Họ Huỳnh ở Bình Trị Đông A - Một gia tộc điển hình
17/07/2023 18:51:14Có những vinh danh cá nhân hay gia tộc, mọi người đều biết. Có những hy sinh thầm lặng nhưng sáng ngời và đẹp đẽ vô cùng. Đó là đặc điểm của gia tộc họ Huỳnh ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Họ không biết tổ tiên từ đâu đến. Khi ấy, họ định cư tại một nơi chưa được đặt tên… Xưa kia nơi đó khởi thủy là rừng, phá rừng làm ruộng rẫy, nay lại là một quận ngoại thành, rất gần trung tâm thành phố. Đó là phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân với một tên gọi dân gian giản dị; khu Mã Lò.
Cổng từ đường họ Huỳnh ở Bình Trị Đông A.
Mã Lò - Tổ quán họ Huỳnh
Khi chúng tôi nhận được một địa chỉ gia tộc trong tay với tên đường Mã Lò, hay khu Mã Lò, phường Bình Trị Đông A, chúng tôi chưa biết nó nằm ở đâu trên bản đồ thành phố? Đó là năm 2010. Chúng tôi tìm trên những trang web, hỏi thăm những người quen, tìm cách liên lạc gia tộc họ Huỳnh, nhờ hướng dẫn.
Một vài thông tin làm hoang mang: đó là một nơi hẻo lánh, ít người qua lại, có nhiều tệ nạn trú ẩn…
Một thông tin khác ngắn gọn: phường Bình Trị Đông của quận Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân và được chia ra 3 phường: P. Bình Trị Đông, P. Bình Trị Đông A và P. Bình Trị Đông B. Và một người cháu họ Huỳnh, đang là cán bộ địa phương, đã nhiệt tình gởi cho tôi một bản đồ phường Bình Trị Đông A, qua email. Thật quá đủ cho một cuộc phỏng vấn đầu tiên.
Khi chúng tôi đến, Khu Mã Lò hiện ra không như chúng tôi nghĩ: nhà cửa san sát nhau, đôi khi bên cạnh một khu đất vườn mênh mông, hiện ra một nhà cao tầng! Một thuở Bình Trị Đông của quận Bình Chánh, của những nông dân chân lấm tay bùn, sống nhờ ruộng rẫy, đã gần như đi vào ký ức! Từ năm 2000, Bình Trị Đông A thuộc quận Bình Tân là một khu đô thị mới, nằm sát trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại với địa danh Mã Lò. Đó là tên Tây hay tên Tàu, có từ bao giờ tại vùng châu thổ sông Vàm Cỏ này? Người dân kể rằng khi xưa nơi đây là nơi ở của dân nghèo sống nhờ vào đất ruộng. Trong thôn ấp, độc nhất có một cái lò gốm của một gia đình giàu có.
Cái lò gốm không giống bất kỳ một lò gốm nào hiện nay mà chúng ta từng thấy: nó hình khối chữ nhật! Để bán vật dụng cho những người nông dân, chủ lò chỉ sản xuất ra những đồ dùng hằng ngày như nồi niêu, lò (hoặc cà ràng), chén tô, lu, khạp, bằng đất nung. Sau khi ông chủ lò qua đời, người con xây cho cha mình một cái mộ (mả) hình lò gạch với những viên gạch xếp chồng lên nhau. Tên Mã Lò có từ đó.
Về sau, không rõ gia đình dọn đi đâu, trẻ con trong vùng, đôi khi cả người lớn nữa, đến nhặt một vài viên gạch đem về nhà mình, để mà… ngắm vậy thôi. Đồi với dân nghèo thuở ấy, viên gạch là biểu tượng của sự giàu có. Dần dần, cái mả ấy không còn nữa, nhưng địa danh này vẫn lưu truyền hơn 100 năm qua.
Từ địa danh này, cả nước phát hiện gia tộc họ Huỳnh qua một bài báo ngắn: Một gia tộc có 32 liệt sĩ và 3 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Với chúng tôi, chúng tôi còn được phép tìm hiểu tộc họ Huỳnh cả 6 đời. Người chúng tôi gặp đầu tiên là ông trưởng tộc 73 tuổi. Ông Huỳnh Văn To. Nhiều năm qua, ông đã tự ghi và giữ gìn một tập giấy, chép tay, với những tên họ thân tộc đã mất cùng các ngày giỗ. Chỉ có vậy, nhưng đối với chúng tôi, đó là tư liệu quí giá đầu tiên để viết gia phả cho dòng họ. Thuận lợi hơn nữa, bà con họ tộc đều sinh sống từ bao đời nay quây quần trên những mảnh đất của ông cha để lại. Gia tộc họ Huỳnh đã xây dựng được một nhà từ đường, một bia liệt sĩ và một khu mộ dành cho thân quyến.
Họ Huỳnh và những hy sinh, cống hiến cho đất nước
Hơn 200 năm trước, họ Huỳnh có hai anh em từ nơi khác đến khẩn đất khai hoang. Sau khi người anh Huỳnh Văn Trọn mất sớm, người em Huỳnh Văn Vẹn lập gia thất với một thôn nữ xin đẹp tại địa phương tên là Nguyễn Thị Phụng. Ông bà sinh được 8 người con. Mãi cho đến đời thứ 4, con cháu họ Huỳnh vẫn nối nghiệp ông cha trên những thửa ruộng của mình. Không những giỏi việc cấy cày, họ Huỳnh còn biết rèn giáo mác để giết giặc. Đất nước ta có bao nhiêu năm chiến tranh thì con cháu họ Huỳnh cũng đã xả thân từng ấy năm giữ nước. Ngoài đất Tổ khởi nghiệp là Bình Trị Đông A, có một nhánh họ Huỳnh đến sinh sống tại xã Bà Điểm, Hóc Môn - Mười tám thôn vườn trầu, được bên ngoại dìu dắt, đã trở thành những người con ưu tú của vùng đất thép anh hùng này.
Trên bia thờ 32 liệt sĩ có bằng tuyên dương, nhưng qua khảo sát, con cháu họ Huỳnh còn nhiều người con khác đã hy sinh cho đất nước mà chưa được ghi công. Bất cứ họ là nam hay nữ, phần đông họ đều rất trẻ, khi nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ sẵn sàng lên đường. Đôi khi, họ lại lặng lẽ nằm xuống ở nơi nào đó, không có cả ngày giỗ!
Một trong ba bà Mẹ Việt Nam anh hùng có một bà mẹ có đến năm con và một cháu nội đã hy sinh. Có một người cha họ Huỳnh chỉ có một con trai độc nhất mà cha và con đều là liệt sĩ.
Có chuyện đau thương bao nhiêu năm còn dấu kín về một gia đình lao động trong dòng họ: một người mẹ họ Huỳnh trên đường đi buôn bán, bị giặc giết khi chưa về đến nhà, bỏ lại sáu đứa con. Cùng năm ấy, người cha bị tù Côn Đảo, vượt ngục không thành, giặc giết thủ tiêu xác!
Giặc đến thôn làng nào thì nhà cửa, mồ mả tan hoang. Sau ngày hòa bình, họ Huỳnh quay về vườn ruộng cũ, đất đai bị cày xới, mồ mả cha ông bị san bằng!
Gia tộc họ Huỳnh hy sinh nhiều trên chiến trường, nhưng ở hậu phương con cháu họ Huỳnh cũng chịu chung số phận của thời loạn lạc. Thế nên, để cầu nguyện cho người chết và để yên lòng người sống, cuối năm 2009, cả họ làm một đại lễ cầu siêu cho những thân tộc đã khuất.
Con cháu họ Huỳnh trong ngày đại lễ cầu siêu 3/11/2009
Con cháu viết nên những trang sử gia tộc chói lọi
Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bên cạnh những đau thương không gì bù đắp, gia tộc họ Huỳnh còn có những người con trung hiếu, làm tròn nghĩa vụ và đã trở về với những huân chương sáng ngời trên ngực áo. Trong hòa bình, nhiều cháu con họ Huỳnh được học hành và đỗ đạt cao. Nhiều gia đình làm ăn khá giả, nhiều người thành danh, giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong các cơ quan Nhà nước.
Ngày bàn giao gia phả cũng là một ngày thật đáng nhớ. Quyển gia phả màu đỏ mạ chữ vàng, được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên cạnh mâm lễ vật. Ông trưởng tộc làm chủ lễ khấn vái trình Tổ tiên nhiệm vụ ghi chép gia phả đã hoàn thành. Từ đây gia tộc họ Huỳnh gắn kết đùm bọc nhau hơn, và cùng nhau xây dựng một quỹ khuyến học, khuyến tài, tìm cách hỗ trợ bà con còn khó khăn.
Đặc điểm của dòng họ Huỳnh mà họ rất tự hào: là thành phần nông dân từ sáu đời nay, sự thật thà bình dị mang chất Nam bộ, dù ở cương vị nào vẫn luôn giữ được sự gần gũi thân thiện:
- Đối với đất nước, sự trung thành và tình yêu quê hương thể hiện trong mỗi con người họ Huỳnh: trong sáng và mãnh liệt.
- Kế tục nghề nông của cha ông, họ Huỳnh lao động cần cù, bền bỉ.
- Luôn giữ đạo hiếu và coi trong việc thờ phụng Tổ tiên. Tập họp con cháu trong những ngày lễ giỗ quan trọng trong năm: giỗ Tỗ (ông Tổ -bác Huỳnh Văn Trọn ông Tổ Huỳnh Văn Vẹn và bà Tổ Nguyễn Thị Phụng), lễ dẫy mả nhân dịp cuối năm, ngày kỷ niệm và nhớ ơn anh hùng liệt sĩ 27/7.
- Luôn muốn nối kết các họ nội ngoại để giúp đỡ nhau.
- Rất hiếu học và cầu tiến; họ luôn tìm tòi và phát huy kiến thức, nghề nghiệp.
Trước mắt chúng ta là một bức tranh đẹp: một ngôi từ đường, một đền thờ liệt sĩ, một khu mộ cho toàn gia tộc đứng cạnh nhau, những ngày giỗ có mặt đông đủ con cháu… như thể, cả người sống và người đã khuất, cùng về đây sum họp, như chưa hề có cuộc chia ly đau xót nào!
“Trải tấm lòng son vì đất nước
Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”
(Hai câu đối trên bia thờ liệt sĩ họ Huỳnh)
Gia tộc họ Huỳnh đã hiến dâng những người con ưu tú, đã làm cho cả nước xúc động vì sự quả cảm và đức hy sinh vô bờ. Để tỏ lòng biết ơn những người đã khuất, cháu con luôn biết thương yêu và giúp đỡ nhau, hiếu nghĩa tròn vẹn. Mỗi gia đình giữ gìn, giáo dục lễ giáo truyền thống cho thế hệ đời sau, và cho dù ở đâu, họ cũng luôn nhớ về nguồn cội. Mỗi năm cháu con đều trở về thắp hương lên bàn thờ Tổ tiên.
Con cháu họ Huỳnh đã làm rạng danh dòng họ. Nhiều đời trôi qua, từ khi hai ông tổ đi khẩn đất khai hoang, cho đến những người con trung hiếu, nghe được lời kêu gọi chống ngoại xâm và đã tự nguyện đóng góp một phần xương máu cho đất nước. Đây là một trong những gia tộc điển hình, trong thời đại chúng ta.
HỒ VIỆT KIM CHI
Các tin cũ
- » 081. Gia phả họ Huỳnh (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) 14/07/2023 19:18:27
- » Sơ lược về lịch sử dòng họ Phạm Việt Nam 14/07/2023 17:38:50
- » Vai trò của hương ước trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay 14/07/2023 16:23:49
- » Văn hoá gia phả dòng họ của dân tộc M’nông 14/07/2023 16:01:50
- » Gia phả lớn nhất thế giới kết nối 13 triệu người tiết lộ những điều thú vị 11/07/2023 15:42:59
- » DỊCH VỤ LÀM GIA PHẢ - DỊCH HÁN NÔM RA QUỐC NGỮ 10/07/2023 16:19:42
- » Kinh nghiệm dịch thuật gia phả từ Hán Nôm sang quốc ngữ 10/07/2023 15:45:53
- » Gia phả học và việc nghiên cứu gia phả ở Việt Nam 10/07/2023 15:22:27
- » Bài thơ tưởng nhớ nhà nghiên cứu Võ Văn Sổ 08/07/2023 19:13:15