Trang chủ > Tổng quan các dạng thức văn hóa Việt Nam

Tổng quan các dạng thức văn hóa Việt Nam

25/08/2022 16:59:55

Trong một quốc gia, các dạng thức văn hoá thường rất phong phú, đa dạng, tuy nhiên có thể quy chúng về mấy nhóm chính, như: a) Văn hoá cộng đồng (văn hoá tộc người, văn hoá quốc gia Việt Nam, văn hoá làng, văn hoá gia đình, dòng họ, văn hoá tôn giáo tín ngưỡng...), b) Văn hoá cá nhân, c) Văn hoá vùng - lãnh thổ (văn hoá vùng, văn hoá địa phương...) và d) Văn hoá sinh thái.

Trong mỗi nhóm như vậy lại chứa đựng nhiều dạng thức văn hoá khác nhau. ở đây, chúng tôi xin nêu một số dạng thức chính(1)

I. Văn hoá cộng đồng

Văn hóa cộng đồng bao gồm 6 loại hình cơ bản sau đây:1.Văn hóa tộc người, 2. Văn hóa quốc gia Việt Nam, 3. Văn hóa làng, 4. Văn hóa gia đình, gia tộc và dòng họ, 5.Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, 6.Văn hóa nghề nghiệp.

1. Văn hoá tộc người 

Văn hoá tộc người tương ứng với cộng đồng tộc người, hình thành sớm nhất từ hậu kì đá mới và tồn tại bền vững tới tận ngày nay. Việt Nam từ thời lập quốc Văn Lang - Âu Lạc (cách ngày nay khoảng 2500 năm) thì quốc gia đó đã là quốc gia đa tộc người. Các dấu hiệu văn hoá hiện tại còn nhận biết được qua các di vật khảo cổ cho thấy, có thể cư dân của các quốc gia cổ đại ấy nói các ngôn ngữ khác nhau thuộc Môn - Khơme cổ, Việt - Mường cổ, Tày - Thái cổ(2).

 Từ đó trở đi, cùng với việc mở rộng và củng cố cương vực của các triều đại phong kiến, thì tính đa tộc người của quốc gia Việt Nam càng trở nên rõ rệt hơn. Cho tới nay, theo công bố chính thức của Nhà nước vào năm 1979 thì nước Việt Nam có 54 tộc người, thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ - tộc người khác nhau: Việt - Mường, Môn - Khơme, Tày - Thái, Nam Đảo, Hmông - Dao, Tạng - Miến, Hán, với những sắc thái văn hóa rất phong phú, đa dạng. Sắc thái văn hoá đa dạng ấy thể hiện trên ba cấp độ: Sắc thái đa dạng của nhóm ngôn ngữ - tộc người, của tộc người và của nhóm địa phương của tộc người(3).

 Từ góc độ tộc người và văn hóa thì Việt Nam giống như một Đông Nam á thu nhỏ, bởi vì trên lãnh thổ Việt Nam hiện sinh sống đầy đủ các đại biểu của các nhóm ngôn ngữ - tộc người (ngữ hệ và ngữ tộc) lớn của Đông Nam á, như Nam á (trong đó có Môn - Khơme, Việt - Mường, Thái, Hmông - Dao), Nam Đảo (Austronésien), Hán - Tạng (Tạng - Miến, Hán).

 Việc phân chia (phân loại) các tộc người ở Đông Nam á nêu trên cơ bản dựa trên các cứ liệu về mối quan hệ thân thuộc về ngôn ngữ, tuy nhiên, từ các mối quan hệ thân thuộc ấy, sự tương đồng về những đặc trưng văn hoá cũng thể hiện khá rõ. Chúng ta hãy tạm nêu các đặc trưng cơ bản về văn hoá của các nhóm ngôn ngữ - tộc người của Việt Nam.

a. Nhóm Việt - Mường

 Bao gồm người Việt, Mường, Thổ và Chứt, có dân số đông nhất ở Việt Nam (trên 85% dân số cả nước). Các tộc người này có nguồn gốc chung từ cộng đồng người Tiền Việt Mường (Việt cổ) thời Văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng gần 3000 năm. Trong suốt thời Bắc Thuộc (thế kỉ I - X), đã diễn ra quá trình phân hoá giữa người Việt và Mường và sau đó các cộng đồng nhỏ hơn, như Chứt, Thổ tách khỏi người Việt vào khoảng thế kỉ XV.

 Cư dân nhóm Việt - Mường chủ yếu canh tác nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng châu thổ ở Bắc Bộ và Nam Bộ và rẻo đồng bằng hẹp ven biển miền Trung. Sự tương đồng văn hoá giữa các tộc người này thể hiện chủ yếu về trình độ phát triển, trong đó tộc người Việt phát triển cao, còn các nhóm Thổ, Chứt thì sống biệt lập và có phần thoái hoá.

b. Nhóm Môn - Khơme

Bao gồm 21 tộc người khác nhau, như: Khơ me, Bana, Xơ đăng, Cơ ho, Hrê, Co, Mnông, Mạ, Xtiêng, Bru, Tà ôi, Cơ tu, Giẻ- Triêng, Brâu, Rơmăm, Chơro, Khơmú, Kháng, Xinh mun, Mảng, Ơđu. Đó là các tộc người bản địa ở Việt Nam và các nước Đông Dương. Hiện nay họ sinh sống ở các miền rẻo giữa vùng núi và cao nguyên, làm nương rẫy canh tác lúa khô, cơ cấu xã hội truyền thống là làng (buôn, bon, plây) mang tính cộng đồng cao, tín ngưỡng đa thần, văn hoá giữ lại nhiều tàn dư của xã hội nguyên thuỷ, ít chịu ảnh hưởng văn hoá Hán và ấn Độ (trừ dân tộc Khơme).

c. Nhóm Tày - Thái

Bao gồm 8 tộc người: Thái, Tày, Nùng, Lự, Lào, Giáy, Bố y, Sán chay, sinh sống chủ yếu ở các thung lũng miền núi phía bắc Việt Nam, tạo nên một dạng sinh thái - tộc người thung lũng và cùng với nó là dạng văn hoá thung lũng. Họ canh tác lúa nước, xã hội tổ chức thành bản (làng) và Mường, một hình thức tổ chức tiền nhà nước. Mối quan hệ và tương đồng về ngôn ngữ và văn hoá giữa các tộc người này khá gần gũi và chặt chẽ.

d. Nhóm Nam Đảo (Austronésien)

Bao gồm 5 tộc người: Chăm, Êđê, Gia rai, Raglai, và Chu ru, sinh sống chủ yếu ở Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Tổ tiên của các tộc người này có lẽ là chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh thời sơ kì kim khí. Sau đó có sự phân hoá giữa người Chăm cư trú ven biển tiếp thu văn hoá ấn Độ và hình thành nhà nước Chămpa thời đầu công nguyên với các tộc người khác vượt lên sinh sống ở Tây Nguyên, không hoặc ít chịu ảnh hưởng văn hoá ấn Độ, là tổ tiên của các tộc Êđê, Gia rai, Raglai và Chu ru ngày nay. Văn hoá của các tộc người này mang sắc thái văn hoá biển, thể hiện qua huyền thoại, sử thi, truyền thuyết, kiến trúc nhà ở, phong tục, nghi lễ...

e. Nhóm Hmông - Dao

Bao gồm 3 tộc: Hmông (Mèo), Dao và Pà Thẻn, sinh sống chủ yếu ở vùng rẻo núi cao miền núi phía bắc Việt Nam, tạo nên dạng sinh thái - tộc người rẻo cao. Họ canh tác nương rẫy trồng ngô và lúa khô. Các tộc người này từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam từ các thời kì lịch sử khác nhau, sớm nhất từ thế kỉ XIII (người Dao) và thế kỉ XVIII - XIX (Hmông). Văn hoá các tộc người này mang sắc thái Bắc á, thể hiện qua trang phục, truyền thuyết, nghi lễ, đặc biệt là Shaman giáo.

f. Nhóm Tạng - Miến (Tiberto - Birman)

Bao gồm các tộc người: Hà nhì, Lô lô (Di), La hủ, Cống, Phù lá, Si la, sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tương tự điều kiện sinh thái của nhóm Hmông - Dao. Họ canh tác nương rẫy, trồng lúa và ngô. Các tộc người này về lịch sử và văn hoá gắn bó mật thiết với các tộc người ở vùng tây nam Trung Quốc, mà tổ tiên họ đã từng sáng tạo nên văn hoá Điền thời sơ kì kim khí và là chủ nhân nhà nước Nam Chiếu thời đầu thiên niên kỉ II sau công nguyên. Các tộc người này di cư vào Việt Nam vào các thời kì lịch sử khác nhau, mang theo văn hoá vùng Tây Tạng và xa hơn là Trung á, làm phong phú hơn văn hoá Việt Nam.

g. Nhóm ngôn ngữ Hán  

 Gồm các tộc người: Hoa, Ngái và Sán Dìu, trong đó người Hoa thường sinh sống ở các đô thị, còn người Ngái, Sán Dìu thì tụ cư xen cài với các tộc khác ở miền núi phía bắc Việt Nam. Các tộc này đều từ Trung Quốc di cư vào Việt Nam, trong đó người Hoa là tộc người góp phần truyền bá văn hoá Hán vào Việt Nam.

 Mỗi tộc người vừa nêu trên thường hình thành các nhóm địa phương, giữa chúng có những khác biệt nhất định về thổ ngữ, trang phục, phong tục tập quán, nghi lễ..., trong một số trường hợp, như các nhóm địa phương của tộc người Hmông, Dao thì sự khác biệt ấy khá lớn, thậm chí tiếng nói giữa các nhóm rất khác nhau. Tình trạng đó khiến cho tính đa dạng và phong phú của văn hoá tộc người càng trở nên sống động và rõ rệt hơn.

 Như vậy, xét từ góc độ nguồn gốc và lịch sử, Việt Nam là nơi hội tụ giữa các tộc người bản địa (Việt - Mường, Môn - Khơme) với các tộc từ miền bắc di cư xuống (Thái, Hmông - Dao, Tạng - Miến, Hán) và từ biển phía nam lên (Nam Đảo). Tình trạng cư trú xen cài giữa các tộc người, một mặt, tạo môi trường thuận lợi cho sự giao lưu văn hoá, mặt khác cũng làm cho sự tách biệt giữa các nhóm địa phương của tộc người, khiến bức tranh văn hoá càng trở nên phức tạp hơn.

 Sự khác biệt và giàu có các sắc thái văn hoá của các nhóm địa phương của tộc người không hề làm suy giảm tính thống nhất của văn hoá tộc người và ý thức tộc người, mà chừng mực nào đó còn làm tăng thêm và củng cố tính thống nhất ấy thông qua sự đa dạng các sắc thái văn hoá của các nhóm địa phương(4).

 2. Văn hoá quốc gia Việt Nam 

Văn hoá quốc gia Việt Nam tương ứng với cộng đồng quốc dân Việt Nam. Quốc gia là một cơ cấu, một thực thể chính trị xã hội, bao trùm một không gian lãnh thổ, một tập đoàn dân cư nhất định, ở đó luôn thiết lập một cơ cấu quyền lực của một giai cấp nào đó lên toàn bộ xã hội. Quốc gia luôn có xu hướng cào bằng mọi sự khác biệt văn hóa giữa các địa phương và giữa các tộc người trong phạm vi quốc gia đó, có “tham vọng” từ thực thể chính trị - xã hội trở thành một thực thể văn hóa.

 Về bản chất, văn hóa Việt Nam thuộc loại liên văn hóa (interculture), nó là sản phẩm của quá trình giao lưu ảnh hưởng qua lại lâu dài giữa các tộc người, các nhóm cư dân trong một quốc gia, giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong khu vực và ngoài khu vực Đông Nam á.

 Văn hóa Việt Nam, với sự hỗ trợ của hệ thống hành chính, của cơ chế quyền lực, lúc đầu trên bình diện chính trị - xã hội, dần dần về sau cả về phương diện kinh tế nữa, đã thực sự là tác nhân, một mặt cào bằng sự khác biệt tộc người, địa phương; mặt khác, lại tạo nên sự tách biệt giữa chúng với những tộc người, bộ phận tộc người nằm ngoài lãnh thổ quốc gia, khiến cho xu hướng phát triển tộc người của hai bộ phận tộc người có đường biên giới quốc gia chạy qua chừng nào có sự khác biệt.

Việc hình thành văn hóa Việt Nam là một quá trình lịch sử lâu dàicùng với lịch sử đất nước. Quá trình ấy có thể phân chia thành hai giai đoạn chính. a) Giai đoạn quốc gia phong kiến tự chủ với sự thiết lập quan hệ thân thuộc giữa nhà nước trung ương tập quyền với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng biên viễn X - XIX b) Giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đầu XX đến nay với việc hình thành và củng cố quốc gia - dân tộc với đường biên giới ổn định và thiết lập quyền lực nhà nước trung ương vững chắc tới mọi miền lãnh thổ.

Chúng ta có thể nhận diện nền văn hóa Việt Nam thông qua các thành tố cơ bản:

- Trước nhất, nhân tố chính tạo nên đường nét của mỗi nền văn hóa là hệ tư tưởng, nó chi phối và tác động tới các thành tố, diện mạo và sắc thái văn hóa. Hệ tư tưởng là yếu tố “phi tộc người”, nó gần với thể chế chính trị - xã hội, là công cụ chính để cơ cấu quyền lực ấy có thể thâu tóm và chi phối mọi cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia. Hệ tư tưởng dễ lan toả và có khả năng gắn kết các văn hóa địa phương và tộc người lại với nhau.

Chúng ta đã từng nói tới ý thức hệ Tam giáo đã tác động và chi phối như thế nào đối với văn hóa Việt Nam thời phong kiến tự chủ. Còn với Việt Nam thời hiện đại thì đó lại là hệ tư tưởng Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu trước kia Tam giáo, nhất là Nho giáo, chủ yếu chỉ mới chi phối thượng tầng kiến trúc xã hội, tới tầng lớp sĩ phu, quan lại; thì ngày nay chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã phổ biến sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân ở mọi nơi, mọi dân tộc, kể cả các dân tộc thiểu số còn ở trình độ phát triển thấp.

- Đạo đức cũng là một trong những thành tố cơ bản của văn hóa, một mặt nó chịu sự quy định chặt chẽ của hệ ý thức, mặt khác nó kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống. “ái quốc, trung quân” là chuẩn mực đạo đức thời phong kiến, còn ngày nay thì trong điều kiện xã hội và tư tưởng mới, Hồ Chí Minh là người đi đầu trong việc nêu cao các chuẩn mực đạo đức mới:“Trung với nước, hiếu với dân”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Với mỗi lứa tuổi, giới tính và nghề nghiệp, Hồ Chí Minh đều có những chỉ dẫn về đạo đức: Sáu điều Bác dạy với thiếu nhi, tám chữ vàng với phụ nữ là: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; với quân đội: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; với cán bộ nhà nước: “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư”; ngoài ra Người còn có lời dạy lực lượng công an nhân dân, pháo binh, đặc công... Không thể nói các chuẩn mực đạo đức đó là của riêng ai, của riêng dân tộc nào, vùng nào mà là của chung con người Việt Nam. Tất nhiên, các chuẩn mực đạo đức ấy được đúc rút từ các giá trị truyền thống, được nâng lên dưới tư tưởng mới của thời đại, và khi thể hiện ra thì cũng hết sức đa dạng, mang sắc thái địa phương và tộc người.

Những nét chung của quan niệm đạo đức chi phối những chuẩn mực giao tiếp xã hội, chuẩn mực cái đẹp. Bởi vì, cái đẹp, tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp vừa là sự kết tinh những giá trị truyền thống nhưng đồng thời nó cũng mang tính thời đại, đáp ứng nhu cầu thời đại.

- Lối sống và nếp sống là trung tâm, là biểu hiện quan trọng nhất của mỗi nền văn hóa. Nếp sống thể hiện từ cách thức làm ăn, sinh hoạt vật chất (ăn, mặc, ở, đi lại...), sinh hoạt tinh thần (học tập, vui chơi, giải trí, tín ngưỡng, tôn giáo, văn học, nghệ thuật...), giao tiếp xã hội (gia đình, bạn bè, đồng chí...). Tuy nhiên, trong cùng một quốc gia, một thể chế xã hội, chịu tác động của cơ sở kinh tế, xã hội chung, cư dân trong nước ấy dù thuộc các tộc khác nhau, không thể không hình thành một lối sống mang những đặc trưng chung nhất. Phải chăng đó là lối sống công nghiệp, lối sống hiện đại mang bản sắc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, xích lại gần nhau giữa các dân tộc, tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng... đã và đang là tinh thần chỉ đạo lối sống của con người Việt Nam chúng ta, không kể đó là thành thị hay nông thôn, miền nam hay miền bắc, miền núi hay vùng xuôi, dân tộc đông người hay ít người. Lối sống này sẽ bao trùm và định hướng cho các nếp sống thể hiện với muôn hình muôn vẻ ở mỗi tộc người, địa phương khác nhau.

- Khoa học và giáo dục cũng là một thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam. ở mỗi thời đại, tuỳ theo hệ tư tưởng, giai cấp thống trị sử dụng hệ thống khoa học và giáo dục để thiết lập và khẳng định hệ tư tưởng, dùng nó như một công cụ để thực hiện những mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình. Khác với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, giáo dục, khoa học vừa kế thừa những truyền thống lâu đời vừa vươn lên đạt trình độ hiện đại và phổ quát.

- Cùng với khoa học, giáo dục thì ngôn ngữ và chữ viết cũng là thành tố chung của nền văn hóa Việt Nam, là phương tiện thúc đẩy nhanh quá trình giao lưu văn hóa và xích lại gần nhau giữa các dân tộc. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử nước ta, tiếng và chữ phổ thông lại được phổ cập và đóng vai trò là phương tiện giao tiếp rộng rãi văn hóa giữa các dân tộc như hiện nay. Có thể nói nếu không có chữ và tiếng phổ thông thì sẽ khó có được nền văn hóa Việt Nam như hiện tại. Ngày nay, ở các vùng dân tộc thiểu số, ngoài tiếng mẹ đẻ đã và đang được tạo điều kiện phát triển, thì một số dân tộc đã có chữ viết (Chăm, Khơme, Thái,...) cũng như các dân tộc chưa có chữ viết đều được quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa trọng yếu này. Thực trạng sử dụng song ngữ, đa ngữ (tiếng mẹ đẻ, tiếng phổ thông, tiếng nói giao tiếp khu vực) ngày một mở rộng và hợp với quy luật phát triển của quốc gia đa dân tộc hiện nay(5).

3. Văn hoá làng

Văn hoá làng tương ứng với cộng đồng làng, một cơ cấu dân cư, kinh tế, xã hội và văn hoá cơ bản của xã hội các tộc người của nước ta từ hàng ngàn năm nay. Ban đầu, làng (bản, buôn, plây, bon...) là một nơi cư trú của một số gia đình, gia tộc (lúc đầu phần lớn là các gia đình cùng huyết thống, sau trở thành quan hệ láng giềng), dần dần làng được củng cố bằng các quan hệ sở hữu và lợi ích kinh tế, thành một thiết chế xã hội mang tính tự quản, thể hiện qua hương ước, luật tục, nằm trong khuôn khổ các đơn vị hành chính thời phong kiến và xã hội hiện nay. Đặc biệt, trên cơ sở điều kiện môi trường nơi cư trú, hoạt động sản xuất và thiết chế xã hội, làng dần hình thành những đặc trưng văn hoá mang tính đặc thù, thể hiện qua đời sống tâm linh - tín ngưỡng, qua các phong tục tập quán, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân gian, mà đặc trưng nổi bật là hệ thống hội làng. Từ hàng nghìn năm nay, văn hoá làng trở thành cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, truyền thừa và bảo tồn, phát huy nền văn hoá dân tộc, trở thành vũ khí sắc bén; một mặt, bản địa hoá các ảnh hưởng văn hoá ngoại lai, làm giàu văn hoá dân tộc; mặt khác, là pháo đài chắc chắn nhất chống lại mưu đồ đồng hoá của các thế lực ngoại xâm.

Có thể nói mỗi làng đều có một tên gọi, một lịch sử, một số phận, một phẩm chất và "tâm hồn" riêng. Trong bước ngoặt công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, làng và văn hoá làng chưa phải đã mất đi cốt cách, tính năng động và sức mạnh tiềm ẩn của nó. Làng và văn hoá làng vẫn là "ngã ba đường" của bước chuyển biến của đất nước và dân tộc trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.             

Hiện tại, việc xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở, ở khu dân cư cần lấy văn hoá làng làm nền tảng truyền thống để kế thừa và phát huy. Trước nhất, trong cải cách hành chính hiện nay, không nên hành chính hoá cấp làng, mà vốn từ xa xưa nó là cơ cấu xã hội tự quản. Cũng cần phải nghiên cứu và trả lại cái tên làng vốn có từ xưa, gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hoá và tâm hồn, tình cảm của làng. Trong xây dựng quy ước văn hoá làng, phải kế thừa truyền thống tự quản từ xa xưa, củng cố và phát triển quan hệ cộng đồng làng xã, phát huy các giá trị sinh hoạt văn hoá nghệ thuật cổ truyền trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở hiện nay.  

4. Văn hoá gia đình, gia tộc và dòng họ

Gia đình, gia tộc, dòng họ là các hình thức cộng đồng huyết thống, một kiểu tập hợp, liên kết sớm nhất của con người. Tương ứng với cộng đồng này từ lâu đã hình thành các dạng thức văn hoá đặc thù, mà người xưa thường gọi là gia phong. Gia phong là “nếp nhà”, như vậy, tuỳ theo mỗi địa phương, mỗi tộc người, thậm chí truyền thống mỗi gia đình có những sắc thái riêng về gia phong, thể hiện qua cách tổ chức gia đình (phụ hệ hay mẫu hệ), nghề nghiệp, học vấn, quan hệ và chuẩn mực ứng xử, cách thức giáo dục... Các cụ xưa đã xây dựng nền nếp gia phong trên các phương diện, như gia pháp, gia huấn, gia giáo, gia trị, gia dưỡng ...

Gia phong giữ vai trò quan trọng tạo dựng văn hoá và nhân cách của con người, đó là:

- Góp phần tạo dựng và củng cố ý thức cộng đồng, từ cộng đồng gia tộc, dòng họ đến cộng đồng làng xã, dân tộc và quốc gia.., từ đó giáo dục và nâng cao chủ nghĩa yêu nước, là môi trường tốt rèn luyện, sản sinh ra những con người kiên cường chiến đấu, sẵn sàng hi sinh cho độc lập, tự do, cho nghĩa lớn của dân tộc.

- Là môi trường giáo dục con người. Đó là môi trường để nhập thân văn hoá, trao truyền văn hoá từ thế hệ này đến thế hệ khác. ở đó con người được học tập, trau dồi ngôn ngữ, trí tuệ, kinh nghiệm sản xuất, ứng xử xã hội, ý thức văn hoá, ý thức cội nguồn...

- Góp phần xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc. Trước nhất phải kể tới các dòng họ văn hiến, các dòng họ đã sản sinh ra các giá trị văn hoá, sản sinh ra các nhân vật kiệt xuất, các nhà văn hoá lớn, xứng đáng là gương mặt tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam từng thời đại như Nguyễn Du thế kỉ XVIII, Hồ Chí Minh thế kỉ XX...

Bên cạnh những đóng góp to lớn kể trên, dòng họ cũng thể hiện những hạn chế, tiêu cực, như tư tưởng phe cánh, bè phái; lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mưu cầu lợi ích riêng, gây phiền hà, tốn kém; tư tưởng gia trưởng, tôn ti trên dưới, chèn ép, cản trở tự do cá nhân...(6).

5. Văn hoá tôn giáo tín ngưỡng

Tương ứng với các cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, nho giáo, đạo Mẫu... đều có các dạng thức văn hoá tương ứng: văn hoá Phật giáo, văn hoá Kitô giáo, văn hoá Nho giáo, văn hoá Hồi giáo, văn hoá đạo Mẫu ...

Bản thân các tôn giáo tín ngưỡng đã là một hình thức văn hoá đặc thù, đấy là chưa kể, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi tôn giáo tín ngưỡng bao giờ cũng sản sinh, tích hợp trong nó những hiện tượng, những sinh hoạt văn hoá nghệ thuật. Văn hoá tôn giáo tín ngưỡng thường biểu hiện qua hàng loạt yếu tố văn hoá vật thể, như các công trình kiến trúc nhà thờ đạo Kitô, chùa Phật giáo, thánh thất đạo Cao Đài, thánh đường Hồi giáo, các dạng đình, đền, am, miếu; các hình thức trang trí kiến trúc, tranh thờ, tượng thờ, các đồ thờ phù hợp với từng loại tôn giáo tín ngưỡng, các loại trang phục, lễ phục phù hợp với các hình thức nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng... Đặc biệt là các dạng văn hoá phi vật thể, như các giáo lí, kinh sách chứa đựng các nội dung vũ trụ luận, nhân sinh, đạo đức, chuẩn mực ứng xử xã hội... kèm theo đó là các hình thái văn học, chữ viết cổ xưa thường gắn liền với đời sống tôn giáo tín ngưỡng. Các hình thức diễn xướng nghi lễ, như tế tự, rước xách, lễ hội, mà trong đó thường chứa đựng các hình thức hoạt động văn hoá nghệ thuật phong phú, như nhạc lễ, múa nghi lễ, các trò diễn nghi lễ...(7).

Rõ ràng là, với sự hiện diện của các tôn giáo tín ngưỡng và cùng với nó là các hình thức văn hoá nghệ thuật tương ứng đã góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hoá dân tộc.

6. Văn hoá nghề nghiệp

Nước ta là nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 80% thành phần cư dân, tuy nhiên, trong môi trường nông thôn và đô thị, thành phần nông dân, nhìn từ góc độ nghề nghiệp cũng không thuần nhất. Bên cạnh những người chuyên nông nghiệp vẫn có những người làm các nghề khác, mỗi nghề tạo nên một loại cộng đồng riêng, như thủ công nghiệp, đánh cá, buôn bán hay kết hợp nông nghiệp với các nghề phi nông nghiệp kể trên. Do vậy, văn hoá của các cộng đồng làm nghề thủ công, đánh bắt cá và buôn bán cũng có những sắc thái riêng, mà chúng tôi gọi đó là văn hoá nghề nghiệp.

Trong các làng xã người Việt cũng như các tộc người thiểu số từ lâu đã tồn tại các nghề thủ công, cao hơn là các làng nghề và ở đô thị có các phố nghề. Như đã nói trên, những người làm nghề thủ công trong các làng nghề ít nhiều vẫn gắn với nông nghiệp, tuy nhiên các làng nghề thủ công vẫn có các sắc thái văn hoá riêng so với các làng nông nghiệp thuần tuý, thể hiện qua các hoạt động nghề hướng về sản xuất hàng hoá, cách thức tổ chức và quan hệ xã hội giữa những người cùng nghề, các hoạt động thờ cúng, nghi lễ, phong tục liên quan tới tín ngưỡng tổ nghề, thậm chí tâm lí, tính cách những người hoạt động nghề thủ công gắn với sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường cũng có nét năng động, cởi mở, nhanh nhạy hơn so với người làm nông nghiệp thuần túy...

Chúng ta cũng cần đề cập tới các hoạt động đặc thù của nghề thủ công truyền thống ở các đô thị, đặc biệt là các phố nghề ở Hà Nội(8), tạo nên nét văn hoá đặc thù của văn hoá phố nghề.

Chúng ta cũng có thể nói tới cộng đồng của những người làm ngư nghiệp, gắn bó với sông nước, biển khơi, chuyên khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản. Môi trường nghề nghiệp đó cũng tạo ra hàng loạt các sắc thái văn hoá gắn với hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thể hiện qua công cụ và kĩ thuật đánh bắt, tri thức về môi trường sông nước và biển khơi, cách tổ chức và quan hệ xã hội của cộng đồng ngư dân, đời sống tín ngưỡng, phong tục, lễ hội gắn với môi trường sông nước và nghề nghiệp...(9).

II. Văn hoá cá nhân

Xét về bản chất, văn hoá bao giờ cũng là và thuộc về một cộng đồng nhất định, vậy thì sao người ta lại nói đến văn hoá cá nhân? Theo chúng tôi, có thể hiểu văn hoá cá nhân như là một dạng thức của văn hoá, mà theo đó, mỗi cá nhân, tuỳ thuộc vào môi trường gia đình, cộng đồng cũng như thể chất, trình độ giáo dục mà cá nhân ấy thể hiện khả năng tiếp nhận văn hoá của cộng đồng mà họ là thành viên, thông qua kênh trao truyền văn hoá của thế hệ trước, trong cái khung truyền thống gia đình, dòng họ, làng xã, nhà trường..., cũng như sự thể hiện nền văn hoá đó thông qua các hoạt động, hành vi, ứng xử, bản sắc, tâm tính... của mỗi con người, khiến họ có nét đặc thù phân biệt với con người khác.

Chúng ta thường nói Hồ Chí Minh là con người mang bản sắc Việt Nam rõ nét nhất, con người mang trong mình cả nền văn hoá Việt Nam hiện đại. Đó cũng chính là văn hoá cá nhân Hồ Chí Minh.

Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, khi mà con người được giải phóng và khẳng định cái cá nhân, cá tính của mình, thì văn hoá cá nhân càng trở nên rõ nét và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội nói chung cũng như phát triển nhân cách của mỗi con người nói riêng

III. Văn hoá vùng lãnh thổ

Văn hoá vùng thuộc dạng thức văn hoá lãnh thổ, mang tính chất liên văn hoá. Văn hoá vùng (hay văn hoá địa phương) là một thực thể văn hoá, hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh thổ nhất định, thể hiện qua một tập hợp các đặc trưng văn hoá về cách thức hoạt động sản xuất; về ăn, mặc, ở, đi lại vận chuyển; về cách tổ chức xã hội cổ truyền và giao tiếp cộng đồng; về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội; về các sinh hoạt văn hoá nghệ thuật; về vui chơi giải trí; về các sắc thái tâm lí của cư dân..., từ đó có thể phân biệt với các đặc trưng văn hoá của vùng khác. Những đặc trưng văn hoá đó hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng thích ứng với cùng một điều kiện môi trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là giữa họ có mối quan hệ giao lưu văn hoá mật thiết.

Trên cơ sở những quan niệm lí thuyết nêu trên, chúng tôi đã tiến hành phân vùng văn hoá ở Việt Nam thành7 vùng văn hoá lớn, trong mỗi vùng như vậy lại có thể phân chia thành các tiểu vùng văn hoá nhỏ hơn, khoảng 23 tiểu vùng.

1. Vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, có thể phân thành 5 tiểu vùng:     

- Tiểu vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang)

- Tiểu vùng Sơn Nam (Hà Đông [Hà Tây], Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên)

- Tiểu vùng Xứ Đoài (Phú Thọ, Sơn Tây, Vĩnh Phúc)

- Tiểu vùng Xứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng)

- Tiểu vùng Thăng Long - Hà Nội

2. Vùng văn hoá Việt Bắc, có thể phân thành 2 tiểu vùng:

- Tiểu vùng Cao - Bắc - Lạng (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên).

- Tiểu vùng Đông Bắc (Quảng Ninh)

3. Vùng văn hoá Tây Bắc và miền núi Thanh Nghệ, có thể phân thành 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La)

- Tiểu vùng miền núi Thanh Nghệ (miền núi Thanh Hoá, Nghệ An)

- Tiểu vùng Mường Hoà Bình

4. Vùng văn hoá Bắc Trung Bộ, có thể chia thành 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng Xứ Thanh (Thanh Hoá, không kể miền núi)

- Tiểu vùng Xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tĩnh, không kể miền núi)

- Tiểu vùng Xứ Huế (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên)

5. Vùng văn hoá Nam Trung Bộ, có thể phân thành 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng Xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định)

- Tiểu vùng Phú Yên, Khánh Hoà

- Tiểu vùng Ninh Bình Thuận

6. Vùng văn hoá Trường Sơn - Tây Nguyên, có thể phân chia thành 4 tiểu vùng:

- Tiểu vùng nam Trường Sơn (vùng núi Thừa Thiên, Quảng Nam)

- Tiểu vùng bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai)

- Tiểu vùng trung Tây Nguyên (Đắc Lắc)

- Tiểu vùng nam Tây Nguyên (Lâm Đồng, Bình Phước)

7. Vùng văn hoá Nam Bộ, có thể phân thành 3 tiểu vùng:

- Tiểu vùng đông Nam Bộ (Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hoà)

- Tiểu vùng tây Nam Bộ (Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Mĩ Tho, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu)

- Tiểu vùng Sài Gòn - Gia Định

Văn hoá vùng là kết quả của quá trình lịch sử lâu dài, do vậy những đặc trưng của nó đã trở thành truyền thống khá ổn định, truyền từ đời này sang đời khác và luôn giữ vai trò là tảng nền cho sự phát triển xã hội của địa phương. Các truyền thống đó phần nhiều còn phù hợp và giữ vai trò tích cực trong sự phát triển xã hội hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không phải không có những mặt hạn chế, lỗi thời, thậm chí trở thành vật cản cho sự phát triển xã hội. Do vậy, việc nhận thức văn hoá vùng, các truyền thống văn hoá địa phương có ý nghĩa thiết thực cho việc định hướng phát triển trong hiện tại và tương lai của mỗi vùng, mỗi địa phương.

IV. Văn hoá sinh thái

Văn hoá sinh thái là các dạng thức văn hoá hình thành và phát triển tương thích với những môi trường sinh thái nhất định, như sinh thái biển đảo, sinh thái đồng bằng châu thổ, sinh thái thung lũng, sinh thái rẻo giữa, sinh thái rẻo cao, sinh thái cao nguyên... ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới, từ xa xưa sự phân bố các tộc người thường tương ứng với các hoàn cảnh môi trường và sinh thái nhất định, do vậy đã hình thành nên dạng thức văn hoá sinh thái - tộc người. Thí dụ, các tộc người nói ngôn ngữ Tày - Thái thường sinh sống tập trung ở các thung lũng, do vậy văn hoá của các tộc người này mang đậm tính chất văn hoá thung lũng. Các tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơ me và Nam Đảo thường sinh tụ ở vùng rẻo giữa và cao nguyên với đặc trưng là canh tác nương rẫy lúa khô và lối sống du canh du cư. Còn các tộc Hmông, người Dao Đỏ thì lại chọn môi trường rẻo cao, khí hậu mang tính cận nhiệt đới.

Sinh sống lâu đời trong môi trường sinh thái quen thuộc như vậy nên mỗi tộc người đã hình thành những kiểu thích ứng với môi trường nhất định, tạo nên những truyền thống sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hoá riêng. Do vậy trong việc phát triển kinh tế, xã hội của các dân tộc vùng núi, phải coi những kiểu thích ứng môi trường, những truyền thống trên như là một trong những thế mạnh cần khai thác và phát huy.

Thí dụ, vùng thung lũng thích hợp với canh tác lúa nước và đánh bắt, chăn nuôi thuỷ sản, khai thác những tài nguyên về nguồn nước, phát triển các nghề thủ công như trồng bông, dệt vải, thổ cẩm, làm đồ gốm... Xã hội gắn kết trên cơ sở bản mường truyền thống, xã hội cổ truyền phân hoá thành các tầng lớp và đẳng cấp...

Văn hoá truyền thống các tộc người ở rẻo giữa và cao nguyên canh tác lúa khô theo kiểu du canh du cư, nay chuyển sang canh tác các loại cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, phát triển nghề đan lát truyền thống. Xã hội còn bảo lưu nhiều tàn tích xã hội nguyên thuỷ, cơ cấu xã hội buôn làng nhỏ hẹp, mang tính cộng đồng cao...

Văn hoá các tộc người rẻo cao, điển hình là người Hmông, canh tác nương rẫy theo hướng thâm canh, trồng ngô và các cây đặc sản, phát triển chăn nuôi và thủ công nghiệp, xã hội cố kết theo huyết thống dòng họ...

Người Kinh (Việt) với tư cách là tộc người chủ thể quốc gia, có dân số đông và trình độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá cao, sinh sống ở các môi trường sinh thái chủ yếu là đồng bằng châu thổ, ven biển, hải đảo và các đô thị lớn, từ đây cũng hình thành các dạng văn hoá sinh thái tương ứng, khiến cho văn hoá của người Kinh vừa mang tính thống nhất cao lại vừa thể hiện các sắc thái đa dạng(10).

Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, môi trường tự nhiên nói chung, các dạng môi trường sinh thái nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị mất dần tính đa dạng, do vậy, các truyền thống văn hoá sinh thái cũng ngày một phai nhạt. Từ đây đặt ra thách thức lớn về việc bảo tồn tính đa dạng sinh học và đa dạng văn hoá cần phải liên hệ mật thiết và hữu cơ, cái nọ là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của cái kia.

Kết luận

Từ góc độ các dạng thức văn hoá, văn hoá Việt Nam là nền văn hoá “thống nhất trong/từ đa dạng”. Nhận thức này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Một mặt, muốn củng cố tính thống nhất của văn hoá Việt Nam thì trước nhất phải bảo tồn và phát huy tính đa dạng văn hoá, bởi vì suy cho cùng không có sự thống nhất văn hoá nào lại không hình thành và phát triển trên cái nền đa dạng. Mặt khác, cái đa dạng và đặc thù văn hoá muốn sinh sôi, nảy nở thì cũng không thể thoát li cái nền thống nhất. Không thể nhân danh cái đặc thù, đa dạng để thoát li cái thống nhất, bởi vì chính cái thống nhất tạo nên sức mạnh và động lực cho cái đa dạng, đặc thù.

Đa dạng văn hoá luôn luôn tạo cơ hội cho những giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, quốc gia, các vùng miền khác nhau, tạo nên những động năng cho sự phát triển xã hội. Những đặc thù và truyền thống văn hoá sẽ gợi mở những khả năng trong việc tìm kiếm các phương thức, cách thức, biện pháp phù hợp cho các phương án phát triển xã hội của mỗi cộng đồng, mỗi vùng và địa phương.

Từ bức tranh chung của các dạng thức văn hoá, chúng ta có thể nói tới mô hình phát triển của văn hoá nước ta, đó là mô hình “đa văn hoá”. Mô hình này phù hợp với thực tế thống nhất trong đa dạng của văn hoá các dân tộc Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước hiện tại và tương lai(11).

-----------------------

Tài liệu trích dẫn:

1. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1993, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2004.

2. Viện Khảo cổ học, Hùng Vương dựng nước, Tập IV, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978; Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Thời đại Hùng Vương, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

3. Phan Hữu Dật, Ngô Đức Thịnh, Lê Ngọc Thắng, Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

4. Phan Hữu Dật, Ngô Đức Thịnh, Sđd.

5. Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Huy, “Văn hoá tộc người và văn hoáViệt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1986.

6. Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, Văn hoá các dòng họ Nghệ An, Nxb. Nghệ An, 1997.

Sở Văn hoá thông tin Thái Bình, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, Văn hoá dòng họ ở Thái Bình, Thái Bình, 1999.

Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, Gia phong xứ Nghệ, Nxb.Nghệ An, 2000.

7. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

8. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo, Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam xb, Hà Nội, 2000.

9. Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, Văn hoá dân gian các làng ven biển, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1999.

10. Ngô Đức Thịnh, Sinh thái tộc người và các vấn đề phát triển xã hội - “Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987.

11. Ngô Đức Thịnh, “Đa dạng văn hoá và sự phát triển xã hội”, Tạp chí Cộng sản, số 15, 1997.

 Ngô Đức Thịnh

GS-TS Viện Nghiên cứu Văn hoá

* Theo nguồn : www.vae.org.vn

(GP: 10-6-2010)