Trang chủ > Những người canh giữ 'núi vàng' sau ngày giải phóng

Những người canh giữ 'núi vàng' sau ngày giải phóng

12/08/2022 18:44:47

Không chỉ tiếp quản, bảo vệ 16 tấn vàng và 625 tỷ đồng, cách đây 45 năm, những người chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nay là BĐBP còn tiếp quản và bảo vệ toàn bộ hệ thống ngân hàng do chế độ Sài Gòn bàn giao lại.

Ông Hoàng Minh Duyệt luôn trân trọng và tự hào về nhiệm vụ vẻ vang được giao trong những ngày đầu giải phóng. Ảnh: Đăng Bảy

Ký ức hào hùng

Nhanh thật. Mới đó mà đã 45 năm. Vậy mà mình cứ ngỡ như mới ngày hôm qua... Đó là câu đầu tiên mà ông Hoàng Minh Duyệt nói khi tôi tới thăm ông tại nhà riêng nằm trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Vui vẻ, xởi lởi và chân tình nên ngay từ khi mới gặp, ông đã tạo cho người đối điện cảm giác gần gũi, ấm cúng. Ông nói, bằng giờ này của những năm trước, hội đồng ngũ, nhất là những người trong đơn vị C282Q tham gia giải phóng Sài Gòn đã í ới, chén tạc, chén thù rồi. “Dịp kỷ niệm 30-4 năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chúng tôi chỉ gặp nhau qua zalo thôi...” - Ông Duyệt nói... Tuy đã bước sang tuổi 76 nhưng ông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đặc biệt, khi nhắc lại không khí của ngày 30-4-1975, ông Duyệt hoạt bát hẳn lên, từ ánh mắt đến cử chỉ, hệt như người lính trẻ tuổi năm xưa...

Quê Cẩm Phúc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, năm 1965, lúc 20 tuổi, Hoàng Minh Duyệt nhập ngũ và được tuyển chọn vào CANDVT Hà Tĩnh. Sau gần 10 năm chinh chiến, lăn lộn, trừ gian, tiễu phỉ ở biên giới Hà Tĩnh, cuối năm 1974, ông Duyệt được chọn vào đơn vị C282Q. Ông kể, C282Q là phiên hiệu của đoàn CANDVT tỉnh Hà Tĩnh trong đội hình đơn vị B17 của Bộ Tư lệnh CANDVT chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngoài C282Q thì B17 còn có 8 đơn vị của CANDVT các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa... Tất cả đều được huấn luyện để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ông Duyệt nhớ lại, cán bộ, chiến sĩ đơn vị B17 hành quân từ Chương Mỹ (Hà Nội) vào miền Nam bằng xe ô tô nhưng cũng mất cả tháng trời mới vào tới căn cứ Trung ương Cục miền Nam (đóng ở huyện Tân Biên, Tây Ninh). Có một điều mà đến bây giờ ông Duyệt vẫn không sao giải thích được, đó là cuộc hành quân của B17 rất bí mật nhưng đài BBC vẫn biết. “Nó cứ ra rả hoài trên đài, rằng đoàn Cọp xanh từ Hà Nội đang hành quân vào Nam” - Ông Duyệt nói... Trong cuộc đời mỗi con người có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng với ông Duyệt và những đồng đội của ông thì sự kiện ngày 30-4 cách đây 45 năm là sâu đậm và hạnh phúc nhất - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đơn vị C282Q gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, đi trên 3 xe ô tô, được giao nhiệm vụ đi đầu để bảo vệ đoàn của Trung ương Cục miền Nam tiến về giải phóng Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mọi người ôm nhau khóc. Khóc vì sung sướng, khóc vì hạnh phúc, khóc vì từ nay không còn chiến tranh nữa. “Suốt cả ngày 30-4, chúng tôi cứ như người mộng du. Đoàn xe của đơn vị hòa chung với dòng xe của quân giải phóng, diễu hành khắp thành phố tới tối mịt, nhưng không ai có cảm giác mệt mỏi gì” - Ông Duyệt nhớ lại.

Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Tối đó, đơn vị C282Q nhận được mệnh lệnh tiếp quản và bảo vệ Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số 8, đường Võ Văn Kiệt, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Lúc này, C282Q do Đặng Hồng Minh làm Chỉ huy trưởng; Chính trị viên là ông Bùi Bá Lân; Chuẩn úy Hoàng Minh Duyệt là Chỉ huy phó. Sáng 1-5, khi tham gia nhóm kiểm kê, những người lính trẻ như Minh, Lân và Duyệt đều thực sự choáng váng trước 16 tấn vàng cùng khối tài sản khổng lồ tại Ngân hàng Quốc gia mà đơn vị được giao tiếp quản và bảo vệ.

Ông Duyệt nhớ lại: Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới lúc đó chỉ biết có vàng mắt vì đói, chứ có ai thấy vàng, biết vàng là gì. Vàng, tiền chất cao như núi, nhìn đã thấy ngợp, lúc nghe họ nói, chúng tôi còn không tin... Tham gia bàn giao hôm đó, ngoài 3 đồng chí là chỉ huy đơn vị C282Q CANDVT, còn có 2 người đại diện cho chính quyền. Phía Ngân hàng Quốc gia có ông Huỳnh Bửu Sơn (là người giữ chìa khóa kho vàng) và ông Lê Minh Khiêm (giữ chìa khóa các hầm bạc). Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thỏi, các loại tiền vàng nguyên chất và tiền.

 

Bảng kê dù cũ, hoen ố nhưng vẫn luôn được ông Hoàng Minh Duyệt cất giữ cẩn thận như tài sản quý giá

Hiện nay, ông Duyệt vẫn còn lưu giữ 2 kỷ vật từ ngày 1-5-1975, liên quan đến việc tiếp nhận bàn giao số tài sản khổng lồ này, đó là bảng kê số tiền, vàng và con dấu của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Bảng kê khai số tiền, vàng nay đã cũ, mờ theo năm tháng nhưng trên đó vẫn còn lưu giữ các con số, thể hiện ở 3 phần vàng, bạc và tiền. Theo đó, tại hầm số 3 có 633 thỏi vàng được chứa trong 8 tủ, số thứ tự từ 40 đến 47. Hầm số 6 cũng có 8 tủ, chứa tổng cộng 1.234 thỏi, mỗi thỏi nặng từ 12 đến 14kg, tổng cộng 16 tấn. Ngoài ra, còn có 493 đồng tiền vàng (là các đồng tiền vàng cổ, được đúc và phát hành từ thế kỷ XVIII, XIX bởi nhiều quốc gia khác nhau); 18.049 đồng tiền bạc và 625.191.617.005 đồng. Tất cả đều được đặt rất cẩn thận trong những chiếc tủ sắt đặt trong hầm chứa.

Không chỉ Ngân hàng Quốc gia mà tất cả các hệ thống, chi nhánh thuộc Ngân hàng chế độ cũ như Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Bến Chương Dương, Phan Đình Phùng, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Đa Kao... đều bàn giao cho đơn vị C282Q CANDVT tiếp quản và bảo vệ... Đơn vị C282Q còn được giao tiếp quản Căn cứ Tồn Trữ (nay là Tổng kho Thủ Đức). Đây là tổng kho chứa lượng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm khổng lồ, đủ cho quân đội Sài Gòn lúc đó dùng trong 3 năm – Ông Duyệt nói.

“Ngồi trên một đống vàng, một núi bạc và một rừng tiền”, nhưng 34 cán bộ, chiến sĩ chúng tôi không ai dám tơ hào lấy một đồng. Ai cũng ráng giữ mình, giữ thanh danh cho lực lượng, giữ uy tín cho bộ đội, cho cách mạng. Đại tá Đặng Tài Ô, Thượng úy Nguyễn Xuân Dũng – 2 trong số những chiến sĩ thuộc C282Q cùng tham gia tiếp quản, bảo vệ Ngân hàng Quốc gia năm 1975 chia sẻ: Khi biết đang được giao nhiệm vụ bảo vệ hàng núi tiền, vàng, anh em chúng tôi rất sung sướng vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đảm bảo số tài sản lớn như thế. Nhưng ai cũng lo và xác định rằng, đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Lo rằng, có ai đó không giữ được mình, bị cám dỗ bởi tiền, vàng thì ảnh hưởng tới uy tín của cả đơn vị...

 

Con dấu và bảng kê số tiền, vàng là 2 kỷ vật mà ông Duyệt vẫn còn lưu giữ. Ảnh: Đăng Bảy

Sau gần 1 năm tiếp quản, bảo vệ, đơn vị C282Q CANDVT đã bảo vệ tuyệt đối an toàn 16 tấn vàng và toàn bộ khối tài sản khổng lồ nói trên. “Chỉ có phẩm chất trong sáng của anh Bộ đội Cụ Hồ, những người biết đặt lợi ích dân tộc và tình yêu đất nước mới làm nên được điều kỳ diệu đó, anh em đơn vị C282Q chúng tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm được” - Ông Duyệt nói.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả, trọng đại đó, những người lính đơn vị C282Q năm ấy được phân bổ đi khắp nơi. Ông Duyệt được điều về cơ quan Thường trực Cục Chính trị CANDVT, rồi về Trường Sĩ quan Biên phòng II. Năm 1983, ông Duyệt chuyển ngành về Bộ Thương mại và nghỉ hưu.

Sau khi ôn lại những ký ức về một thời hào hùng, đáng trân trọng với những kỷ niệm vui có, buồn có, ông Duyệt lại đau đáu về những đồng đội xưa. Một số người từ sau khi hoàn thành nhiệm vụ (năm 1976), chia tay nhau đến nay không nghe tin tức gì. Một số người ở lại thành phố Hồ Chí Minh, cuộc sống còn khó khăn, vất vả. Ông ao ước, một ngày nào đó, những đồng đội của C282Q ngày xưa như Vinh, Công, Dũng, Hồ, Quỳnh, Linh... sẽ có buổi tụ họp đông đủ để được cùng nhau sống lại thời trai trẻ, về một thời hào hùng cách đây 45 năm.

Đăng Bảy (theo bienphong.com.vn)
(GP: 3-1-2020)