Trang chủ > 20 năm hình thành và phát triển của TTNC&THGP TP.HCM (1992-2012)

20 năm hình thành và phát triển của TTNC&THGP TP.HCM (1992-2012)

14/08/2022 15:06:49

Buổi đầu nhóm chỉ có 6 thành viên gồm các đối tượng khác nhau: nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học và chuyên viên Hán Nôm. Nhóm được Giáo sư Mạc Đường, Phó Giáo sư Huỳnh Lứa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ tác giả quyển “Gia phả khảo luận và thực hành” làm cố vấn.

Thạc sĩ Phan Kim Dung, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM - tác giả bài viết

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TT NC & THGP TP.HCM

1. Từ nhóm đến TT NC & THGP

Với mong muốn duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng văn hóa dòng họ để góp phần xây dựng văn hóa dân tộc và phục hồi ngành gia phả Nam Bộ, năm 1992, sau khi mãn khóa lớp Cao học I do giáo sư Mạc Đường lúc đó là Viện trưởng Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, ông Võ Ngọc An (năm đó là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh) đã đề xuất thành lập “Nhóm nghiên cứu và Thực hành Gia phả” được Sở Văn hóa Thông tin cho phép hoạt động thử nghiệm. Các bộ phận thuộc ngành văn hóa thông tin, các hội chuyên ngành liên quan, một số các nhà nghiên cứu khoa học,… nơi đâu cũng tán thành và khuyến khích.

Một số bạn bè ông Võ Ngọc An đồng tình, tự nguyện tham gia “Nhóm nghiên cứu và thực hành gia phả” do ông sáng lập và làm nhóm trưởng.

Buổi đầu nhóm chỉ có 6 thành viên gồm các đối tượng khác nhau: nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học và chuyên viên Hán Nôm. Nhóm được Giáo sư Mạc Đường, Phó Giáo sư Huỳnh Lứa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ tác giả quyển “Gia phả khảo luận và thực hành” làm cố vấn.

Tôn chỉ của nhóm: “Nghiên cứu và Thực hành gia phả” với phương châm “nghiên cứu gia phả là khoa học, thực hành gia phả là thiêng liêng”

Nhóm bắt đầu nghiên cứu các loại sách viết về gia phả và cách hướng dẫn ghi gia phả. Từ việc bắt đầu dựng bộ gia phả họ Võ cho gia tộc, ông Võ Văn Sổ đã hình thành cấu trúc của bộ gia phả và xác định phương pháp cơ bản để thực hành.

Bộ gia phả đem ra thử nghiệm đầu tiên là gia phả họ Võ ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi – họ của ông Võ Văn Sổ. Phải mất hai năm trời, hai thành viên mới thực hiện xong và kết quả mang lại rất tốt. Dòng họ biết được đích xác ông tổ và xác định được tổ quán, kết nối được họ hàng, biết được ông Võ Văn Nhâm là lãnh tụ nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhóm tiếp tục vừa thực hành vừa rút kinh nghiệm để xây dựng nội dung lẫn hình thức và phương pháp nên chất lượng của bộ gia phả ngày càng tăng. Đến năm 2002, việc làm của chúng tôi đã được Phó Giáo Sư Huỳnh Lứa – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử quan tâm, cho phép mở đại hội thành lập chi hội với tên gọi là “Chi hội gia phả - Hồi ký”. Đại hội mở vào ngày 23/3/2002, Chi hội Gia phả - Hồi ký trực thuộc hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Chi hội đóng hội phí và dự họp đầy đủ các buổi họp của hội, theo điều lệ hội. Phó Giao sư Huỳnh Lứa – Chủ tịch hội Khoa học lịch sử luôn theo sát chỉ đạo hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi cũng được Giáo sư Mạc Đường chỉ bảo tận tình.

Số lượng thành viên lúc này tăng lên đến 25 người, chúng tôi chia ra 4 tổ để thực hành và lập thêm tổ Hán Nôm, tổ viết hồi ký. Hàng tuần chúng tôi họp để kiểm điểm việc mình làm, bồi dưỡng về chuyên môn và rút kinh nghiệm trong thực hành. Hàng quý nộp báo cáo về hội và cuối năm có tổng kết, thông qua phương hướng năm tới. 

2. Chi hội được nâng lên thành trung tâm:

Trong buổi tổng kết của chi hội gia phả hồi ký năm 2003 Phó Giáo sư Huỳnh Lứa đề nghị chi hội lập đề án, thảo điều lệ để Hội xét nâng chi hội lên Trung tâm. Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo này và kết quả chi hội chúng tôi được nâng lên thành “Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả” theo quyết định số 24/QĐ ký ngày 20/11/2005 do ông Võ Ngọc An làm giám đốc.

3. Mở rộng mạng lưới và xây dựng lực lượng trẻ:

Trong quá trình hoạt động, Trung Tâm quan tâm đến việc mở rộng mạng lưới để phát triển việc dựng gia phả ra các tỉnh; ký hợp đồng hợp tác với Tiến sĩ Nguyễn Đình Nhả ở Hà Nội, với ông Hoàng Hương Việt ở Đà Nẵng, với nhà báo Nguyễn Phấn Đấu tỉnh Long An. Mới đây Trung Tâm cũng liên kết với Trung tâm Unesco nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam, ký hợp đồng với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (2011), công ty Hưng Gia Việt (2012) để vận động các doanh nhân và các dòng họ lập gia phả. 

Ngày 22/10/2011 Trung tâm chúng tôi mở lớp tập huấn phương pháp dựng phả cho sinh viên năm cuối khoa Sử và Ngữ văn trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, chọn được 16 sinh viên, bổ sung lực lượng trẻ và có trình độ cho trung tâm.

Hiện nay Trung Tâm vẫn có 25 chuyên viên, có tay nghề sẽ tiếp sức cho 16 thành viên trẻ, quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách dựng gia phả, xây dựng dòng họ văn hóa, góp phần xây dựng xã hội.

II. NGHIÊN CỨU VÀ BỒI DƯỠNG

1. Nghiên cứu và nâng cao chất lượng cấu trúc bộ gia phả

Buổi đầu mới thành lập nhóm, ông Võ Văn Sổ đã đưa ra cấu trúc và thực hiện thử nghiệm một bộ gia phả có hiệu quả. Cấu trúc gồm: Ngoài lời mở đầu, phần chính phả có 3 phần: Phả ký, phả hệ và ngoại phả. Chúng tôi đã bồi dưỡng thêm kiến thức viết địa chí, kiến thức về hôn nhân để nâng chất lượng bài phả ký từ đơn giản đến phong phú hơn về nội dung để khi đọc lên thấy được tổ quán mình ngày càng đẹp hơn; thấy được hoạt động của tổ tiên mình, dòng họ mình, từng thế hệ hiện lên, thấy được truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình đáng được trân trọng giữ gìn và phát huy.

2. Bồi dưỡng:

a. Phương pháp dựng phả:

Để cho việc dựng phả là một công trình khoa học, Trung Tâm đã sử dụng nhiều phương pháp khoa học: Phương pháp xã hội học, phương pháp lịch sử, logic... và áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào việc dựng phả, chú ý cách phỏng vấn thật nhẹ nhàng, khéo léo cho từng đối tượng khác nhau để được bà con họ tộc cung cấp cho mình những thông tin chính xác, những tư liệu quý của dòng họ.

Chúng tôi đi đến thư viện, kho lưu trữ, sở Địa chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp, Bộ Công An, tham khảo sổ bộ đời, chúc thư, bảng tương phân ruộng đất của dòng họ, nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, để có được tư liệu dùng cho việc truy tìm nguồn gốc tổ tiên, về mối quan hệ với các chi của dòng họ và về tiểu sử của nhân vật nổi trội của dòng họ.

Trong quá trình hoạt động, các thành viên của trung tâm thường trao đổi kinh nghiệm. Ông Võ Ngọc An Giám đốc của trung tâm đã có hằng trăm đề tài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để bồi dưỡng cho thành viên.

b. Bồi dưỡng kiến thức về lịch sử và văn hóa 

Trung Tâm đã mời Giáo sư Mạc Đường nói về “dân tộc và gia phả” mời nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nói về việc “thờ cúng tổ tiên”, mời ông Vũ Hiệp nói về “họ Vũ, Võ” và giới thiệu các bộ sách nói về văn hóa, về vấn đề có liên quan đến gia phả, sách của Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu. Bên cạnh đó, chúng tôi mời ông Trần Đức Doanh và Huỳnh Văn Năm nói về phong thủy, mời kiến trúc sư Phạm Anh Dũng nói về “Cấu trúc nhà thờ Nam Bộ”, mời bác sĩ Nguyễn Thành Công nói về dự án xây nhà từ đường thờ trăm họ ở núi Dinh, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Để hiểu biết thêm về văn hóa và gia phả của người Chăm, Trung Tâm mời Tiến sĩ Thông Thanh Khánh nói về loại hình văn hóa người Chăm. Để bồi dưỡng về lịch sử, chúng tôi tham dự những buổi hội thảo về lịch sử, mời Phó Giáo sư Huỳnh Lứa nói về việc “khai phá đồng bằng sông Cửu Long”, ông Võ Ngọc An nói về “Lưu dân Việt trên đất Đồng Nai”, ông Nguyễn Đình Đầu nói về “Đinh bạ, điền bạ”, ông Võ Văn Sổ nói về “Xu thế Nam tiến”.

Trung tâm đã mở Diễn đàn và Hội quán “Dòng họ và Gia phả Việt Nam” ở 116 Nguyễn Du, mời các nhà khoa học để trao đổi về văn hóa dòng họ, về lịch sử dân tộc để cùng nhau nâng cao nhận thức những vấn đề này.

Qua việc lập gia phả họ Võ ở Bà Giả, họ Đặng ở Bàu Sim, chúng tôi đã phát hiện những vị lãnh đạo nghĩa quân trong buổi đầu chống thực dân Pháp nên chủ động phối hợp với nhà văn hóa huyện Củ Chi tổ chức báo cáo về nhân vật lịch sử Võ Văn Nhâm và Đặng Văn Duy, viết bài tham luận về nhân sĩ Đặng Thúc Liêng, do nhà văn hóa huyện Củ Chi tổ chức, viết bài tham dự hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập công ty nước mắm Liên Thành (Liên Thành thương quán) và cùng với tộc Phan Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh viết quyển: “Tộc Phan Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Qua việc nghiên cứu và bồi dưỡng, nhận thức của thành viên được nâng cao, tay nghề và chất lượng bộ gia phả càng tăng, tính chất khoa học ngày càng được đảm bảo.

Sau khi tổ chức lễ giao nhận bộ gia phả họ Phạm của ông Phạm Khắc – nguyên Giám đốc Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, ông nói: “Tôi không ngờ các anh chị viết gia phả rất khoa học”. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã khen, sau khi đọc xong gia phả họ Phan của ông: “… các anh chịu khó tìm hiểu để viết gia phả tộc Phan, theo tôi là rất tốt” . Những lời khen đó đã khích lệ trung tâm chúng tôi quan tâm hơn việc bồi dưỡng để thực hiện tốt việc dựng phả cho các dòng họ.

III. CÔNG VIỆC QUẢNG BÁ

1. Mở lớp tập huấn về phương pháp dựng phả:

Để giúp cho nhân dân ở tỉnh tự dựng được gia phả cho chi họ mình, Trung Tâm đã phối hợp với sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An, Đồng Tháp mở lớp bồi dưỡng về phương pháp dựng phả, được nhiều đối tượng của tỉnh hưởng ứng; mở lớp ở nhà văn hóa Phụ nữ thành phố được nhiều đối tượng tham gia. Đầu Quí III năm 2011 Trung tâm gia phả chúng tôi mở lớp tập huấn cho 50 sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, kết quả chọn được 16 em đạt yêu cầu cuối khóa.

Ngoài ra, Trung Tâm đã tư vấn miễn phí cho nhiều đối tượng có nhu cầu muốn tự dựng phả cho dòng họ mình.

2. Triển lãm và tặng gia phả cho thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm gia phả cũng đã nhiều lần triển lãm và giới thiệu; lần đầu tiên những bộ gia phả do Trung Tâm dựng tại Đền Hùng (Tao Đàn) nhân dịp thành phố kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP HCM (1998), tại nhà thi đấu Phú Thọ vào ngày 8/3/2006, và ngày 1/6/2010, một lần triển lãm tại thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ giới hạn việc triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp thành phố HCM đã phối hợp cùng Thư viện Tổng hợp TP. Huế và Nhà Bảo Tàng Huế trưng bày những bộ gia phả của Trung Tâm tại Nhà Bảo Tàng Thành phố Huế từ ngày 22 đến 31/3/2011.

Để được bảo quản tốt và cũng để giới thiệu cho nhiều độc giả của thư viện biết gia phả của Trung Tâm dựng, chúng tôi xin phép dòng họ tặng hai lần cho thư viện gần 40 bộ gia phả do trung tâm đã dựng. Chúng tôi cũng đã xuất bản sách “Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh” để phục vụ cho nhiều đối tượng có nhu cầu.

Chúng tôi cũng đã phối hợp với thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM nói chuyện về gia phả cho bạn đọc của thư viện.

3. Dùng báo chí, đài phát thanh, truyền hình, phim để quảng bá trung tâm.

Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Thông Tấn xã, Đài phát thanh thành phố cũng có mặt trong những buổi tổng kết của Trung Tâm. Những buổi lễ giao nhận gia phả cho dòng họ, các báo, đài chủ động đến phỏng vấn Ban giám đốc Trung Tâm, phát tin, phát hình rộng rãi trên VTV4, HTV9 cho khán giả biết về hoạt động của Trung Tâm. Báo Tuổi Trẻ, Pháp luật, Văn nghệ thành phố, Văn hóa Thể thao, Sài Gòn Tiếp Thị, Sài Gòn giải phóng, Công an nhân dân … cũng thường xuyên viết bài về hoạt động của Trung Tâm.

Đặc biệt bộ phận làm phim của báo Sài Gòn tiếp thị đã dựng bộ phim: “Đi tìm cội nguồn” chiếu trên CTV4, Trung Tâm in nhiều đĩa phim này tặng cho các đối tượng có quan tâm đến việc làm gia phả. Chúng tôi đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Guiness Việt Nam công bố kỷ lục là đơn vị dựng nhiều bộ gia phả nhất.

4. Lập trang Web và ban quảng bá

Trung tâm đã có trang web riêng và hoạt động thường xuyên với tên: giaphatphcm.com Tháng 4/2012, ban quảng bá được thành lập có chương trình, kế hoạch hoạt động, vận động rộng rãi nhân dân dựng phả với mong muốn của Trung Tâm là chi họ nào cũng có gia phả.

Những năm đầu mới thành lập, mỗi năm chúng tôi chỉ dựng 1 bộ gia phả. Những năm sau số lượng tăng dần cho đến nay Trung Tâm đã dựng và dịch hơn 130 bộ gia phả cho nhiều đối tượng trong xã hội, viết hồi ký và nhiều công trình Hán Nôm.

IV. NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC CỦA TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU & THỰC HÀNH GIA PHẢTRONG 20 NĂM QUA

1. Dựng gia phả:

Trong 20 năm qua từ tháng 6 năm 1992 đến tháng 6 năm 2012, trung tâm gia phả đã dựng được 130 bộ gia phả một cách công phu và khoa học.

Sau khi được phân công, mỗi tổ chuyên môn phân công nhau đi điển dã để gặp gỡ bà con họ tộc, phỏng vấn đề tìm hiểu cội nguồn, lập phả hệ ghi hành trạng từng người, khảo sát mồ mả, đình chùa, nhà thờ, miếu thờ họ tộc, nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dịch các văn tự Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử địa phương, sắp xếp tư liệu và viết theo cấu trúc đã xây dựng. Với những thông tin chính xác và những tư liệu quý của dòng họ cung cấp, của chuyên viên sưu tầm Trung Tâm đã dựng gia phả cho 130 chi họ ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm, Gò Vấp, quận 12, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Hà Tỉnh, nhưng nhiều nhất là ở Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm (50 bộ). Các bộ gia phả gồm nhiều đối tượng khác nhau xin được ghi một số đối tượng tiêu biểu sau: 

- Đối tượng là nông dân, nhân dân lao động: có gia phả họ Ngô ở Thủ Thừa – Long An, họ Huỳnh ở Bình Trị Đông.

- Lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp: họ Phan ở Bà Điểm có ông Phan Công Hớn, họ Nguyễn ở Mỹ Hạnh (Đức Hòa) có Nguyễn Văn Quá. Hai ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu năm 1885 tấn công quận Bình Long giết đốc phủ Trần Tử Ca.

Họ Nguyễn ở Đông Hưng Thuận có ông Nguyễn Ảnh Thủ đánh đồn Thuận Kiều.

- Những nhà cách mạng lão thành: họ Võ ở Bình Thủy Đức Hòa, có hậu duệ Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân tham gia cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Họ Bùi ở Bà Điểm gốc quan lại triều Nguyễn có hậu duệ là Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ, bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt đày đi Côn Đảo, hy sinh ngoài đó.

- Một đối tượng nữa là cán bộ cao cấp của nhà nước. Trước hết phải nói là họ Trương gốc xóm Dinh, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hậu duệ đời V là bà Trương Mỹ Hoa nguyên Phó Chủ tịch nước. Đáng kể là họ Phan gốc ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có hậu duệ là nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.  

Qua nghiên cứu họ Trương ở Đức Hòa – Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh, dịch sắc phong và gia phả bằng chữ Hán biết được ông tổ  Trương Bảo là Đô Đốc, tướng của Nguyễn Huệ. Năm Canh Thìn (1820), ông Trương Bằng vào Gia Định khẩn đất lập làng Đức Hòa (nay là Đức Hòa, tỉnh Long An), hậu duệ ông là ông Trương Tấn Sang, hiện là Chủ tịch nước.

- Đối tượng thuộc lãnh đạo ngành công an có gia phả họ Lê gốc huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu. Đó là chi họ của Đại Tướng Lê Hồng Anh nguyên Bộ trưởng Bộ Công an.

- Lãnh đạo thành phố có gia phả họ Nguyễn ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, do làm cách mạng, con cháu đổi họ Lê. Đó là gia phả của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

- Gia phả thuộc đối tượng là doanh nhân: Gia phả họ Huỳnh ở Cần Giuộc, Long An, hậu duệ là ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Gia phả họ Phan ở Hóa An, tỉnh Đồng Nai của Giám đốc Công ty Gốm sứ Đồng Tâm; Gia phả họ Lê huyện Vĩnh Cửu của ông Lê Văn Hồng Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Nhân TP. Biên Hòa; Gia phả họ Đặng ở ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, là chi họ của ông Đặng Văn Thành; Gia phả họ Phan ở Gò Công của ông Phan Văn Nguyên.

- Đối tượng là Việt kiều: Gia phả họ Lý ở Chợ Lớn. Đó là chi họ của ông Lý Tường Quang, có hậu duệ là ông Bá Hộ Xường, một trong 4 cự phú ở Nam kỳ thời Pháp thuộc. 

Một số gia phả thuộc đối tượng người Việt gốc Hoa như gia phả họ Lâm ở xã Hòa Thạnh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là chi họ của ông Lâm Văn Thê, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); Họ Tô ở Bình Mỹ, huyện Củ Chi có hậu duệ là tướng Tô Ký; Gia phả họ Châu ở phường 5 thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, là chi họ ông Châu Văn Đặng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang; Gia phạ họ Dương, ông tổ là Dương Tỷ, gốc Hoa, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, có hậu duệ là ông Dương Kỳ Hiệp nổi tiếng làm kinh tế giỏi qua hai thời kỳ kháng chiến; Họ Liêu có anh em ông Liêu Văn Thuột ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.   

V. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ VĂN HÓA, LỊCH SỬ CỦA 130 BỘ GIA PHẢ

Qua nghiên cứu của 130 bộ gia phả đã dựng chúng tôi thấy những chi họ đã có nhiều đóng góp cho truyền thống văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt Nam.

1. Về văn hóa:

Trong quá trình hình thành và phát triển, các chi họ đã để lại những truyền thống văn hóa quý báu đáng được con cháu trân trọng và phát huy.

- Trước hết là sự cần cù và sáng tạo trong lao động.

Ông Tổ các họ tộc trong buổi đầu thiên cư vào Nam lập nghiệp, phải ra sức khai hoang, chống thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt để biến vùng đất hoang vu thành đồng ruộng phì nhiêu, và những mảnh vườn đất đai màu mở để cho cây lành trái ngọt. Trong buổi đầu lao động không phải chỉ dầm sương dãi nắng khó nhọc mà còn bị thú dữ sát hại mạng sống, phải nằm lại vĩnh viễn ở bìa rừng khi tuổi còn thanh xuân. Đó là trường hợp ông Tổ họ Trương ở Gò Công (ông Tổ bà Trương Mỹ Hoa) đi đốn củi bỏ quên rựa trong rừng, tiếc của ông trở vào lấy bị cọp vồ mất đầu. Những người cùng đốn củi với ông vào đem xác ông chôn ở xóm Tựu, xã Kiểng Phước. Con cháu ông chăm sóc ngôi mộ đất, truyền nối nhiều đời. Năm 2000 họ tộc xây lại bằng đá hoa cương, có nhà mồ, có người trông coi tử tế.

Cũng có người rất giỏi võ, trong buổi đầu khai hoang đã giết được hổ dữ về phá hoại hoa màu, rồi xây miếu thờ ông Hổ. Hiện nay miếu vẫn được bà con trong ấp gìn giữ tu bổ, hương khói, cúng quảy hàng năm. Đó là trường hợp ông Tổ họ Trần gốc ở ấp Dân Thắng I, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn – Ông tổ của Thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lao động Trần Văn Danh.

Cũng có người đã bỏ mình trên con đường gian nan hiểm trở để tìm cuộc sống mới. Đó là trường hợp ông tổ họ Nguyễn ở ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Dù khó khăn gian khổ họ vẫn vượt qua để đứng vững trong cuộc sống, nêu gương cho lớp lớp con cháu noi theo. Con cháu tiếp tục đào kênh khơi nguồn đem nước tưới tiêu cho đồng ruộng, mở rộng diện tích trồng trọt và các loại hoa màu, tre trúc để sáng tạo các nghề thủ công truyền thống như: đan giỏ, rổ rá, bồ cót bằng tre trúc như họ Phan ở ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, họ Liêu ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.

Họ tộc ở gần sông nước thì ngoài việc ruộng nương họ còn bắt ốc, đãi hến, bắt cá tôm để cải thiện cuộc sống như họ Vy ở xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Trong chiến tranh việc lao động kiếm sống còn vô cùng khó khăn. Thời Pháp thuộc với chính sách đốt sạch, giết sạch, cơ nghiệp người dân tiêu tan, xóm làng xơ xác, tiêu điều, bà con họ tộc phải lao động xây dựng lại hay tha phương cầu thực. Ông Võ Văn Huê và vợ gốc Bà Rịa – Vũng Tàu phải nhiều lần dời chỗ ở, nhà bị đốt, trâu bò bị địch bắt, phải ra sức lao động để tậu lại. Đến thời Mỹ con cháu các chi họ phải lao động dưới mưa bom lửa đạn của kẻ thù nhưng họ vẫn nhẩn nại cần cù lao động để tồn tại.

Sau khi hòa bình lập lại con cháu phần lớn đã xa rời đồng ruộng trở thành công nhân trong xí nghiệp, người tài xế, người thợ xây, người công chức, tất cả là những người lao động tốt như họ Đinh, họ Liêu ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi và hầu hết các họ tộc khác cũng vậy. Đó là truyền thống văn hóa quý báu lâu đời của dân tộc cần được trân trọng.

- Truyền thống quý báu thứ hai trong 130 chi họ có gia phả là lòng hiếu thảo, sự tôn kính phụng thờ tổ tiên.

- Trong 130 chi họ, không chi họ nào sùng bái một tôn giáo nào, mà các chi họ chỉ lo thờ cúng tổ tiên. Nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên. Việc thờ cúng tổ tiên được chi họ thực hiện nghiêm túc, tùy theo khả năng tài chánh của từng gia đình. Việc chăm sóc, cải tạo mồ mả tổ tiên được coi như bổn phận thiêng liêng của con cháu.

Nhà ông Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bàn thờ tổ tiên được đặt trang nghiêm nơi gian giữa.

Việc giỗ quảy cha mẹ, ông bà nội, ngoại được vợ chồng ông Kiên lo nghiêm túc. Hàng năm, vợ chồng ông dành ngày 25/12 Âl. để viếng tất cả mộ ông bà, cha mẹ. Họ Võ ở xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp dành ruộng hương hỏa hơn phần ruộng thực. Họ Trương Gò Công (họ của bà Trương Mỹ Hoa) con cháu nhớ ngày giỗ tổ, trưởng tộc không phải mời. Ngày 27/12 Âl. con cháu họ Trương dù bận trăm công nghìn việc cũng đều gác lại, về thăm quê, mộ đông như ngày hội.

Nhiều chi họ đã có nhà thờ tổ: họ Liêu ở ấp Mũi Lớn I, họ Mai ở ấp Chánh, họ Lê ở Đồng Nai, họ Nguyễn ở ấp Tân Trạch … Mộ của ông bà tổ đời I rất lâu nhưng con cháu phân công nhau chăm sóc, tôn tạo.

Bà con họ tộc đa số biết đoàn kết nhau, thăm hỏi nhau kịp thời. 

Đóng góp về văn hóa, đáng kể có: Họ Đặng ở Bàu Sim có cụ Đặng Thúc Liêng một nhà văn, nhà báo. Họ Trần ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long  An có Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã có những tác phẩm đóng góp nhiều trong lĩnh vực văn hóa.

Sự đóng góp của Nhân sĩ Đặng Thúc Liêng và Giáo sư Trần Văn Giàu rất lớn trong lĩnh vực văn hóa.

2. Các chi họ đóng góp cho lịch sử:

Trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược khi Pháp mới đến Gia Định (1859), bà con họ tộc ở 18 thôn Vườn Trầu đã đứng vào hàng ngũ nghĩa quân Trương Định hạ đồn Tây Thới. Trong các họ tộc đã xuất hiện những lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp như họ Võ có Võ Văn Nhâm người đầu tiên trong họ đứng lên đắp vòng thành đất để chống Pháp ở Long Nguyên, Bến Cát (nay là Long Tân, Dầu tiếng). Ông thất cơ bị Pháp giết. Vòng thành được công nhận là di tích lịch sử tỉnh Bình Dương. Họ Đặng ở Bàu Sim có cụ Đặng Văn Duy, khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông theo cờ ứng nghĩa của Bình tây Đại Nguyên Soái do Trương Định lãnh đạo, nghĩa quân diệt đồn Tây Thới, giết thằng tây ở ngã ba ấp Đồn. Trong họ có ông Đặng Văn Doi cùng Nguyễn Văn Trác nổi lên đánh Pháp thua trận chạy về Bông Trang mất tích. Đến năm 1940 Nam Kỳ Khởi nghĩa xuất hiện anh hùng Đặng Công Bỉnh chỉ huy đánh chiếm dinh quận Hóc Môn bị truy đuổi và bị tử hình.

Họ Nguyễn ở Đông Hưng Thuận xuất hiện ông Nguyễn Ảnh Thủ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tiêu diệt đồn Thuận Kiều (1871).

Họ Phan ở Bà Điểm, họ Nguyễn ở xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa) xuất hiện ông Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá lãnh đạo cuộc khởi nghĩa 18 thôn Vườn Trầu giết Đốc phủ Bình Long là Trần Tử Ca.

Họ Nguyễn gốc Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, có hậu duệ là Nguyễn An Ninh, tích cực hoạt động trong phong trào “Thanh niên Cao vọng”, bị bắt, bị tù và chết ở Côn Đảo. Trong thời kỳ có Đảng, các họ tộc đã xuất hiện các đồng chí lão thành cách mạng như họ Võ có Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân ở Bình Thủy Đức Hòa, Long An, những nhà cách mạng lão thành trong Nam Kỳ Khởi nghĩa bị bắt xử tử. Họ Bùi ở Tây Bắc Lân có Bùi Văn Thủ, Bùi Văn Ngữ Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt, bị đày Côn Đảo và mất ở đó. 

Họ Phan ở Bà Điểm, có hậu duệ của Phan Văn Đối, Bí thư đầu tiên của xã Bà Điểm, có Phan Văn Doi là người chiến sĩ cộng sản kiên cường.

Họ Phan ở ấp Tân Lập, xã Tân Thới Nhì ở huyện Hóc Môn đả sản sinh một tướng lĩnh tài ba, một anh hùng lực lượng vũ trang là ông Phan Trung Kiên.

Họ Phan ở ấp Chánh, Tân Thông Hội đã có hậu duệ là Phan Văn Khải, theo cách mạng hai thời kỳ kháng chiến, sau giải phóng ông là cán bộ cao cấp của nhà nước giữ chức vụ Thủ tướng, nay ông về hưu lo xây dựng quê hương,

Họ Trần ở Đầm Dơi, Cà Mau có hậu duệ tham gia nghĩa quân Nguyễn trung Trực, có ông Trần Văn Thời là Bí thư tỉnh Cà Mau (1938-1940) hy sinh tại Côn Đảo. sau giải phóng con cháu đoàn tụ xây dựng khu di tích Tỉnh ủy Cà Mau ở Lung Lá Nhà Thể. 

Đặc biệt là tinh thần đoàn kết dân tộc trong lao động và chiến đấu của một số dân tộc Hoa theo cách mạng chí cốt như họ Tô ở Bình Mỹ, Củ Chi có tướng Tô Ký theo cách mạng triệt để, ông là chi đội trưởng 12 đóng góp nhiều cho hai cuộc kháng chiến.

Họ Lâm ở ấp Cái Ngang, huyện Giá Ray, tỉnh Cà Mau. Có ông  Lâm Văn Thê là Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay là Bộ Công An. 

Họ Châu ở phường 5, thành phố Cà Mau đã sản sinh ra ông Châu Văn Đặng, Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ, hy sinh được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Họ Dương ở huyện Phong Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ông tổ họ Dương là ông Dương Tỷ, gốc Hoa di dân về Long Phú khẩn đất, rất giàu có, con cháu họ Dương sau lấy vợ lấy chồng người Việt, Hoa, Khmer. Năm 1930, hậu duệ họ Dương là Dương Kỳ Hiệp tham gia cách mạng, vận động bà con hình thành cái nôi cách mạng tỉnh Sóc Trăng. Năm 1945, nội ngoại 3 người là Tỉnh ủy viên, thời kháng chiến chống Pháp và vận động tài chính, hàng hóa chi viện cho Miền Nam thời chống Mỹ. Sau năm 1975, họ Dương đời 6, 7 làm kinh tế giỏi giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống kinh tế quốc doanh. Họ Liêu ở ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi tích cực lao động và tham gia 2 cuộc kháng chiến. Đây là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Dòng họ có đối tượng là nông dân như họ Huỳnh ở Bình Trị Đông trong hai cuộc kháng chiến đã có 32 liệt sĩ và ba bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Gia phả họ Trần gốc ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã sản sinh ra một nhà văn hóa, một nhà giáo ưu tú một nhà sử học chân chính, một nhà văn hóa tư tưởng lớn Giáo sư Trần Văn Giàu. Những việc ông làm, sách ông viết có những đóng góp lớn cho lịch sử và văn hóa dân tộc.

Gia phả họ Lê Văn của Tả quân Lê Văn Duyệt đã làm sáng tỏ một số vấn đề lịch sử dưới triều Nguyễn.

3. Hồi ký

Gắn với gia đình nhân vật, tiếp xúc với đồng chí, đồng đội, con cháu cùng cộng tác với nhân vật. Đọc tài liệu địa chí, tư liệu của cơ quan từng thời kỳ, cũng phải đi nhiều, tiếp xúc, ghi chép, đối chiếu, hỏi tường tận các vấn đề. Sau cùng thể hiện bằng bút pháp văn học, chỉnh sửa nhiều lần cho đến khi hoàn hảo.

Trong 20 năm qua trung tâm đã viết được 15 cuốn hồi ký:

1. Hồi ký Tiến sĩ Trần Văn Khê, 2. Mai Chí Thọ, 3. Nhạc sĩ Lê Thương, 4. Huỳnh Trí Mười, 5. Võ Phát, 6. Những chặng đường đời của Thiếu tướng Nguyễn Linh Anh – Cục Chính trị Bộ Tư lệnh trường Sơn, 7. Truyện ký “ông cò Ba Hương” – Thượng tướng Lâm Văn Thê – Thứ trưởng Bộ Nội Vụ nay là Bộ Công An, 8. “Tình biển nghĩa sông”. Truyện ký Dương Kỳ Hiệp, 9. “Một tấm lòng nhân hậu” Hồi ký bà Hồ Mỹ Phụng - lão thành cách mạng, 10. “Ghi nhớ đời tôi” Hồi ký của ông Võ Văn Hoa, 11. Hồi ký Đỗ Văn Quý. Cục phó Tổng cục Cao su Việt Nam, 12.  Hồi ký bà “Ngô Thị Thơ” lão thành cách mạng, 13. Hồi ký ông Nguyễn Thanh Phong – trung ương Đoàn, 14. Hồi ký bà Nguyễn Kim Hườn cách mạng lão thành và  15. Hồ ký Ngô Đại Thành.

Nếu gia phả ghi sự tích của dòng họ, thì hồi ký đi sâu vào cuộc đời, tình người, nặng dấu ấn cá nhân. Một con người muốn những việc làm thành công hay thất bại của mình không bị lãng quên mà trở thành kinh nghiệm cho con cháu mai sau. Những Hồi ký, truyện ký trên được chị Lý Thị Lý, anh Trương Võ Minh Giang, anh Diệp Hồng Phương, anh Nguyễn Thanh Bền viết thể hiện những tấm gương điển hình trong lao động chiến đấu để con cháu thế hệ mai sau học tập.

4. Thành tựu tổ Hán Nôm trong 20 năm qua

Phần việc Hán Nôm của Trung Tâm gia phả trong buổi đầu mới thành lập nhóm, chỉ một mình ông Võ Văn Sổ - một thành viên lão thành của nhóm gia phả đảm trách. Ông đã có quá trình học Hán Nôm với cụ đồ già nơi xóm vắng từ nhỏ. Qua bao nhiêu biến đổi của cuộc đời nay (1992 - lúc 75 tuổi) thư nhàn mới đem sở học ra sử dụng nên ông hoạt động rất tích cực. Năm 2004 có thêm ông Huỳnh Văn Năm, năm 2009 có thêm ông Trần Văn Đường gia nhập mới lập thành tổ Hán Nôm, trong 20 năm đã có nhiều đóng góp cho thành tựu của trung tâm gia phả.

a. Công trình dịch bia và liễn đối trong hội quán người Hoa.

Trong những năm đầu mới thành lập ông Võ Văn Sổ phối hợp với bộ phận Hán Nôm của viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh dịch bia, liễn đối, hoành phi của 11 hội quán của người Hoa ở quận 5, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, đình ông Bôn trong thành phố Hồ Chí Minh. Dịch và xử lý một số văn bản Hán Nôm của xã Minh Hương tỉnh Vĩnh Long. Công trình này cũng được xuất bản thành sách tựa đề: “Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ” giúp ta hiểu được lịch sử trên dưới 250 năm của người Hoa từ thế kỷ XIX khi Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dẫn 3000 quân sĩ xin chúa Nguyễn cho định cư ở đất mới phương Nam vì tư tưởng phản Thanh phục Minh cho đến năm 1945; họ đã đóng góp mọi mặt cho vùng đất Nam Bộ và họ là công dân nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp tục phối hợp với bộ phận Hán Nôm của Viện Khoa học Xã hội và bảo tàng tỉnh Bình Thuận và Bảo tàng tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu cùng thành phố Hồ Chí Minh để ghi chép, dịch các di chỉ Hán Nôm của 10 đình, 10 chùa, 4 đền thờ vua Chăm, 1 lăng, 1 miếu, các vạn chài khu lăng mộ Nguyễn Thông của tỉnh Bình Thuận , 7 đình, 14 chùa, 3 miếu, 3 đền thờ, 1 lăng, 1 nhà thờ lớn ở Long Sơn. Đạo ông Trần ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu  và đặc biệt là các di chỉ Hán Nôm của thành phố Hồ Chí Minh gồm 24 đình ở quận 5, 1 đình ở Gò Vấp, 1 đình ở Bình Chánh, 1 ở Thủ Đức, 18 chùa phật, 1 tư gia của ông Vương Hồng Sển, Trương Tấn Bửu, lăng mộ Võ Di Nguy, Lăng ông Bà Chiểu (Thương Công Miếu) và đền thờ Phan Công Hớn,. 1 Tạ Minh Đường 

Bia người Hoa cho biết đặc trưng của Hội quán người Hoa mang tính chất là một bang hội. Bia ghi chép cụ thể việc trùng tu hội quán, xây cất bệnh viện, trường học, nhà cho thuê nhằm tìm thu nhập để hỗ trợ nhau trong cuộc sống của bang hội. Liễn đối ca tụng công đức của các vị thần đã để lại những áng văn hay. Công trình này đã xuất bản năm 1999.

Những liễn, đối, hoành phi, sắc phong trong đình chùa, miếu mạo ở Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và ở thành phố Hồ Chí Minh, đều ca tụng các vị thần, cầu cho quốc thái dân an. Mùa màng thuận lợi. Liễn đối nhà dân nặng về giáo dục gia đình, có nội dung triết lý sâu sa, đã để lại những áng văn hay ý nghĩa sâu sắc. 

b. Sử dụng Hán Nôm trong việc dịch và dựng gia phả

Ông Võ Văn Sổ tìm dịch 3 gia phả cổ có qui mô lớn

- “Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích” chép từ viện Hán Nôm (Hà Nội) thủy tổ là Vũ Hồn, có 5 chi, 8 phái. Qua gia phả này cho thấy 

đây là 1 họ giỏi việc học, nhiều người đỗ đạt làm quan to thời Lê Trịnh.

- Dịch “Trương Gia từ đường Thế phả toàn tập” là gia phả của Trương Minh Thành, Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký, một họ vang tiếng một thời ở Hạnh Thông xã. Dịch xong ông đem lại nhà thờ tộc Trương tặng, hậu duệ họ Trương vui mừng, cám ơn nhóm gia phả.

- Bộ gia phả họ Trần có ông Trần Tiển Thành là Binh bộ Thương thư, phụ chánh đại thần triều Nguyễn bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ám hại.

Ngoài ra ông còn dịch mấy chục bộ Hán Nôm ra Việt ngữ, có bộ phải tục biên . Trong đó có gia phả họ Ngô của Ngô Hồng Thư nối đến Ngô Quyền và họ Trần của bà Trần Thị Huệ - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố HCM nối từ vua Thiếu Đế Trần An năm 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi.

Toàn tổ Hán Nôm trong khi dựng gia phả đều phải đọc bia mộ, bài vị bằng chữ Hán, gia phả cổ và chúc thư bằng chữ Hán để phát hiện thêm nhiều đời cao hơn và đính chính các bia mộ chữ Hán đã dịch không đúng. Cụ thể:

- Ông Trương Điền tên nhạc phụ ông Nguyễn An Ninh trước kia dịch Trương Diêu.

- Bà Ngô Thị Điểm là tên nhạc mẫu ông Nguyễn An Ninh trước đó con cháu khắc bia mộ là Ngô Thị Ba.

- Ông tổ họ Trần Văn ở Hóc Môn, mộ bia ghi “Đại nam Trần Vĩnh Đường thượng chi mộ” được dịch là tên: Trần Vĩnh Đường. Khi đọc chúc thư chia gia tài cho con viết bằng chữ Hán. Khi dịch mới biết ông Tổ là Trần Vĩnh Tấn.

- Mộ ông tổ họ Trương của bà Lê Thị Thanh Hải ở Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, con cháu không biết tên gì và mọi người đều nói mộ bà. Khi đọc mộ bia mới biết mộ ông tên là Trương Thâu. Con cháu vui mừng, biết ơn người dịch và càng tin tưởng Trung Tâm gia phả.

c. Viết lịch sử đình:

PHAN KIM DUNG

(GP: 18-10-2012)