Trang chủ > Cháu-chắt-chút-chít và các tên gọi thứ bậc truyền thống trong gia đình người Việt xưa và nay

Cháu-chắt-chút-chít và các tên gọi thứ bậc truyền thống trong gia đình người Việt xưa và nay

02/09/2022 17:07:59

(Tiếp theo bài: Cách xưng hô thứ bậc trong gia đình người Việt...)

Ngoài cách xưng hô các tên gọi thứ bậc trong gia đình người Việt ngày nay được kế thừa, xin giới thiệu thêm cách gọi xưa từ thời phong kiến, do hoàn cảnh lịch sử ít nhiều gì cũng chịu ảnh hưởng bởi Trung Hoa.

Các tên gọi trong gia đình người Việt theo các thứ bậc phản ánh trong bài viết trước thì ở phần thứ hai này tiếp tục như sau:

Anh (英): người nam cùng thế hệ mà sinh trước mình. Huynh là anh ruột; huynh đệ là anh em trai; huynh muội là anh và em gái; bào huynh là anh ruột; bào huynh đệ là anh em ruột; đại huynh là anh cả; biểu huynh là anh (con nhà anh mẹ, chị mẹ); tòng huynh là anh họ con nhà bác; tỉ phu là anh rể.

Huynh là anh ruột (trích Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ)

Chị (姉): người nữ cùng thế hệ, sinh ra trước mình. Tỉ là chị ruột; biểu tỉ là chị gái (con nhà anh, em, hoặc chị của mẹ mình); tòng tẩu là chị dâu họ; tòng tỉ là chị họ (con nhà bác); nội tỉ là chị vợ; tôn nhân bá là cha chồng chị vợ; nhân bá mẫu là mẹ chồng chị vợ; lệnh tẩu là chị dâu người; tẩu là chị dâu; đại cô là chị gái của chồng; bá mỗ là chị dâu của chồng; trục lí là chị em dâu; đại cấm là chị dâu của vợ.

Tôi (倅): tiếng tự xưng bản thân, đứng ở vị trí này để gọi tên các đời trên và dưới mình. Gia phụ là cha tôi; gia mẫu là mẹ tôi; gia huynh là anh tôi; gia tẩu là chị dâu tôi; gia đệ là em tôi; gia đệ phụ là em dâu tôi; gia nhi là con tôi; tiểu nữ là con gái tôi; gia tế là rể tôi; gia điệt là cháu tôi; chuyết kinh là vợ tôi; tiện thiếp là hầu tôi; tệ hữu là bạn tôi; tệ thích là họ ngoại tôi; tệ nhân gia là dâu gia tôi.

Em (奄): người cùng thế hệ mà sinh sau mình (em trai, em gái). Đệ là em trai ruột; muội, tiểu muội là em gái ruột; biểu muội là em gái (con nhà em mẹ); nghĩa muội là em gái nuôi, em gái kết nghĩa; biểu đệ là em (con nhà em mẹ); đệ phụ là em vợ; muội phu là em rể; tòng đệ là em họ (con nhà chú); tòng đệ phụ là em dâu họ; tòng muội là em gái họ (con nhà chú).

Gia đình Việt hạnh phúc và đầm ấm

Đời thứ hai dưới mình là đời cháu (Nhật dụng thường đàm)

Vợ: người nữ kết hôn với mình (chồng). Thê là vợ; đích thê là vợ chính, vợ cả; kế thất là vợ sau, vợ lẽ; xuất thê là vợ bị chồng bỏ; đệ phụ là em vợ; ngoại cô là mẹ vợ; nội huynh là anh vợ; nội đệ là em vợ; cấm huynh là anh rể vợ, cấm đệ là em rể vợ.

Chồng (重): người nam kết hôn với mình (vợ). Lũy là chồng; cữu là cha chồng; bá bá là anh trai chồng; thúc thúc là em trai chồng; tiểu cô là em gái chồng; thúc thẩm là em dâu chồng.

Con: đời thứ nhất dưới mình (con trai/con gái). Gia nhi là con tôi; tiểu nữ là con gái tôi; lệnh ái là con gái người; thế huynh là con thầy.

Cháu: đời thứ hai dưới mình (cháu trai/cháu gái). Cách xưng hô Hán Việt như sau: điệt là cháu (gọi mình là chú, bác); điệt phụ là cháu dâu (gọi mình là chú, bác); điệt tế là cháu rể (gọi mình là chú, bác); tông điệt là cháu (gọi mình là chú, bác họ); tông điệt phụ là cháu dâu (gọi mình là chú, bác họ); tông điệt nữ là cháu gái (gọi mình là chú, bác họ); tôn phụ là cháu dâu; tôn tế là cháu rể; tôn nữ là cháu gái; ngoại sanh là cháu (con nhà chị em mình); biểu điệt là cháu họ ngoại, gọi mẹ bằng bà cô, bà dì.

Chắt, đời thứ ba dưới mình, tức con của cháu (chắt trai/chắt gái). Tằng tôn là chắt trai; tằng nữ là chắt gái; tằng phụ là chắt dâu; tằng điệt là chắt (gọi mình là cụ chú, cụ bác); tằng điệt phụ là chắt dâu (gọi mình là cụ chú, cụ bác); tằng điệt nữ là chắt gái (gọi mình là cụ chú, cụ bác).

Chút: đời thứ tư dưới mình, tức con của chắt (chút trai/chút gái). Huyền tôn là chút; huyền nữ là chút gái; huyền phụ là chút dâu.

Chít: đời thứ năm dưới mình, tức con của chút (chít trai/chít gái). Nhìn chung, thứ bậc kể trên cho thấy quan hệ họ hàng của người Việt. Ở miền Nam, còn có cách gọi là “ông cóc/bà cóc” hoặc “ông cốc/bà cốc”. Cách gọi này nhằm chỉ đời thứ ba trên mình (?).

Đời thứ tư dưới mình là đời chút (Nhật dụng thường đàm)

Tuy nhiên, đây chỉ là khẩu ngữ, không thấy ghi nhận thứ bậc này trong những từ điển tiếng Việt, từ điển chữ Nôm, chữ Hán mà chúng tôi hiện có.

Xin lưu ý, các tên gọi thứ bậc trong gia đình người Việt xưa và nay có tài liệu cho rằng "chút" hoặc "chít" giống nhau, còn con của "chút" gọi là "chụt/chuỵt". Song chúng tôi chưa tìm thấy khái niệm "chụt/chuỵt' với nghĩa là con của chút, trong khi đó lại tìm thấy "chít" là con của chút trong từ điển tiếng Việt và hệ thống chữ Nôm (cháu-chắt-chút-chít).

VƯƠNG TRUNG HIẾU (Theo thanhnien.vn)