Trang chủ > Phát hiện mới về đình An Khánh (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức)

Phát hiện mới về đình An Khánh (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức)

22/04/2024 00:04:58

Sáng ngày 21/4/2024 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh, ông Lâm Hoài Phương, chuyên viên Hán Nôm đã có buổi nói chuyện với chủ đề: Phát hiện mới về đình An Khánh (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức). Ông Lâm Hoái Phường nhấn mạnh đến hai chi tiết: năm thành lập đình và thần Thành hoàng của đình...

Ông Lâm Hoài Phương

Chương trình do CLB Gia phả Trẻ (Viện Lịch sử Dòng họ) tổ chức. Đến dự buổi nói chuyện có Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An (Phó Chủ tịch Hội đồng Viện Lịch sử Dòng họ), PGS-TS Võ Văn Lộc (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ), PGS-TS Hà Minh Hồng (Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Lịch sử Dòng họ), Thạc sĩ Phạm Hoàng Nam Huân (Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ, nhà báo Hữu Trịnh (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM), ông Thân Vinh và ông Hoàng Đình Minh (Phó Chủ nhiệm CLB Hán Nôm) cùng nhiều thành viên của CLB Gia phả trẻ, Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM...

Toàn cảnh buổi nói chuyện

Để độc giả tiện theo dõi nội dung, chúng tôi đăng nguyên văn bài nói chuyện của ông Lâm Hoài Phương như sau:

A. Dẫn nhập

Nhân sự kiện Đình An Khánh được phục dựng tại khu đất mới vào tháng 5 năm 2023, trên các hệ thống truyền thông chúng ta thấy các nội dung như:

- Đình An Khánh 300 tuổi trở về “bán đảo” Thủ Thiêm. 

- Đình được xây dựng từ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 (1679 đến 1725) là  một trong số các đình làng cổ nhất tại Sài Gòn Gia Định xưa.

- Đình có một sắc phong trên một mảnh lụa do vua Tự Đức phong năm 1832 (1)  với nội dung “Bình Dương huyện, Gia Định tỉnh, Tân Bình phủ, Bình Trị tổng, An Lợi xã, Trần Thống quân Hà Quảng Thống sư, danh lộc tri thủy bộ chi thần, tước sắc Thần hoàng bổn cảnh” .

(Dịch nghĩa: “Vị thần họ Trần, thống soái đạo quân Hà - Quảng  Hà Tĩnh - Quảng Bình, chỉ huy cơ doanh Lộc tri thủy bộ xã An Lợi, tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định được sắc vua ban cho tước vị Thần hoàng bổn cảnh”).

- Hai bức hoành phi do Mộc Ân các chủ đò cúng năm 1858.

Các nội dung trên được tác giả Hải Đường viết trên báo quận 2 xuân 1998  tr.9 và bài “Ngày xuân du khảo những chứng tích lịch sử quý hiếm ở quận 2” báo Xuân quận 2 năm 2000 tr.27. Sau đó PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân (2)   đã cẩn trọng trích lại trong sách “Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai”, (NXB Tổng Hợp TP.HCM năm 2010).

Còn có một bài báo ngày 24/9/2012 (3)  viết: “Ông Thọ, thủ từ đời thứ 5 nói: Đình thờ thành hoàng là Hà Quãng Thống sư, một vị tướng dũng mãnh. Trong đình còn giữ lại sắc phong. Năm 1852 triều Nguyễn có sắc phong cho thần Thành hoàng là Quãng hậu chánh trực hữu thiện đôn trung/ngưng để nhân dân phụng thờ, do thần đã giúp nước, che chở nhân dân nhiều năm linh ứng”. Ông nói thêm: “Ban giải tỏa mặt bằng Thủ Thiêm đã ra quyết định giải tỏa đình An Khánh, chỉ bồi thường 380 triệu đồng tiền kiến trúc. Do không đền bù đất đai nên chúng tôi không biết dời đình đi đâu. Nhân ngày hội đình, nhân dân tụ hội rất đông, bèn quyết định đưa lên thành phố tấm sắc phong. Thế là thành phố rút lại lệnh giải tỏa đình An Khánh”.

Ông còn đưa ra văn bản ban hành ngày 14/5/2012 của Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP.HCM cho xem. Công văn khẩn viết: “Sau khi Ban quý tế đình thần có báo cáo với UBND quận 2 và Ban giải phóng mặt bằng về việc Đình Thần đã được sắc phong vào năm 1852, Ban giải phóng mặt bằng quận 2 đã rút lại quyết định bồi thường (3/2011) và đến nay chưa có phương án thực hiện tiếp theo”.

Sau đây chúng ta hãy xem xét những thông tin của ngôi đình nói trên đúng hay sai thông qua những tài liệu về địa dư và lịch sử.

B. Các dữ kiện để xác minh về địa lý, lịch sử của đình 

1. Lịch sử  làng An Khánh:

1.1 Xã An Lợi  

Dưới thời nhà Nguyễn, theo sách Gia Định thành Thông Chí (4)  của Trịnh Hoài Đức,  vị trí đình An Khánh xưa và nay thuộc thôn Bình Quới (5) , tổng An Thủy Thượng, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (6) . 

Vào triều Gia Long các thôn An Lợi, An Tài , Bình Quới (Quý) thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (7) . Đó là năm 1818 (theo “Sài Gòn Gia Định ký ức lịch sử văn hóa”, nhà nghiên cứu Nguyễn ngọc Trảng, 2018 tr.39).

- Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) tổng An Thủy chia làm 4 tổng: thượng, trung, hạ, nam. Tổng An Thủy Thượng có 7 xã/thôn: An Lợi, An Tài, Bình Quới, Bình Khánh (mới lập)… và vẫn thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. 

- Năm 1837, huyện Ngãi An được thành lập, thôn Bình Quới đổi thành thôn Giai Quý.

- Sau khi Pháp vào chiếm đóng Gia Định (1859) đã đổi tên thôn An Lợi cũ thành An Lợi Đông, và thôn An Lợi Xã  do  sáp nhập  2 thôn An Tài và Giai Quý .  

- Từ 5/1/1876, ba thôn An Lợi Xã, An Lợi Đông, Bình Khánh nhập về Gia Định.

- Từ 1/1/1900, được gọi là làng thuộc tổng Bình Trị Trung.

- Từ ngày 1/1/1917, tổng Bình Trị Trung giải thể. 

- Từ ngày 1/1/1918, gọi là làng An Lợi Xã,  thuộc tổng An Bình, quận Thủ Đức (mới lập), tỉnh Gia Định.

- Từ ngày1/1/1928, làng An Đông Xã được thành lập do xác nhập 2 làng An Lợi Đông và và An Lợi Xã.

- Ngày 9/12/1939 làng An Đông Xã nhập với làng Bình Khánh thành làng An Khánh.

1.2 Làng Bình Khánh 

- Năm Minh Mạng thứ 2  (1821) tổng An Thủy chia làm 4 tổng thượng, trung, hạ, nam. Tổng An Thủy Thượng có 7 xã, thôn bao gồm thôn An Lợi và thôn Bình Khánh (mới lập) và vẫn thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. 

- Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc tổng Bình Trị Trung, hạt thanh tra Sài Gòn, được sáp nhập với thôn Giai Quý, thôn Giai Quý giải thể.

- Từ 5/1/1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Sài Gòn, rồi Bình Hòa.

- Từ 16/12/1885 thuộc hạt tham biện Gia Định.

- Từ ngày 1/1/1900 thuộc tỉnh Gia Định.

- Ngày 1/1/1918 lại thuộc tổng An Bình, quận Thủ Đức (mới lập), cùng tỉnh, vì tổng Bình Trị Trung giải thể.

2. Vị  trí đình An Khánh

- Trước khi giải tỏa năm 2014, đình cũ tọa lạc tại số 2/1 đường Lương Định Của, phường An Khánh , quận 2, nay là TP Thủ Đức.

- Sau khi xây lại năm 2023, đình mới cách vị trí cũ vài chục mét và là một phần trong tổng thể công viên văn hóa trung tâm bên sông Sài Gòn của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đình sau khi giải tỏa khu dân cư năm 2014

Đình mới dựng năm 2023

3. Các hiện vật trong đình

Chúng ta cần khảo sát  thêm các ảnh chụp hiện vật quan trọng có liên quan về việc hình thành đình do T.T Bảo Tồn di tích TP HCM cung cấp 

3.1. Hoành phi

3.1.1. Hoành 1: QUỐC AN GIA KHÁNH

Hoành phi Quốc an gia khánh

Lạc khoản: 

Long phi Mậu Ngọ niên hạ cát lập

Mộc ân An Lợi man (8)  nhị đệ tử đồng phụng cung 

Vì muốn có chữ An Khánh là tên đình nên người viết chọn câu “Quốc An Gia Khánh” [nhờ nước bình an mà gia đình được phúc]. thay vì “Quốc Ân Gia Khánh” là câu  thường dùng khi làm bức hoành với nghĩa: Nhờ ơn nước mà gia đình được phúc.

“long phi” : Vì địa phương nằm dưới sự đô hộ của Pháp nên không dùng niên hiệu của vua.

“mộc ân” : 沐恩  có nghĩa là thấm nhuần ân đức.

Giải thích từ ”mộc ân”: 

Trước tiên hãy nói về từ ghép Ân Quang 恩 光. Đây là từ xuất hiện nhiều trong Tứ thư và Ngũ kinh. Nó chỉ cho ân đức của trời đất, ân điển của vua quan, ân nghĩa của cha mẹ v.v... Tuy nhiên, người đầu tiên sử dụng từ Mộc Ân Quang  沐 恩 光, có nghĩa là được tắm gội ân điển, có lẽ là Lưu Thiệu 劉 紹 đời nhà Nguyên. Trong tác phẩm Tống Truyện Nguyên Tông Quy Kim Xuyên 送 傅 元 宗 歸 金 川 có đoạn:

乃尔 念 丘 首, 西 還 沐 恩 光. ( nãi nhĩ niệm khâu thủ, tây hoàn mộc ân quang )

tây hoàn mộc ân quang 西還沐恩光 nghĩa là: trở về phía Tây được tắm mình trong ân sủng. Về sau nhiều nhà văn thơ đời Minh, đời Thanh thường sử dụng cụm từ “mộc ân quang” 沐恩光 (nghĩa đen: tắm trong ân điển. Hoặc hiểu nghĩa bóng: đội ơn mưa móc )

3.1.2. Hoành 2: VẠN VẬT HÀM HANH 

Hoành phì Vạn vật hàm hanh

[vạn vật đều thuận lợi ]

Lạc khoản:

Long phi mậu ngọ niên hạ cát lập

Mộc ân đệ tử giang tân độ chúng thuyền đồng phụng cung 

“giang tân độ chúng” : 江 津 渡 衆  nghĩa đen là bến đò đưa người qua sông, nhưng kết hợp với danh xưng đệ tử thì đây là 2 nhà sư  cầu độ chúng sanh đến niết bàn. 

Hai hoành phi này do nhà sư (sống ở làng An Lợi) viết tặng đình năm Mậu Ngọ 1918.

3.1.3. Hoành 3: UY LINH HIỂN HÁCH

Hoành phi Uy linh hiển hách

Lạc khoản: 

Dân Quốc tam thập cửu niên cát đán trùng tu 

Bổn thị Hoa kiều kính tặng

Hoành phi này được viết năm Dân Quốc thứ 39 (1950) do nhóm Hoa kiều ở Chợ Lớn dâng cúng nhân dịp trùng tu đình.

3.2 Tấm lụa sắc phong Thần thành hoàng (9) đình An Khánh

Nội dung sắc phong :

Phiên âm:

Gia Định tỉnh, Tân Bình phủ, Bình Dương huyện

Bình Trị Trung tổng, An Lợi xã

Trần Thống quân Hà Quảng Thống sư   

Doanh lộc tri thủy bộ chi thần

Tước sắc bổn cảnh Thần hoàng

Dịch nghĩa:

Xã An Lợi, tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh  Gia Định, phong cho ông tướng họ Trần, Chưởng dinh Hà Tiên - Tổng đốc  Quảng Nam - Quảng Ngãi , thần  nắm giữ đầy đủ quyền hành thủy bộ , làm bổn cảnh Thần thành hoàng.

- Thời điểm ghi sắc phong trên mảnh lụa 

Cách ghi thứ tự địa danh trên sắc: tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, hoàn toàn phù hợp với phân tích về lịch sử làng đã nêu trên. Riêng xã An Lợi phải đến thời điểm bắt đầu từ 1/1/1900 đến 1/1/1918 mới sáp nhập vào tổng Bình Trị Trung.

Như vậy sắc này được lập trong khoảng 1900-1917 (khả năng là năm 1917).

4. Người được ghi trên mảnh lụa và chủ nhân ngôi mộ là ai?

Nhẫn vàng vua ban thưởng cho Tổng đốc Trần Tri

Người được nhắc đến trên mảnh lụa và cũng là chủ nhân ngôi mộ nằm sau đình là Tổng đốc Trần Tri người được dân xem là thầnThành hoàng của làng (10)  “(xem chi tiết cuộc đời làm quan của ông trong phụ khảo đính kèm).

* Năm 1842 ông là quản cơ đánh quân Xiêm được vua  thưởng 1 nhẫn vàng. Có thể đây là chiếc nhẫn khi khai quật mộ vào tháng 4/2014 đã thấy.

* Năm  1847 được phong tước An Khương Nam và được  khắc tên trên cỗ súng thứ 6, trong 12 cỗ súng mới được làm cùng năm (không biết cổ súng này hiện còn hay mất và ở đâu).

* Năm 1848 làm Chưởng dinh Hà Tiên.

* Năm 1855 làm Tổng đốc Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Qua 2 cuộc chiến thất  bại với Pháp ở Quảng Nam và Gia Định 1858-1959 ông bị tước chức hàm. Ông mất năm nào không rõ nhưng qua lễ tế Kỳ yên (lễ tế thần Thành hoàng) vào ngày 16/11 Âm lịch của đình An Khánh, ta có thể nói ông mất vào ngày ấy. Cuộc đời thăng trầm của ông có thể phản ảnh qua ngôi mộ, và lòng thương tiếc của dân làng An Lợi đối với ông.

5. Đình được thành lập như thế nào? 

Chúng ta tạm chia ra làm 2 giai đoạn: 

5.1.  Giai đoạn 1: Từ lúc chúa Nguyễn Phúc Tần năm 1679 cho phép Tổng binh Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình, trung thành với nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, theo cửa Cần Giờ đến Biên Hòa khai khẩn, canh tác. Đặc biệt trong thời Minh, Quan Công được xem là hộ pháp trong Phật giáo Trung Quốc (11) . Tín ngưỡng thờ Quan Đế Thánh quân được cụ thể hóa bằng các ngôi miếu/chùa (12)  khá phổ biến. Thờ Phật nơi chánh điện và Quan Công gian kế bên. Vùng An Lợi cũng có thể có 1 ngôi miếu/chùa như vậy (không rõ tên gọi và năm xây dựng), trải qua bao thăng trầm và tồn tại cho đến khoảng năm 1900-1918. Mô hình này hiện hữu rất nhiều ở vùng Chợ Lớn nơi người Minh Hương sinh sống trong giai đoạn đó. Có thể xem sự tồn tại của những ngôi miếu/chùa thờ Quan Công sẽ nhận diện được vùng này có cộng đồng người Hoa sinh sống (13).  Trong bản đồ do Trần văn Học (14)  vẽ năm 1815 đã có vẽ khu phố dân cư tập trung gần vị trí đình, nơi mà Nguyễn Đình Đầu chú thích “xóm Tàu ô (15)  ” . 

5.2. Giai đoạn 2: Như đã trình bày trong phần lịch sử làng An Khánh, làng được thành lập năm 1939. Trong trường hợp này do hai thôn An Lợi và Bình Khánh đã có một thời gian cùng trực thuộc đơn vị hành chánh: tổng An Thủy Thượng, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa từ năm 1821 đến năm 1837 (Minh Mạng thứ 2 đến thứ 18), nhưng từ năm 1837 làng An Lợi thuộc huyện Ngãi An, không cùng huyện với làng Bình Khánh nữa. Ông Trần Tri sau khi mất được an táng tại mộ địa quê nhà - đa số thôn nào cũng có 1 khoảnh đất làm mộ địa - riêng thôn Bình Khánh thì không có. Mặc dù cuối đời không còn chức vị cao như trước nữa, nhưng dân làng vẫn tưởng nhớ và thờ phụng ông trong cùng nơi sinh hoạt tâm linh đó, sau một thời gian có thể do linh ứng của ông nên làng quyết định phong cho ông làm bổn cảnh thần Thành hoàng năm 1917.

Thông thường các bức hoành có tên đình được dâng cúng cho đình nhân ngày thành lập, trùng tu, nhận sắc phong… Căn cứ  theo lạc khoản của 2 bức hoành phi “Quốc An Gia Khánh” và “Vạn vật hàm hanh” do 2 nhà sư làng An Lợi dâng cúng nói trên, phần niên chế ghi là “Long phi Mậu Ngọ” đó là năm 1918 (thời vua Khải Định) vì lúc ấy Pháp đã chiếm Gia Định (2/1859), không thể là năm 1858 vì nếu là năm này phải ghi là “Tự Đức Mậu Ngọ”. Do vậy đình không có sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 là lẽ đương nhiên. Đình cũng được trùng tu lần 1 vào năm 1950 và 1 đợt trùng tu lớn năm 1980 (16) . do đó họa tiết khung của 3 hoành phi đều giống nhau.

6. Tại sao có thần Thành hoàng

Thời nhà Lê có lập lệ: phong các quan đại thần khi thất lộc làm phúc thần, cho thờ bằng lọng vàng tại đình làng. Sau này đình làng này thờ ông quan này làm phúc thần, đình làng khác nếu không được cái hân hạnh ấy, thì tự ý hoặc xin phép các quan thờ các vị thần thánh thời cổ hoặc các bậc đế vương trung thần liệt nữ thời trước làm Thành hoàng. Cứ thế, dần dần chẳng đình làng nào là không thờ thành hoàng (17)  

7. Sắc phong có phải do vua ban không?

Trên mảnh lụa, phần nội dung và dịch nghĩa, niên đại đã trình bày như trên, theo ý chúng tôi tấm lụa sắc phong này là do làng An Lợi  tự làm nhân lúc thành lập đình  1918 và giữ lại cho đến ngày nay. Các sắc phong thần trong đợt vua Tự Đức ban hành 1 loạt sắc cho toàn quốc là ngày 29/11/1852, với một nội dung y như nhau, phần địa danh chỉ là 2 đơn vị là huyện và thôn/làng. Nhưng các bản sắc phong ấy không đơn giản, phải viết trên giấy long đằng, phải có đóng ấn  và viết đúng quy tắc không như sắc phong trên mảnh lụa này. Năm 1832 Tự Đức chưa lên ngôi. 

C. Kết luận 

Tổng kết lại:

- Đình An Khánh thành lập năm 1918, Làng An Khánh có tên năm 1939, sắc phong trên mảnh lụa lập khoảng năm 1900 - 1917 (có thể là năm 1917) nhân việc thành lập đình, phong cho chủ nhân ngôi mộ là ông Trần Tri, người được làng An Lợi xem là bổn cảnh Thần hoàng.

-  Hy vọng qua bài tìm hiểu và phân tích trên chúng ta đã một phần nào biết thêm thông tin Đình An Khánh, và nhất là nhân thân vị bổn cảnh Thần hoàng của đình. Công việc kế tiếp chúng ta trong thời gian tới còn phải làm là xác minh quê quán, năm sinh và năm mất chính xác của ông Trần Tri,  việc này đòi hỏi nhiều thời gian tìm địa bạ thời Minh Mạng, gia phả…

Cũng xin lưu ý là các câu đối bằng chữ Hán mới làm nhân dịp khánh thành, đều bị đặt không đúng vị trí trái phải. Vế 1 của câu đối  phải được treo bên phải - từ ngoài nhìn vào.

CHÚ THÍCH:

(1): Chú ý những chữ tô đậm : nội dung sai

(2): Thành viên BCH hội KHLS TP HCM

(3):  https://nhandan.vn/chuyen-dinh-an-khanh-post390515.html

(4):  Sách Gia Định thành Thông Chí  quyển in năm 1972, tập trung, quyển III, phần cương vực  tr. 50 do Nha Văn Hóa xuất bản năm 1972, sách có in kèm nguyên tác bằng Hán văn.

(5):   Địa bạ Triều Nguyễn – Biên Hòa- Nguyễn đình Đầu, NXB T.P HCM 1994 tr. 184

(6):   Theo wiki pedia làng Bình Khánh thuộc tổng Bình Trị Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định , làng Bình Khánh này nay thuộc Cần Giở  https://vi.wikipedia.org/wiki/An_Kh%C3%A1nh,_Th%E1%BB%A7_%C4%90%E1%BB%A9c 

(7):  Gia Đinh Thành Thông Chí tr,50, - tr. 82 chữ Hán, chữ Hán gốc tr.[41b]

(8):  Man: 蔓 chỉ nơi có nhiều nhà liền nhau ở dọc sông ,Sách Việt sử xứ đàng trong 1558- 1777 - Phan Khoan nhà sách Khai Trí 1967, tr. 463. Dười thời Chúa Nguyễn Phước Khoát  (1738-1765) có 12 dinh và 1 trấn (Hà Tiên). Dinh, phủ, huyện, tổng, xã. Các nơi gần núi rừng , dọc sông, biển thì đặt làm thuộc 屬cho các phường, thôn, nậu 耨, man 蔓, lẻ tẻ thuộc vào

(9):   Xem định nghĩa phụ lục: Thành hoàng và thành trì

(10):  Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai tr. 85

(11):  Báo Giác Ngộ : Phật tử có nên thờ Quan Công?  31/10/2020 

(12):  Vì không biết gọi là miếu hay chùa, theo tín ngưỡng Việt: Miếu thờ quan Công, Chùa thờ Phật.

(13):  Thư viện tỉnh Đồng Nai : Người Hoa ở Đồng Nai- tín ngưỡng và lễ hội 23/08/2015

(14):  Võ tướng nhà Nguyễn, người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn Gia Định xưa theo phương pháp phương Tây

(15):  Tàu sơn đen, thường dùng chỉ cướp biền ngày xưa

   https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:B%E1%BA%A3n_%C4%91%E1%BB%93_Gia_%C4%90%E1%BB%8Bnh_1815.jpg

(16):  Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai tr.86

(17):  Tầm nguyên từ điển tr.85 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Gia Định thành Thông Chí, tập trung, quyển III, do Nha Văn Hóa xuất bản năm 1972. ( có in kèm nguyên tác bằng Hán văn)

- Đại Nam thực lục – Quốc sử quán triều Nguyễn-  Viện sử học- Nhà Xuất Bản Giáo Dục tái bản lần thứ nhất 2001 tập 5,6 7

- Tầm nguyên từ điển , Lê văn Hòe, Quốc Học Thư Xã 1941

- Tự Điển địa danh hành chánh nam bộ , Nguyễn đình Tư –nhà xuất bản chính trị quốc gia 2008.

- Thủ Thiêm - quá khứ và tương lai, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân  (NXB Tổng Hợp TP.HCM năm 2010).

- Báo xuân quận 2 1998, 2000, Ngày xuân du khảo những chứng tích lịch sử quý hiếm ở quận 2”

- Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Lao Động, Báo Nhân dân.....

 

- Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Lê thị thu Hương,  Bước đầu tìm hiểu về chức Tổng đốc qua ghi chép của một số văn bản chức quan triều Nguyễn, 8 - 2009

LÂM HOÀI PHƯƠNG
Tháng 3/2024