Trang chủ > Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh và nguồn gốc thủy tổ họ Lương ở Phú Yên

Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh và nguồn gốc thủy tổ họ Lương ở Phú Yên

02/05/2025 19:49:11

Tham luận của Phan Kim Hùng (Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia phả Trẻ TP.HCM) viết cho Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việc họ” do Viện Lịch sử Dòng họ tổ chức ngày 28/6/2024, tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (5 Nam Quốc Cang, Q.1).

Tóm tắt: Ngược dòng lịch sử dân tộc vào cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Hoàng lệnh cho Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân Việt đến khẩn hoang vùng đất Phú Yên. Cũng từ đây, họ Lương ở Phú Yên được hình thành và phát triển với bao đóng góp quan trọng cho địa phương, cho đất nước. 

Tuy nhiên, việc hiểu rõ về Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh và nguồn gốc họ Lương ở Phú Yên là một điều còn nhiều điều cần làm rõ vì rất ít sử liệu đề cập tới vấn đề này. Bài viết nêu lên những nhận định nghiên cứu của tác giả về thân thế, sự nghiệp của Lương Văn Chánh và nguồn gốc thủy tổ họ Lương ở Phú Yên. Từ đó, góp phần cung cấp hướng nghiên cứu mới về ông và tạo ra mối liên hệ về dòng họ, gia phả họ Lương ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung.

1. Cuộc đời của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh - Thủy tổ họ Lương ở Phú Yên

Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh chào đời.

Ông là người có vai trò lớn trong việc khai mở vùng đất Phú Yên từ buổi đầu.

Lương Văn Chánh có tổ tiên khả năng cao là người Bắc Hà. Ông sống dưới triều vua Lê Thế Tông, với thiên bẩm hơn người ông được vua phong chức Thiên võ vệ chỉ huy sứ. Năm 1558, ông tham gia chiêu mộ lưu dân vào khai hoang vùng Thuận - Quảng cùng với chúa Tiên từ Thanh Hóa vào Ái Tử (Quảng Trị). Công lao của ông rất to lớn đối với quá trình nam tiến của Đại Việt vào thế kỷ XVI - XVII. Trong Đại Nam liệt truyện có chép: “Làm quan nhà Lê, đến chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ. Năm 1558, Lương Văn Chánh theo Thái Tổ vào Nam” và có lời bình: “Chánh là bậc công thần thời quốc sơ khai khẩn đất hoang, mở mang biên cảnh, công lao rõ rệt, nhưng sự tích được biết tới muộn, nên không được chép trong sách Thực lục” (1) .

Với công cuộc nam tiến của người Việt và sự xâm lấn nơi biên thùy của người Champa, năm 1578 chúa Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Lương Văn Chánh đi đánh dẹp người Chiêm. Với công lao lớn như vậy, chúa Nguyễn Hoàng phong cho ông chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu. Không lâu ông được đổi làm An Biên trấn quan ở huyện Tuy Viễn (nay thuộc tỉnh Bình Định) và ông rất am hiểu vùng đất phía nam biên thùy này. Lương Văn Chánh đã đề ra và thực thi các chính sách xây dựng vùng đất Thuận Quảng, biến nơi này từ một vùng hoang sơ, thưa vắng dần dần trở nên phát triển, nhân dân từng bước an cư lạc nghiệp.

Đến năm 1593, Lương Văn Chánh ra bắc với Nguyễn Hoàng nhân triều đình nhà Lê lấy được Thăng Long từ họ Mạc, cũng như giúp Trịnh Tùng đồng thời chúc mừng vua Lê. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, các sử thần triều Lê - Trịnh mô tả thời gian này ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho Nguyễn Hoàng là lập được nhiều chiến công ở Sơn Nam và Hải Dương trong giai đoạn (1593, 1594).

Sau đó một năm, chúa Nguyễn đã giao nhiệm vụ cho ông phải đưa lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả  Theo lệnh chúa Nguyễn, ông đưa hơn 3000 lưu dân từ các xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh cùng hơn 1000 lưu dân vùng đất Thuận Quảng vượt đèo Cù Mông vào đất Trấn Biên (Phú Yên) để tiến hành khai hoang, lập ấp. Chỉ hơn 3 năm thực hiện công cuộc khẩn hoang và tăng gia sản xuất, vùng đất này trở thành một vùng đất trù phú, dân cư đông đúc.

Đến năm 1610, Lương Văn Chánh bước vào tuổi xế chiều nên ông về sống với gia đình tại làng Phụng Các (nay là Phụng Tường, xã Hòa Trị). Bên cạnh đó, với đức tính giản dị và thương yêu nhân dân của mình nên khi chung sống với dân làng ông còn làm thuốc nam, chữa bệnh cho người dân quanh vùng, vì thế ông còn có tên Lương Phù Già(2) .

Tổng trấn tướng quân chi ấn đóng trên sắc lệnh của Nguyễn Hoàng ủy Lương Văn Chánh vào khai khẩn Phú Yên năm 1597 (Nguồn. Lương Văn Kiệt).

Ông qua đời năm 1611 và được an táng ông ở trung tâm của làng, phía trước là con sông Bến Lội, phía sau là núi Cấm, địa cuộc tứ linh, là vùng đất thuận lợi việc làm ăn, sinh sống trường tồn và bền vững cho các thế hệ con cháu. Ông mất trong sự tiếc thương của con cháu họ Lương và người dân đất Phú Yên nên sau khi ông qua đời, nhân dân Phú Yên tôn xưng ông là vị “Thành hoàng bổn xứ - khai quốc công thần”.

Về sau, các triều đại phong kiến đã truy tặng Lương Văn Chánh nhiều sắc phong.

Vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa năm thứ 10, phong “Tiền trấn biên quan tham tướng phò quận công Lương phú quí phủ bảo quốc chi thần”; năm Chính Hòa thứ 14 phong “Tiền trấn biên quan tham tướng phò quận công Lương qui phủ bảo quốc hộ dân chi thần”; đời vua Lê Ý Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 phong “Tiền trấn biên quan tham tướng phò quận công Lương quí phủ bảo quốc hộ dân hựu thuẫn chi thần”; sắc của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 5 phong “Tiền trấn biên quan tham tướng phò quận công Lương quí phủ bảo quốc hộ dân hựu thuận phong công chi thần” và năm Cảnh Hưng thứ 28 phong “Tiền trấn biên quan tham tướng phò quận công Lương quí phủ bảo quốc hộ dân hưu thuận phong công tịnh tiết chi thần”. 

Sau khi nhà Nguyễn thành lập, để tưởng nhớ công ơn của ông nên vua Minh Mạng năm thứ 3 phong “Tráng du cộng võ linh ứng thượng đẳng thần”; vua Thiệu Trị năm thứ 3 phong 2 sắc:“Tráng du cộng võ linh ứng hiển hựu thượng đẳng thần và Tráng du cộng võ linh ứng hiển hựu chiêu uy thượng đẳng thần”,… Tổng cộng có 14 bản sắc phong cho ông còn lưu giữ tại đền thờ Lương Văn Chánh (Phú Yên) - vị thành hoàng của vùng đất Phú Yên(3) .

2. Nguồn gốc thủy tổ họ Lương ở Phú Yên

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa thuộc Phú Yên, tổ tiên là người Bắc Hà. Chính buổi đầu làm quan với nhà Lê tới chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ. Năm Mậu Ngọ (1558) bắt đầu theo Thái Tổ vào Nam”(4) . Với Nội dung này thì chỉ đề cập đến quê hương tổ tiên của ông một cách chung là thuộc xứ Bắc Hà chứ không rõ là nơi nào ở vùng này. Việc xác định quê hương của ông là điều khó khăn, ngay cả trong gia phả của họ Lương ở Phú Yên và các bản sắc phong cho ông đều không có đề cập đến quê quán.

Với sự phát triển của đất nước và trình độ dân trí ngày càng cao, trong những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã có điều kiện nghiên cứu về Lương Văn Chánh và bước đầu xác định quê hương ông ở Thanh Hóa. Trong quá trình nghiên cứu họ Lương ở tỉnh Thanh Hóa từ các nguồn tài liệu lưu giữ tại địa phương là chủ yếu. Các nhà nghiên cứu đã đối chiếu sự phát triển của dòng họ Lương nơi đây gắn với giai đoạn lịch sử là các cuốn gia phả họ Lương ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa; ở Tào Sơn huyện Tĩnh Gia và ở Ngọc Khuê, xã Quảng Khuê, huyện Quảng Xương để xác định dòng họ, quê hương ông.

Người Thanh Nghệ mà Thanh Hóa là chủ yếu chính là người di cư vào Nam vào thế kỷ XVI - đầu XVII theo chúa Nguyễn Hoàng vào nam. Chúa Nguyễn Hoàng đã lệnh cho Lương Văn Chánh đưa nhiều người họ Lương ở Thanh Hóa vào khai hoang lập ấp. Vì vậy, ngày nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ có nhiều người họ Lương gốc ở làng Hội Triều (Hoằng Hoá) và người làng Lương Niệm (Sầm Sơn, Quảng Xương) hay ở Tào Sơn (Tĩnh Gia) sinh sống. Ở Việt Nam so với các họ lớn như họ Nguyễn, Lê, Trần… thì họ Lương có số lượng không nhiều (0,4%)  vì thế những người họ Lương đều đoàn kết, thân tình. Đó chính là điều kiện thuận lợi để tìm hiểu dòng họ.

Trên phạm vi cả nước, họ Lương có nhiều người nổi tiếng, nhiều người đóng góp cho đất nước, cho dân tộc như Lương Thế Vinh ở Vụ Bản, (Nam Định); Lương Đắc Bằng ở Hội Triều, (Thanh Hóa) và Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, (Phú Yên). Có thể nói, họ Lương có mối quan hệ với 3 trung tâm Thanh Hoá, Nam Định và Phú Yên.

Họ Lương cũng như các dòng họ khác ở Thanh Hóa định cư từ sớm trên vùng đất Hoằng Hóa và dòng họ này cũng đóng góp cho quá trình phát triển của địa phương.

Họ Lương ở Hội Triều hình thành sớm hơn ở Hữu Khánh hay nói khác là một chi của họ Lương từ Tào Sơn, Tĩnh Gia.

Như vậy, nguồn gốc họ Lương lâu đời nhất là ở xã Hội Triều. Chúng ta hiểu được họ Lương là một dòng họ lâu đời, tồn tại trước khi Lương Văn Chánh vào phía Nam, điều này căn cứ qua tài liệu lịch sử và dựa vào gia phả họ Lương ở Thanh Hóa.

CHÚ THÍCH:

(1): Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện tập 1, NXB Thuận Hóa, tr.39.

(2): Nguyễn Đình Đầu trong bài viết “Đã tìm thấy nguyên quán của Quân công Lương Văn Chánh”.

(3): Căn cứ vào các bản sắc phong tại đền thờ Lương Văn Chánh tại thôn Long Phụng 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

(4): Quốc sử quán triều Nguyễn (1995), Đại Nam liệt truyện tiền biên, NXB Khoa học xã hội, tr.145.

Phan Kim Hùng
(Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia phả Trẻ TP.HCM)