Trang chủ > 081. Gia phả họ Huỳnh (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)

081. Gia phả họ Huỳnh (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)

14/07/2023 19:18:27

Gia phả họ Huỳnh ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM hoàn thành năm 2016.

LỜI TỰA

Họ Huỳnh là một chi họ lớn, gốc ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã sống lâu đời, có nhiều đóng góp cho quê hương nhưng chưa có gia phả.

Nhớ lời nhắc nhở của ông bà ta về việc tìm cội nguồn:

“Cây có cội, nước có nguồn

Chim có tổ, người có tông”

Và dạy ta “Làm người phải biết tổ tiên ông bà” nên ông Huỳnh Nhựt Hồng (đời VII, chi II) luôn trăn trở về dòng họ mình. Ông đã lặn lội nhiều năm tìm họ hàng để dựng bộ gia phả cho họ mình. Ông đã mày mò tìm ra cách ghi, cách sắp xếp phả hệ, không theo hướng dẫn nào.

Nội dung bộ gia phả chỉ tập trung biên tập phần phả hệ, không có phần mgoại phả và phụ khảo.

Gia phả có hai chi lớn nhưng ở chi I do ông Huỳnh Công Thành làm trưởng chi thì số lượng hậu duệ thiếu rất nhiều. Chi thứ II của ông Huỳnh Công Hóa số lượng hậu duệ tương đối đầy đủ từ đời I đến đời VIII, IX.

Phần hành trạng từng người, ông ghi quá đơn giản, nhiều người không ghi được gì, ngay cả ông Tổ cũng không có tiểu sử.

Việc sắp xếp phả hệ, phả đồ không theo phụ hệ (họ nội), mà có rất nhiều họ khác.

Cuối tháng 2/2014 ông Hồng đem bộ gia phả đến Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả nhờ sắp xếp lại theo cấu trúc của trung tâm và viết bài phả ký cho bộ gia phả, đặc biệt tìm viết tiểu sử ông Tổ, không phải bổ sung số lượng còn thiếu và hành trạng từng người.

Hai bên thống nhất những điểm nêu trên qua hợp đồng giữa ông Huỳnh Nhựt Hồng và Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả theo thời hạn là 4 tháng (từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 6/2014). Nhưng không may, ông qua đời trước khi bộ gia phả được hoàn thành theo thời hạn hợp đồng.

Trung tâm chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc, nay thì đã xong bản thảo 15/6/2014.

Do thực trạng của bộ gia phả nên bài phả ký chúng tôi làm rất đơn giản. Phần tiểu sử của ông Tổ chúng tôi nổ lực nghiên cứu trong lịch sử, còn thông tin trong dòng họ thì còn hạn chế. Việc sắp xếp phả hệ, phả đồ theo yêu cầu đã hoàn thành. Mong ông Hồng được vui lòng nơi chín suối. 

Để có bộ gia phả hoàn chỉnh, mong hậu duệ họ Huỳnh tiếp tục bổ sung số người chưa lấy thông tin, ghi phả hệ chi tiết hơn để bộ gia phả trờ thành lịch sử của dòng họ và là nguồn tư liệu cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Tập gia phả này có thể phổ biến rộng rải cho nhiều người cùng nghiên cứu.

Đại diện Trung tâm 

Phan Kim Dung

 

 

PHẢ KÝ

I. NGUỒN GỐC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN DÒNG HỌ

1. Truy tìm ông Tổ họ Huỳnh

Việc tìm nguồn cội là việc làm thiêng liêng của mỗi người con hiếu thảo. Để tìm cội nguồn, các chi họ thường truy tìm lai lịch ông bà cao tuổi nhất trong chi họ mà mình xác định theo quan hệ huyết thống gọi là ông Tổ đời I. Gia phả cổ, di chúc hoặc các giấy tờ tương phân ruộng đất, bia mộ cổ là những tư liệu khoa học để xác minh cho việc truy tìm ông tổ của một chi họ.

Họ Huỳnh gốc ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang không có những tư liệu trên. Do vậy, để tìm ông Tổ của chi họ này chỉ phải dựa vào ký ức của những người cao niên trong họ tộc, khảo sát lăng mộ và nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử triều Nguyễn…

Theo ông Huỳnh Nhựt Hồng (đời VII, chi II), lúc còn sinh tiền, ông được chú là ông Huỳnh Văn Hối (đời VI, chi II) kể lại là ông Tổ của họ Huỳnh có tên là Huỳnh Công Trí, đã làm quan dưới triều Gia Long, Minh Mạng, lập được nhiều công to.

Ông Tổ họ Huỳnh qua đời cũng được con cháu chôn cất tử tế, xây lăng và lập đền thờ ở bờ sông Vàm Nao, khúc cầu Cống cũng trong ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Sau đó, vào năm 1946 con cháu dời lăng mộ ông về nơi mới cũng ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông. Lúc dời mộ con cháu ông quên không dịch bia chữ Hán nên không biết nội dung trên bia, nay thì bia đã thất lạc.

Lặng mộ ông Tổ cùng hai người vợ

Khảo sát lăng mộ và đền thờ hiện nay, chúng tôi thấy: Từ cổng vào lăng ông Tổ, phía bên trái có cụm ba ngôi mộ được xây bên trái đền thờ. Mộ ông Tổ nằm giữa hai ngôi mộ của tả, hữu phu nhân. Nấm mộ ông Tổ được đắp theo hình con qui to, đầu quay hướng Tây, miệng ngậm hoa sen. Hai bên là mộ của hai bà vợ ông. Từng ngôi mộ không có bia riêng. Tấm bia chung cho ba ngôi mộ là tấm bình phong được ghi bằng chữ Hán. Mặt trước bia có nội dung chữ Hán được dịch ra chữ quốc ngữ như sau: “Tổng trấn Huỳnh Công Trí chi lăng”. Hai bên có hai câu liễng ca ngợi công đức ông Tổ. Mặt sau tấm bia ghi: “Tổng trấn lăng biểu”. Bên dưới là nội dung được dịch ra chữ quốc ngữ như sau: “Ông tên Huỳnh Công Trí, xuất thân từ gia đình nông dân, có công lớn với triều đình. Về sau, ông được giữ chức vụ Tổng trấn thành La Bích”. 

Như vậy qua thông tin của họ tộc, khảo sát lăng mộ cho biết ông Tổ họ tên Huỳnh Công Trí, gốc nông dân, và là một trong những tiền hiền của xã Mỹ Hội Đông, nhưng chức Tổng trấn thì không thấy có tư liệu nào của chi họ để xác định điều đó. Về năm sinh, năm mất và sự có mặt ở Nam Bộ vào thời điểm nào thì không có tư liệu nào nói rõ, con cháu không ai biết.

Theo cách tính của Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả thì mỗi con cách nhau 2 tuổi, mỗi thế hệ cách nhau 25 năm. Căn cứ vào năm sinh của ông Huỳnh Văn Tạ (đời V, chi I) là con thứ ba có năm sinh đúng là 1845, vậy người thứ hai có năm sinh: 1845 – 2 = 1843. Vậy cha ông Tạ sinh khoảng 1843 – 25 = 1818. Ông Huỳnh Văn Thiệt, (đời III) khoảng: 1818 – 25 = 1793, ông Huỳnh Công Thành sinh khoảng 1793 – 25 = 1768 và ông Tổ Huỳnh Văn Trí có năm sinh khoảng 1768 – 25 = 1743. Để có mặt tại quê hương mới, ông Tổ ít nhất phải 20 tuổi mới vào Nam được, và lúc đó khoảng năm 1743 + 20 = 1763. Đây là thời điểm nước ta có chủ quyền nhưng nội chiến Trịnh – Nguyễn nổ ra, nhân dân Đàng Ngoài, Đàng Trong vô cùng khổ sở vì sưu cao, thuế nặng đặc biệt là nạn bắt lính. Không chịu nổi áp bức nên nhân dân bị áp bức phải tìm nơi sinh sống. Nam Bộ là vùng đất phì nhiêu hấp dẫn họ. Ông Tổ vào Nam trong trường hợp này chăng? 

Ông có hai vợ, do không có mộ bia nên không rõ họ tên, con cháu cũng không có thông tin về hai bà. Ông Tổ có ba người con, không rõ con của bà chánh thất hay thứ thất.

Các con của ông bà: 

1. Huỳnh Công Thành

2. Huỳnh Công Hóa

3. Huỳnh Công Nhựt 

Ông Huỳnh Công Nhựt mất khi còn độc thân không có hậu duệ nối dõi. Ông Huỳnh Công Thành và Huỳnh Công Hóa lập gia đình tạo ra hai chi họ Huỳnh truyền nối đến nay là đời thứ 9, thứ 10.

• Chi thứ nhất: Trưởng chi là ông Huỳnh Công Thành, là chi của ông Huỳnh Phú Sổ (đời VII) người khai sáng đạo Phật giáo Hòa Hảo năm 1939.

• Chi thứ hai : Trưởng chi là ông Huỳnh Công Hóa, chi của ông Huỳnh Nhựt Hồng, người đứng ra dựng bộ gia phả này.

Hai chi làm phát triển họ Huỳnh ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới và làng Hòa Hảo, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. 

 2. Hôn nhân và sự phát triển của họ huỳnh

Khảo sát về mối quan hệ hôn nhân họ Huỳnh với các họ khác để phát triển dòng họ là không khảo sát đầy đủ được là vì:

• Các ông họ Huỳnh đời I, II, III, IV gia phả không ghi được danh tánh các bà dâu

• Gia phả này không ghi hết phả hệ các chi, chi ông Huỳnh Công Thành, thiếu rất nhiều người, nhiều thế hệ.

Với hai lý do trên nên việc khảo sát hầu hết họ Huỳnh thông gia với các họ khác không thực hiện được đầy đủ song với tình hình thực tế của bộ gia phả cũng cho thấy ở các thế hệ sau từ đời VI trở đi, con trai họ Huỳnh kết hôn với nhiều nhất là họ Nguyễn, kế tiếp là họ Trần, Lê, Phan, Bùi, Đinh, Hà, Đoàn, Đặng, Trương, Thái, Tôn, Đào, Quang, Hồ, Điệp. Cũng có trường hợp kết hôn với họ Huỳnh. Con cháu họ Huỳnh, kết hôn với những họ này cũng góp phần làm phát triển họ Huỳnh. Con cháu họ Huỳnh nên bổ sung đầy đủ phả hệ và họ của các cô dâu thì việc khảo sát mới đúng và họ Huỳnh mới có được bộ gia phả hoàn chỉnh.

 II. TỔ QUÁN HỌ HUỲNH

Xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là tổ quán họ Huỳnh.

Xã Mỹ Hội Đông là 1 trong 17 xã và 2 thị trấn trù phú của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là tổ quán của họ Huỳnh do thủy tổ Huỳnh Công Trí cùng các tiền hiền khác lập ra.

Xã Mỹ Hội Đông được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của huyện Chợ Mới.

Chợ Mới ngày nay nằm lệch ngã ba sông Vàm Nao gần một cái “Búng” rộng, nước xoáy mạnh, một thời nổi tiếng là nơi quần cư của nhiều loại cá. Do vậy, mà ngày trước dân gian gọi nơi này là chợ Vàm Nao hoặc chợ “Xẻo Búng”.

Về nguồn gốc của tên Chợ Mới được tương truyền rằng trước kia có tên chợ cũ là Phó Dinh Bài, nằm bên kia bến đò Kiến An một ngôi chợ khá bề thế được xây dựng tại huyện lỵ ngày nay và được người dân gọi là Chợ Mới. Năm 1832 địa bàn Chợ Mới thuộc huyện Đông Xuyên, phủ Tân Biên, tỉnh An Giang. Năm 1907, chính quyền thuộc Pháp thành lập đơn vị hành chánh cấp huyện lấy tên “Chợ Mới” đặt tên cho huyện mới thành lập. Từ đấy Chợ Mới trở thành danh xưng chính thức một huyện của tỉnh An Giang.

Chợ Mới được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao, có hai cù lao là cù lao Giêng (nơi có nhiều địa danh hấp dẫn khách du lịch) và cù lao ông Chưởng. Cù lao ông Chưởng trước là cù lao Cây Sao. Khi Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam thiết lập chính quyền khai hoang lập ấp. Ông đến cù lao Cây Sao quy dân lập ấp. Chẳng may ông bị bệnh và qua đời. Để ghi nhớ công đức ông, người dân địa phương gọi là cù lao Ông Chưởng tức Chương cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là nơi đất đai màu mở, đồng ruộng phì nhiêu, có nhiều cá, tôm.

“Bao phen quạ nói với diều

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm”

Trong quá trình phát triển, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, huyện Chợ Mới lúc thì phụ thuộc tỉnh Long Xuyên (1917), có lúc thuộc tỉnh An Giang (1957). Về phía chính quyền cách mạng, sau tháng Tám năm 1945, Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên. Đến tháng 6 năm 1951 thì thuộc tỉnh Long Sa Châu. Từ giữa năm 1957 đến tháng 12/1965, huyện Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang rồi sau đó thuộc tỉnh Kiến Phong. Từ tháng 5/1974 đến tháng 2/1976 thuộc tỉnh Sa Đéc. Cho đến năm 1979, huyện được mở rộng thêm 3 xã, huyện Chợ Mới vẫn thuộc tỉnh An Giang cho đến ngày nay (2016).

Khí hậu Chợ Mới chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc thổi vào xuất phát từ biển nhiệt đới phía Trung Quốc, nên có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn không tạo rét mà hanh khô, nắng nóng. Huyện Chợ Mới ít chịu ảnh hưởng của gió bão nhưng chịu tác động mạnh của thủy triều như dòng chảy lũ, chảy tràn, ngập lụt, sạt lở đất, bờ sông.

Do đặc điểm đất đai, khí hậu nên huyện Chợ Mới có kinh tế chính là nông nghiệp, làm vườn trồng cây ăn trái, làm gạch và phát triển du lịch với một số địa danh hấp dẫn như ba xã ở cù lao Giêng, cột dây thép, chùa Đạo nằm, chùa Tây An.

Chợ Mới còn là nơi có nhiều tôn giáo chung sống như Phật giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Tin lành.

Huyện Chợ Mới còn là chiếc nôi của phong trào cách mạng, nơi nuôi dưỡng những người nông dân chân thật, bình dị nhưng rất kiên cường, bất khuất, đoàn kết chống giặc ngoại xâm góp phần kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng kiên cường, bền bỉ của quân và dân tỉnh An Giang.

Ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông – tổ quán họ Huỳnh nằm trong huyện Chợ Mới, là đơn vị ra đời từ triều đại Minh Mạng 1832, từ một thôn thuộc tổng An Dương, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Xã tồn tại và phát triển trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc thì bị giải thể. Đến tháng 11/1876, thôn được lập lại thuộc trấn Định Hòa, hạt Long Xuyên. Khi hạt đổi thành tỉnh thì thuộc tỉnh Long Xuyên (tháng 1 năm 1900). Năm 1915, thì Mỹ Hội Đông được mở rộng do nhập một khoảnh của tỉnh Kiến An, vẫn thuộc quận Chợ Mới. Sau năm 1956 đến 30/4/1975, khi làng đổi thành xã và quận đổi thành huyện thì xã Mỹ Hội Đông vẫn thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Do chịu đặc điểm đất đai, khí hậu của huyện Chợ Mới, lại gần chợ nên kinh tế chính của xã Mỹ Hội Đông là nông nghiệp, làm lò gạch, một số là tiểu thương, tiểu chủ và một số đi làm ăn xa.

Ông tổ họ Huỳnh đã chọn ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội Đông là nơi sinh cơ lập nghiệp. Đông đảo hậu duệ họ Huỳnh xem nơi đây là nơi chôn nhau cắt rốn của mình nên gắn bó với quê hương qua bao thăng trầm của lịch sử, một số đi làm ăn xa, môt số ít định cư tại nước ngoài nhưng luôn nhớ đến tổ quán của mình. Ở quê hương con cháu vẫn nhớ đến ngày giỗ tổ, đến lăng và đền thờ tổ để cùng nhau giỗ tổ, thể hiện lòng tri ân tổ tiên và nhớ đến cội nguồn của mình, cùng nhau tiếp tục lao động, học tập để dòng họ tiến bộ và góp phần xây dựng quê hương.

III NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ

Qua khảo sát bộ gia phả do ông Huỳnh Nhựt Hồng, lúc còn sinh tiền đã dày công dựng nên, dù chưa hoàn chỉnh về phả hệ (số lượng các chi chưa đầy đủ, hành trạng từng người nhiều thế hệ còn quá đơn giản) song khảo sát những phần đã có trong gia phả và tìm hiểu thêm về ông Tổ cũng cho thấy được con cháu họ Huỳnh trong quá trình sinh sống đã truyền nối đến nay 9 – 10 đời đã hình thành được những nét đẹp của chi họ mình như sau:

• Tính cần cù lao động: ông Tổ đời I gốc nông dân. Buổi đầu đến quê hương mới, ông ra sức khẩn hoang lập ấp. Hiện nay, đình của xã Mỹ Hội Đông vẫn thờ ông là tiền hiền của làng. Các đời sau (III, IV, V) là những bậc thâm nho làm thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Từ đời VI, VII, VIII đa số là nông dân cần cù trên đồng ruộng, nhiều người sản xuất gạch, có người là tiểu chủ, tiểu thương, thợ may. Các đời sau được học hành tử tế nên có người làm nghề dạy học, làm bác sĩ, kỹ sư – tận tụy với nghề. Ai cũng có việc làm. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc nên giữ gìn và phát huy.

• Đặc điểm đáng quý của chi họ Huỳnh là việc gìn giữ đạo hiếu, phụng thờ ông bà tổ tiên. Những ngày giỗ được con cháu thực hiện nghiêm túc. Ông Tổ qua đời được con cháu xây lăng mộ, đền thờ và tổ chức cúng giỗ hàng năm. Lăng và đền thờ bị lở sụp xuống sông hậu duệ ông vẫn xây mới lại, có phân công hậu duệ giữ đền và lăng mộ (ông Huỳnh Văn Săn) và tổ chức giỗ tổ long trọng thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” thật đáng quý!

 • Một đặc điểm đáng quý nữa là tinh thần yêu quê hương, đất nước của con cháu họ Huỳnh thể hiện rõ là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù dưới bom đạn của kẻ thù, con cháu vẫn bám đất giữ làng, không ai theo giặc để sát hại nhân dân, cũng đã có người ủng hộ cách mạng, có người đứng vào hàng ngũ của Đảng suốt hai thời kỳ kháng chiến như gia đình bà Huỳnh Thị Cưởng (đời VI), chồng con bà trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù. Cháu nội bà Cưởng là Trần Quốc Miên đã là đảng viên thời chống Mỹ, cháu kế Trần Cẩm Vân là chiến sĩ biệt động, kế nữa là Trần Thị Ngọc Sương bị tù Côn Đảo. Sau giải phóng bà là Phó Chủ tịch thị trấn Long Xuyên. Từ ngày thống nhất đất nước con cháu họ Huỳnh vẫn tiếp tục lao động học tập để nâng cao cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Những đặc điểm trên là truyền thống quý báu của chi họ Huỳnh, con cháu nên tiếp tục phát huy.

IV. XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HÓA

Chi họ Huỳnh đã có được những truyền thống tốt đẹp nên cần được gìn giữ và phát huy là điều đáng trân trọng. Con cháu họ Huỳnh nên tiếp tục ghi chép hết phần phả hệ của chi thứ nhất, khảo sát và ghi chép hành trạng của những người chưa tìm hiểu, sẽ có được những truyền thống quý báu khác để cùng nhau xây dựng dòng họ văn hóa theo các tiêu chí sau:

• Đoàn kết họ tộc gắn với đại đoàn kết toàn dân tộc

 • Tiếp tục tổ chức làm ăn có hiệu quả: khuyến nông, khuyến công, khuyến thương theo hướng hiện đại

• Thực hiện gia phong, gia đạo, gia lễ, gia quy gắn liền với việc tạo phúc đức, xây dựng lòng hiếu thảo cho con cái.

• Tiếp tục việc thờ cúng tổ tiên, thực hiện quan – hôn – tang – tế, chăm sóc người ốm đau, già yếu chu đáo đàng hoàng. Họ Huỳnh đã có nhà thờ Tổ, nên quy tụ con cháu đến ngày giỗ và để cùng nhau ôn lại công lao của ông Tổ và tổ chức giúp nhau trong công việc làm ăn, việc học hành của con cháu còn khó khăn và thăm hỏi nhau lúc ốm đau hay chia sẻ nhau những vui, buồn trong họ tộc.

Xây dựng dòng họ văn hóa là góp phần xây dựng đất nước.