Trang chủ > Tập huấn gia phả học và cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh

Tập huấn gia phả học và cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh

12/08/2022 22:36:02

Từ ngày 22/11 đến 13/12/2020, CLB Gia phả trẻ TP.HCM đã chủ trì tổ chức thành công "Lớp tập huấn kiến thức gia phả học và cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh". Trong đó, sáng ngày 13/12/2020, tại số 4, đường Bà Huyện Thanh Quan, P.6, Q.3, TPHCM. CLB Gia phả trẻ TP.HCM đã tổ chức buổi tập huấn kiến thức Gia phả học và cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh. 

Những việc quan trọng đầu tiên của việc dựng phả

Tại đây, Ths Phan Kim Dung đã trực tiếp hướng dẫn những nội dung quan trọng trong cách thực hành dựng bộ gia phả cho chính chi họ của mỗi học viên. 

Thạc sĩ Phan Kim Dung (áo đỏ, ngồi giữa) và các học viên

Việc đầu tiên là xác định được ông tổ đời I, gồm năm sinh năm mất, tổ quán, hành trạng, mộ phần (đồng mã) gồm mộ ở đâu? (Trường hợp mộ gió), năm lập mộ, ai lập mộ và lập dựng phả hệ sơ khởi. 

Từ đó, làm cơ sở xác định bàng hệ (những người anh em của ông tổ), trực hệ (con, cháu đời sau theo phụ hệ hoặc mẫu hệ, thông thường theo phụ hệ trên cơ sở đồng huyết thống), trường hợp con nuôi nên phân biệt và để ở phần ngoại phả. Trong đó, khâu thu thập thông tin, tư liệu từ những thành viên trong gia đình, chi họ thông qua đi điền dã, phỏng vấn, lập bảng hỏi. Trích lục kho văn thư, lưu trữ thư viện địa phương đến trung ương giúp cho bộ gia phả mang tính khoa học.

Về cách lập phả đồ, nhiều mẫu phả đồ dạng cây, tròn đồng tâm, dạng nhánh... đã được giới thiệu nhằm xác định thế thứ các đời và thứ tự các chi của một dòng họ. Qua đó, các bộ gia phả họ Nguyễn - ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đã vận dụng trong việc thiết kế mô hình mộ tháp với mẫu phả đồ dạng tròn, bộ gia phả họ Đào - huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã dùng phả đồ dạng nhánh để sơ đồ hóa cho hơn nghìn thành viên trong dòng họ trên một bản phả. Riêng mẫu phả đồ hình cây cũng được sử dụng trong nhiều bộ gia phả cổ ở Việt Nam và kể cả các bản phả phương Tây.

Hồi ức của một cựu học viên…

Tại đây, các học viên đã có buổi tiếp xúc với chị Đặng Thị Bình cựu sinh viên ngành Hán Nôm trường Đại học KHXH&NV TP.HCM - tác giả quyển gia phả họ Phan - Hải Phòng hoàn thành tháng 12 - 2020.

Chị Đặng Thị Bình (hàng trong, đeo kính) trao đổi với các học viên

Đước biết chị là học viên lớp tập huấn về phương pháp dựng bộ gia phả hoàn chỉnh khai giảng ngày 22/10/2011 đến 12/11/2011 kết thúc với số lượng đăng ký là 107 người, phần lớn là sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM năm thứ 3 - 4, Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ ngành Hán - Nôm, Khoa Lịch sử (Lịch sử VN, Lịch sử Đảng).

Dưới đây là những chia sẻ của chị được cô Phan Kim Dung dành nhiều tình cảm nhắc đến khi nhận xét về nội dung chương trình học và tâm huyết của các thầy cô giảng dạy được trích từ bài thu hoạch cuối khoá của chị năm 2011.

Cảm nhận của mình về chương trình học chị Đặng Thị Bình cho biết: “Mới đầu đăng ký, mục đích của tôi là muốn đi điển đã vì đơn giản. Tôi nghĩ thời gian sinh viên của tôi không còn bao nhiêu. Đây là cơ hội đi được nhiều nơi, tiếp cận môi trường mới, cọ xát nhiều quan hệ mới và có cơ hội vận dụng kiến thức chuyên ngành. Nghĩ đến đó tôi thấy thích thú, muốn trở thành cộng tác viên của Trung tâm. Nhưng sau khi học tôi lại nghĩ khác, muốn làm cộng tác viên của Trung tâm, cần trang bị kiến thức về lịch sử, địa lý, xã hội... và phải áp dụng chuyên ngành Hán - Nôm”. Dù biết khó như vậy nhưng tôi không nản lòng, vì theo tôi, “đó là ngọn lửa đầu tiên tôi cần phải tận lực, hết lòng, kiên trì thì họa may mới có thể làm tốt những gì mình mong muốn lúc ban đầu”.

“Những người dạy tôi là những người ở tuổi về hưu, nghĩ ngơi vui cùng con cháu, nhưng họ đứng lớp bằng cả tâm huyết, không mệt mỏi của mình, tận tình dạy chúng tôi... Thật sự tôi rất cảm động và kính phục những ông bà ấy” - chị chia sẻ.

Đó là những chia sẻ khi chị với tư cách là một cô sinh viên năm cuối với khát khao được trải nghiệm trong thực tiễn. Đến nay, khi đã có gia đình, có công việc ổn định chị vẫn tiếp tục công việc dựng phả và hoàn thành một công trình hoàn chỉnh. Chị đã nhắn gửi đến các thành viên có mặt lúc đó về một câu chuyện thành công trên cơ sở không ngừng cống hiến.

Một năm nhìn lại bước phát triển CLB kể từ sau khi kiện toàn nhân sự với vai trò gắn kết các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lịch sử, văn hoá dòng họ. Ban chủ nhiệm đã tạo ra được một nhịp cầu nối giữa lớp trẻ là học sinh, sinh viên, thanh niên với tri thức ngành gia phả học hiện đại. Đây là kết quả của một quá trình tiếp nối khát vọng của tập thể các thầy cô thuộc Viện Lịch sử dòng họ, Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả đã dày công kiên trì thực hiện trước đây.

ANH QUÍ