Trang chủ > Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam

Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam

15/05/2023 17:23:32

Vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử là vấn đề lớn, đa dạng, nó đánh giá về phẩm chất, phẩm hạnh, tài năng và khí phách của người phụ nữ nước ta.  

1. Đạo mẫu Việt Nam

Đây là sự tôn thờ nữ thần của người Việt ta. Thờ Mẫu, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoại, Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh, xuất hiện là rất phổ biến, có nguồn gốc lịch sử và xã hội từ thời các vua Hùng. Hiện nay, ở miền Bắc các đền thờ mẫu các tỉnh vẫn đang tồn tại và phát huy tính tích cực của nó. Tín ngưỡng dân gian cho rằng các vị thánh nữ ấy có các quyền năng to lớn, đã sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Tiêu biểu như văn tế Thánh mẫu Liễu Hạnh sau đây:

"Tây hồ hun đúc/ Nam phố sinh thành/ Nổi danh liệt nữ/ Nổi tiếng trâm anh/ Áo sen phơi phới/ Dáng phượng thanh thanh/ Đức mẹ cả nước/ Nuôi sóng sinh linh/ Tuy xa vời vợi/ Lẫm liệt như sinh/ Trời che đất chở/ Đất rộng trời xanh/ Xưa là đuổi quỷ/ Phù hộ dân lành/ Răn đời dạy bảo/ Giáng bút quyền kinh/ Khắp nơi nức tiếng/ Thánh mẫu anh linh”. 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam (hình mang tình mình họa)

Các vị thánh ấy có các quyền năng to lớn, đã sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. 

Các bài văn tế với nội dung đề cao các vị thánh, cầu mong sự yên bình cuộc sống; giáo dục đạo đức gia dình, với các lễ thức phong phú, đậm nét dân gian, trang phục áo xống cho các vị thánh, cho những người hầu đồng, các thức bày cúng, là của Việt Nam, là nét riêng của Việt Nam.

Các dạng thờ thánh mẫu, thờ bà, như bà hỏa, bà thủy, bà Chúa sứ, bà Đen, những ngôi đền thờ Thiên nhiên cảnh ở quận 4 và Thảo Cầm Viên (Thành phố Hồ Chí Minh) đền Quan Giám Sát, đền Quan Lớn Đệ Tam… là rất phổ biến ở Nam bộ. 

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước giải phóng, các am, miếu, điện, ở ngã tư Phú Nhuận cũng đã diễn ra những cuộc tế lễ về Đạo Mẫu, các hình thức đồng, bóng diễn ra liên tục. Ngày nay, nội dung, hình thức của nó thể hiện theo hướng tích cực. UNESCO đã công nhận Đạo Mẫu là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Nhiều quyển sách có giá trị viết về Đạo Mẫu.

Nhận định về đạo mẫu:

- Là một loại đạo của Việt Nam; việc “phong thánh cho các bà mẹ của tổ tiên ta là sự đề cao đúng mức về danh vị, địa vị, về giá trị tinh thần văn hóa của các bà mẹ. Phong thánh là mức độ cao nhất trong các cấp bậc tâm linh. “Thánh” phải cao hơn “thần” một bậc.

- Ý thưc về vai trò người phụ nữ như trên của tổ tiên ta xưa là một sự sáng tạo, sự khẳng định  tính đặc sắc, đúng mức, thể hiện sự lạc quan, tin cậy về người phụ nữ, ý thức “nam nữ bình đẳng” là đã có từ xa xưa.

- Chúng ta rất hãnh diện, tự hào dốc lòng tôn thờ vì đã có những bậc thánh mẫu như thế.

2. Trong lịch sử, nghiên cứu về “người mẹ - người vợ - cô dâu - các cô gái” để thấy rõ các giá trị, phẩm chất đạo dức người phụ nữ Việt Nam. 

Nhân loại đã trải qua các thời kỳ mông muội, dã man, và văn minh. Dân tộc ta cũng đồng thời trải qua ba giai đoạn ấy. Dưới chế độ phong kiến, nhân dân ta lại phải đương đầu bởi ách áp bức, bóc lột của phong kiến. Cộng với đó, lại phải bị dày xéo bởi họa đô hộ 1.000 năm của phong kiến phương Bắc. Song ta vẫn tồn tại, vẫn chiến thắng là do đâu? Là do tấm lòng yêu nước của từng người dân, từng gia đình, từng bộ lạc ở mỗi xóm ấp, làng xã, ở mỗi vùng rừng núi hay ở mỗi bãi biển, ven sông - chế độ làng xã - nông nghiệp, lúa nước Việt Nam là một “thành trì” vững chắc để duy trì sự sống và nền văn hóa dân tộc. 

Trong các mối quan hệ dòng họ, mỗi chức danh (mỗi người) có ít nhứt 200 mối quan hệ, về nghĩa vụ và quyền lợi. Ta thử khảo sát một vài mối quan hệ đó.  

- Trong gia đình, vai trò “người mẹ” là trung tâm, nổi trội hơn cả. Họ chăm lo con cái, lựa từng miếng ăn, giọt sữa để nuôi con; người mẹ chịu đựng mọi hy sinh gian khổ để bảo vệ gia đình. Người vợ thì lo cho chồng và gánh vác “gian san nhà chồng”, xa chồng vẫn chờ đợi chồng, chồng chết thì thủ tiết thờ chồng là vậy. 

- Cô dâu, từ bỏ nhà mình đi sang nhà chồng, đã lãnh phần trách nhiệm mới đầy gian khó. Với vị thế là đồng làm chủ gia đình, người mẹ còn là hạt nhân làm kinh tế gia đình, lo sự ấm no hạnh phúc gia đình.

- Người vợ là lo cho chồng, tôn tọng sự gắn bó đầm ấm, thủy chung, gương mẫu của gia đình. 

- Trong lịch sử, có những người phụ nữ thuộc giới “lá ngọc cành vàng” như công chúa An Tư, nhà Trần gả cho Thoát Hoan để “thư giản nạn nước”, công chúa Ngọc Hân gả cho Chế Mân, hoặc một nhân vật tiểu thuyết - thơ Lục Vân Tiên, như Kiều Nguyệt Nga, cống Hồ. Hãy xét tâm trạng của họ, khi theo lệnh vua, vì sự nghiệp bảo vệ đất nước mà phải mang thân đến xứ người. Lúc đó, dứt khoát tình yêu là không có. Đó là một sự cưỡng ép. Đó là những tấm gương hy sinh cao cả.

- Có trường hợp thể hiện sự bao dung của người phụ nữ: một số quân Minh bại trận, không được vua nhà Minh cho phép trở về nước. Họ buộc phải ở lại Việt Nam, sống theo phong tục tập quán Việt Nam và lấy vợ Việt Nam. Những cuộc hôn nhân với ý nghĩa kết hôn với kẻ bại trận, thì tâm trạng ấy thể hiện sự bao dung rộng lớn như thế nào?… 

- Người dâu là người từ một gia đình xa lạ về nhà chồng, họ được phân công, giao nhiệm vụ giỗ chạp, được tiếp cận “một gia sản”, họ tự nhiên coi những sự kiện, những nhân vật bên chồng là đối tượng tiếp xúc, ứng xử cho đúng phép, nên họ ghi nhớ trong nhận thức như một kho sử đồ sộ. Những người làm gia phả chúng tôi thướng xem họ là một nhân vật quan trọng để tìm hiểu, phỏng vấn thu thập tài liệu về chi họ để dựng gia phả.

 3. “Mẹ Việt Nam anh hùng” với các phẩm chất là những bà mẹ yêu nước, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, có bà mẹ có tới 12 người chồng, con, cháu hy sinh, như Mẹ Thứ ở Quảng Nam, mẹ Rành ở Củ Chi có 9 người; có bà mẹ phải giết chết con để cứu sống cho tập thể, có bà mẹ chờ chồng đi tập kết, ở tù dài đăng đẳng, thời chống Pháp, chống Mỹ.

Những người phụ nữ trong các nhà tù Mỹ - Ngụy: Có khoảng 3-4 trăm nữ tù bị đày Côn Đảo, họ giữ vững khí tiết cách mạng, bị tra tấn cùng cực, chống chào cờ ba que, không hô khẩu hiệu chống cộng, chống khổ sai như dì Một, dì bảy Cưỡng, dì ba Bí, dì Phùng Ngọc Anh, Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng v.v… Đó là những tấm gương anh hùng, bất khuất tuyệt vời.

4. Để giữ vững giá trị tinh anh của mình, người phụ nữ đã anh dũng đấu tranh ra sao?

Quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc đã hình thành từ trong lịch sử cho cả nam và nữ. Vậy người phụ nữ đấu tranh để giữ vững các quyền đó quyết liệt, bền bĩ như thế nào? 

Muốn sống thì trước tiên phải lao động để sống; lao động cật lực chống lại thiên nhiên và cả con người, cách tìm ra lửa, cách thuần dưỡng thú rừng, súc vật, đến các giải pháp hiện đại để chống lại sự bóc lột giá trị thặng dư… Ngoài ra người phụ nữ phải đảm đang một loại lao động quý giá nhất mà không ai có thể làm được, là để tái tạo ra con người - tức sanh đẻ. Và họ đã chiến thắng! Họ đã tồn tại!

Có một chân lý: cái gì thuộc về tinh anh thì cũng phải kết tinh, tích tụ theo quy luật riêngcủa nó. Thí dụ: Muối mặn là chất kết tinh từ nước biển, nó không để lẫn các thứ bùn cát và tạp chất nào. Quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc cũng là một loại tinh anh, nó cũng không thể hình thành với các thứ có hại cho nó. Kẻ nào tước quyền đó thì nó sẽ phản kháng, đấu tranh, chống lại ngay. Sức phảng kháng, đấu tranh này là quyết liệt, lâu bền và thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về khối tinh anh kết tinh hoàn hảo.

Đưới chế độ phong kiến, các quan điểm, nhận thức sai lầm về “nam nữ bất bình đẳng”, “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ không được học cao, thi cử, làm quan… Song ở nông thôn, các gia đình, ở mỗi xóm ấp, người nữ vẫn duy trì các quyền của mình, vẫn sống và vẫn vươn lên!

Ngày nay, thời đại văn minh, chúng ta thống nhất quan điểm: chế độ phong kiến thối nát đã lụi tàn, các quan điểm nào của Khổng - Mạnh sai trái, lạc hậu phải được gạt bỏ. Cái gì là bản chất, tinh anh của nhân dân phải được bảo vệ.

Kết luận: 

Người phụ nữ Việt Nam: Đã được nhân dân ta phong tặng là Thánh mẫu, đây là bậc mẫu nghi đệ nhất dân tộc.

Mẹ: là người mẹ nhân từ, nhân ái, bao dung...

Dâu: thuần thục, đảm đương, quán xuyến... 

Vợ: thủy chung, son sắc...

Phụ nữ Việt Nam: Yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, cộng với những đặc tính ưu việt nêu trên.

Nhà nghiên cứu VÕ NGỌC AN