Trang chủ > Kỳ nữ cải lương Kim Cương có phải là cháu vua Thành Thái?

Kỳ nữ cải lương Kim Cương có phải là cháu vua Thành Thái?

26/08/2022 17:38:00

Thời gian gần đây, khi phát hành tác phẩm “Nữ nghệ sĩ Tiền phong Năm Sa Đéc và nghệ thuật sân khấu Nam Bộ”, nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan đã đặt tồn nghi về thông tin kỳ nữ cải lương Kim Cương là cháu vua Thành Thái (1879-1955).

Mặc dù vụ việc đã được nhà nghiên cứu tên tuổi Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định trong tác phẩm “Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn” và đích thân kỳ nữ Kim Cương viết rõ ràng tại hồi ký: “Sống cho người - Sống cho mình”. Tuy nhiên, trong tác phẩm “Nữ nghệ sĩ Tiền phong Năm Sa Đéc...” nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan vẫn đặt ra những tồn nghi liên quan đến mốc thời gian năm sinh của ông Nguyễn Ngọc Cương, người được cho là con của vua Thành Thái và bà Lưu Thị Ngoạn.  

Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan (phải) và bìa sách tác phẩm của ông (trái)

Cụ thể, trong tác phẩm của mình, khi viết về vị vua thứ 10, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có đề cập đến người con trai của vua Thành Thái với bà Lưu Thị Ngoạn: “Qua chỉ dẫn của học giả Vương Hồng Sển, chúng tôi đã tìm biết được trong thời gian bị an trí tại Cap Sain Jacques và Sài Gòn, cựu hoàng Thành Thái đã có với bà Lưu Thị Ngoạn - bầu gánh hát bội Phước Xương - một người con trai đặt tên là Nguyễn Ngọc Cương (sinh năm 1913). Năm 1936, ông Cương lập gia đình với nghệ sĩ Bảy Nam (tức Lê Thị Nam) và lập nên gánh hát Đại Phước Cương. Năm 1945, trong lúc cùng gia đình đi hát ở một vùng ngoại ô tỉnh Bình Thuận, ông Cương đã mất. Nghệ sĩ sân khấu Kim Cương ngày nay là ái nữ của ông bà Ngọc Cương và Bảy Nam”.

Theo nội dung này, kỳ nữ cải lương Kim Cương chính là cháu nội vua Thành Thái.

Chân dung vua Thành Thái (trái); nghệ sĩ Kim Cương (phải) - cháu nội của vua Thành Thái

Còn kỳ nữ Kim Cương, trong hồi ký của mình, bên cạnh việc xác nhận bà nội mình từng là thiếp của vua Thành Thái, còn cho biết thêm cha bà từng sang Pháp du học: “Bà nội cho ba sang Pháp học ngành y, hi vọng sau này ba sẽ trở thành bác sĩ danh giá. Nhưng những buổi học khô của y học không làm ba hứng thú bằng những giờ được “bay bổng” trong các tác phẩm văn học nghệ thuật phương Tây. Thế là ba bỏ ngành y sang học ngành sân khấu tại Paris”.

Theo nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan, nếu căn cứ vào năm sinh của ông Cương như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết là 1913, đối chiếu với sự ra đời của đoàn cải lương Phước Cương được thành lập năm 1925 do chính ông Cương lèo lái thì lúc đó ông Phước Cương chỉ mới 12 tuổi.

Và cũng từ năm sinh 1913 của ông Cương, ông Thiện Mộc Lan đã đặt ra tồn nghi: Vậy ông Cương sang Pháp du học trước hay sau khi đã lèo lái đoàn hát Phước Cương do ông làm chủ? Cũng từ năm sinh 1913, ông Thiện Mộc Lan đã so sánh với tuổi của 3 người vợ của ông Cương vì có nhiều điểm rất lấy làm lạ. Bởi nếu sinh năm 1913, ông Cương chỉ bằng tuổi người vợ thứ ba là cô Bảy Nam (tộc danh Lê Thị Nam, 1913-2004) và sinh ra kỳ nữ Kim Cương, nhưng lại nhỏ hơn 2 người vợ đầu.  

Cụ thể, người vợ đầu của ông Cương là cô Năm Nhỏ, tộc danh Huỳnh Thị Tân (1895-1938), nếu sinh năm 1913, ông Cương nhỏ hơn vợ 18 tuổi. Còn với người vợ thứ nhì: Cô Năm Phỉ, tộc danh Lê Thị Phỉ (1907-1954), nếu sinh năm 1913, ông nhỏ hơn 6 tuổi.  Ông Thiện Mộc Lan cũng cho biết thêm, bà Lê Thị Ngoạn (cô Ba Ngoạn) có nhiều người con, trong đó ông Nguyễn Ngọc Cương là con thứ Tư, theo cách gọi Nam bộ, người ta thường gọi là cậu Tư Cương.

Trong khi đó, theo Từ điển nhà Nguyễn, tác giả Võ Hương- An cho biết, mãi đến năm 1907, vua Thành Thái mới bị ép thoái vị. Ban đầu người Pháp đưa cựu hoàng an trí tại Cap Saint Jacques, đến năm 1916 ông được đưa đi an trí tại đảo Réunion ở Châu Phi đến năm 1947 mới được đưa trở lại Sài Gòn và mất tại đây vào 9.3.1955 (18.2. Ất Mùi), thọ 77 tuổi.  Vua có tất cả 45 người con (19 trai, 26 gái).

Do đây là câu chuyện đã xưa và liên quan đến nhân thân nhiều nhân vật quan trọng, có tên tuổi trong xã hội, vì vậy rất mong các nhà nghiên cứu tiếp tục đóng góp thêm ý kiến để sớm làm sáng tỏ vấn đề có ý nghĩa này.  

Theo Lục Tùng (laodong.vn)

(GP: 2-11-2021)