân lại cho các tiểu chi, đã nghẹn ngào không phát biểu được. Ông Châu Thành Tôn (đời VI) đại diện họ tộc cám ơn Trung tâm Gia phả, nhắc nhở bà con sống cho xứng đáng với công lao của tổ tiên và truyền thống của dòng họ. Ông cũng không quên dặn dò bà con gìn giữ gia phả như báu vật thiêng liêng của gia đình vì trong quyển gia phả có bóng dáng của tổ tiên mình.
Buổi lễ trao gia phả làm cho họ hàng gần gũi nhau hơn, thân thiện nhau hơn.
Một số hình ảnh tại buổi lễ trao gia phả:
Phan Kim Dung
(GP: 22-11-2012)
Các tin cũ
- » Gia phả - Dựng phả - Đặt làm gia phả 27/08/2022 20:30:18
- » DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 27/08/2022 20:27:30
- » DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 27/08/2022 19:21:36
- » Dịch vụ làm gia phả - Đặt làm gia phả - Dựng phả 27/08/2022 18:55:27
- » Họp mặt họ Trần tại TPHCM 27/08/2022 17:53:41
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 7 & hết: Quán khách khôn cầm tóc trắng xanh... 27/08/2022 17:16:33
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 6: Người được quân đội Trung Hoa phong thần 27/08/2022 17:05:25
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 5: Người của những ‘số một’ định mệnh... 27/08/2022 16:53:38
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 4: Lá số tử vi của Hồ Quý Ly 27/08/2022 16:33:15