Trang chủ > Báo cáo Tổng kết 10 năm thành lập Viện Lịch sử dòng họ (2013-2023)

Báo cáo Tổng kết 10 năm thành lập Viện Lịch sử dòng họ (2013-2023)

27/12/2023 14:08:34

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thành lập Viện Lịch sử dòng họ (2013-2023) và Vinh danh Nhà Gia phả học tại hội trường Cung Văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh (55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1) diễn ra vào ngày 27/12/2023, TS Hoàng Văn Lễ  đã tổng kết như sau:

TS Hoàng Văn Lễ tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thành lập Viện Lịch sử dòng họ (2013-2023) và Vinh danh nhà gia phả học

ƯU ĐIỂM

- Với tâm huyết, và chí hướng xây dựng ngành gia phả học, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã tự nguyện và đồng lòng đăng ký và tổ chức hoạt động khoa học trong bối cảnh cả nước đang xây dựng kinh tế xã hội thời hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Đây là một cố gắng lớn của Viện nghiên cứu lĩnh vực khoa hoạc xã hội, nguồn kinh phí hoạt động do từng vị đóng góp, kết hợp với việc thu tài trợ như là hình thức quảng cáo để thực hiện nhiều kết quả như báo cáo nêu trên.

- Việc tổ chức bộ máy và các hình thức hoạt động nhất là nghiên cứu khoa học và tổ chức lễ hội, bước đầu thành công, tạo được các công trình và sản phẩm văn hóa tích cực, góp phần xây dựng nền móng cho ngành gia phả học. Việc dựng phả và giảng dạy tiếp tục đóng góp phần nghiệp vụ cơ bản, hoàn thiện dần chuyên môn, giáo trình sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo. Ấn phẩm nghiên cứu lịch sử dòng họ ngày tiến bộ nhằm vào ra tạp chí chuyên ngành của Viện…

- Vừa nỗ lực nghiên cứu khoa học vừa kết nối với hoạt động văn hóa dòng họ và gia phả là kết quả đáng khích lệ, khi mà “thương hiệu” của Viện đã bước đầu được giới nghiên cứu khoa học chấp nhận, được các Ban Liên lạc dòng họ và nhiều chi họ tôn trọng. Hướng tới là việc mở rộng tầm hoạt động về chuyên môn gia phả, mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế.

KHUYẾT ĐIỂM

- Đội ngũ cán bộ, chuyên viên dựng phả chưa phát triển đủ mạnh để thực hiện các chủ trương của Viện, cần tăng cường nối kết, mời tham gia cộng tác với Viện. Giới nghiên cứu trẻ đã hình thành, song chưa đi vào chiều sâu ngành gia phả học, nhất là dịch vụ dựng phả; kết hợp với Hành trình Kim cương hứa hẹn nhiều thành quả tích cực trong thời gian tới.

- Các Trung tâm trực thuộc Viện mới hình thành bộ khung, chưa đủ dàn cán bộ lãnh đạo trung tâm, chưa có cán bộ chuyên môn. Lập trung tâm có ý nghĩa chọn lựa phân khúc trách nhiệm, được bổ sung và khẳng định hoạt động trong quá trình vươn lên của Viện. Các thành quả của Viện từ hoạt động của cán bộ lãnh đạo trung tâm trong huy động toàn Viện thực hiện kế hoạch cụ thể, từng việc thích hợp.

- Lập Điều lệ hoạt động trình cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động tuy cơ bản được tuân thủ, nhất là qui chế hội họp, báo cáo thỉnh thị; tuy vậy quá trình hoat động chưa thật chú ý thi hành đúng theo Điều lệ. Viện tự lập qui chế quản lý và qui chế tài chính để áp dung trong Viện, tuy vậy nhiều hoạt động không lường trước chính xác nên thực hiện qui chế cần được nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới.

- Xác lập hướng phát triển là đúng đắn, song chọn nhịp độ, chọn kế hoạch và việc trọng tâm lại có nhiều ý kiến khác nhau, ngay trong Lãnh đạo Viện, các trung tâm và từng cán bộ, chuyên viên. Sự lớn mạnh của Viện như từ luồng lạch ra biển khơi cần chú trọng qui chế và lề lối làm việc, chú trọng điều kiện hoạt động để hiệu quả hoạt động của Viện tiến triển bền vững hơn.

ĐÚC KẾT LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG

1. Là một Viện khoa học xã hội được Sở Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động, không có đơn vị chủ quản, không có kinh phí nhà nước chu cấp, tự chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được phép hoạt động… là điểm nhấn về hoạt động khoa học xã hội “Tư nhân”, dù Hội đồng Viện gồm cán bộ quản lý, cán bộ chính trị của các ngành quan trọng của Thành phố (đã nghỉ hưu) tự nguyện đảm trách. Đây là một đơn vị nghiên cứu tự lực, tự lo liệu, có trách nhiệm và đã có những hoạt động đáng kể sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ.

2. Về chủ đề Gia phả: Việc tổ chức các nhóm chuyên viên thực hiện dịch vụ dựng phả được tiếp tục thúc đẩy, Trung tâm Nghiên cứu thực hành gia phả chủ lực trong hoạt động này, thu hút thêm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và sinh viên khoa học xã hội nhân văn tham gia dựng phả. Thành công này mở ra triển vọng vừa nâng chất nội dung, vừa thêm lực lượng trẻ. Vấn đề đặt ra là: giải pháp nào để nhu cầu dựng phả ngoài cộng đồng tiếp cận với tổ chức Viện và Trung tâm để xúc tiến dựng nhiều bộ phả; qua đó nghiên cứu hình thành bộ môn gia phả học hiện đại.

3. Lập hệ thống tổ chức và nhân sự của Viện luôn được tập trung và chỉnh sửa. Trên tinh thần chủ động, Viện thiết lập các Trung tâm trực thuộc nhưng khó triển khai (chỉ có nhân sự phụ trách, không có đủ chuyên viên tự nguyện và cơ sở vật chất thích hơp, chi phí cần thiết). Điều chỉnh chỉ lập Trung tâm và Ban thiết thực, song cũng chưa hoạt động thành nếp. Các hoạt động của Viện chủ yếu do lãnh đạo Viện điều hành trực tiếp; đồng thời phát huy Chi hội Khoa học Lịch sử (tức Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả) chủ động trong việc tổ chức dịch vụ dựng phả.

4. Phương thức gắn kết với nhiều đơn vị xuất phát từ mối quan hệ từ trước của các thành viên phụ trách của Viện, như Hội Kỷ lục gia, Công viên Văn hóa Đầm Sen, Thư viện Tổng hợp, chùa Pháp Hoa… là những hoạt động có kết quả nhất định trong từng nội dung hoạt động nên không duy trì lâu dài. 

Gắn kết lâu dài với môn phái Nam Huỳnh Đạo, Khoa Văn hóa học (Đại học KHXH&NV) qua chia sẻ nội dung nghiên cứu và điều kiện hoạt động, trong đó có vai trò nòng cốt liên kết của cán bộ lãnh đạo ... 

Phương thức gắn kết và chia sẻ tri thức và kinh nghiệm với các Ban Liên lạc các dòng họ được duy trì và ngày càng mở rộng, với các họ Vũ Võ, họ Phạm, họ Mạc… Tất cả tạo nên bối cảnh sinh hoạt khoa học đa dạng hợp tác.

Đặc biệt gắn kết với FamilySearch giúp Viện thực hiện đối ngoại phi chính phủ về nghiên cứu văn hóa gia đình và truyền thông mạng internet. Tuy vậy, nhiều dự án đề ra nhưng chưa thu hút được cộng đồng xã hội tham dự, nguồn lực chưa lan tỏa đúng mực.

ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG VIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 10 NĂM TỚI

1. Mục tiêu chiến lược của Viện là nghiên cứu văn hóa gia đình dòng họ. Văn hóa vì con người, văn hóa gia đình chú trọng nhân cách phẩm giá từ truyền thống tốt đẹp của văn hóa gia đình, dòng họ; trong đó phát huy lòng yêu nước của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ trong bối cảnh văn minh tin học 4.0 và 5.0 hiện nay.

Liên kết các ngành khoa học xã hội, nhất là sử học và văn hóa học để phát động phong trào yêu tổ quốc thiết thực; từ yêu gia đình, dòng họ đến làng nước và tình người trong cộng đồng nhân loại.

2. Tiếp tục phát huy thành quả nghiên cứu thực hành gia phả tạo cơ sở khoa học để hình thành bộ môn Gia phả học

2.1. Từ việc dựng phả tiến tới định hình môn gia phả học để mở rộng đào tạo tại các trường, các khoa sử học, văn hóa học, đồng thời thúc đẩy các lớp dịch vụ tìm hiểu về gia phả và thực hành dựng phả ở các dòng họ, chi họ, người yêu thích về gia đình, dòng họ. 

2.2. Từ việc nghiên cứu lịch sử về các danh nhân, phát huy nghiên cứu và đúc kết về gia phả học, góp phần hình thành môn gia phả học. Gia phả học là nét mới trong nghiên cứu sử học, để sử học nước nhà không chỉ là sử của các triều đại, hệ thố đứng đầu chế độ xã hội.

2.3. Xác định phạm vị văn hóa dòng họ, nghiên cứu sâu các truyền thống văn hóa gia đình dòng họ để bảo tồn và gắn kết với giáo dục nhân cách thế hệ trẻ để vừa tiếp nhận tiến trình văn minh tin học 4.0, 5.0, vừa duy trì truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ.

3. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức và bộ máy nhân sự của viện, phát huy vai trò tổng hợp của Viện LSDH với các dòng họ, chi họ

3.1. Kết hợp các nguồn cán bộ: số hưu trí có tuổi có thời gian hoạt động, có kiến thức và kinh nghiệm… song tuổi cao sức yếu khó đeo bám công việc; đề cao cán bộ hưu trí còn có đủ sức khỏe nhiệt tình cống hiến trong sư nghiệp văn hóa dòng họ; kết hợp với số cán bộ trung niên tiến triển song phải trang trải kinh tế gia đình, vì cuộc sống gia đình… Hướng tới trẻ hóa lãnh đạo, lập hội đồng cố vấn gồm các vị lớn tuổi, sức yếu; trong đó chú trọng, phát huy số chuyên viên trẻ từ thực tế hoạt động của câu lạc bộ Gia phả trẻ và tổ chức Hành trình Kim cương.

3.2. Tiến dần đến trả lương và thu nhập cho các lao động thường xuyên, đồng thời phát động dịch vụ dựng phả tạo nguồn thu từ chuyên môn cho các chuyên viên có khả năng về dựng phả… Khuyến khích dăng ký các đề tài khoa học, sử dụng tài năng khoa học để tạo thu nhập và nộp quỹ cho Viện LSDH

ĐỊNH HƯỚNG KẾ HOẠCH NĂM 2024

1. Từ dựng phả, hướng dẫn dựng phả đến giảng dạy gia phả học; thực hiện tích cực để phát huy vai trò của nhà gia phả học, thành lập bộ môn gia phả học… Dựng phả là nhiệm vụ trọng tâm

2. Nghiên cứu khoa học:

- Khuyến khích các chuyên viên và các vị trong các dòng họ đăng ký bài viết khoa học về văn hóa dòng họ.

- Tọa đàm về nhân vật lịch sử Huỳnh Tấn Phát (kết nối với Hội đồng Dòng họ Hoàng Huỳnh phía nam).

- Năm 1954 lịch sử, truyền thống kháng chiến trực diện với Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

3. Quảng bá báo chí: 

Chủ trương 3 số/ năm, chủ đề theo thời gian (Tết cổ truyền, Quốc giỗ Hùng Vương, Quốc khánh 2-9) và tích lũy từ các hoạt động khoa học, các tác nghiệp dựng phả, hướng dẫn dựng phả và giảng dạy môn gia phả học. Phương châm: bạn đọc viết và mua ấn phẩm xuất bản; phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm việc họ một cách thiết thực.

4. Kết nối với các Hội đồng Dòng họ: Phát huy các mối liên hệ đã có với các họ Vũ Võ, họ Phạm, họ Mạc, họ Hoàng Huỳnh…; mở rộng các đầu mối quan hệ với các họ bạn khác. 

Định hướng văn hóa truyền thống về ngày giỗ tổ, giỗ họ, giỗ trong từng hộ gia đình. Sinh hoạt, tọa đàm về các quan hệ gắn với gia đình như sinh nhật, valentine, cưới hỏi, tang chế…

5. Các tổ chức thuộc Viện như Câu lạc bộ Gia phả Trẻ, hoặc kết nối trách nhiệm như Hành trình Kim cương… là kết nối tri thức và kinh nghiệm với hành động thiết thực. Phát huy tính chủ động trong chỉ đạo hoặc phối kết hợp.

TS HOÀNG VĂN LỄ

Viện Lịch sử dòng họ tổng kết 10 năm hoạt động

Viện Lịch sử Dòng họ trao danh hiệu Nhà Gia phả học cho 3 nhà nghiên cứu