Trang chủ > Gia phả học trong nền văn hóa dân tộc

Gia phả học trong nền văn hóa dân tộc

14/08/2022 13:50:43

Trách nhiệm chung lo giữ gìn bản sắc văn hóa là của xã hội, trong đó có dòng họ, trước hết là trách nhiệm của ông bà cha mẹ, lớp người đương thời là hết sức nặng nề to lớn. Cùng với việc lo phát triển kinh tế phồn thịnh, chúng ta nên để tâm đến việc chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ trong mỗi gia đình dòng họ.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh bền - tác giả bài viết

I. GIA PHẢ HỌC THUỘC PHẠM TRÙ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Các quốc gia trên thế giới tồn tại đến ngày nay, trước hết nhờ phát triển kinh tế nuôi sống con người về thể xác. Nhưng muốn có hạnh phúc trường tồn phải nhờ đến văn hóa lịch sử quốc gia trong đó có lịch sử họ tộc. Lịch sử quốc gia giúp cho mọi người yêu quý đất nước, dân tộc bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử họ tộc (gia phả) giúp cho ta càng yêu quý, thương kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình – những vị tiền bối đã tốn biết bao công lao dựng nghiệp cho con cháu ngày nay. Yêu gia đình họ tộc, người ta càng yêu Tổ quốc nhân dân. Tình yêu gia đình (Hiếu) khởi đầu cho tình yêu Tổ quốc (Trung). Thời chiến tranh, Bác Hồ có ý nhấn mạnh lòng yêu nước nên dạy ta : Trung với nước, Hiếu với dân. 

Trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi quốc gia đều mở cửa hội nhập như hiện nay. Trong hội nhập có kinh tế và văn hóa. Trong văn hóa có nhiều thứ không phù hợp, có khi ngược lại nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Trách nhiệm chung lo giữ gìn bản sắc văn hóa là của xã hội, trong đó có dòng họ, trước hết là trách nhiệm của ông bà cha mẹ, lớp người đương thời là hết sức nặng nề to lớn. Cùng với việc lo phát triển kinh tế phồn thịnh, chúng ta nên để tâm đến việc chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ trong mỗi gia đình dòng họ. Nề nếp gia phong vừa là đạo đức vừa là nền tảng kỷ cương phép nước đầu đời của mỗi con người. Một trình tự gần như là quy luật đương nhiên của mỗi đời người : con ngoan – trò giỏi – công dân tốt. Gia phả học là một bộ phần của sử học. Bộ gia phả là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị thiêng liêng của mỗi họ tộc, được họ tộc trân trọng giữ gìn.

Sự kiện họ tộc Lý của Việt Nam lưu vong ở Cao Ly (Hàn Quốc) trên 800 năm đã trở về tổ quán Việt Nam cùng bộ gia phả Họ Lý, tìm lại cội nguồn tổ tiên và đã xin nhập quốc tịch Việt Nam. “Ngày 28.6.2010, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Lý Xương Căn – Hậu duệ Lý Thái Tổ và gia đình tại buổi công bố cuốn sách “Hoàng thúc Lý Long Tường” (Tạp chí Xưa và Nay số 358 tháng 6/2010, mục Tin tức sự kiện, tr.5). Sự kiện lịch sử này đáng cho ta tự hào và kính phục về sức mạnh thiêng liêng của huyết thống, cội nguồn, trong đó gia phả học đã góp phần đắc lực.

II. VAI TRÒ GIA PHẢ HỌC TRONG VIỆC BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC 

1. Khái niệm và lợi ích của gia phả

Gia phả là cuốn sách chép thế hệ lịch sử của tổ tiên trong họ (Đào Duy Anh, Hán Việt Tự Điển, NXB Minh Tân, Paris,1931). Hiểu cách đơn giàn gia phả là cuốn sách riêng của mỗi nhà mỗi họ dùng để ghi chép tên tuổi, phần mộ ông bà với các ngày giỗ. Từ cách đơn dựng, về sau gia phả phát triển thành hợp dựng đầy đủ như ngày nay.

Nước có sử, Nhà có phả.

Nếu lịch sử là “sinh mạng” của một dân tộc, quốc gia thì gia phả chính là cái gốc của một họ tộc. Vì con người ta sinh ra trên cõi đời ai cũng có ông bà cha mẹ, làm người mà không biết rõ tông tích của tổ tiên thì khác nào như cây không có gốc, như nước chẳng có nguồn. Cây không có gốc cây phải chết, nước không có nguồn nước phải cạn. Nghiên cứu quá khứ gia phả không phải chỉ nghiên cứu quá khứ của một họ tộc mà còn căn cứ trên quá khứ ấy để hiểu rõ hiện tại và dự liệu tương lai cho họ tộc, của họ tộc ấy. Ngoài việc kết nối hiện tại, quá khứ và với tương lai, gia phả còn cung cấp những dữ liệu cụ thể, chính xác, phong phú cho các ngành lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, chính trị xã hội, v.v… Đúng như một nhà sử học đã nói: “Lịch sử là mặt cắt ngang, gia phả là mặt cắt dọc của mỗi người”. Ngoài ra việc nghiên cứu gia phả còn góp phần cùng Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương chính sách hợp lòng dân hơn trong việc ổn định xã hội. * Họ Đỗ ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Tp.HCM có sáng kiến xây dựng dòng họ tự quản bằng “Tiếng loa an ninh” đã góp phần ổn định làng xóm, được Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An) tặng bằng khen (Đài TNNDTP.HCM, 13.3.2009). Nhờ có gia phả họ Trần, xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh mới phát hiện hồ sơ liệt sĩ của ông Trần Văn Thiều là giả mạo vì ông có tham gia chống Mỹ, sau đó giải ngũ ông về làm ăn bị chết đuối ngày 13.7.1971 tại địa phương (Pháp luật Tp.HCM, 29.10.2007). Đơn giản nhất là họ tộc có gia phả, người ta biết được nguồn cội Tổ tiên, quan tâm đến lễ giỗ, mồ mã, công lao người được giỗ và tránh việc gả cưới những người cùng trong dòng họ.

Những họ tộc có giả phả, ngoài việc giữ gìn nề nếp gia phong, còn tiếp tay đắc lực với chính quyền về an sinh, xã hội : Họ Tô ở Bình Mỹ, Củ Chi, Tp.HCM; họ Lưu ở Tường Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long; họ Nguyễn ở Đồng Nai, họ Huỳnh ở Long An, họ Hồ ở Bến Tre, họ Võ, họ Đặng, họ Phan ở Tp.HCM, v.v… đều có Ban liên lạc dòng họ, lập quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài… giúp đỡ những người nghèo khó yếu đau, đặc biệt chăm lo cho con cháu trong họ nhà nghèo học giỏi được thành tài. Họ tộc đã gánh vác một phần khó khăn cho Nhà nước.

2. Vài nét lịch sử gia phả ở Việt Nam và một số nước Châu Á

Ở Việt Nam tính đến đến nay đã tìm được bộ gia phả được coi là cổ nhất : “Hoàng Triều Ngọc Điệp” thời Lý Thái Tổ (1026), “Hoàng Tông Ngọc Điệp” đời Trần (thế kỷ XIII) “Hoàng Lê Ngọc Phả” đời Lê (thế kỷ XV)…Các triều vua tiếp theo, nhất là triều Nguyễn công việc ghi chép Ngọc phả cũng được tiếp tục, sau đó gia phả được mở rộng ra các họ quan lại nho gia. Thời vua Minh Mạng (1820-1840) có hai lần cho tu soạn Ngọc Phả, do Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Đăng Hưng khâm tu Ngọc Phả. Năm 1836, nhà vua còn lập bộ phận “Tôn nhân phủ” chuyên lo việc ghi chép Ngọc Phả cho hoàng tộc.

Ở Việt Nam, gia phả có trước và nhiều nhất ở miền Bắc và miền Trung. Sách “Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu” (tập 3) đã tập hợp được 286 bộ gồm Ngọc Phả, Thần Phả, Thánh Phả và Gia Phả của các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Đinh, Phạm, Hồ… trong đó có bộ gia phả rất quý là “Hùng Vương, Sự tích Ngọc phả cổ truyền”. Ở Nam Bộ là vùng đất mới, trên 300 năm, đầu thế kỷ XIX cũng đã có nhiều bộ gia phả của các họ làm quan triều Nguyễn như : gia phả họ Trịnh (Trịnh Hoài Đức) Biên Hòa, 1825; họ Phạm (Phạm Đăng Hưng) Định Tường, 1825; họ Trương (Trương Tấn Bửu) Vĩnh Long, 1827; họ Phan (Phan Thanh Giản) Bến Tre, 1845; họ Nguyễn (Nguyễn Đình Chiểu) Gia Định, 1889, v.v…

Ở các quốc gia có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc có gia phả rất sớm từ thời Nhà Chu (722-471 TTL) do Tả Khâu Minh biên soạn được gọi là Thế Bản để chép phả hệ dòng họ của họ đế vương, đến các quan khanh và đại phu. Đến nhà Tống (1019-1068) mới thật sự có gia phả “Thần Liêu Gia Phả” do Tư Mã Quang biên soạn. Ở Nhật Bản có “ Teiki” (Đế Ký) vào thế kỉ VI, Triều Tiên có “Chopo” (Tộc phả) vào thế kỉ XVII, Ấn Độ có “Bảng gia phả” của Tù trưởng được nhân dân nhìn nhận cất giữ.

3. Thực trạng ngành gia phả học ở Việt Nam

Từ sau khi đất nước được thống nhất 1975, gia đình đoàn tụ, kinh tế phát triển, cuộc sống người dân khá lên, với truyền thống yêu kính tổ tiên, ông bà, coi trọng chữ hiếu, nhân dân Việt Nam nhất là ở vùng đất mới Nam Bộ, kể cả kiều bào ai cũng tha thiết muốn có một bộ gia phả của họ tộc mình để tìm hiểu cội nguồn, muốn biết rõ tổ tiên mình là ai, từ đâu đến, lúc nào, công lao sự nghiệp ra sao? Họ tộc nào cũng lo xây dựng nhà từ đường, chỉnh trang mồ mã ông bà Tổ tiên dòng họ mình như là việc làm báo hiếu quan trọng nhất. Ba yếu tố đó đã tạo thành thế kiềng ba chân làm nền tảng của một dòng họ văn hóa phát triển bền vững.

Nhu cầu thực tế là vậy, nhưng đến nay Nhà nước VN chưa có chủ trương chính thức việc phục hồi ngành gia phả học, một ngành của sử học. Những công trình nghiên cứu và thực hành gia phả trong cả nước có kết quả thời gian qua còn ở dạng tự phát. Hội khoa học lịch sử Việt Nam có khởi động bằng việc sắp xếp lại các bộ gia phả Hán Nôm, dịch thuật và in ấn một số bộ gia phả cổ của các dòng họ lớn. Trung tâm UNESCO Văn hóa Dòng họ và Gia đình Việt Nam (Liên hiệp các hội UNESCO VN) đã tập hợp được một số dòng họ, và năm 2001 đã tổ chức “Hội thảo triển lãm gia phả” tại Hà Nội. Năm 2009 tổ chức 3 lần hội nghị các dòng họ ở miền Bắc. Ở Tp.HCM được sự ủng hộ nhiệt tình của Hội Khoa học lịch sử thành phố, có sự cố vấn của nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, các GS Huỳnh Lứa, Mạc Đường nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Từ năm 1992, Chi hội nghiên cứu & thực hành gia phả Tp.HCM (sau thành lập Trung Tâm) đã sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, tư vấn và đã dựng được gần 130 bộ gia phả cho các dòng họ chủ yếu ở Nam Bộ, có một số dòng họ ở miền Trung và miền Bắc, có cả kiều bào ở nước ngoài. Đồng thời, Chi hội cũng đã biên soạn, in ấn giáo trình phương pháp và kỹ năng gia phả học để hướng dẫn, mở lớp bồi dưỡng kiến thức gia phả và quảng bá trong nhân dân ở một số địa phương Nam Bộ. Một tín hiệu vui của ngành gia phả là ngày 29.7.2010 tại Hà Nội, Bộ Giáo Dục Đào Tạo đã tổ chức Hội Nghị toàn quốc tổng kết năm học 2009-2012 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị, đặc biệt nhấn mạnh : “Năm học 2010-2011, ngành giáo dục chú ý giáo dục đạo đức, dạy làm người đi đôi với dạy chữ, toàn ngành cần chú ý hơn nữa việc giáo dục cho học sinh biết yêu, gắn bó, trân trọng và cảm nhận được các giá trị của gia đình ngay từ nhỏ” (SGGP, 30.7.2010). Dịp nghỉ hè mấy năm nay, nhiều phụ huynh học sinh ở TP.HCM cho con em mình học khóa kỹ năng cách ứng xử trong gia đình để các em biết yêu thương, chăm sóc, quan tâm và giúp đỡ cha mẹ trong nhà,v.v… Đặc biệt, một tin vui lớn của ngành gia phả và của cả dân tộc ta là hồ sơ đề cử “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã đệ trình UNESCO để xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (SGGP, 15.5.2012). Như vậy việc thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã đóng góp cho nền văn hóa nhân loại. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội ngày càng nhiều, thực lực của Trung tâm gia phả đang còn thiếu, rất cần sự tham gia cộng tác từ các chuyên viên Hán - Nôm, các sinh viên và những người tâm huyết nghiên cứu về Tổ tiên dòng họ góp phần đóng góp tích cực cho sự nghiệp phục hồi gia phả học Việt Nam.

III. GIA PHẢ HỌC TRONG NỀN GIÁO DỤC QUỐC GIA

Nước có sử, nhà có phả. Khác với ngành kinh tế phát triển bề nổi, còn văn hóa lịch sử phát triển dạng tiệm tiến, khó thấy nên có lúc ít được xã hội quan tâm, nhưng cực ký quan trọng. Vì nó có vai trò định hướng bền vững cho xã hội tương lai, định hướng cho cả sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, văn minh dân tộc, ổn định xã hội. Vì “ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội”. ( Nghị quyết TW5 khóa 8 về  “ Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng Cộng Sản VN, 8.1998).

Nền giáo dục mỗi quốc gia, có nhiệm vụ đào tạo học sinh, sinh viên thành những trí thức trẻ đủ Tài  và Đức để phụng sự Tổ quốc phục vụ nhân dân. Đức nói nôm na là Đạo lý làm người. Đức hiểu rộng là nền văn hóa, tức bản sắc văn hóa dân tộc  mình. Đức lớn nhất là đức hi sinh. Hi sinh để bảo vệ lý tưởng là bảo vệ lãnh thổ, dân tộc (khi có ngoại xâm), và bảo vệ văn hóa dân tộc ( lúc hòa bình, hội nhập). Văn hóa dân tộc kết tinh từ văn hóa mỗi gia đình. Tổng thư  ký LHQ đã nhận định “ Gia đình là nơi ẩn náu của sự yên ổn, sự kính trọng và tình thương”. Gia đình là nơi sinh thành dưỡng dục, hình thành nhân cách con người, là cái nôi sản sinh và duy trì văn hóa dân tộc được thể hiện rõ các chuẩn mực đạo đức: gia pháp, gia phong, gia huấn… đã trở thành thuần phong mỹ tục của dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phải bắt đầu từ việc tìm hiểu sâu sắc và bảo tồn vững chắc văn hóa gia đình. Một công dân khi trưởng thành có đủ Tài và Đức ( yêu nước thương nhà, sống có trách nhiệm) là “sản phẩm” tốt của nền giáo dục ưu việt – ngành giáo dục đào tạo không có “sản phẩm” phế thải, nhất là ở cấp đại học, là “ lò” đào tạo ra những nhân tài cho đất nước.

Gia phả và Họ tộc

Theo quy luật tình cảm: có biết mới yêu, có yêu mới hết lòng bảo vệ. Trong khi, mỗi người chúng ta đều thiết tha yêu quý Tổ quốc mình, vì chúng ta biết rõ rằng giang sơn gấm vóc này của chúng ta hôm nay đã phải đổi biết bao mồ hôi xương máu của các thế hệ tiền nhân tạo dựng giữ gìn. Chúng ta hôm nay cũng tự xem lại mình đã biết rõ cội nguồn tổ tiên ông bà của mình với công lao sự nghiệp cùng sự hy sinh to lớn của bao thế hệ tiền bối để lại sự nghiệp, nhất là truyền thống tốt đẹp mà mỗi dòng họ chúng ta đang trân trọng tự hào – một di sản vô giá để giành lại cho chúng ta. Gia phả là lịch sử (sự tích) gia đình, họ tộc. Mỗi người có riêng một gia đình, họ tộc. Bởi vậy không phải ai khác, mà chính mỗi người chúng ta, là những trí thức trẻ, cần xác định rõ ràng và phải tự tìm hiểu cặn kẽ gia đình gia tộc mình để dựng nên một bộ gia phả cho gia tộc mình để tự hào, để tôn thờ, bảo vệ. Họ tộc nào chắc cũng cần như  vậy. Lần lượt các dòng họ Việt Nam đều có gia phả. Họ tộc có gia phả là họ tộc văn hóa, trong một dân tộc văn minh. Bộ gia phả sẽ là gia bảo của họ tộc, là món quà thiêng liêng vô giá kính dâng lòng hiếu thảo lên tổ tiên. Gia phả họ tộc còn có tính xã hội cao vì là nền tảng xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ trí thức danh giá mà người xưa đã từng làm.

Họ tộc là đối tượng nghiên cứu của gia phả học. Họ tộc có trước gia phả có sau. Họ tộc gia đình là một thực thể tồn tại khách quan từ khi con người theo chế độ phụ hệ (một vợ một chồng, con lấy họ cha), mở đầu giai đoạn lịch sử tiến bộ cao, làm nền tảng cho xã hội loài người phát triển đến ngày nay. Gia đình là tế bào xã hội. Nhiều gia đình họ tộc trong một quốc gia hợp thành dân tộc. Tình yêu gia đình, họ tộc là đầu mối của tình yêu Tổ quốc – một loại tình yêu tự nhiên như mọi tình cảm khác nhưng cần được nuôi dưỡng, chăm sóc và hướng dẫn. Gia phả học và sử học gánh vác trọng trách này nếu được thể hiện trong nền giáo dục quốc gia.

IV. PHỤC HỒI NGÀNH GIA PHẢ HỌC NƯỚC NHÀ

Phục hồi ngành gia phả học Việt Nam là trách nhiệm cùa quốc gia. Thời gian qua với sự cố gắng của Hội Khoa Học Lịch Sử và của ngành gia phả mà rất nhiều họ tộc đã đạt được kết quả ban đầu. Nhu cầu xã hội ngày càng cao, chúng tôi tha thiết kiến nghị Nhà nước ta sớm quan tâm chỉ đạo, định hướng; trước mắt có văn bản công nhận vai trò, vị trí của ngành gia phả học, và đưa gia phả học vào chương trình giáo dục quốc gia, là thiết thực góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vậy.

Nghiên cứu gia phả là khoa học,

Thực hành gia phả là thiêng liêng.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền
(PGĐ TT NC&THGP TPHCM)

(GP: 19-10-2012)