Trang chủ > Miếu Bà và cây di sản (Quảng Ngãi)

Miếu Bà và cây di sản (Quảng Ngãi)

01/09/2022 22:06:34

Vùng đất có tên là xóm Đông của làng Ba La, nay là thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) có miếu Bà cùng với cây di sản là nét đẹp văn hóa đặc trưng, phản ánh quá trình dựng làng mở đất nơi đây qua bao thế hệ.

Buổi sơ khai khu vực xóm Đông nằm giữa cánh đồng rộng, xa xa phía đông là làng Xung Quang, phía bắc là làng Vạn Tượng, phía nam ruộng đồng chạy giáp rừng Gò Găng, còn phía tây là xóm Bàu Hà cùng làng Ba La. Thông thường, việc lập xóm khi dân cư đông đúc lên, cuộc sống ổn định, bề dày văn hóa đã có, người dân lập miếu thờ thần hoàng làng, thờ tiền hiền hậu hiền, lập nghĩa từ thờ những người đã mất không có người thân thờ phụng. Nhưng ở đây dân làng lập miếu thờ Bà, tức là thờ Ngũ Hành thượng giới, gồm năm bà: Kim hành, Mộc hành, Thủy hành, Hỏa hành, Thổ hành.

 

Cây thị trong khuôn viên miếu Bà, ở thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) đã được công nhận là cây di sản. Ảnh: Bùi Văn Tạo

Cây thị trong khuôn viên miếu Bà, ở thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đã được công nhận là cây di sản. Ảnh: Bùi Văn TạoNgày trước, làng Ba La có đình lớn thờ thần Thành hoàng, quần thể lân cận có dinh Thần nông, miếu Thần hoàng, các xóm xa có miếu Ông, miếu Bà. Điều này cho thấy ngay từ buổi sơ khai nơi đây tục thờ mẫu của người Việt đã được coi trọng. Các khu vực dân cư xung quanh xóm Đông cũng có các miếu Bà, nhưng quy mô nhỏ hơn. Theo người dân địa phương, các miếu ấy thờ các bà trong Ngũ Hành thượng giới, nhưng điểm chính là nơi có cây thị, cây đa di sản. Miếu Bà xóm Đông có từ cuối thế kỷ XVIII, các dòng họ trụ cột ở đây là Lê, Nguyễn, Đặng, Võ, Bùi... 

Người dân trong làng đóng góp kinh phí để lập miếu và duy trì hương khói. Đặc biệt, có bà Phương hiến đất làm vườn lập miếu, hỗ trợ đất canh tác lấy hoa lợi lo hương khói thần linh. Bà Phương không có con nối dõi nên cuộc đời bà gắn liền với ngôi miếu. Khi bà qua đời dân làng chôn cất lập mộ và làm một gian nhà bên cạnh miếu để thờ bà. Ngày giỗ bà là 25 tháng Chạp hằng năm, cũng là ngày lên phướng, chính thức cúng Bà Ngũ Hành tôn linh. Cả thôn 1 (xóm Đông cũ), đóng góp tiền của để tu bổ miếu thờ, làm nhà nhóm họp và mua lễ vật cúng Bà. Dân làng cũng chọn ngày này tổ chức lễ cúng tất niên xóm trước khi đón tết Âm lịch, không khí vui vẻ, tình làng nghĩa xóm thêm gắn chặt. Từ buổi lập làng, người dân xóm Đông đã có tinh thần đoàn kết, gia đình nào gặp khó khăn, cả làng cùng nhau giúp đỡ. 

Xung quanh miếu Bà có nhiều câu cổ thụ, gồm cây thị, cây sộp, cây bồ đề. Cây sộp tán rộng cả sào đất, tàng lá chỉ phát triển che phía miếu chứ không rợp phía đất sản xuất của dân làng. Cây thị phía sau miếu gốc to đến bốn người lớn ôm, gốc nổi lên những nốt sần theo năm tháng. Cây thị đã được công nhận là cây di sản. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, miếu Bà và những cây cổ thụ vẫn cứ vững chãi, đi vào trong tâm thức của bao thế hệ người dân với nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.

BÙI VĂN TẠO (Theo baoquangngai.vn)