Theo chân những người ‘vạch bóng thời gian tìm nguồn cội’
09/08/2022 03:56:13“Ngày nay, chỉ sợ thiếu lòng nhiệt thành với dòng họ, với nguồn cội, còn lại bất cứ ai đều có thể làm được gia phả” - ông Võ Ngọc An, Chi hội trưởng Chi hội “Nghiên cứu và thực hành Gia phả Tp.HCM”, đã nói về việc làm gia phả như thế
Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, liệu đã mấy ai có những phút lắng lại để tự mình đặt câu hỏi: Ông bà tổ tiên của mình là ai, xưa kia làm gì, sống ở đâu. Thói quen của nhiều người khi hình dung về dòng họ của mình vẫn chỉ là qua lời kể lại (gia phả miệng) của cha mẹ, ông bà, thường chỉ đến đời Cố, Sơ là hết. Vậy nên không phải ai cũng giải đáp được trừ khi gia đình họ còn lưu lại gia phả cổ và nếu muốn lập gia phả cũng không biết nơi đâu nhận làm việc này.
Từ thời còn ngồi ở giảng đường đại học, chàng sinh viên Khoa Sử Võ Ngọc An đã làm hẳn một luận văn tốt nghiệp về gia phả. Ra trường, học lên Cao học Sử rồi trở thành Phó Giám đốc Sở VHTT Tp.HCM, bao nhiêu năm làm công tác quản lý văn hóa, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu những gì liên quan đến gia phả để khi đến tuổi hưu, bắt đầu tiến thêm một bước, đó là thực hành gia phả.
Năm 1992, ông chính thức thành lập Chi hội Nghiên cứu và thực hành gia phả (thuộc Hội Khoa học lịch sử Tp.HCM) do các giáo sư Mạc Đường, Nguyễn Đình Đầu, Phan Huy Lê làm cố vấn. Lúc đầu chi hội có 10 người gồm các nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, chuyên viên Hán Nôm… đã nghỉ hưu, cũng có người đang tại chức, sau này có thêm nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường đại học… Chi hội hiện có cả một lực lượng những nhà nghiên cứu có tên tuổi, và có kiến thức chuyên ngành bổ sung cho nhau như anh em nhà họ Võ: ông Võ Ngọc An hiện là Tổng biên tập Báo Sài Gòn tiếp thị, Chủ tịch Hội Tem Tp.HCM; ông Võ Văn Sổ, chuyên viên Hán Nôm; bà Phan Kim Dung, thạc sĩ Khoa học lịch sử; ông Thông Thanh Khánh, chuyên gia Văn hóa Chăm; ông Nguyễn Thanh Bền, cựu nhà báo của TTXVN, thạc sĩ khoa học nhân văn….
Cũng ở thời điểm mới hình thành, nhóm bắt tay làm gia phả cho những dòng họ lớn, có công với đất nước như dòng họ Phan Công Hớn ở Bà Điểm, Nguyễn An Ninh ở Cần Giuộc rồi Hóc Môn, Võ Văn Tần ở Đức Hòa… và bây giờ, nhóm đang tập trung dựng gia phả cho nông dân
Dù nói gì đi nữa, để thuyết phục được người khác lập gia phả thì ngay bản thân những người làm gia phả phải làm điều đó trước tiên cho chính dòng họ của mình. Năm 2001, con cháu họ Võ ở Củ Chi đã làm lễ tạ mả và tôn tạo phần mộ của sơ tổ Võ Văn Nhâm là vị tiên tổ của dòng họ Võ. Ông là nghĩa sĩ đã dựng cờ khởi nghĩa và đã hy sinh ngay khi Pháp đặt chân vào đất Gia Định. Tại lễ tạ mả, những người trong họ Võ đã tề tựu lại và hứa với nhau sẽ làm hẳn một bộ gia phả để con cháu sau này biết được dũng khí của cha ông xưa kia để noi theo. Một năm sau, bộ gia phả họ Võ đã hoàn thành do chính ông Võ Văn Sổ, hậu duệ đời thứ 6 họ Võ thực hiện. Một câu chuyện cảm động nữa, trong quá trình làm gia phả, ông Sổ kết hợp với ông An ứng dụng thêm phương pháp “Gia phả học” đã tìm ra được dòng họ của mình lâu nay bị ly tán thất lạc và đổi thành họ khác trên 150 năm qua. Cũng từ quyển gia phả này, hằng năm toàn tông tộc họ Võ đã cùng nhau họp mặt để tu bổ nhà thờ họ tộc, làm lễ giỗ, sửa sang mồ mả, chuộc lại đất, làm sổ địa bạ mới cho đất của ông bà khai phá khi xưa… Không riêng họ Võ, mỗi thành viên của nhóm cũng đã và đang tự dựng gia phả cho dòng họ mình
Làm gia phả cho dòng họ của mình, rồi của những nhân vật đặc biệt, chính khách… nhóm làm gia phả lại muốn phổ biến cách làm rộng rãi cho mọi người để ai muốn đều có thể làm được. Ông An, khi đề cập đến chuyện này đã cho biết, vì có thời gian ông làm công tác văn hóa nên thường tiếp xúc với dân mới thấy rằng nhiều gia đình rất khát khao làm gia phả nhưng chưa biết cách làm và cũng chưa có điều kiện, kinh phí. Khi đó, nhóm đã bàn với lãnh đạo các địa phương, trong đó có tỉnh Long An tiến hành mở lớp hướng dẫn cho người dân tự làm gia phả. Qua nhiều năm nghiên cứu và dựng gia phả, ông An đã đúc kết được một điều quan trọng: “Gia đình nào hiểu biết về gia phả sẽ có cách chèo lái, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong nội bộ và dòng họ cũng như có thể ngăn ngừa, chống được tệ cục bộ, bè phái, gia đình trị xuất phát từ họ tộc, huyết thống”.
Có dịp quan sát và tìm hiểu về công việc của nhóm làm gia phả, tôi thấy nghề này cũng đi thực tế, lắm lúc phải lội ruộng băng đồng, lên rừng xuống biển, đôi lần phải sử dụng nghiệp vụ điều tra như nghề làm báo (có lẽ vậy nên nhóm có đến 3 người là nhà báo). Kinh phí làm một bộ gia phả khoảng từ 10 triệu tới 20 triệu đồng nếu ở trong Tp.HCM. Còn đi tỉnh ngoài, sẽ tính thêm tiền xe, lưu trú… Nguồn thu nhập của nhóm, dựa trên số lượng bộ gia phả đã hoàn thành. Với số tiền này, so với công sức bỏ ra của mỗi người có lẽ chỉ nên xem là nguồn động viên.
Tôi hỏi thăm một vài người trong nhóm thì được biết hiện có hai người đang ở Hà Tĩnh để tìm hiểu dòng họ cho bộ gia phả mới nhận. Một số người lớn tuổi, sức khỏe yếu thì ít đi ra ngoài, thỉnh thoảng đến văn phòng ở số 4 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, để bàn bạc, phân công nhau nghiên cứu, chấp bút, dịch gia phả cổ và tư vấn miễn phí cho những ai muốn tự làm.
Có những dòng họ nghèo, không có tiền nhưng rất muốn làm gia phả như dòng họ Nguyễn Văn Quá (phó tướng của Phan Công Hớn), dòng họ Võ Văn Tần… Cảm động vì cái tình của họ với tổ tiên, nhóm bàn với nhau làm miễn phí hoặc chỉ lấy tiền in ấn, bút, giấy mà thôi. Họ xem bộ gia phả ấy như là một công trình nghiên cứu dù cả nhóm phải mất từ 4 - 6 tháng để hoàn thành. hai tháng đầu đi khảo sát, thu thập thông tin, hai tháng viết, in bản thảo, đưa cho gia đình sửa chữa, bổ sung, hai tháng in ấn hoàn chỉnh. Trong quá trình làm, một trong những niềm vui của nhóm là có nhiều gia đình hiểu được mục đích ý nghĩa việc làm gia phả nên rất xem trọng và quý mến họ, nhất là những dòng họ từng mâu thuẫn với nhau, chính bộ gia phả đã khiến họ gần nhau, xóa bỏ hiềm khích. Có người sau khi nhận bộ gia phả, đã tình nguyện tham gia vào nhóm, tiếp tục dựng gia phả cho người khác.
Nhắc tới chuyện dịch gia phả cổ không thể không nhắc đến ông Võ Văn Sổ. Khả năng dịch gia phả và mộ bia cổ bằng chữ Hán Nôm của ông hàng chục năm nay đã giúp cho nhóm tìm được lai lịch người đã mất và giúp cho nhiều người biết rõ hơn về ông bà của mình. Ông kể, có một gia đình ở Trà Vinh, bao nhiêu năm cúng bái chăm sóc ngôi mộ bia đề tên họ, ngày tháng mất là chữ Hán mà họ đinh ninh là mộ của ông tổ… Gia đình cũng đã mời rất nhiều người đến dịch giúp nhưng không ai dịch được. Đến khi ông Sổ dịch thì mới rõ đây là mộ của bà tổ. Trước những kết quả đạt được, Ông Sổ hiện được tín nhiệm đến độ có người còn đưa cho ông bộ gia phả cũ, đứt đoạn, khuyết danh nhiều người… đề nghị ông nối lại. Ông và những cộng sự cùng nhóm đã không những nối liền dòng họ đó cho hoàn chỉnh mà còn có thể truy ngược về những đời trước, cách đây hàng mấy trăm năm.
Có lẽ đây là nhóm đầu tiên dựng gia phả mang tính chất tự phát ở Tp.HCM. Hiện tại, Nhà nước chưa chính thức có tổ chức nào, phần lớn tổ chức hiện nay chỉ mang tính chất “quần chúng” như ở miền Bắc có “Unesco các dòng họ Việt Nam”, ở miền Nam cũng có chi nhánh nhưng chủ yếu là nghiên cứu. Điều nhóm cần hỗ trợ nhất là phổ biến rộng rãi cho mọi người để ai cũng có thể tự làm gia phả cho mình. Nhóm sẽ hướng dẫn cách làm, cho người dân thấy được lợi ích của gia phả để gắn bó hơn với bà con họ hàng, duy trì được truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt mình
Bộ gia phả trong gia đình được ví như là một catalog để truy tìm, nhận ra mối quan hệ thân tộc từ đó những người trong thân tộc này xây dựng tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau… Mong sao những ngày Tết sắp tới, ngoài việc tảo mộ, cúng bái ông bà tổ tiên, mừng tuổi ông bà, các thế hệ con cháu, dòng tộc quây quần với nhau bên bộ gia phả, cùng nhau đọc, nhắc lại cội nguồn, những bậc tiền nhân để noi gương và cùng nhau giữ cho gia đình từ điều nhỏ nhất “trong ấm ngoài êm” đến điều lớn lao - xã hội trật tự, yên bình.
HẠNH CHI (Theo Công an Nhân dân)
(GP: 21-7-2009)
Các tin cũ
- » Dựng gia phả để nghiên cứu lịch sử 09/08/2022 03:41:30
- » Gia phả - hồi ký: Chứng tích của sự có mặt 08/08/2022 17:18:26
- » Những ông đồ Sài Gòn đi... làm gia phả 08/08/2022 17:00:35
- » Nhân ngày 28-6: Bàn về đạo gia đình 08/08/2022 16:28:03
- » Dựng phả, một dịch vụ hấp dẫn 08/08/2022 15:35:32