Trang chủ > Gia phả học và việc nghiên cứu gia phả ở Việt Nam

Gia phả học và việc nghiên cứu gia phả ở Việt Nam

10/07/2023 15:22:27

Ngành học này đang được phát triển ở khắp nơi trên thế giới do xã hội và nhiều người trong xã hội nhận thấy gia phả là tài liệu quý không chỉ cho các gia đình, dòng họ mà còn cho nhiều ngành học khác. Các cuốn Gia phả  dù đơn sơ hay tương đối đầy đủ cũng đều là những tài liệu quý báu cho các nhà xã hội học, nhà sử học, nhà văn hóa học, . . . .

Gia phả học (Tiếng Trung Quốc: 家譜学, Tiếng Anh:Genealogy, Tiếng Pháp: Généalogie) là ngành học nghiên cứu về gia phả.

Trong việc lập gia phả, người ta sử dụng các tài liệu lịch sử, ngọc phả các đền, miếu; sử dụng các ghi chép về ngày giỗ, các thông tin truyền khẩu và các hồ sơ khác để có được thông tin về dòng họ và để chứng minh quan hệ giữa các thành viên trong dòng họ. Các kết quả thường hiển thị bằng Gia phả thành văn hay Phả đồ.

Trên thế giới, ngành Gia phả học Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất. Nhưng việc ghi chép tộc phả ở Hàn Quốc mới phát triển mạnh cả về thể chế và phương pháp ghi chép, có mức độ phổ cập quốc gia rất cao.

Ở Việt Nam, việc ghi chép gia phả xuất hiện vào thời nhà Lý với việc vào năm 1026, vua Lý Thái Tổ sai biên soạn Hoàng Triều Ngọc Điệp.  Các triều đại tiếp theo tiếp tục có ghi chép gia phả của hoàng tộc: nhà Trần có Hoàng Tông Ngọc Điệp, nhà Lê có Hoàng Lê Ngọc Phả… Dần dần xuất hiện gia phả của các danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến trong dân gian.

Gia phả học châu Âu chính thức ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI với các cuốn Lịch sử tổng quát các vương quốc Jêrusalem, Chypre, Arménie (1575 – 1579) của tác giả Delusignan một nhà tu hành người Pháp ở vương quốc Chypre với việc khảo cứu về nguồn gốc các vua chúa, thân vương và các nhà đại quý tộc.

Ngành Gia phả học Âu châu phát triển ở thế kỷ XVIII và trở nên cực thịnh ở thế kỷ XX. Các tác phẩm nổi tiếng trong ngành học này có thể kể đến: Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái gồm 20 tập của Gustave Chaix D’Est Ange xuất bản trong khoảng 1903 – 1929 khảo cứu hàng trăm dòng họ đương đại, Gia đình và phả hệ của Nam tước A.DeMaricourt xuất bản năm 1943 và Phương pháp phê bình gia phả học của Tử tước De Marsay xuất bản năm 1945.

Nhiều Hội nghị Gia phả học quốc tế đã được tổ chức: lần thứ nhất năm 1929 ở Barcelone, lần thứ hai năm 1953 ở Naples, lần thứ ba vào năm 1955 được tổ chức  ở Madrid (có 408 học giả thuộc 76 tổ chức đến từ 31 nước). Mùa hè năm 1991 tại Seoul (Hàn Quốc) đã diễn ra Hội nghị Phả học thế giới với sự tham gia của các học giả từ 180 nước. Hiện nay, rất nhiều nước đã có hội Phả học, có các Viện nghiên cứu phả học. Họ cho ra đời rất nhiều công trình có giá trị, tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn, có nhiều trang Web riêng cho lĩnh vực này.

Nhà Phả học hàng đầu ở Việt Nam là Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1919 – 2001), nguyên là thủ thư của Đại học Kiến trúc Sài Gòn. Tác phẩm Gia phả – khảo luận và thực hành của ông được biên soạn công phu và khi hoàn thành, ông nhất định từ chối mọi sự tài trợ của ngoại quốc mà mong được sự giúp đỡ của người Việt Nam để xuất bản hầu phổ biến một ngành nghiên cứu văn hóa dân tộc cổ truyền vẫn được nhiều quốc gia xem là một khoa học (theo báo Chính Luận, Chủ nhật 24/7/1972).

Tác phẩm Gia phả – khảo luận và thực hành của Dã Lan Nguyễn Đức Dụ

Tác phẩm được xuất bản và được trao giải Văn học nghệ thuật Quốc Gia (của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) năm 1972. Tác phẩm đã được gửi tới 29 Trung tâm văn hóa trên khắp thế giới.

Giáo sư Spencer J. Palmer, đại học Brigham Young University (Hoa Kỳ) đánh giá về tác phẩm Gia phả – khảo luận và thực hành “...Tôi cam đoan rằng tác phẩm này vô cùng quan trọng trong việc đóng góp vào nền gia phả học của Á châu…“. 

Nước Mỹ lúc đó đã cử ngay một đoàn gồm các giáo sư đại học tới Việt Nam gặp Dã Lan Nguyễn Đức Dụ sau khi tác phẩm của ông được Viện Đại học Brigham Young đánh giá cao. Ngày 21/7/1972, trong chuyến sang thăm Việt Nam, khi đến thăm ông tại nhà riêng, giáo sư Richard C. Beals đã thán phục và phát biểu “...Tôi đã được xem nhiều tài liệu về Gia phả học của nhiều xứ trên thế giới; nhưng có thể nói, đây là những tài liệu biên khảo lỗi lạc nhất…“.

Cố giáo sư Thái Ninh viết “sau nhiều năm say mê nghiên cứu, ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã thực sự trở thành chuyên gia số một ở nước ta về gia phả học. Công trình Gia phả khảo luận và thực hành là một tác phẩm có giá trị khoa học và thực hành cao”.

Á Nam Trần Tuấn Khải viết  “Gần cả đời mình để chuyên tâm miệt mài cho việc sưu tầm biên soạn gia phả các dòng họ ở Việt Nam. Công việc xứng đáng được gọi là vấn tổ tầm tông cho tiền đồ của dân tộc. Thật vậy cho đến nay có lẽ cũng mới chỉ có cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ dành hàng chục năm trời cho sự nghiệp gia phả học Việt Nam”.

Tiến Sĩ Hoàng Lê (Chủ biên cuốn Thơ văn Ninh Tốn và nhiều công trình nghiên cứu khác về dòng họ Ninh) cho hay “vượt lên sự công phu, cẩn trọng  Dã Lan Nguyễn Đức Dụ còn có một tố chất nữa mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng có là uyên bác và thông minh”.

Cụ Đào Tử Nghi  (chắt đích tôn của cụ Đào Tấn) đã ca ngợi Dã Lan Nguyễn Đức Dụ:

Ôi ngọn gió nào đưa hương thảo dã.

Ngỡ là tiên hóa ra lan.

Từ nơi sơn dã mà vương giả.

Lạc chốn lầm than chẳng thở than!

Gia phả ở nước ta đã có từ lâu, ý nghĩa và lợi ích của gia phả nhiều người đã thấy. Nhưng những cái gì là đặc điểm của gia phả Việt Nam, nó có gì khác biệt với gia phả của các nước khác, nhất là các nước Á Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Và xây dựng một bản gia phả như thế nào cho khoa học và thiết thực thì chưa hẳn đã có nhiều người hiểu rõ.

Trong tác phẩm Gia phả khảo luận và thực hành, ngoài việc trình bày một cách có căn cứ khoa học, lịch sử ra đời và phát triển của việc làm gia phả ở nước ta, Dã Lan Nguyễn Đức Dụ còn phân tích, so sánh rất công phu gia phả Việt Nam và gia phả các nước. Từ đó rút ra kết luận đầy sức thuyết phục về những đặc điểm riêng của gia phả Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi đúc kết những ưu, khuyết điểm của những gia phả đã có, ông đã đề ra một phương pháp dựng phả tương đối khoa học với cách vẽ phả đồ, các phương pháp dựng phả thuận và nghịch, mẫu gia phả đơn dựng và hợp dựng, cách chép tên tuổi theo hệ thống ngang, hệ thống dọc… Đây thực sự là một cống hiến to lớn cho việc làm gia phả ở Việt Nam.

Chỉ riêng việc nghiên cứu kỹ càng về nguồn gốc một số dòng họ nổi tiếng như của Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kim, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Xí, Đào Tấn, Vũ Hồn, Mạc Thị, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh, Trịnh Kiểm, Dương Khuê, Bùi Viện, Trần Trọng Kim, Quang Trung, Hồ Xuân Hương, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Lương Văn Can v.v… đã là sự công phu thể hiện trình độ nghiên cứu rất cao và kỹ lưỡng.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực vẫn phải lật lại những Chương của cuốn sách Gia phả khảo luận và thực hành như các Chương: Nguồn gốc ngành gia phả Á Châu,  Ngành gia phả học Âu Châu, So sánh và phân tách quan niệm của Đông và Tây trong việc lập phả, Vấn đề gia phả ở miền Nam, Sự chuyển mình của gia phả Việt Nam, Những nét đặc thù của vài cuốn gia phả cũ và mới, Tình hình gia phả ở miền Bắc, Cách thức lập một cuốn phả mới …

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về Gia phả đang được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm như:

- Chương trình Nghiên cứu gia phả Việt Nam thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển ở Hà Nội.

- Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam do Đại học Quốc gia Hà Nội cộng tác với Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và các Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Alberta (Canada).

- CLB Unesco các dòng họ.

- Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM. 

Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đã viết như một lời căn dặn cho hậu thế:

Nôm na gọi có mấy lời

Nhắn ai nòi Việt ngàn đời đừng quên

Chữ rằng “Mộc hữu bản, thủy hữu nguyên’’

Người mà bỏ gốc sao nên thân người…

Mục đích biên chép gia phả của người xưa chỉ  là để con cháu biết rõ danh tính, hành trạng của tổ tiên và nguồn gốc quê hương, chi lưu của dòng họ. Đa số các quyển gia phả có lời tựa mở đầu bằng câu: “Nước có sử, nhà có phả”, Gia phả là cuốn lịch sử của gia tộc, trong đó nội dung cơ bản là ghi chép họ tên, tên tự, tên hiệu, tên thụy (tên hèm/tên cúng cơm), ngày tháng năm sinh tử, nơi an táng, hành trạng, kết hôn với ai, sinh mấy con, bao lần dời đổi nơi cư ngụ… của từng thành viên trong họ tộc, theo từng đời.

Đối với việc ghi chép này, các dòng họ thế gia vọng tộc ngầm ý nhắc nhở con cháu cố giữ nếp nhà, lo chí tiến thủ để xứng với đời trước, giữ truyền thống lâu dài. Nhà bình dân thì đơn giản hơn, nhằm để người trong họ biết sự quan hệ gần xa nội ngoại.

Dòng họ Ninh chúng ta cũng đã bước đầu có được những kết quả đáng khích lệ trong việc tìm về nguồn cội, kết nối những người cùng dòng họ hiện đang sinh sống tại khắp các địa phương trong nước và cả nước ngoài.

Ninh Quang Thăng (theo honinh.com)