Trang chủ > Nam Huỳnh Đạo với tâm thức mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ

Nam Huỳnh Đạo với tâm thức mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ

16/05/2023 15:56:38

Tham luận của Đại võ sư - Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo - Huỳnh Tuấn Kiệt và PGS-TS Khoa Văn hóa học, Đại học KHXH&NV, ĐHQG-HCM Huỳnh Quốc Thắng viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh. 

Tóm tắt

Là một trong những võ phái cổ truyền, Nam Huỳnh Đạo được hình thành và phát triển tại vùng Nam Bộ với những giá trị tinh thần kế thừa từ truyền thống của gia tộc và dân tộc, trong đó có các yếu tố liên quan tâm thức Mẹ mang tính chất như một dòng chảy truyền thống bắt nguồn từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ – Bà Mẹ của dân tộc Việt Nam. Tâm thức đó đã tác động đến toàn bộ mọi hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu của Nam Huỳnh Đạo từ tôn chỉ, mục đích cho đến các nội dung huấn luyện võ thuật, võ đạo, các hoạt động xã hội của môn phái…Từ góc độ Văn hóa học kết hợp Sử học, Dân tộc, Xã hội học học và một số khoa học chuyên ngành khác, trên cơ sở khảo sát thực tế và tham khảo các nguồn tài liệu… bài viết nhằm làm rõ vai trò, vị trí tâm thức Mẹ kế thừa từ các giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ trong văn hóa Việt Nam mà môn phái võ dân tộc Nam Huỳnh Đạo có thể được xem như một “nghiên cứu trường hợp” (case study) điển hình. 

Nam Huỳnh Đạo biểu diễn tại Hội thảo "Di sản mẹ Âu Cơ..." ngày 28/4/2023

Từ khóa

Nam Huỳnh Đạo, tâm thức Mẹ, giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ

1. Vài nét về Mẹ Việt Nam và giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ - Từ tâm thức đến hiện thực lịch sử - văn hóa dân tộc

Nói đến “Mẹ Việt Nam” từ trong hiện thực cuộc sống cho đến vận dụng trong các khái niệm “Mẹ Đất nước” hoặc “Mẹ Tổ quốc” đối với người Việt Nam là nói đến một biểu tượng văn hóa gợi mở nhiều cảm xúc:

“Đó là hình ảnh về “một nửa thế giới” từng tạo nên nguồn mạch sự sống, sức sống và lịch sử dân tộc thông qua những người phụ nữ Việt Nam…Trên thực tế, Mẹ là tình thương yêu bao la, là tấm lòng bao dung, chở che đùm bọc, là chăm chút tháng ngày, là hy sinh dưỡng nuôi với nhiều kỳ vọng…Tình nghĩa, công ơn đó của Mẹ và của những người phụ nữ Việt Nam nhìn chung đều luôn được các thế hệ những đứa con Việt Nam cảm nhận, ghi nhớ sâu sắc…Trong đó, đức cao nhất của “Mẹ” là lòng nhân hậu, là tình thương yêu bao la đối với “Con” nên chỉ có “Thương mà nuôi ròng” (1)  …Từ hình ảnh người mẹ trong đời thường cho đến mẹ quê hương, đất nước, mẹ Tổ quốc…đối với người Việt Nam quả thực là một giá trị thiêng liêng” (Huỳnh Quốc Thắng, 2020: trang 12 &14).

Bên cạnh đó, khái niệm “Mẹ Việt Nam” cũng trên thực tế còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với những bà Mẹ ở trong tâm thức dân tộc để từ đó tạo nên tâm thức Mẹ. Nói đến tâm thức dân tộc là nói đến “ sự hợp nhất những yếu tố thuộc về tinh hoa, minh triết trong nhân sinh quan và vũ trụ quan của tổ tiên ngay từ thuở ban đầu khai sinh ra con người và đất nước. 

Giá trị tri thức và vận động của tinh hoa hợp nhất đó luôn là mạch đập của con tim dân tộc từ thuở khai sinh, hiện tại và muôn đời sau, quyết định đời sống và cá tính của cả dân tộc” (Huỳnh Quốc Thắng - Huỳnh Tuấn Kiệt, 2013: trang 726). Nhìn rộng nhất, đó là các tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam Phủ/Tứ Phủ, kể cả các bà mẹ trong tín ngưỡng dân gian Việt, Chăm, Khmer, Hoa…trên đất nước Việt Nam) là những vốn di sản văn hóa phi vật thể (bên cạnh các di sản văn hóa vật thể như di tích, cổ vật…) 

…Nhìn hẹp lại và sâu hơn, đó chính là sức sống của tâm thức Mẹ kế thừa từ các giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ, tức những vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang tính chất là những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần và xã hội quan trọng liên quan Âu Cơ – Bà Mẹ chung của toàn dân tộc. Trước hết, những huyền thoại mang tính dã sử kết hợp các luận cứ khoa học khác nhau (Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học. Foklore học…) kể về mẹ Âu Cơ vốn là “giống Tiên miền núi cao” cùng cha Lạc Long Quân là “giống Rồng miền sông nước” gặp nhau để đẻ ra “bọc trăm trứng nở ra thành trăm con” với “50 con theo mẹ lên núi” và “50 con theo cha xuống biển…”

…Đến nay, đó là các di chỉ khảo cổ, di tích vùng ven sông Đà xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy (xưa là Hạ Hòa), Phú Thọ vốn là nơi mà “Mẹ Tiên - Cha Rồng” đã gặp nhau, đặc biệt là Khu di tích Đền Hùng, gồm cả đền Mẫu Âu Cơ tại vùng núi Nghĩa Lĩnh, Phong Châu, tỉnh Phú Thọ từ xa xưa từng được xem là vùng “Đất Tổ”…Cũng theo truyền thuyết chính ở nơi đây mẹ Âu Cơ đã cử “người con trai trưởng làm vua Hùng thứ nhất” để “18 đời vua Hùng nước Văn Lang” bắt đầu, cũng là thời kỳ mở đầu cho lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc…Bên cạnh những di tích mang tính chất di sản văn hóa vật thể gồm các di tích, di vật…là các di sản văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, nghệ thuật cổ truyền, phong tục tập quán, lễ hội dân gian…liên quan mẹ Âu Cơ từ ngàn đời đến nay vẫn còn hiện diện không chỉ ở vùng đất cổ này mà còn lan truyền ra trong khắp cả nước, thậm chí đã theo chân các cộng đồng người Việt lan ra nhiều nơi trên khắp thế giới…

Phổ biến nhất và sâu đậm nhất đó là nhân sinh quan về tình đoàn kết dân tộc theo nghĩa “đồng bào” (cùng một bọc) và đi liền theo đó là tinh thần đề cao “nhân nghĩa, thủy chung” trong quan hệ cộng đồng xã hội (kể cả với các dân tộc khác), kết hợp với điều kiện môi trường kinh tế, xã hội gắn liền với truyền thống văn hóa ảnh hưởng từ nền nông nghiệp lúa nước lâu đời mà “tình làng, nghĩa xóm” theo tinh thần “bán bà con xa mua láng giềng gần”…đã trở thành nếp văn hóa ứng xử, thậm chí là một bộ phận đậm nét trong tâm thức văn hóa dân tộc. 

Từ đó, truyền thống “Nhân văn” với nội dung “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” cùng với tinh thần “Thượng võ” tức ý chí đấu tranh, năng lực hành động và chiến đấu với các thiên tai địch họa cùng những thế lực ngoại xâm hùng mạnh đã từng bước trở thành một nội dung lớn trong tâm thức và bản sắc văn hóa của người Việt…(Huỳnh Tuấn Kiệt – Huỳnh Quốc Thắng, 2022).          

Tinh thần “đồng bào” và truyền thống “Nhân văn - Thượng võ” với tư cách là hệ quả của tâm thức Mẹ kế thừa từ các giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ đã hình thành từ thời vua Hùng tương tác với các điều kiện thực tế đã ngày càng trở thành một hiện thực lớn mang tính xuyên suốt lịch sử - văn hóa ngàn năm của dân tộc, trong đó vai trò, vị trí những người phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là một nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Điển hình như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị với nhiều nữ tướng cùng cầm quân chống giặc Hán xâm lược (năm 40 – 43 sau CN); bà Triệu Thị Trinh tham gia lãnh đạo chống giặc xâm lược Ngô (năm 247 – 248); Thái hậu Dương Vân Nga (952 – 1000) đã vượt qua hạn chế của Nho giáo để làm hoàng hậu của hai triều vua Đinh (năm 968 – 979) và Tiền Lê (980 – 1005), góp phần đoàn kết dân tộc, đánh tan giặc Tống xâm lược, tiến tới xây dựng nhà Tiền Lê vững chắc; Nguyên phi Ỷ Lan (1044 – 1117), nhiếp chính 3 năm (1167 – 1169) khi chồng là vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau đó đã nuôi dưỡng và giúp con là vua Lý Nhân Tông từ việc triều chính cho đến đánh quân xâm lược…

Cũng rất đáng chú ý đó là vai trò của những người phụ nữ trong tiến trình phát triển về phương Nam của Đại Việt như công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông về làm vợ vua Chiêm Thành là Chế Mân năm 1304 để châu Ô và châu Lý (Rí) trở thành đất Thuận Hóa (sau này là Thuận – Quảng tức Bắc Trung Bộ ngày nay); Công chúa Ngọc Vạn, con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên về làm vợ Chey Chetta 2, vua Cao Miên vào năm 1620 để đến năm 1623, hai đồn thu thuế – thực chất là hai đơn vị hành chính đầu tiên của Đại Việt đã được thiết lập ở Prei Nokor và Kas Krobey (tức Sài Gòn – Chợ Lớn và Bến Nghé sau này), là tiền đề để Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thay mặt chúa Nguyễn Phúc Chu vào thiết lập nền hành chính của Đại Việt ở Nam Bộ vào năm 1698. 

Trong lịch sử cận đại, vai trò những người phụ nữ cả về võ nghiệp lẫn trên văn đàn như Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…cũng là những dấu ấn rất đáng chú ý…Tiến đến giai đoạn lịch sử hiện đại qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trước đây, vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh đặc biệt là hình ảnh nổi bật của những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và vị trí phụ nữ trong hòa bình trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn hiện nay ngày càng được khẳng định đậm nét…Tất cả rõ ràng đã khẳng định vai trò, vị trí người phụ nữ Việt Nam từ trong tâm thức văn hóa cho đến trong thực tế lịch sử dân tộc.

2. Tâm thức Mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ trong tôn chỉ, mục đích của môn phái Nam Huỳnh Đạo

2.1. Xây dựng “Văn hóa võ đạo” theo phương châm  “Đức - Đạo - Thiền - Y - Võ” góp phần phát huy truyền thống “Nhân văn - Thượng võ” Việt Nam

Võ phái dân tộc Nam Huỳnh Đạo khai môn ngày 24/11/2001. Tổ sư truyền thừa của môn phái là võ tướng Nguyễn Huỳnh Đức, Tổng Trấn Bắc Thành và Tổng Trấn Gia Định Thành trong giai đoạn đầu thời nhà Nguyễn (1748 – 1819). Với phương châm và đề cao pháp môn “Đức – Đạo – Thiền – Y – Võ”, Nam Huỳnh Đạo luôn đặt trọng tâm gắn giáo dục phát triển toàn diện thể chất với xây dựng đạo đức con người, góp phần phát triển văn hóa dân tộc và tiến bộ xã hội theo tinh thần: 

 “Nam Huỳnh Đạo ngoài kế thừa nghiệp võ chủ yếu từ tinh thần của “nhân vật” Nguyễn Huỳnh Đức còn là kế thừa những vốn văn hoá y học, đạo học, nếp đạo đức sống v.v…cùng các truyền thống tốt đẹp khác của cả gia đình - dòng họ với nghĩa những gì là tốt đẹp do những thế hệ đi trước để lại như một vốn giá trị văn hoá dân tộc […]. 

Nam Huỳnh Đạo không chỉ tập trung hoạt động huấn luyện võ thuật, võ công, võ học kết hợp với các nền tảng y học cổ truyền, thiền công, khí công v.v…của gia tộc được tổ sư Nguyễn Huỳnh Đức và các thế hệ Tổ tiên vun đắp nên mà còn đặc biệt quan tâm mục tiêu xây dựng tinh thần võ đạo Việt Nam, thông qua các nội dung sinh hoạt, học tập, nhằm đề cao văn hóa truyền thống dân tộc theo tinh thần “Nhân văn - Thượng võ…” (Huỳnh Tuấn Kiệt – Huỳnh Quốc Thắng, 2015: trang 162 -163).

Với tinh thần trên, “Văn hóa võ đạo” Nam Huỳnh Đạo không chỉ là “Võ nghiệp” (nghề võ) gắn với “Y học” truyền thống (mang tính gia truyền của dòng họ), hoặc các pháp môn “Thiền công” mà còn là các “Đạo lý sống” và quan trọng hơn cả là “Đức sống” tức cách thế ứng xử thực tế (theo Đạo lý). Theo đó, bên cạnh nội dung luyện tập võ thuật kết hợp y thuật, thiền định… thường xuyên theo chương trình, kế hoạch môn quy cụ thể, tất cả môn sinh Nam Huỳnh Đạo thông qua giờ sinh hoạt học tập nghiêm túc về “Võ đạo” với các nội dung không chỉ liên quan võ lý mà còn mở rộng các khía cạnh đạo lý, triết lý sống gắn với định hướng hành động ứng dụng ngay trong đời sống hàng ngày…

Trong đó, đặc biệt nội dung “Võ đạo” có thể liên hệ thực tế cuộc sống để thấy rõ hơn ý nghĩa của cách ứng xử trong mối quan hệ xã hội từ trách nhiệm với Mẹ Tổ quốc cho đến tinh thần hiếu để với mẹ cha trong gia đình trở thành như một nét truyền thống mà Tổ sư Nguyễn Huỳnh Đức hoặc Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt chẳng hạn là những hình mẫu điển hình của môn phái (2)  ... 

Nền tảng “tâm thức Mẹ” kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ cùng với sự góp công đặt nền móng theo tinh thần “Võ đạo” Nam Huỳnh Đạo như đã nêu nhằm mục tiêu thiết thực là tạo lực nội sinh vừa có thể đáp ứng nhu cầu sống của từng cá thể môn sinh vừa góp phần tích cực phát triển tâm thức dân tộc vì đại cuộc chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Từ ngàn đời nay, sức mạnh tâm thức dân tộc Việt Nam đã kiến tạo nên được nguồn lực nội sinh mang tính chất đạo lý nhằm đảm bảo xây dựng đời sống tốt đẹp của đất nước ở trong trạng thái bình thường cũng như ở trong những tình huống khắc nghiệp nhất bởi thiên tai, dịch bệnh, giặc ngoại xâm…

Đây chính là bộ phận những giá trị cốt lõi tạo nên “Bản lĩnh Việt Nam” từng minh chứng qua trường kỳ lịch sử và đến nay vẫn là một nguồn nội lực quan trọng của văn hóa toàn dân tộc mà “Văn hóa võ đạo” Nam Huỳnh Đạo đặt mục tiêu nhằm hướng đến và tích cực góp phần một cách cụ thể. 

Trước hết, Nam Huỳnh Đạo đã tạo ra được một mối quan hệ thiêng liêng, chân thành theo tinh thần “Sư – Huynh – Đệ” như một “đại gia đình” bằng tình cảm thiêng liêng “thương mà nuôi ròng” trong toàn môn phái để cùng đoàn kết, đùm bọc nhau không chỉ vì các mục tiêu, kế hoạch hoạt động thường xuyên nhằm xây dựng tổ chức, phát triển môn phái thông qua phụng sự xã hội mà còn là vì sự phát triển cụ thể của “thân – tâm” (rèn luyện võ thuật – võ đạo….) gắn với “đạo đức - sự nghiệp” (học tập, công tác…), “niềm vui – hạnh phúc” (quan hệ gia đình, xã hội…) trong mọi mặt cuộc sống thực tế của tất cả thành viên môn phái. 

Điều đó thể hiện rõ rệt qua thử thách lớn bởi đại dịch Covid – 19 vừa qua. Toàn môn phái là một “đại gia đình” thực sự để không chỉ cùng nhau vượt qua “sóng dữ” mà còn cùng tích cực góp phần cứu trợ xã hội bằng nhiều hình thức qua nhiều giai đoạn bằng hàng tấn gạo và lương thực, thực phẩm…   

2.2. Xây dựng “Văn hóa Thể chất” nhằm mục tiêu phát triển con người toàn diện

Nói đến “Thể chất” là nói đến toàn bộ cơ sở vật chất liên quan sự tồn tại thực tế của con người với tư cách là một thực thể xã hội, bao gồm không chỉ là cơ bắp, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn…mà còn là sự tổng hợp các yếu tố trong mối quan hệ tương tác với môi trường sống (điều kiện tự nhiên, xã hội), các yếu tố rèn luyện thể chất, yếu tố di truyền (về sinh học, về xã hội)… Nói cách khác:

“Thể chất chính là nội dung “gốc” của sự sống với cốt lõi là sự vận hành của chỉnh thể “thân” và “tâm” (ở đây được hiểu là cơ sở của quan hệ “thể/sinh học” và “chất/văn hóa”) của con người trong sự tương tác mang tính quy luật vận động cùng tự nhiên và xã hội. Trong đó,  “thể” chính là “gốc sống” và “chất” là nguồn “dưỡng sinh” nuôi cái “gốc sống” ấy nên sự phát triển “Văn hóa thể chất” là bản chất và mục tiêu tối hậu mà con người nhắm đến dựa trên cơ sở nắm những nguyên lý vận động của nó” (Huỳnh Tuấn Kiệt, 2013: tr. 166).                                                                                

Trong truyền thống văn hoá dân tộc với các giá trị được tích luỹ qua sàng lọc, thử thách lịch sử, chắc chắn có những dấu ấn đọng lại mang tính chất những thành tựu, những tinh hoa từ tinh thần và thể chất của dân tộc. Võ đạo dân tộc chính là một bộ phận liên quan thể chất dân tộc được kết tinh từ những giá trị truyền thống đó và nó chính là sự đáp ứng thực tế nhất, sự thoả mãn cao nhất nhu cầu hạnh phúc của con người gắn liền với đời sống văn hóa dân tộc. 

Với sức sống của Thể chất dân tộc, Nam Huỳnh Đạo cùng các môn phái võ cổ truyền Việt Nam luôn nỗ lực bằng cả tâm huyết để góp phần xây dựng Văn hoá Võ Đạo Việt Nam mang đậm nét Nhân văn - Thượng võ như đã đề cập nhằm chung tay góp sức cho nội dung, mục tiêu rèn luyện nhân cách mỗi môn sinh và thế hệ trẻ với tiêu chí “Thân thể khoẻ mạnh và tinh thần lành mạnh theo định hướng văn hoá dân tộc”. 

Dựa theo quan điểm gốc là “Giáo dục toàn diện” trên nền tảng phát triển “Văn hóa thể chất” kế thừa từ vốn lịch sử tư duy triết học kết hợp với các thành tựu khoa học Đông – Tây từ thời cổ đại đến nay (3)  , kể cả vận dụng các nguyên lý của Kinh Dịch, trung tâm là học thuyết về Âm Dương, Ngũ Hành và gần gũi nhất là các mục tiêu, giải pháp cơ bản của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và bước đầu triển khai v.v…, Nam Huỳnh Đạo không chỉ nỗ lực xây dựng môi trường luyện tập thể lực, kỹ thuật võ học (tác động “Thân”) mà còn phấn đấu xây dựng một môi trường văn hóa võ đạo thông qua các sinh hoạt học tập, các hoạt động xã hội tích cực (tác động “Tâm”) của toàn thể môn sinh. 

Theo đó, một nhiệm vụ cơ bản của giáo dục và xây dựng “Văn hóa thể chất” theo quan điểm toàn diện như đã nói không thể không đặt ra vấn đề từ thực tế đó là phải góp phần khắc phục triệt để quan điểm nhận thức phiến diện cho rằng hoạt động thể chất chỉ như một phương thức “rèn luyện cơ thể” với mục tiêu đơn thuần là “thể dục thể thao để giành thành tích”!... 

3. Tâm thức Mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ trong thực tế hoạt động và định hướng phát triển của Nam Huỳnh Đạo

3.1. Trong nội dung hoạt động thực tế xây dựng Văn hóa võ đạo của Nam Huỳnh Đạo

Với định hướng nhằm góp phần phát huy truyền thống văn hóa dân tộc theo tinh thần “Nhân văn - Thượng võ” của Võ đạo Việt Nam, gần 30 năm qua trong Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và Liên đoàn Võ cổ truyền TP. Hồ Chí Minh, mọi hoạt động của môn phái Nam Huỳnh Đạo đều đã liên tục tập trung nỗ lực cùng các ban ngành, đoàn thể và cơ quan, đơn vị, trường học tại TP. Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương khác trong cả nước thực hiện nhiều chương trình “vì sức khỏe cộng đồng” như tổ chức tập luyện dưỡng sinh, khí công, tập luyện võ thuật… 

Cũng theo hướng như vậy, Nam Huỳnh Đạo đã hỗ trợ cho các lực lượng gìn giữ an ninh trật tự xã hội, dân phòng, dân quân tự vệ…nhiều địa phương, đơn vị nâng cao khả năng tác chiến với các đối tượng phạm pháp nhằm bảo vệ trật tự trị an xã hội. Bên cạnh lò võ Đình Nam Chơn  (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) được chọn làm một trong những trung tâm sinh hoạt tập trung thường xuyên về võ thuật, võ đạo, Nam Huỳnh Đạo chủ trương ngày càng mở rộng, đi sâu vào các hoạt động xã hội, đặc biệt thông qua hệ thống trường phổ thông, đại học, cao đẳng nhiều địa phương trong cả nước…

Cụ thể, Nam Huỳnh Đạo đã kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, gồm cả đảo (nay là Thành phố) Phú Quốc v.v…lần lượt đưa võ dân tộc vào nhà trường trong giờ giáo dục thể chất chính khóa tại các trường THCS và THPT trên toàn địa bàn tại địa phương…Phục vụ cho mục tiêu chiến lược này, Nam Huỳnh Đạo đã kết hợp với Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm TP.Hồ Chí Minh xây dựng bộ giáo trình (có đĩa minh họa đính kèm) về chương trình giảng dạy võ thuật Nam Huỳnh Đạo đạt tính khoa học cao dành cho hoc sinh THCS &THPT. 

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, môn phái Nam Huỳnh Đạo luôn ý thức việc nghiên cứu, giảng dạy phổ cập võ cổ truyền là nhằm góp phần gữ gìn, phát huy một trong những vốn di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Do đó, môn phái đã chủ động tham gia và được kết nạp vào Hội Di sản TP. Hồ Chí Minh với tư cách lãnh đạo của Nam Huỳnh Đạo trực tiếp tham gia Ban Chấp Hành của Hội Di sản liên tục nhiều nhiệm kỳ. Ngoài ra, với tinh thần “Không chỉ lo về Võ, Nam Huỳnh Đạo còn đặc biệt chú ý đến Văn, và sự phối hợp giữa văn với võ, là nguyên lý của nhân văn thượng võ Việt Nam. Vì lẽ đó mà Nam Huỳnh Đạo thường hiện diện ở những hội thảo khoa học…vừa nghiên cứu, đề cao cái đạo lý vĩnh hằng nhân văn thượng võ của dân tộc, vừa tạo chỗ đứng uy tín gắn bó tri thức khoa học với bảo tồn và phát huy nhân văn thượng võ cho Nam Huỳnh Đạo” (Võ Văn Lộc, 2019: tr.516). 

Kết hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Viện Lịch sử Dòng họ, Nam Huỳnh Đạo đã chủ động phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học về “Văn hóa võ đạo Việt Nam”, về “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức  Nhân vật – Võ nghiệp và Di sản”, về “Văn hóa gia đình, dòng họ”… 

Những nỗ lực hoạt động của Nam Huỳnh Đạo ngày càng đi vào chiều sâu theo hướng tạo ra nội lực và hiệu quả thực chất, cố gắng khắc phục mọi hình thức phô trương không cần thiết. Một minh chứng cụ thể như đã nói là qua thử thách khốc liệt ở nhiều giai đoạn khác nhau suốt đợt chống dịch Covid – 19 vừa qua chẳng hạn, một mặt các môn sinh vẫn tiếp tục phân tán nhỏ ra để luyện tập tại gia đình hoặc những nơi thuận tiện, mặt khác cùng tìm cách tích cực tham gia vào các tổ chức xã hội để đi quyên góp, cứu trợ…

3.2. Trong định hướng phát triển xây dựng môi trường Văn hóa võ đạo của Nam Huỳnh Đạo    

Trong thời gian tới, về cơ bản xây dựng môi trường Văn hóa võ đạo gắn với nhà trường và xã hội vẫn là một mục tiêu trọng tâm của Nam Huỳnh Đạo. Tuy nhiên, từ trải nghiệm thực tế và với chủ trương ngày càng đi vào  thực chất và gắn với thực tế cuộc sống, Nam Huỳnh Đạo sẽ tập trung đi sâu hơn vào môi trường đời sống văn hóa gia đình, dòng họ. Cơ sở khách quan từng minh chứng rằng mối quan hệ Nhà – Làng – Nước là mối quan hệ gắn bó mang tính sống còn giữa cái riêng với cái chung từ gia đình – dòng họ cho tới làng, xã và quốc gia, dân tộc thông qua cái thiêng liêng của “nghĩa tình”: “Dòng họ dù lớn hay nhỏ, sang hay hèn đều chia thành những gia đình hạt nhân, độc lập hoàn toàn về mặt kinh tế, sống riêng rẽ và hòa vào với làng xã nói chung…Dòng họ dù to lớn mạnh mẽ như thế nào…và tồn tại lâu dài như thế nào cũng không thể tách khỏi cộng đồng làng xã được” (Đỗ Long – Trần Hiệp, 1993: trang 60). 

Nội dung của truyền thống này chính là tinh thần “Thượng võ” bên cạnh “Nhân văn” vốn như là một năng lực tự thân của dân tộc Việt Nam xưa nay phải liên tục chiến đấu để tồn tại trước mọi thiên tai khắc nghiệt, địch họa ngoại xâm khốc liệt bằng chính sự yêu thương, nhân hậu của mình trong tiến trình lịch sử. Truyền thống đó xuyên suốt từ thời vua Hùng cho đến nay và được in dấu sâu đậm ngay trong đời sống văn hóa dân tộc thể hiện qua tâm thức Mẹ kế thừa từ di sản về Âu Cơ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên mà cao nhất là tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng chẳng hạn nhằm vì tâm thức thống nhất mọi tầng lớp người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước cùng gắn kết nhau theo tình nghĩa “đồng bào” (“cùng một bọc sinh ra”), cùng là “Con Rồng cháu Tiên” trong “đại gia đình” Việt Nam...”…

Đó là về nhận thức lý luận. Về thực tiễn, những kinh nghiệm quý thu hoạch từ Lò võ gia tộc họ Võ diễn ra từ giữa năm 2018 đến nay trong khuôn viên của Võ tộc từ đường, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng là một căn cứ quan trọng. Trên cơ sở lớp võ đã triển khai thí điểm trước đó một thời gian, ngày           lớp võ Nam Huỳnh Đạo tại Võ tộc từ đường (Cái Bè, Tiền Giang) đã được khai giảng đúng vào ngày giỗ Cố Tổ dòng họ Võ với sự tham gia đông đảo bà con dòng họ, nhân dân và chính quyền địa phương. Lớp võ thuật này được mở ra “nằm trong lý tưởng của Võ tộc từ đường” thể hiện qua hai câu đối trong điện thờ viết bằng chữ nôm:

                       Võ thắng hung tàn, dựng đất nước trường tồn thạnh trị                                                                  

                       Văn nhuần nhân hậu, truyền cháu con ý chí can trường        

Tinh thần hai câu đối trên một lần nữa khẳng định “Võ và Văn hay Văn với Võ, tuy hai là một nhưng một mà hai, không thể tách rời. Đây là sự dung hợp của truyền thống nhân văn thượng võ, một thành phần đạo lý của dân tộc Việt Nam” (Võ Văn Lộc, 2019: tr.514). Ngay từ đầu, ngoài tính chất một trung tâm sinh hoạt cộng đồng của gia dình dòng họ, lớp võ này được xác định mục đích rõ ràng: “một là, các cháu học võ để rèn luyện sức khỏe, hỗ trợ cho việc học văn hóa ở trường, vì phải có sức khỏẻ tốt mới học tập được tốt; hai là,các cháu học võ để trở thành người con hiếu thảo của gia đình, người công dân tốt của địa phương…phương châm của Nam Huỳnh Đạo là rèn luyện cái hậu đức cho môn sinh” (Võ Văn Lộc, 2019: tr.513).

Đây là mô hình mẫu có thể mở ra một phương hướng mới cho hoạt động đi vào chiều sâu hơn nữa trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa võ đạo Nam Huỳnh Đạo đó là gắn với nhà từ đường các dòng họ. Theo hướng này, việc phối kết hợp với Viện Lịch sử Dòng họ, với các Ban liên lạc của các dòng họ…trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa lớn.

Bên cạnh các lớp rèn luyện võ thuật Nam Huỳnh Đạo tại các trường học, cơ quan, đơn vị…, định hướng xây dựng môi trường Văn hóa võ đạo gắn với Gia đình và Dòng họ như đã nói trên bắt đầu từ việc Nhà từ đường dòng họ Huỳnh – Trần (nơi thờ cha mẹ sư phụ chưởng môn) trong thời gian tới trở thành là trung tâm sinh hoạt Võ đạo theo định kỳ cho các đối tượng môn sinh khác nhau cũng sẽ là việc rất có ý nghĩa…

Kết luận

Trong một thế giới đang ngày càng phức tạp với những biến động khó lường, không chỉ về kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu mà còn là chiến tranh bởi những mâu thuẫn địa - chính trị và nhiều nguyên nhân khác…, đất nước Việt Nam ngày càng cần phải phát huy thật tốt những sức mạnh nội sinh khởi nguồn từ những truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn đã được thử thách và trui rèn qua hàng ngàn năm lịch sử. Bởi vì “Nhìn từ góc độ văn hóa thì khí thiêng dân tộc chính là các giá trị tinh thần – những yếu tố thực thể của nền văn hóa dân tộc, đã được lịch sử chưng cất lên trong quá trình dựng nước và giữ nước…Nội lực tinh thần ấy khi tiềm nhập vào mỗi cá nhân sẽ trở thành hành trang văn hoá cho mỗi thành viên của cộng đồng dân tộc…, làm cho sức mạnh của truyền thống dân tộc hóa thân thành nguồn lực mới của con người Việt Nam” (Hoàng Vinh, 2002: tr. 6 & 9). 

Trong các truyền thống quý báu của văn hóa dân tộc, tâm thức Mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ vốn là một bộ phận đặc biệt như một nét truyền thống quan trọng liên quan vai trò, vị trí của người phụ nữ trong đời sống tâm linh, tinh thần và trong lịch sử - văn hóa dân tộc ngay từ buổi dầu dựng nước cho đến mãi về sau. Đến nay, tâm thức mang tính truyền thống này chắc chắn vẫn có thể là một điểm tựa tinh thần trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng với bối cảnh thế giới nhiều phức tạp như đã nói. 

Trong dòng chảy chung, Văn hóa võ đạo Nam Huỳnh Đạo trên thực tế là một bộ phận văn hóa gia tộc kết hợp cùng văn hóa dân tộc phát triển tại vùng đất Nam Bộ qua thực tế gần 30 năm hình thành và phát triển đã bước đầu minh chứng một hướng đi đúng, đó là dựa trên nền tảng phát triển Văn hóa thể chất dân tộc kết hợp với xây dựng Văn hóa võ đạo dân tộc mà trung tâm là phát huy truyền thống Nhân văn  - Thượng võ Việt Nam để phát triển con người toàn diện. Và, tất cả phải dựa trên bệ đở vững chắc của những giá trị tốt đẹp tỏa sáng từ tâm thức Mẹ kế thừa từ giá trị di sản văn hóa về Âu Cơ không phải chỉ trong đời sống tinh thần hay tâm linh mà là ngay nơi hiện thực cuộc sống dựa vào cái đức “Thương mà nuôi ròng” vốn có của “Mẹ Việt Nam”./.

Chú thích:

(1): Nghĩa khái quát : “Nuôi” vô điều kiện, chỉ vì “tình thương” chân thành.

(2): Sử sách ghi chép rõ rằng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đặc biệt có hiếu với mẹ, chẳng hạn một trong những lý do chấp nhận cộng tác với Tây Sơn – Nguyễn Huệ ngoài lý do mong trở về với chúa Nguyễn Ánh còn là vì để về phụng dưỡng mẹ già…(Xem “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức nhân vật- võ nghiệp và di sản”, Nhiều tác giả, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2019). Đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt hàng chục năm liền luôn tận tâm chăm lo phụng dưỡng cha mẹ già yếu cho đến lúc cha mẹ qua đời…(Gia phả họ Huỳnh, 2022).

(3): Như Socrat, Platon, Aristot, Hecralit v.v…cho tới sau này là Darwin, Newton, Enstein…

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Long – Trần Hiệp (1993), Tâm lý cộng đồng làng và di sản, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

2. Lê Văn Siêu (1993), Nếp sống tình cảm của con người Việt Nam, Nxb Mũi Cà Mau.

3. Hoàng Vinh (2022), Những vấn đề văn hóa trong lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa – Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội – 2002, trang 6 & 9.

4. Huỳnh Tuấn Kiệt (2013), Văn hóa thể chất và khoa học vận động, trong kỷ yếu hội thảo khoa học “Công tác giáo dục thể chất: Giá trị, thực trạng và giải pháp”, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM & Môn phái Nam Huỳnh Đạo, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 166 – 167.

5. Huỳnh Quốc Thắng - Huỳnh Tuấn Kiệt (2013), Võ đạo Việt Nam với luân thường Nho giáo (Trường hợp võ phái Nam Huỳnh Đạo), Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Luân thường Nho giáo dưới góc nhìn xuyên văn hóa”, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG-HCM, tr.726 – 732. 

6. Huỳnh Quốc Thắng (2020), Mẹ Việt Nam trong tâm thức văn hóa và lịch sử dân tộc, Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, số 2(22)/2020, tr. 12 – 22.

7. Huỳnh Quốc Thắng – Huỳnh Tuấn Kiệt (2021), Từ lý thuyết sinh học và văn hóa của Chris Barker đến triết lý giáo dục thể chất Việt Nam (Qua thực tế trường hợp môn phái Nam Huỳnh Đạo), Trong sách “Những vấn đề về triết lý giáo dục Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” (Trần Ngọc Thêm chủ biên, Đề tài khoa học cấp Nhà nước KHGD/16-20.ĐT.011 do Trường ĐHKHXHNV-ĐHQG-HCM chủ trì), NXB ĐHQG TPHCM, tr. 353 – 375.

8. Huỳnh Tuấn Kiệt – Huỳnh Quốc Thắng (2022), Võ đạo Việt Nam và truyền thống Nhân văn – Thượng võ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 

9. Nhiều tác giả (2019), Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức nhân vật - võ nghiệp và di sản, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

10. Võ Văn Lộc (2013), Có một lớp võ Nam Huỳnh Đạo ở vùng sâu của tỉnh Tiền Giang, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức nhân vật- võ nghiệp và di sản”, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 513 - 517. 

Đại võ sư HUỲNH TUẤN KIỆT 

PGS-TS HUỲNH QUỐC THẮNG