Vai trò của hương ước trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay
14/07/2023 16:23:49Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai việc xây dựng và thực hiện hương ước, gắn hương ước với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới; góp phần quản lý xã hội tại cơ sở đảm bảo phù hợp, hài hòa, gìn giữ nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của vùng, miền nói chung và mỗi thôn, làng nói riêng.
Trong quản lý xã hội ở nước ta hiện nay, hương ước đang tồn tại (cùng với pháp luật) như là những chuẩn mực xã hội. Hương ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn thôn, làng góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Đặc trưng của hương ước là sự thỏa thuận, tự cam kết với nhau của một cộng đồng dân cư nhất định. Hương ước gắn chặt với đời sống làng xã trên cơ sở kế thừa những mặt tích cực của phong tục tập quán truyền thống nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; là công cụ chuyển tải pháp luật đến từng người dân, đồng thời bổ sung những nội dung mà pháp luật chưa quy định cụ thể phù hợp với điều kiện và đặc thù của làng xã. Việc xây dựng hương ước nhằm phát huy vai trò tự quản của nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Từ năm 1989 đến nay, việc ban hành hương ước được thực hiện công khai và trên diện rộng. Nội dung của hương ước do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố quyết định, bao gồm một hoặc một số lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định nguyên tắc; ghi nhận các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. Hương ước được thể hiện dưới hình thức văn bản, có chữ ký xác nhận của Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố. Hương ước sau khi được công nhận có đóng dấu giáp lai của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
Hương ước được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc như: Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền và phạt vật chất.
Có thể khẳng định, hương ước có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý xã hội, được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất: Hương ước làthiết chế tự quản cộng đồng, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, làng; đồng thời có tác dụng hỗ trợ hoạt động quản lý khi Nhà nước chưa kịp ban hành pháp luật hoặc chưa cần thiết sử dụng pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người. Hương ước được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội.
Thứ hai: Hương ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở. Qua việc thực hiện hương ước, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Thứ ba: Nội dung của hương ước gắn với đặc điểm về văn hóa, xã hội của địa phương. Vì vậy, việc xây dựng, thực hiện hương ước còn nhằm điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, khuyến học, y tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, trong một số lĩnh vực quản lý, hương ước được coi là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả, chất lượng thực hiện các phong trào, các nhiệm vụ như công nhận gia đình văn hóa; thôn, làng, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trong những năm qua, công tác xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Các hương ước được tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở từng cộng đồng khu dân cư.
Trong quá trình triển khai, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn các khu dân cư thực hiện việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế. Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; đồng thời, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của vùng Đất Tổ. Các lễ hội tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính trang nghiêm, không có hiện tượng mê tín dị đoan, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân; Lễ hội Đền Hùng từ năm 2018 đã được tổ chức với “5 không”. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, hàng năm tỉnh Phú Thọ có trên 87% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá và trên 88% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Bên cạnh đó, hương ước góp phần vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, phát triển sản xuất và huy động các nguồn lực để chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã (tăng 3,9 tiêu chí/xã so với năm 2015). Có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Lâm Thao và Thanh Thủy; thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Như vậy, có thể khẳng định, hương ước là một công cụ quản lý gián tiếp của Nhà nước trong cộng đồng dân cư và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quản lý xã hội, phát triển kinh tế. Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì vẫn cần tiếp tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy hương ước bởi những giá trị của hương ước trong công tác tự quản của cộng đồng tại khu dân cư. Mặt khác,việc xây dựng và thực hiện hương ước cũng là một trong những phương thức thực hiện chủ trương mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
ThS.TRẦN THỊ HẢI YẾN
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
(theo truongchinhtritinhphutho.gov.vn)
Các tin cũ
- » Văn hoá gia phả dòng họ của dân tộc M’nông 14/07/2023 16:01:50
- » Gia phả lớn nhất thế giới kết nối 13 triệu người tiết lộ những điều thú vị 11/07/2023 15:42:59
- » DỊCH VỤ LÀM GIA PHẢ - DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 10/07/2023 16:19:42
- » Kinh nghiệm dịch thuật gia phả từ Hán Nôm sang quốc ngữ 10/07/2023 15:45:53
- » Gia phả học và việc nghiên cứu gia phả ở Việt Nam 10/07/2023 15:22:27
- » Bài thơ tưởng nhớ nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ 08/07/2023 19:13:15
- » Quan hệ về tranh, tượng, vật dụng trấn, yểm Phong thủy trong các lăng mộ, tháp mộ xưa nay 01/07/2023 18:08:44
- » Lễ trao gia phả cho họ Nguyễn ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc 30/06/2023 11:40:15
- » Vai trò phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam 29/06/2023 16:13:58