Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 6: Người được quân đội Trung Hoa phong thần
27/08/2022 17:05:25Khi còn sống, Hồ Quý Ly không được lòng nhà Minh bởi những hoạt động quân sự quá rõ nét và là người có những cải cách táo bạo, không ngại đụng chạm đến nền nếp tinh thần của Trung Quốc...
Nơi trưng bày những khẩu súng thần công do Hồ Nguyên Trừng chế tạo ở Trung Quốc - Ảnh: Đỗ Đình Truật
Thật vậy, trong câu chuyện đi tìm mộ Hồ Quý Ly quanh bàn trà ở nhà ông Đỗ Đình Truật, anh bạn nhà báo đã nhắc ở bài trước nêu lên nhiều con “số một” khác mà Hồ Quý Ly “sở hữu” lúc sinh thời. Trong đó có điều chắc hẳn đã làm nhà Minh phải chột dạ như: ông quyết định đưa chữ Nôm vào sinh hoạt văn hóa nước Việt, hạn chế chữ Hán trong các văn bản hành chánh. Ông lại là ông vua duy nhất trong lịch sử vương triều Việt Nam dám lên tiếng “chỉnh sửa” vị trí và chỉ trích các vị tôn túc trong truyền thống Nho giáo Trung Quốc.
Điều đó đã được Từ điển văn học do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (NXB Thế Giới, bộ mới 2004) nêu rõ: “Về văn hóa và tư tưởng, họ Hồ cũng là người có đầu óc mạnh dạn. Ông viết sách Minh đạo (làm sáng tỏ đạo, 1392) duyệt lại Nho giáo một cách hệ thống: xếp Chu công lên trên Khổng Tử, nêu 4 điểm đáng ngờ trong sách Luận ngữ. Ông coi Mạnh Tử, Hàn Dũ, Trình, Chu là những nhà Nho “trộm cắp”, các nhà Tống Nho khác học rộng nhưng tài ít, chỉ chuyên nghề “sao chép” văn chương tư tưởng người khác. Ông còn dịch thiên “Vô dật” trong Kinh thư ra tiếng Việt (1395) để dạy vua. Tất nhiên, xét cho cùng, những sự phê phán sắc sảo nói trên cũng không thực tế bao nhiêu, vì tư tưởng Hồ Quý Ly trước sau vẫn không thoát ly Nho giáo. Nhưng chủ trương của ông về việc dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong các công văn, chiếu sắc thì thật mới mẻ, giàu tinh thần dân tộc, muốn xây dựng một học phong mang bản sắc riêng của người Việt, và muốn tự cường đất nước. Ông còn chú ý đến giáo dục, cho mở khoa thi Hội ngay sau khi lên ngôi vua (1400) để chọn người hiền tài”.
Ông cũng là người đầu tiên - người “số một” cho in tiền giấy trong lịch sử phát hành tiền tệ Việt Nam. Với những “số một” như thế, ông không khỏi đối diện với nhiều bất trắc trong nội bộ vương triều, lẫn bên ngoài xã hội, vốn đã quen với những nền nếp lâu đời. Và cuối cùng, là người lãnh đạo cao nhất trong cuộc kháng chiến, khi thất bại ông trở thành người tù “số một” của quân Minh xâm lược, với cái chết trải qua 6 thế kỷ vẫn chưa được biết rõ ràng.
Trong lúc đó, người đứng “số hai” lại an toàn. Đó là con trai trưởng của ông: Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng ngay từ đầu đã thoát ra khỏi lực hấp dẫn của vương quyền, vui vẻ đứng vào vị trí “số hai” để em mình là Hồ Hán Thương lên ngôi (1401), kế vị Hồ Quý Ly. Khi bị quân Minh bắt về Nam Kinh, Hồ Nguyên Trừng được vua Minh tha bổng, trọng dụng nhờ tài chế súng thần cơ, cất nhắc lên những chức vị khá cao như Tả thị lang bộ Công. Khi mất Hồ Nguyên Trừng được truy phong Thượng thư. Quỳnh Chi - qua bài về các nhân tài kiệt xuất của Việt Nam in trong cuốn Kiều bào và quê hương (Sđd) viết đại ý:
Hồ Nguyên Trừng giữ chức Tư đồ và Tả tướng quốc, là người đã sáng chế ra vũ khí súng thần và pháo thần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (và Trung Quốc). Quân Minh đã thâu được vũ khí súng thần (thần sang) và pháo thần của ta mà Trung Quốc chưa hề có. Sách Việt Kiện thư của Lý Văn Phương, đời Minh ghi:“Súng thần cơ có được gần đây, dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài trăm bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến”. Hoặc: “Thành Tổ bình Giao Chỉ (Việt Nam), lấy được cách chế tạo súng thần, pháo thần, liền đặt thần cơ doanh để thao luyện”. Sách Quảng Dương tạp ký đánh giá: “Súng Giao Chỉ nhất thiên hạ, Hồ Nguyên Trừng làm đến chức Thượng thư bộ Công được quân đội Trung Hoa tôn là “thần của hỏa khí”. Tác giả Trương Tú Dân trong bài viết (năm 1947): “Cống hiến của người Giao Chỉ đời Minh ở Trung Quốc” kết luận: “Minh Thành Tổ biết súng thần của Giao Chỉ là thứ vũ khí lợi hại mà Trung Quốc chưa từng có, cho nên sai người (Hồ Nguyên Trừng) chế tạo. Quân đội Trung Hoa mỗi khi tế binh khí đều tế Hồ Nguyên Trừng, tôn vinh là Thần hỏa khí”.
Về nội dung tương tự, trên tạp chí Xưa và Nay, một số tác giả như: Phạm Hân, Hoài Anh, Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Hữu Tâm đã đề cập tới, xin phép trích dẫn và tóm lược các ý chính nêu sau.
Về cách chế tạo hỏa khí của người Việt Nam, Minh sử chép: “dùng đồng đỏ ở mức độ giữa sống và chín, nếu dùng sắt thì sắt xây dựng mềm hơn, sắt Tây kém hơn. To nhỏ khác nhau, thứ lớn dùng xe, thứ nhỏ dùng giá, dùng bệ, vác vai. Thứ lớn lợi cho phòng thủ, thứ nhỏ lợi cho chiến đấu, tùy nghi mà dùng, là thứ vũ khí chủ yếu khi hành quân”. Về uy lực mô tả: “khi Thành tổ thân chinh Mạc Bắc (chỉ Mông Cổ) dùng súng thần An Nam vừa bắt được, kẻ địch một người tiến lên, lại hai người nữa tiếp theo, đều trúng súng (đạn) mà chết”. Cho nên Trung Quốc có súng trường là từ khi “bình Giao Chỉ” thời Vĩnh Lạc, chứ không phải truyền từ Nhật vào ở thời Gia Tĩnh (1522-1566) được. Thời đó không những có súng trường (tức súng thần Giao Chỉ) mà còn có đại pháo (tức pháo thần Giao Chỉ). Pháo đồng, pháo sắt, chủng loại lớn nhỏ khác nhau.
Trên trận đồ kỷ yếu do Tào Phi vẽ đời Thiên Khải (1621-1627) ghi chú: “Đây là thứ lấy được khi bình An Nam (Việt Nam), dưới tiễn có nẩy gỗ, và đặt các thứ đạn chì, chỗ kỳ diệu là dùng gỗ thiết mộc, nặng mà mạnh”. Hình dạng giống tiễn, không giống súng, nên là một loại hỏa tiễn của Giao Chỉ. Về người chế tạo thứ vũ khí này, sử sách đời Minh cho biết: “Trừng dâng cách chế tạo súng thần”, “Trừng chuyên đôn đốc chế tạo súng, tiễn, thuốc súng”, “Trừng chuyên quản hỏa khí, quân khí”. “Triều ta dùng hỏa khí chống địch là loại chiến cụ hàng đầu xưa nay mà sự nhẹ nhàng thần diệu của nó thực là mới lấy được khi dùng Lê Trừng, con vua nước Việt, tướng quốc ngụy làm quan bộ Công, chuyên trách đôn đốc chế tạo, truyền hết tài năng”. Và: “từ khi có thứ binh khí đó, Trung Quốc đắc chí với Tử Di - đánh thắng địch là dựa vào súng thần - thứ mà kẻ địch sợ nhất”.
Qua đó, biết Hồ Nguyên Trừng, Tả tướng quốc nhà Hồ, là người đã sáng chế thứ vũ khí tối tân mà người Trung Quốc gọi là “súng thần”, “pháo thần” hay “hỏa tiễn”, được coi là “nhất thiên hạ” thời đó khiến các nước láng giềng “khiếp sợ”, được quân đội Trung Hoa tôn là “thần của hỏa khí” và được cúng khi họ tế binh khí. Trên đường tìm mộ Hồ Quý Ly, nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật cùng các cộng sự đã đến thăm nơi trưng bày súng thần cơ do Hồ Nguyên Trừng - con trai trưởng của Hồ Quý Ly - chế tạo vang dội một thời…
(Còn tiếp)
* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 1: Từ những giấc mộng lạ
* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 2: Đến vùng đất mộ táng lão hổ sơn
* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 3: Từ Lão Hổ Sơn bùi ngùi nhìn lại
* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 4: Lá số tử vi của Hồ Quý Ly
* Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 5: Người của những ‘số một’ định mệnh...
Theo Giao Hưởng (Báo Thanh Niên)
(GP: 16-8-2010)
Các tin cũ
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 5: Người của những ‘số một’ định mệnh... 27/08/2022 16:53:38
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 4: Lá số tử vi của Hồ Quý Ly 27/08/2022 16:33:15
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 3: Từ Lão Hổ Sơn bùi ngùi nhìn lại 27/08/2022 15:46:32
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 2: Đến vùng đất mộ táng lão hổ sơn 27/08/2022 15:32:12
- » Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly - Kỳ 1: Từ những giấc mộng lạ 27/08/2022 14:57:49
- » Họ Trần Đắc Quảng Nam - ba năm tìm được nhau trong lưu lạc 26/08/2022 19:58:15
- » Dòng họ tỏa sáng tri thức 26/08/2022 19:49:00
- » Họ tiến sĩ ở đất học 26/08/2022 19:40:40
- » Dòng họ có 79 đời 26/08/2022 19:30:21