Dòng họ trong võ thuật Việt Nam ở Bình Định và Bình Dương
02/05/2025 19:08:30Tham luận của TS Hồ Tường (giảng viên Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).
Ở Việt Nam, “dòng họ” đã có những ảnh hưởng nhất định đến mọi thành viên trong cùng một họ trên nhiều lĩnh vực, trong đó điều quan trọng nhất là “dòng họ” luôn được vinh danh. Riêng trong lĩnh vực võ thuật, tác động của “dòng họ” đã tạo nên những kỹ thuật độc đáo lưu danh trong thiên hạ từ bao nhiêu đời nay.
Ở Bình Định, các “dòng họ” Trương, Đinh, Nguyễn, Hồ, Lý đã vang danh trong giới võ lâm với những kỹ thuật đặc thù của từng “dòng họ” một. Môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà ở Bình Dương, vẫn tiếp nối truyền thống đó, gìn giữ kỹ thuật đặc thù trong “dòng họ” Võ. Như vậy, rõ ràng là văn hóa “dòng họ” đã là một đặc trưng chung của văn hóa Việt Nam, trong đó bao hàm cả lĩnh vực võ thuật, nhưng lại mang một sắc thái mang nét văn hóa đặc trưng chung của Nam Bộ.
Từ khóa : Dòng họ - Nổi tiếng - Võ Việt Nam – Võ Bình Định – Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, “dòng họ là tổ chức của những người có cùng huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra, theo thời gian và theo hệ thống dọc, thường tụ họp quanh một ngôi từ đường và sinh sống gần gũi trong làng xã, thời gian càng dài thì chi nhánh càng phát triển, không chỉ hạn chế bởi phạm vi biên giới” (Đỗ Trọng Am, 2011). Về mặt văn hóa tinh thần, từ xưa đến nay, nhờ việc tạo ra niềm cộng cảm dựa trên huyết thống, “dòng họ vẫn là một chỗ dựa vững chắc đối với mỗi cá thể trong cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở quan niệm, việc đề cao dòng họ về phương diện văn hóa tinh thần còn được thể hiện trong các hành vi cụ thể của mỗi người” (Mai Văn Hải, 2016).
Trong lĩnh vực võ thuật, đúng là thành quả một thời của dòng họ đã tạo nên quá khứ huy hoàng, giúp cho người trong dòng họ tự hào, ngẩng cao đầu trước những người thuộc dòng họ khác. Tuy nhiên, như vậy chỉ mời đúng một phần. Đặc điểm nổi bật của dòng họ trong võ thuật chính là sự trao truyền bí quyết võ thuật chỉ diễn ra trong trực hệ của dòng họ nhằm mục đích tạo sự trội bật so với những dòng họ khác !
2. Dòng họ giỏi võ Việt Nam ở Bình Định
Trong võ thuật thì người ta thường kể rằng các bậc thầy võ thường vẫn giữ lại cho mình một thế võ để phòng thân khi bị học trò tạo phản. Người dân Bình Định kể lại rằng:
“Hồ Ngạnh dạy cho con trai nhiều năm võ nghệ song vẫn giữ lại một món nghề để phòng thân. Người con nhiều lần cầu xin cha dạy cho món nghề đó nhưng đều bị từ chối. Một hôm, nhân dịp tối trời, con bịt mặt lẻn vào đánh lén Hồ Ngạnh để học trộm võ. Hai cha con giao đấu với nhau, người con trúng đòn độc của cha nên phải tháo thân chạy trốn. Sáng hôm sau, khi vợ chồng ông Hồ Ngạnh sang thăm con trai thì chứng kiến cảnh con trai đang thoi thóp trên giường” (Hoàng Trọng 4, 2013).
Chính đặc điểm này đã tạo nên sự liên kết chặt chẽ trong dòng họ để bảo lưu những kỹ thuật thượng thặng!
Trong võ thuật ở Bình Định, có thể nói ngay rằng, xưa nay, mỗi dòng họ đều giữ riêng cho dòng họ của mình những kỹ thuật đặc thù tạo nên thinh danh trội bật của dòng họ.
2.1. Dòng họ Trương
Đất võ Bình Định có nhiều dòng họ nổi danh võ thuật từ hàng trăm năm qua. Trong đó, họ Trương ở làng Kỳ Sơn có ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến, tức thầy giáo Hiến, người dạy cả văn lẫn võ cho anh em nhà Tây Sơn và nhiều vị văn thần, võ tướng của triều đại này. Võ đường họ Trương ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) hiện do võ sư Phi Long Vịnh, tên thật là Trương Văn Vịnh (78 tuổi), cai quản. Ông nội của võ sư Vịnh là ông Trương Hổ và em trai Trương Ninh đều là những người giỏi võ nghệ.
Ông Trương Hổ có 3 người con để lại tên tuổi trong làng võ thuật là Trương Văn Cẩn, Trương Hoàng (Ba Chăm), Trương Xuân Ba (Sáu Hòa). Trong đó, ông Trương Hoàng là một trong những người thầy của võ sư Hà Trọng Sơn (biệt danh Hùm xám miền Trung). Ông Trương Xuân Ba cũng từng đoạt cúp vô địch Đông Dương thời Pháp thuộc. Võ sư Phi Long Vịnh, tên thật là Trương Văn Vịnh (78 tuổi), cai quản, thượng đài từ năm 18 tuổi, đến nay đã trải qua hàng trăm trận tỉ thí nhưng võ sư Vịnh chưa một lần thất bại. Năm 2007 võ sư Trương Văn Vịnh sang Ý biểu diễn trong dịp khai mạc đại hội lần thứ 4 của môn phái Quán khi đạo (Qwan ki Do), chưởng môn của Quán khí đạo là võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng ông 3 chữ “Đại danh sư”.
Võ sư Trương Văn Vịnh được cha là võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ từ nhỏ. Sau đó, ông Vịnh học thêm võ từ 2 người bác là võ sư Trương Xuân Ba và võ sư Trương Hoàng. Các con trai của võ sư Trương Văn Vịnh là: Trương Trọng Khiêm, Trương Trọng Hải, Trương Trọng Hùng, Trương Trọng Vinh, Trương Trọng Quang đều biết võ nghệ. Trong đó, võ sư Trương Trọng Hùng đã mở lò võ riêng và Trương Trọng Hải cũng đang dạy võ cùng với cha. Cháu nội, cháu ngoại của võ sư Vịnh đến nay đã hơn 20 người và cũng đều được học võ (Hoàng Trọng 1, 2013).
2.2. Dòng họ Đinh
Theo Địa chí Bình Định, ông tổ họ Đinh ở Bằng Châu tên Đinh Viết Hòe, đi lính cho chúa Nguyễn, lấy vợ ở đây và sinh ra 3 người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm. Lúc nhỏ, nhà nghèo, ông Nhưng phải có cuộc sống tự lập, tính ngang bướng, không chịu luồn cúi ai nhưng lại giỏi võ nghệ. Nhờ có tầm nhìn xa nên ông đã tổ chức khai hoang tại các vùng Thanh Liêm, Kim Tài và trở thành người giàu có, trong nhà có nhiều người giúp việc. Ông Nhưng còn là một võ sư, một quân sư có tiếng trong vùng. Thời Tây Sơn, tộc Đinh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) nổi tiếng giàu có và giỏi võ nghệ. Trong đó nhiều người vẫn hay nhắc đến câu thành ngữ "ngang như ông Chảng" hoặc "ông Chảng ngang thiên" và nhiều giai thoại về nhân vật này. Từ bài văn tế của họ Đào ở thị xã.An Nhơn, tên thật của ông Chảng được xác định là Đinh Viết Nhưng (có sách nói là Đinh Văn Nhưng), công thần của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn mất, ông Nhưng đổi từ họ Đinh sang họ Đào để tránh sự truy sát của triều Nguyễn. Ngày nay, 2 nhánh con cháu của ông Chảng sống ở khu vực Bằng Châu (thuộc phường Đập Đá, thị xã.An Nhơn) và thôn Thanh Liêm (thuộc xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) vẫn giữ tục “Sinh Đào tử Đinh”. Nhờ tổ chức an ninh giỏi, nhất là hầu hết các tráng đinh trong thôn đều biết võ nghệ nên vùng đất này luôn an toàn”.
Theo ông Đào Duy Thu, con cháu dòng họ Đào ở các thôn Thanh Liêm, Kim Tài, Bằng Châu ngày nay không còn ai giỏi võ nghệ, các tài liệu võ của dòng họ đã bị tiêu hủy sau khi phong trào Tây Sơn thất bại. Tài liệu võ duy nhất còn lại của họ Đào là một tập tư liệu cổ do võ sư Phan Thọ (ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) cung cấp, trong đó có ký tên Đào Thống (Hoàng Trọng 2, 2013).
2.3. Dòng họ Nguyễn
Danh tiếng làng quyền An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) có từ hơn 200 năm trước, bắt nguồn từ những người mang họ Nguyễn. Theo võ sư Phan Thọ, ông Nguyễn Ngạc (tức Hương mục Ngạc) là sáng tổ của làng quyền An Vinh. Dân gian truyền lại rằng bà tổ cô của ông Ngạc là thầy dạy võ cho nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ngay từ nhỏ, ông Ngạc đã học võ nghệ của gia đình và lớn lên theo học ông Khách Bút ở Kiến Hàng (thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định ngày nay). Ông Khách Bút nhận 2 học trò cùng ở làng An Vinh là ông Năm Nghĩa và ông Nguyễn Ngạc.
Hai học trò có hai tư chất khác nhau nên ông Khách Bút chú tâm luyện cho mỗi người một chuyên biệt võ công. Trong khi ông Ngạc được thầy chuyên tâm hướng dẫn về quyền thì ông Năm Nghĩa được rèn luyện về roi. Ông Ngạc sinh được tám người con nhưng chỉ có ông Bảy Lụt (tên thật là Nguyễn An), Chín Giác và bà Tám Cảng để lại nhiều giai thoại trong giới võ thuật. Các học trò của ông Ngạc cũng có nhiều người rất nổi tiếng là Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Tám Tự, Hai Tửu...
Võ sư Phan Thọ bắt đầu học quyền An Vinh từ năm 17 tuổi với thầy Bảy Lụt (con của Nguyễn Ngạc). Sau đó, trong vòng 20 năm “cơm nhà, áo vợ”, ông lần lượt theo học các thầy Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), Lê Hải (Sáu Hà), Đinh Hề (Hương Kiểm Mỹ), Hồ Ngạnh… Mỗi người thầy của võ sư Phan Thọ đại diện cho một môn phái, có thế mạnh riêng và tất cả đều là những cao thủ đương thời. Tuy nhiên, sở trường của võ sư Phan Thọ vẫn là quyền của phái An Vinh. Võ sư Phan Thọ từng hạ heo rừng, đánh bại nhiều cao thủ cùng thời nhưng ấn tượng nhất vẫn là hạ 3 võ sĩ Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay).
Võ sư Phan Thọ (ở làng Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) là người thông thạo 18 ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định, gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, độc tiên (tức khăn xéo), thương, kích, giảng, thủ, chùy, mỏ gẩy, xà mâu, côn, xích, thước, ba chĩa và trống thiên cung. Hai người con của võ sư Phan Thọ, võ sư Phan Thanh Sơn dạy võ ở tỉnh Bình Dương, còn võ sư Phan Hữu Đức đang dạy võ tại Quy Nhơn. Các cháu của võ sư Phan Thọ cũng rất nhiều người theo nghiệp gia truyền và đang được ông truyền lại các chiêu thức của 18 môn binh khí.
Các thế hệ học trò của võ sư Phan Thọ, như: Đỗ Hượt, Lê Công Hoàng, Kim Dũng, Phan Trường Hận, Nguyễn Xuân Nam… đều thành danh trong nghiệp võ. Lò dạy võ của võ sư Lê Công Hoàng (ở thôn 1, xã Bình Nghi) đang có nhiều gương mặt trẻ được đánh giá cao, như: Lê Văn Mười (29 tuổi), huấn luyện viên võ thuật quốc gia cấp 16; Phan Ngọc Tiến (28 tuổi), huấn luyện viên võ thuật quốc gia cấp 15; Trương Văn Phúc (24 tuổi) huấn luyện viên võ thuật quốc gia cấp 15; Lê Quốc Tuấn (18 tuổi), huấn luyện viên võ thuật quốc gia cấp 14…(Hoàng Trọng 3, 2013).
2.4. Dòng họ Hồ
Nhiều thế hệ họ Hồ ở làng Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) đã thành danh bằng con đường võ thuật “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Họ Hồ bắt đầu nổi danh trong giới võ thuật từ thời võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh (1891-1976). Ông Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu (1891-1976), con của ông Đốc Năm (Hồ Đức Phổ) và bà Lê Thị Huỳnh Hà. Tuy cha mẹ đều là những người giỏi võ nghệ nhưng ông Đốc Năm làm võ quan cho triều Nguyễn tại Huế nên ông Hồ Ngạnh được mẹ truyền dạy võ nghệ từ nhỏ.
Lớn lên, ông theo học rất nhiều danh sư đương thời tại đất Tây Sơn, trong đó có ông Đội Sẻ và Hồ Khiêm. Từ những bài roi học được của các môn phái, Hồ Ngạnh sáng tạo tuyệt kỹ roi “đánh nghịch”, ngược với cách đánh thuận thông thường. Khi giao chiến với các cao thủ, thế roi đánh nghịch bất ngờ nhiều lần giúp ông Hồ Ngạnh thắng thế, như tướng cướp Dư Đành, võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu), võ sư Trịnh Hùng Trí (môn phái Thiếu Lâm)…
Từ đó đến nay đã có 5 thế hệ tiếp nối truyền thống võ học của gia tộc. Võ đường của họ Hồ hiện do võ sư Hồ Sừng (75 tuổi), cháu nội võ sư Hồ Ngạnh, cai quản. Trong 7 người con của võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Cương vừa được phong danh hiệu võ sư thì qua đời. Võ sư Hồ Bé đang dạy võ cùng với cha tại võ đường của gia tộc. Võ sư Hồ Sỹ đang công tác tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn).
Các anh Hồ Dư, Hồ Sửu, Hồ Hiệp đang dạy võ tại gia đình. Thế hệ tiếp theo, họ Hồ cũng trình làng những gương mặt đang là vận động viên hoặc từng là vận động viên đội tuyển võ thuật tỉnh Bình Định như: Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Đức Thiệt (con của võ sư Hồ Cương), Hồ Thị Thảo (con của võ sư Hồ Bé), Hồ Đức Hạnh (con của Hồ Hiệp)… (Hoàng Trọng 4, 2013).
2.5. Dòng họ Lý
Họ Lý ở phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, Bình Định) là chủ nhân của bài quyền “Miêu tẩy diện” nổi tiếng, được lưu truyền qua nhiều đời. Dòng họ Lý đến Đập Đá lập nghiệp từ đời ông Lý Thế, vốn là một người rất giỏi võ nghệ. Đến đời thứ 2 là ông Lý Xuân Hùng thì lấy tên môn phái là Lý Gia võ đạo. Ông Hùng truyền lại võ nghệ cho con trai là Lý Hân. Đời thứ 4 nhà họ Lý có hai anh em rất giỏi võ nghệ là Lý Xuân Tạo và Lý Tường. Võ sư Lý Xuân Tạo và Lý Tường đã đào tạo ra nhiều võ sư nổi tiếng như: Lý Xuân Hỷ, Nguyễn Đức Thọ, Lê Xuân Cảnh, Lý Thành Nhân…
Trong đó, võ sư Lê Xuân Cảnh đã mở lò dạy võ tại thị xã An Nhơn và được công nhận là một trong 6 võ đường tiêu biểu của tỉnh Bình Định hiện nay. Võ sư Lý Thành Nhân, con của võ sư Lý Xuân Tạo, từng là Chủ tịch Hội Võ cổ truyền Bình Định, sử dụng nhuần nhuyễn bài “Miêu tẩy diện”. Võ sư Lý Xuân Hỷ cũng đang đảm nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội Võ cổ truyền Bình Định.
Người sử dụng bài quyền “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt) thuần thục nhất hiện nay là võ sư Lý Xuân Hỷ (73 tuổi), thế hệ thứ 5 của dòng họ Lý tại Bình Định. Bài quyền này được ông tổ của dòng họ có tên là Lý Thế dựa theo sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của loài mèo mà dựng nên. Cái hay của bài quyền là ở những bộ trửu (chỏ) thuộc bộ thủ (tay) và ra đòn rất nhanh nên phát huy thế mạnh khi cận chiến.
Khi còn trẻ, võ sư Lý Xuân Hỷ có hàng trăm lần thượng đài nhưng chỉ có lần duy nhất ông bị trọng tài xử thua. Năm 1990 võ sư Ly Xuân Hỷ tham dự Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế ở Nga.
Võ sư lý Xuân Hỷ có 5 con đều đã được phong võ sư. Hiện ông đã giao võ đường lại cho con trai đầu của mình là võ sư Lý Xuân Vân (50 tuổi) trông coi việc đào tạo các thế hệ trẻ. Thế hệ thứ 7 của Lý Gia võ đạo cũng có nhiều người sớm thành danh trong nghiệp võ như: Lý Xuân Vũ (27 tuổi, cháu gọi võ sư Lý Xuân Hỷ bằng ông nội), Trần Minh Trí, Lý Xuân Hảo, Lý Xuân Hợp… (Hoàng Trọng 5, 2013).
2.6. Dòng họ giỏi Võ Việt Nam ở Bình Dương
Mảnh đất Nam Bộ đã chào đón thế hệ người Việt từ Trung Bộ vào khai hoang ở vùng đất Đông Nam Bộ, lần lượt lập nên làng Tân Khánh (nay là phường Tân Phước Khánh, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và làng Bà Trà (nay là phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Từ vốn liếng mang theo là môn Võ Lâm - một trong hai môn võ truyền thống từng góp phần đánh giặc giữ nước của người Việt Nam từ xa xưa, thế hệ những người đi mở đất đã hình thành nên môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà phù hợp với yêu cầu bức thiết của cuộc sống trên vùng đất mới, với mục đích diệt trừ thú dữ, phá tan cướp bóc, giữ yên xóm làng từ thế kỷ XVII.
Dòng họ giỏi võ nhiều đời nổi tiếng nhất ở vùng Tân Khánh - Bà Trà chính là dòng họ Võ. Với đặc trưng là thế hệ người đầu tiên từ Trung Bộ vào Nam Bộ khai hoang hầu hết đều là dân nghèo, mặt bằng chữ nghĩa thấp kém, cho nên đã không thể ghi gia phả bằng chữ nho để lưu lại cho đời sau, cho nên những bậc tiền bối khai hoang giỏi võ từ thế kỷ XVII, qua thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX, hầu như đều không rõ họ tên.
Đến nay, người nghiên cứu về môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà mới chỉ biết những bậc thầy giỏi môn võ này từ khoảng giữa thế kỷ XIX trở lại đây. Có thể kể trước hết là bà Võ Thị Trà (thường gọi là Bà Trà). Bà này vừa có công khai hoang lập ấp vùng đất mang tên là Bà Trà, vừa truyền dạy kỹ thuật môn Võ Tây Sơn của đất Bình Định cho cư dân vùng đất mới vào giữa thế kỷ XIX mà người dân gọi là Võ Bà Trà, trong đó có cả những người đã giỏi môn Võ Lâm Tân Khánh ra đời từ thế kỷ XVII, khi bắt đầu khai hoang lập ấp vùng đất Tân Khánh. Đó chính là nguyên nhân sự ra đời của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà (sau này được viết tắt là Takhado), tức là môn võ khai sinh từ thời khai hoang ở thế kỷ XVII cộng thêm những kỹ thuật của môn Võ Tây Sơn do Bà Trà đã trao truyền.
Đúng như võ sư Trương Văn Vịnh ở Bình Định đã từng nói “Trong học võ, “cha truyền con nối” thì đương nhiên” (Hoàng Trọng, 2013). Môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà cũng không ngoại lệ. Người dân xứ võ Tân Khánh - Bà Trà kể rằng, tiếp nối bà Võ Thị Trà (Bà Trà) là ông Võ Văn Cư và ông Võ Văn Lỷ. Tương truyền hai ông này đã từng diệt trừ nhiều con hổ dữ, mang lại sự bình yên cho xóm làng. Ông Võ Văn Cư có hai người con là Võ Văn Ất (Hai Ất) và Võ Văn Giá (Ba Giá); còn ông Võ Văn Lỷ có con là ông Võ Văn Đước (Ba Đước).
Cả hai ông Võ Văn Cư và Võ Văn Lỷ đều đã truyền dạy cho các con tất cả những kỹ thuật độc đáo nhất của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà để tiếp nối con đường diệt trừ thú dữ, tiêu trừ cướp bóc, giữ yên xóm làng. Riêng ông Ất và ông Giá đã tạo nên biết bao nhiêu chiến công hiển hách trong những năm cuối thế kỷ XIX, trong đó có trận đả hổ ở Bàu Lòng (nay là khu phố Bàu Lòng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), để lại câu tục ngữ vang danh đến ngày nay “Cọp Bàu Lòng, Võ Tòng Tân Khánh”, trong đó dân gian ví ông Ất và ông Giá giống như Võ Tòng thuở xưa ! (Lưu Linh Tử, 1962). Tác giả kể lại chuyện này cam đoan đây là chuyện thật xảy ra năm 1889 !
Ông Ất có người con gái thứ năm tên là Võ Thị Vuông (Năm Vuông) đã thay cha chiến đấu với một con bổ dữ bằng một cây trường thương trong lễ khai thị chợ Bến Thành năm 1914. Chuyện này đã được tác giả Vũ Thuật kể lại trong chuyện “Quyền sư ở Nam Bộ : Ông Ất” đăng trên Việt Nam Giáo khoa Tập san phát hành năm 1953 tại Sài Gòn (Vũ Thuật, 1953). Ngoài ra, ông Ất cũng dạy võ cho nhiều học trò, trong đó người học trò giỏi nhất, được ông Võ Văn Ất tâm truyền để nối nghiệp ông chính là Võ Văn Trực (Sáu Trực).
Đến lượt võ sư Sáu Trực, môn sinh của ông khá đông, có những nhà hoạt động yêu nước như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiễng…, cũng như các võ sĩ thành danh, nổi tiếng một thời khắp Nam Bộ như Đông Phương Sóc ở Lái Thiêu (nay thuộc Thuận An, tỉnh Bình Dương), hay Hương cả Trương Công Đại (Cả Đại) ở An Sơn (nay thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tuy môn sinh nhiều, nhưng ông sáu Trực đã chọn Võ Văn Phiên trong một dòng họ Võ làm người nối nghiệp ông.
Cùng thời với ông Võ Văn Trực, đất võ Tân Khánh - Bà Trà có ông Đỗ Văn Mạnh, thường gọi là Năm Nhị, nổi tiếng thiện nghệ về roi (binh khí sở trường của môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà), từng hạ biết bao nhiêu cao thủ cùng thời ở nhiều địa phương khác. Về mặt khẩu truyền thì người ta nói rằng ông Đỗ Văn Mạnh đã thọ giáo một võ sư ẩn danh ở miệt Đồng Môn, Biên Hòa; thế nhưng khi soát xét toàn bộ hệ thống bài bản, binh khí và kỹ thuật của ông Đỗ Văn Mạnh, thông qua học trò là ông Trương Văn Bỉ (Tám Bỉ) thì không có sự khác biệt với bài bản, binh khí và kỹ thuật của ông Võ Văn Trực.
Ông Võ Văn Phiên (Bảy Phiên) cũng có số lượng môn sinh đông không kém. Tuy nhiên, ông Võ Văn Phiên chỉ có một đứa con trai duy nhất là Võ Văn Chớ. Người con này lại không thích võ thuật mà lại quay sang thích đờn ca tài tử. Ông Võ Văn Chớ có một con trai duy nhất là Võ Văn Ché giống cha, không thích võ thuật, mà đam mê đờn ca tài tử hơn. Cuối cùng, Võ Văn Phiên đành phải chọn cháu vợ là Hồ Văn Lành (Út Lành) để trao truyền sự nghiệp truyền bá môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, vì dù sao Hồ Văn Lành cũng có người vợ là con của ông Võ Văn Tráng, thuộc dòng họ Võ ở Tân Khánh – Bà Trà.
Tuy vậy, có thể thấy rằng môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, với những kỹ thuật bí truyền từng chế ngự và chiến thắng hổ dữ, chỉ được trao truyền từ thờ Bà Trà (giữa thế kỷ XIX) đến cuối thế kỷ XX vì võ sư Hồ Văn Lành qua đời năm 2005, không tiếp tục lưu truyền môn võ bí hiểm này cho nội bộ dòng họ Võ như trước nữa ! Bởi vì trong thực tế, sau khi Hồ Văn Lành qua đời, những người nối tiếp sự nghiệp bảo tồn và quảng bá môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà là: Hồ Tường (mở lớp dạy ở thành phố Hồ Chí Minh), Trần Tấn Phước (mở lớp dạy ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), Nguyễn Việt Hùng (mở lớp ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), Trần Quang Hiển (mở lớp ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai), Tống Phúc mở lớp ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp)…
Kết luận
Thông thường, ở nhiều ngành nghề, việc “cha truyền, con nối” gần như một chuyện thông thường, nhằm mục đích gìn giữ bí quyết củ nghề nghiệp để cạnh tranh với “sản phẩm” hay “dịch vụ” cùng loại khác. Điều này đã minh chứng cụ thể qua những kỹ thuật bí truyền trong Võ Việt Nam lưu truyền từ bao nhiêu đời, trong từng dòng họ, trên vùng đất Bình Định và xứ võ Tân Khánh – Bà Trà ở Bình Dương vậy !
Có một điều là ở làng võ Tân Khánh – Bà Trà giống như hầu hết các địa phương ở Nam Bộ, đó là từ xưa đến nay đều không có một tổ chức dòng họ nào để kết nối những người trong họ giống như ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Dĩ nhiên, đã không có tổ chức dòng họ thì không thấy gia phả cũng như không thấy cả nhà thờ họ. Việc cúng kiếng các bậc tiền bối diễn ra tại nhà riêng của những người lớn tuổi trong họ. Một trong những lý do giải thích sự việc này có thể là hầu hết những người cùng một họ Võ đều cư trú trong cùng một thôn làng, không cách quá xa; cũng như hầu hết những người giỏi võ họ Võ ở làng võ Tân Khánh – Bà Trà đều không biết rành chữ Nho – một trong những yếu tố để xây dựng gia phả.
Trong thực tế việc phát triển Võ Việt Nam ngày nay luôn phải chen chân cùng nhiều môn võ ngoại nhập mang tính khoa học và hiện đại khác từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Cho nên nhiều bậc thầy Võ Việt Nam ở làng võ Tân Khánh – bà Trà đã phải xem lại chủ trương “dấu nghề”, bởi vì cứ tiếp tục giữ chủ trương “dấu nghề” thì không thể cạnh tranh được với các môn võ ngoại nhập khác ngay trên sân nhà với viễn cảnh sẽ bị mai một trong gió bụi của thời gian…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đỗ Trọng Am (2011), Văn hóa dòng họ Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.30.
2. Mai Văn Hải (2016), Gia đình, dòng họ – những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam, đăng trang thông in họ Đồng Bá ngày 14/07/2016, truy cập ngày 12/04/2024.
3. Vũ Thuật (1953), Quyền sư ở Nam Bộ: ông Ất, đăng trong Việt Nam Giáo khoa Tập san, bộ mới, số 1, ngày 01/02/1953, Sài Gòn, trang: 12, 13, 24.
4. Hoàng Trọng 1 (2013), Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 1: Tuyệt kỹ Ngọc trản thần công, đăng trên báo Thanh Niên ngày 07/06/2013, truy cập ngày 12/04/2024.
5. Hoàng Trọng 2 (2013), Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 2: Ông Chảng ngang thiên, đăng trên báo Thanh Niên ngày 08/06/2013, truy cập ngày 12/04/2024.
6. Hoàng Trọng 3 (2013), Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 3: Người giữ lửa làng quyền An Vinh, đăng trên báo Thanh Niên ngày 09/06/2013, truy cập ngày 12/04/2024.
7. Hoàng Trọng 4 (2013), Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 4: Độc đáo đường roi nghịch, đăng trên báo Thanh Niên ngày 10/06/2013, truy cập ngày 12/04/2024.
8. Hoàng Trọng 5 (2013), Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 5: Độc chiêu “Mèo rửa mặt”, đăng trên báo Thanh Niên ngày 11/06/2013, truy cập ngày 12/04/2024.
9. Lưu Linh Tử (1962), Cọp Bàu Lòng – Võ Tòng Tân Khánh, đăng trên tạp chí Phổ Thông, số 79, ngày 1.5.1962 tại Sài Gòn.
TS HỒ TƯỜNG
(Giảng viên Trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM)
Các tin cũ
- » Mạch nguồn văn hóa dòng họ, thờ cúng các danh nhân và anh hùng dân tộc 30/04/2025 15:07:16
- » Vai trò của gia tộc trong mối quan hệ với dân tộc (Qua thực tế môn phái Nam Huỳnh Đạo) 30/04/2025 14:45:55
- » UNESCO - Nơi hội tụ trí tuệ của nhân loại, thành trì của hòa bình thế giới 30/04/2025 12:50:04
- » Trao truyền tinh thần ‘việc họ’ cho thế hệ kế thừa 30/04/2025 12:09:56
- » Việc ‘họ’ và các chế định pháp luật 30/04/2025 11:55:17
- » Chữ 'lễ' trong việc họ 30/04/2025 11:21:51
- » Giới thiệu về việc làm câu đối cho nghĩa trang họ Phạm ở Nam Định 30/04/2025 10:50:25
- » Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức du khảo mừng 30/4/2025 27/04/2025 20:22:48
- » Tọa đàm về cụ Võ Văn Nhâm & gia phả chi họ Võ ở Bà Giã 10/04/2025 18:12:22