Người Việt yêu sử Việt: Tri ân công đức tiền nhân
02/09/2022 17:48:03(Tiếp theo bài: Thương dân, dân thờ)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay đối với các vị anh hùng trong lịch sử, khi sống làm tướng, khi chết làm thần nên khi Tả quân Lê Văn Duyệt mất, nhân dân đã lập đền thờ hiện nay là Lăng Ông.
Không phải chỉ với Tả quân Lê Văn Duyệt, mà đối với tất cả các vị anh hùng dân tộc trong lịch sử, đi đâu trên đất nước này đều có đền thờ.
Sống tôn vinh, chết làm giỗ
Phong tục thờ cúng tổ tiên và liệt sĩ, anh hùng dân tộc của người Việt có từ rất lâu đời. Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu: "Đó là phong tục tốt đẹp, vừa mang tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ, vừa nhắc nhở ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa mang tính nhân bản".
Theo các nhà sử học, ý thức tôn trọng cội nguồn và đức tính hiếu thảo của người Việt cũng là thành tố quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Để từ thế hệ này đến thế hệ khác, con cháu đều bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, đối với những vị công thần đã dẹp trừ quân xâm lược, đem lại ấm no, hạnh phúc cho đất nước.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho hay Tả quân Lê Văn Duyệt đối với Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng là một vị thần có công trạng rất lớn. Ông từng được vua Gia Long, sau này là vua Minh Mạng tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Tổng trấn Gia Định thành. Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, đất Nam Bộ khi xưa tập hợp đủ "dân tứ chiếng" các vùng miền, có cả người ngoại quốc. Do vậy, nạn trộm cướp nổi lên rất nhiều, chúng xông vào vùng Chợ Lớn ngày nay tấn công các cơ sở làm ăn, buôn bán của cộng đồng người Hoa để cướp bóc.
Lễ cầu an tại Lăng Ông. (Ảnh: B.T.C)
"Dân người Hoa lúc bấy giờ rất khổ sở với bọn giang hồ này, nên khi Lê Văn Duyệt lên làm Tổng trấn, ông thẳng tay trừng trị, từ đó cộng đồng người Hoa sống yên ổn, làm ăn. Chính vì vậy, ngày nay mỗi lần giỗ của ông Lê Văn Duyệt, người Hoa ở Chợ Lớn đến tham dự rất đông" - ông Nguyễn Đình Tư cho biết.
"Tinh thần thờ cúng, tri ân tổ tiên, biết ơn tiền nhân có công xây dựng, bảo vệ đất nước đã ăn sâu vào tâm trí mọi người dân Việt Nam. Do vậy khi lực lượng ngoại xâm kéo đến thì tinh thần yêu nước này của người dân sẽ trỗi dậy. Quân xâm lược dù có mạnh đến mấy cũng không thể nào khuất phục được dân tộc Việt Nam" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.
Di sản văn hóa phi vật thể
Lăng Ông được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1989, tháng 8-2022 Lăng Ông đã tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia với "Lễ hội Khai hạ - cầu an". Lễ hội này được tổ chức vào mùng 7 Tết âm lịch hằng năm, nhằm cầu mưa thuận gió hòa, một năm mới công việc thuận lợi, cuộc sống bình an.
"Có một điều đặc biệt thú vị là dù phải trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nên nhiều nghi thức tại các đền thờ đã tạm thời ngưng hoạt động, duy nhất tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt, từ gần 200 năm qua, dù hoàn cảnh nào nhân dân cũng tổ chức nghi thức "Lễ hội Khai hạ - cầu an" là tập tục từ xưa mà nhân dân Sài Gòn - Gia Định- TP HCM vẫn gìn giữ cho đến nay" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh.
NSƯT Ngọc Khanh - trụ cột của đoàn nghệ thuật hát bội thường xuyên được mời tham dự "Lễ hội Khai hạ - cầu an" cho biết: "Trong 3 ngày giỗ tiên thường, chánh giỗ, hậu thường, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt năm nào cũng đón hàng vạn khách thập phương đến dâng hương, tham quan và đặc biệt là thưởng thức hát bội - loại hình nghệ thuật được Đức Tả quân rất yêu thích lúc sinh thời".
Các hoạt động như nghi lễ cúng tiên thường; lễ dâng hương; lễ xây chầu - đại bội - hát bội tuồng...vẫn được gìn giữ cho đến nay, minh chứng cho một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Sài Gòn - Gia Định - TP HCM. "Vừa qua, tại Lễ giỗ lần thứ 190 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đã biểu diễn phục vụ khán giả nhiều vở hát bội kinh điển được lưu truyền cả trăm năm, như: "San Hậu" (3 hồi), "Ngũ hổ bình Tây" và "Phụng Nghi Đình"…" - NSƯT Linh Hiền cho biết.
"Những năm qua, chính quyền địa phương luôn chú trọng thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Hằng năm, tại Lăng Ông đều tổ chức "Lễ hội Khai hạ - cầu an" vào ngày mùng 7 tháng giêng. Trước ngày 30 tháng chạp, là lễ "Dựng nêu" và lễ "Thượng kỳ", bước sang đầu năm mới sẽ làm lễ "Hạ nêu", sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên. Dân gian quan niệm, đây là ngày kết thúc Tết nguyên đán (3 ngày Tết 7 ngày xuân) và là lúc bắt đầu Lễ khai hạ, cầu mong may mắn cho cả năm" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói.
NSƯT Ca Lê Hồng khẳng định, Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt là vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, luôn thương yêu, quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân. Ông còn là người có công lớn trong cuộc cải cách khai mở, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân và bài trừ tham nhũng.
"Tấm gương sáng của ông là bài học quý ngàn đời cho thế hệ hôm nay và mai sau và với văn nghệ sĩ, tinh thần, nhân cách của ông là chất liệu quý để sáng tác những vở diễn hay, đồng thời góp phần giữ gìn, làm sống mãi giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, nơi lưu giữ chiến tích, cũng là nơi khơi dậy những sáng tạo văn học nghệ thuật nêu cao tinh thần ái quốc" - NSƯT Ca Lê Hồng nói.
Bà Lâm Thị Hoàng Oanh, Trưởng Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, cho rằng: Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt không chỉ phục vụ giáo dục truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn đưa di sản này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cho TP HCM.
|
THANH HIỆP (Theo nld.com.vn)
Các tin cũ
- » Cháu-chắt-chút-chít và các tên gọi thứ bậc truyền thống trong gia đình người Việt xưa và nay 02/09/2022 17:07:59
- » Miếu Bà và cây di sản (Quảng Ngãi) 01/09/2022 22:06:34
- » Miếu Bà và tục thờ Bà ở Quảng Ngãi 01/09/2022 21:58:03
- » Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Phú 01/09/2022 21:51:20
- » Bản phụng tấu về sứ bộ đi Xiêm thời Tự Đức 01/09/2022 21:39:09
- » Chuyện xưa ở làng Châu Sa 01/09/2022 21:30:50
- » Đón nhận bằng di sản phi vật thể quốc gia tại Lăng Lê Văn Duyệt 01/09/2022 21:17:03
- » Thương dân, dân thờ 01/09/2022 20:37:51
- » Cách xưng hô thứ bậc trong gia đình người Việt... 01/09/2022 19:26:24