Trang chủ > Cửu huyền, cửu tộc?

Cửu huyền, cửu tộc?

09/08/2022 05:17:37

Đọc bài Ý nghĩa của bốn chữ “Cửu huyền thất tổ” của Ngô Thu Mai (TG&HN số 54 trang 12) tôi thấy tác giả có nhiều cố gắng tìm tòi nghiên cứu để đưa ra lời giải thích ý nghĩa của bốn chữ này. Nhưng đáng tiếc trong bài viết lại bộc lộ sự thiếu nhất quán về nội dung, chưa chuẩn xác về một vài ngôn từ. Vậy xin được trao đổi để cùng làm sáng tỏ thêm vấn đề.

1. Mở đầu bài viết tác giả cho rằng bốn chữ “Cửu huyền thất tổ” là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Tác giả giải thích: hai chữ “Cửu huyền” là 9 đời (thế hệ): cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu, chắt, chít (chữ Hán: cao, tằng, tổ, khảo, kỷ, tôn, tằng, huyền).

Để xem lời giải thích và lời nhận xét trên đúng hay sai, xin hãy đọc một câu trong Tam Tự Kinh (sách học vở lòng trong chữ Hán xưa) do Vương Ứng Lân thời Nam Tống sáng tác: “Cao, tằng, tổ/phụ nhi thân/thân nhi tử/tử nhi tôn/tự tử tôn/ chí tằng huyền/ nãi cửu tộc/ nhân chi luân”. Nôm na là: Kỵ, cụ, ông, cha, bản thân, con, cháu, chắt chít hợp thành “Cửu tộc”. “Cửu tộc” ở đây được hiểu là 9 đời (9 thế hệ).

Tranh thờ Cửu huyền thất tổ

Như vậy ta thấy chính lời giải thích về “Cửu huyền”của tác giả là “chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc”, chỉ có điều là lẫn “cửu huyền” với “cửu tộc”. Rồi tác giả lại tự mâu thuẫn khi viết: “Nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là Nhà thờ cửu huyền”. Theo tác giả thì trong “cửu huyền” có cả con cháu, chắt, chít. Con, cháu có thể chưa chết; chắt chít có thể chưa sinh. Sao lại là “quá vãng”? Sao lại đưa lên thờ cúng?

2. Hai chữ “huyền” và “thất” tác giả hiểu không chuẩn xác.

- “Huyền”: Theo tác giả thì “những chất tinh tủy, xương, máu, thịt, tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “huyền”. Như ta đã biết trong tiếng Hán có hai từ mà tiếng Việt dịch là đen đó là: “huyền”và “hắc”. Những thứ xương, máu, thịt bị hủy hoại biến thành màu đen ấy là “hắc” chứ không phải là “huyền”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Sắc đen mà không có màu mỡ gọi là huyền”. Có một thứ ngọc màu đen rất đẹp gọi là ngọc huyền. Mở đầu Thiên tự kinh có câu “Thiên địa huyền hoàng” nghĩa là “trời thì đen, đất thì vàng”. Mầu “huyền” của bầu trời là chỉ sự xanh cao thăm thẳm, mênh mang, mờ mịt.

Bàn thờ Cửu huyền thất tổ

- “Thất”: Tác giả viết: “Thất là số 7 và còn mang nghĩa là cái nhà lớn”. Đó là một sự nhầm lẫn. Trong tiếng Hán “thất” là số 7 và “thất” là nhà là hai từ có nghĩa và chữ viết khác nhau. Âm Hán - Việt (do người Việt đọc) thì chúng đồng âm nhưng người Trung Quốc phát âm hai từ này khác nhau. Thất số 7 phiên âm la-tin là “qi”, thất (nhà) phiên âm la-tin là “shì”.

3. Về ý nghĩa của 4 chữ “Cửu huyền thất tổ” chỉ đơn giản là để chỉ 7 vị tổ cách người cháu hiện tại (người chủ lễ) là 9 đời. Lưu ý là người cháu cũng tính là một đời trong 9 đời. Chữ “huyền” ở đây có nghĩa là đã xa. Cháu đời xa là huyền tôn, xa nữa gọi là viễn tôn.

Ngày xưa để gọi thứ tự các cụ tổ có hai cách trái ngược nhau:

- Cách 1 (thường dùng trong Gia phả): Gọi cụ tổ thứ nhất là Thủy tổ (tổ khởi đầu), con của thủy tổ là Đệ nhị thế tiên tổ (tổ thứ 2), cháu của thủy tổ là Đệ tam thế tiên tổ (tổ thứ 3) tiếp tục đến tổ thứ 4, tổ thứ 5,....

- Cách 2 (Xếp số ngược lại): Ông nội của người chủ lễ là cụ Tổ tam đại (tổ đời 3), cụ nội của người chủ lễ là cụ Tứ đại (tổ đời 4), cụ nội của người chủ lễ gọi là cụ Tổ ngũ đại (tổ đời 5) v.v... cụ Tổ cửu đại (tổ đời 9) thì vừa đúng 7 cụ tổ (thất tổ). Do vậy hai chữ “cửu huyền” có nhiệm vụ bổ nghĩa cho “thất tổ” để làm rõ bảy vị tổ này được gọi theo cách 2.

ĐÀO HỮU CHỦ (Hà Nội)
(Theo Xưa & Nay, số 95, tháng 7/2001)
(GP: 7-9-2009)