Trang chủ > Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ

Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ

31/08/2023 21:19:37

Tham luận của TS Hồ Tường (ĐH An Giang, ĐHQG-HCM) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

TS Hồ Tường - tác giả bài tham luận

Tóm tắt

Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt có nguồn gốc từ cuộc sống thời nguyên thủy. Qua thời gian, người Việt nhận thức rằng sự sinh sôi nảy nở và phát triển của vạn vật đều xuất phát từ chính vai trò của người phụ nữ và giống cái. Do vậy mà tín ngưỡng tôn thờ nữ thần đã hình thành và phát triển theo dòng chảy lịch sử của tộc Việt. Khi vào đến Nam Bộ, trải qua quá trình khai hoang lập ấp, từ mớ hành trang tâm linh của dân tộc mang theo từ Trung Bộ, cộng với sự giao lưu văn hóa với các tộc người cùng sống cộng cư ở Nam Bộ, người Việt ở phương Nam của tổ quốc đã hình thành tục thờ nữ thần. Các vị nữ thần của cư dân Nam Bộ, trong niềm tin tâm linh của những người đi mở cõi, đã phù hộ độ trì cho mọi người, nhất là giới nữ, từ lúc mới chào đời, đến lúc trưởng thành và mãi cho đến khi ra đi theo lẽ vô thường. Đó chính là một bản sắc văn hóa của những cư dân Nam Bộ.

Từ khóa: Tín ngưỡng, Nữ thần, Phù hộ độ trì, Cư dân Nam Bộ

1. Mở đầu

Tín ngưỡng thờ nữ thần xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Tín ngưỡng thờ nữ thần có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ, khi người mẹ, người vợ giữ vị trí quan trọng trong gia đình, như: tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ đại diện cho thiên nhiên như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa… bởi trong quá trình mưu sinh tìm nguồn sống, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên nên họ đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đấng tối cao là nữ thần, với mong muốn các vị nữ thần sẽ bảo trợ và che chở cho cuộc sống của họ. Do đó, tín ngưỡng thờ nữ thần là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần được cho là có khả năng siêu phàm, có thể điều khiển được các hiện tượng tự nhiên mang tính quy luật nhằm che chở cho sự sống của con người.

Theo thời gian, dòng chảy lịch sử phát triển đã làm cho khái niệm nữ thần được mở rộng để bao hàm các nữ anh hùng, các vị công chúa, hoàng hậu, hay bà tổ cô của dòng họ, bà tổ nghề của một làng nghề…; còn trong dân gian, là những người phụ nữ nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ, khi sống tài giỏi, có công với nước, với dân, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh.

Những nhân vật này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để trở thành một trong các hiện thân của các vị nữ thần, theo quan niệm dân gian “Sinh vi tướng, tử vi thần”. Họ là những vị thần vừa có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở, vừa huyền bí lại vừa gần gũi. Các vị nữ thần được tôn vinh với các chức vị thánh Mẫu, được gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu, như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh 聖母柳杏, Chúa Xứ Thánh Mẫu 主處聖母 , Linh Sơn Thánh Mẫu 靈山聖母, Thượng Ngàn Thánh Mẫu 上 岸 聖母… hoặc Quốc Mẫu 國 母,như Quốc Mẫu Âu Cơ 國母嫗姬, người mẹ của Thánh Gióng  聖揀 được tôn vinh là Vương Mẫu  王 母…(Vũ Hồng Vận, Phạm Huy Hoàng, 2020).

Nam bộ là vùng đất mới phía Nam của tổ quốc Việt Nam. Trong quá trình khai hoang mở đất trên vùng đất Nam Bộ của cư dân cũng là quá trình họ mang theo những hành trang tinh thần của mình từ nhiều vùng, miền quê hương khác nhau khi đến cư ngụ tại đây. Nam bộ lại là một vùng đất có nhiều đặc điểm tự nhiên khác biệt với nhiều vùng đất khác trong cả nước Việt Nam, đó là: nhiều sông ngòi, kinh tế chủ đạo là nông nghiệp lúa nước và nghề nuôi trồng thủy hải sản… Từ đó, cư dân Nam Bộ đã hình thành nên những hình thức tín ngưỡng thờ nữ thần khá đặc thù, dấu ấn riêng.

2. Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ

2.1. Tín ngưỡng thờ Chúa Ngung Man Nương

Từ những cuộc khảo sát nghiên cứu điền dã cho thấy vị nữ thần được mọi người dân khắp Nam Bộ tôn kính, quý trọng, tin tưởng vào quyền năng phù hộ, độ trì của bà, chính là Chúa Ngung Man Nương 主 隅 蠻 娘 (thần mẹ của vùng đất biên cương phương nam tổ quốc). Từ bao đời nay, người dân Nam Bộ đều sùng kính vị nữ thần này, tin rằng Chúa Ngung Man Nương là vị thần tối cao của vùng đất này (Nguyễn Điện Nam, 2015), trên cả Bà Chúa Xứ ! Chúa Ngung Man Nương ngự trị từ bao đời nay trong tín ngưỡng của người Việt ở Nam Bộ, cho nên khi làm lễ động thổ để xây dựng nhà cửa, nghĩa là đụng chạm đến vùng đất của nữ thần này cai quản, người Việt luôn làm lễ cúng đất đai với mâm cúng gồm các lễ vật quen thuộc  như: rau lang luộc, mắm nêm, cá lóc nướng trui cùng với nhang đèn, hoa quả, rượu trà, trầu cau, gạo muối, nước lã…vì mọi người tin rằng đây là những món “khoái khẩu” của bà ! 

Khi cúng, người ta phải rót nước lã trước để Chúa Ngung Man Nương xúc miệng do thường xuyên ăn trầu; đến khi nhang gần tàn, người ta mới rót nước trà với ý nghĩa Chúa Ngung Man Nương đã hưởng đồ cúng xong và uống nước trà để chấm dứt lễ cúng. Sau lời khấn nguyện lúc thắp nhang, người Việt thường dâng lên Chúa Ngung Man Nương năm (5) lạy để bày tỏ lòng tôn kính tột bực, bởi vì phong tục dân gian Nam Bộ đã phân chia số lượng lạy để dâng lên các đối tượng tôn kính từ ít đến nhiều, như: một (1) lạy cho người đang còn sống, gọi là “nhất bái sinh”; hai (2) lạy cho người quá cố đang cư tang chờ ngày giờ mang đi mai táng, gọi là “nhị bái tử”; ba (3) lạy dâng cho Phật, pháp, tăng khi lễ bái trong các ngôi cùa Phật giáo, gọi là “tam bái Phật”; bốn (4) lạy dâng lên những bậc trên trước đã quá cố được thờ trên bàn thờ gia tiên, cũng như dâng lên các vị thần linh thiêng mà dân gian tin tưởng thờ phụng, gọi là “tứ bái thần”; năm (5) lạy dâng lên cho: các vị thượng đẳng thần (tức là các vị thần tối linh như Bà Chúa Xứ), các vị Thánh, những vị đế vương các đời xưa nay, gọi là “ngũ bái quân”... Cuối lễ cúng Chúa Ngung Man Nương là thao tác quăng gạo muối đi tứ phía nhằm bày tỏ lòng biết ơn do bà đã giúp con người tạo nên những nguyên liệu đó để có được sự no đủ trong cuộc sống.

2.2. Tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ

Dưới Chúa Ngung Man Nương, cư dân Nam Bộ tin rằng mỗi một vùng đất nhất định đều có một vị nữ thần cai quản mà mọi người đều gọi một cách dễ hiểu là Bà Chúa Xứ 婆主處. Trước hết, dân gian tin rằng vị nữ thần này có chức năng phù hộ, độ trì cho con người đang cư trú trên vùng đất mà bà có trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mọi cư dân Nam Bộ có niềm tin cởi mở hơn, tin rằng Bà Chúa Xứ là một vị nữ thần, cho nên không quá đỗi hẹp hòi, không chỉ phù hộ cho cư dân đang trú ngụ trên vùng đất của bà cai quản, mà còn mở rộng vòng tay để phú hộ, độ trì chio tất cả mọi người có niềm tin về sự linh thiêng của Bà. 

Bà Chúa Xứ ở núi Sam (thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) có thể xem là vị nữ thần được đông đảo cư dân khắp Nam Bộ tin tưởng vào sự linh thiêng phù độ của Bà qua hàng triệu lượt khách đến lễ bái Bà hàng năm !  TS Lâm Quang Láng, phó giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, phó chủ tịch Hội Sử học tỉnh An Giang, cho biết rằng:  

“Trước tình hình dịch bệnh hoành hành, lam sơn chướng khí bào mòn sức dân, làm cho lòng người dao động, Thoại Ngọc Hầu đã cho thỉnh pho tượng từ trên núi xuống và lập miếu thờ Bà để người dân thêm vững tâm, tin tưởng đã có thế lực siêu nhiên phù hộ, chở che, từ đó thêm đoàn kết, quyết tâm vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống trên vùng đất “phên giậu” của đất nước” (Tấn Đức, 2013).

Thế nhưng theo thời gian, Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) đã trở thành một vị nữ thần – mẫu thần linh thiêng bậc nhất ở phương Nam của tổ quốc. Ông Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) cho biết: “Sau 20 năm, tiền công đức ngày càng nhiều. Đây là sự tự nguyện của bà con khắp nơi. Trung bình miếu Bà có từ 120-150 tỉ đồng/năm tiền công đức” (Bửu Đấu, 2022).

Không phải chỉ có một Bà Chúa Xứ trong tín ngưỡng cư dân Nam Bộ. Trong quan niệm của người dân có tín ngưỡng, Bà Chúa Xứ là một vị tiên nữ từ trên trời xuống hạ giới. Quyền năng của Bà Chúa Xứ rất lớn nên tùy theo từng địa phương, cư dân dựng miếu thờ Bà với đức tin khác biệt nhau (Lâm Viên, 2022). Chẳng hạn như cư dân vạn chài đã xây dựng miếu Bà Chúa Xứ ở thị trấn Mỹ Long (thuộc huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) để bảo hộ người đi biển.

Còn cư dân ở ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã dựng nên miếu thờ Bà Chúa Xứ trên Gò Tháp, gần di tích Tháp Mười, từ thời khai hoang để cầu nguyện sự che chở, bảo hộ của vị nữ thần này cho cộng đồng cư dân Việt chung sống giữa gian lao, nguy hiểm của những ngày mở đất ! Trong khi đó, ở khắp Nam Bộ, ngày nay nhiều xóm ấp vẫn còn tồn tại những ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ của dân chúng lập nên để cầu nguyện Bà Chúa Xứ phù hộ sức khỏe, sự bình an và công việc làm ăn cho cộng đồng cư dân của từng địa phương.

Cư dân Việt ở miền Đông Nam Bộ quan niệm rằng Bà Chúa Xứ của vùng đất này chính là Linh Sơn Thánh Mẫu 靈山聖母 , với trung tâm thờ phụng hiển linh từ bao đời là Điện Bà ở núi Bà Đen trên địa bàn của tỉnh Tây Ninh. Qua đó, quyền năng của Bà Chúa Xứ vô cùng tối thượng, phạm vi cai quản của bà rất xa rộng và nhiệm vụ của bà cũng rất đa dạng, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. 

2.3. Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành nương nương

Tín ngưỡng Chúa Ngung Man Nương và tín ngưỡng Bà Chúa Xứ xét cho cùng đều là niềm tin về một vị nữ thần phù hộ cho mọi người sống trên vùng đất mà các vị nữ thần này chịu trách nhiệm. Đến khoảng đầu thế kỷ XX, tín ngưỡng thờ Ngũ Hành Nương Nương  五行娘娘 của người Hoa du nhập vào Nam Bộ xem ra có nhiếu ưu thế hơn tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ trong tâm linh của dân cư Nam Bộ, bởi vì Ngũ Hành Nương Nương gồm năm vị nữ thần là: Kim Đức Thánh Phi 金徳聖妃, Thủy Đức Thánh Phi 水徳聖妃 , Mộc Đức Thánh Phi 木徳聖妃, Hỏa Đức Thành Phi 火徳聖妃 , Thổ Đức Thánh Phi 土徳聖妃 , phù hộ cho con người năm lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, liên quan đến: vàng bạc, sông nước, cây cối, lửa củi, đất đai (Huỳnh Hà, 2021). Do đó, theo thời gian, tín ngưỡng thờ phụng Ngũ Hành Nương Nương ngày một phổ biến nhiều nơi ở Nam Bộ hơn tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ.

Miếu thờ Ngũ Hành nương nương thường được xây dựng theo kiểu nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương giống như các ngôi đình làng ở Nam Bộ. Trong miếu, trên bàn thờ, hoặc là bốn chữ Nho viết to, từ trên xuống dưới là “Ngũ Hành Nương Nương”, hoặc là năm tượng thờ nữ thần bằng gỗ (hay bằng gốm), mặc năm màu áo biêu tượng cho từng vị nữ thần: Kim Đức Thánh Phi mặc áo trắng, Thủy Đức Thánh Phi mặc áo đen, Mộc Đức Thành Phi mặc áo xanh lá cây, Hỏa Đức Thánh Phi mặc áo đỏ và Thổ Đức Thánh Phi mặc áo màu vàng.

Năm tượng đặt ngang nhau, trong đó tượng ở chính giữa nói lên sự tôn kính đặc biết của cư dân địa phương đối với vị nữ thần đó. Miếu của cư dân sống bằng nghề kinh doanh thì Kin Đức Thánh Phi được đặt ở giữa thể hiện sự cầu mong mua may, bán đắt, làm ăn phát tài ! Còn miếu của cư dân xóm nghèo thì thường đặt tượng Hỏa Đức Thánh Phi ở giữa để cầu mong nữ thần không nổi giận vì có khi sự nổi giận của nữ thần sẽ làm cho cả xóm nghèo bị thiêu rụi…

Hằng năm, giống như nhiều ngôi miếu thờ các vị nữ thần khác ở Nam Bộ, miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương đều có một ngày lễ vía được tổ chức khá long trọng để mọi người dâng lễ vật cho năm  vị nữ thần. Các lễ vía ở những ngôi miếu tại Nam Bộ thường có một chương trình cúng lễ khá long trọng dâng lên năm vị nữ thần mang đặc trưng Nam Bộ, đó là các tiết mục: hát bóng rỗi cả ngày, múa bóng rỗi (trong đó có điệu múa mâm vàng nổi tiếng) và hát Địa Nàng lúc chiều tối, trước để cho “Bà” vui, sau để mọi người có dịp thưởng thức ! Đặc biệt, điệu múa mâm vàng trong chương trình múa bóng rỗi cúng các vị nữ thần ở Nam Bộ đã được nghệ sĩ múa Thái Ly đưa lên sàn diễn từ thập niên 1960.

2.4. Tín ngưỡng thờ Bà Cậu

Trong khí đó, từ Trung Bộ vào Nam Bộ, người Việt đã trải qua sự tiếp xúc với văn hóa biển của người Chăm ở Nam Trung Bộ, nên khi theo những nghề nghiệp trên sống rạch, kênh mương, từ câu cá, chài lưới… cho đến chèo ghe buôn bán hay chèo đò chở khách, người dân Nam Bộ đã luôn thờ Bà Cậu có gốc gác từ tín ngưỡng của người Chăm của mảnh đất miền Trung: Bà ở đây chính là nữ thần Thiên Y A Na 天依阿那 của người Chăm, được Việt hóa là Chúa Ngọc nương nương 主 玉 娘 娘 , còn Cậu là hai người con trai của vị nữ thần này là Cậu Tài  舅 才 và Cậu Quí 舅 貴 (Tô Phục Hưng, 2016).

Theo như danh xưng, Bà Cậu bao gồm Bà 婆 và Cậu 舅. Đây là những nhân vật cai quản vùng sông nước nên những người sống bằng nghề liên quan đến sông nước đều có lập bàn thờ cúng, đặc biệt là những người sống bằng nghề hạ bạc - đánh bắt thủy sản, càng tin tưởng ở Bà Cậu hơn. Không có ghe, thuyền nào trên sông nước Nam Bộ không có bàn thờ Bà Cậu. Tùy theo mức độ giàu nghèo, phương tiện to nhỏ mà bàn thờ Bà được trang trí sắp đặt lớn bé khác nhau, nhưng niềm tin đối với Bà thì như nhau. Thông thường, bàn thờ Bà trên ghe luôn được đặt ở nơi trang trọng trong khoang sinh hoạt. Trên bàn thờ luôn có hương, hoa, trái cây…Trước mỗi chuyến khởi hành chủ ghe thuyến đều thắp nhang; ngày 16 âm lịch hằng tháng, đặc biệt tháng Giêng, tháng tư, tháng bảy, đều cúng Bà long trọng.

Một vài khu vực sống bằng ngề chài lưới và đánh cá xây cả miếu thờ ngay trong xóm chài để thờ Bà Cậu, mong Bà Cậu phù hộ cho sóng yên gió lặng, mọi người được bình yên, tôm cá đầy thuyền. Hằng năm, miếu Bà Cậu có lễ cúng lớn, với phẩm vật cúng Bà gồm có: heo trắng làm sẵn, gà, cháo ám, trái cây. Trong đó, heo gà dùng cúng Bà Cậu, còn cháo ám dùng để cúng binh.

Niềm tin của dân thương hồ ở Nam Bộ đối với Bà Cậu là tuyệt đối. Họ tin rằng, mọi bất trắc trên sông nước mà quá trình làm nghề họ gặp phải đều có Bà Cậu che chở. Do đó, tín ngưỡng thờ Bà Cậu của người dân Cần Thơ là thể hiện sự tri ân của dân làng đối với đấng bề trên, cho họ một cuộc sống ấm no đủ đầy, bình an, hạnh phúc. Đồng thời qua đó còn thể hiện lòng ước mong mỗi cuộc hải trình ra khơi được đi đến nơi về đến chốn, sóng yên gió lặng, tôm cá đầy thuyền.

2.5. Tục thờ Mẹ Sanh, Mẹ Độ

Tín ngưỡng thờ Mẹ Sanh là một tín ngưỡng khá phổ biến trong dân gian Nam Bộ. Ông bà ta xưa quan niệm rằng đứa trẻ được sinh ra là do Mẹ Sanh 媽生  (Thai Sanh Nương Nương 胎 生 娘 娘,Chúa Sanh Nương Nương 主 生 娘 娘  ) nặn ra ban cho. Sau đó là 12 Bà Mụ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ, bảo đảm an toàn cho đứa trẻ từ khi là một bào thai cho đến khi đầy 1 tuổi. Vì vậy, dù trong gia đình không có “tran” thờ bà thì khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng), đầy năm thì cha mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mẹ Sanh và 12 Bà Mụ  để tạ ơn các Bà và cầu xin các Bà ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.

Về sau, do chịu thêm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, dân gian Nam Bộ có người cho rằng Bà Mụ là từ chỉ chung cho 13 vị thánh, gồm: Kim Hoa Thánh mẫu 金花娘娘 là vị thần đứng đầu hệ thống thần bảo sanh mà người Hoa (gốc Quảng Đông) gọi là Huệ Phước phu nhân 憓福夫人 và 12 Bà Mụ người ta gọi là Thập nhị hoa bà 十二花婆  là 12 nữ thần phụ giúp Kim Hoa Thánh mẫu, chú tạo và phù hộ thai nhi, thai phụ, công việc của 12 bà được phân bổ trong 12 tháng cho đến ngày đứa trẻ thôi nôi. Theo đó, 12 Bà Mụ, mỗi Bà kiêm 1 việc trong sinh nở giáo dưỡng, bao gồm:

Mụ bà Trần Tứ Nương đảm nhận việc sanh đẻ (chú sanh)

Mụ bà Vạn Tứ Nương đảm nhận việc thai nghén (chú thai)

Mụ bà Lâm Cửu Nương đảm nhận việc thụ thai (thủ thai)

Mụ bà Lưu Thất Nương đảm nhận việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé (chú nam nữ).

Mụ bà Lâm Nhất Nương đảm nhận việc chăm sóc bào thai (an thai)

Mụ bà Lý Đại Nương đảm nhận việc chuyển dạ (chuyển sanh)

Mụ bà Hứa Đại Nương đảm nhận việc khai hoa nở nhụy (hộ sản)

Mụ bà Cao Tứ Nương đảm nhận việc ở cữ (dưỡng sanh)

Mụ bà Tăng Ngũ Nương đảm nhận việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống)

Mụ bà Mã Ngũ Nương đảm nhận việc ẵm bồng con trẻ (tống tử)

Mụ bà Trúc Ngũ Nương trông coi việc giữ trẻ (bảo tử)

Mụ bà Nguyễn Tam Nương đảm nhận việc chứng kiến & giám sát việc sinh đẻ (giám sanh).

Bên cạnh đó, dân gian Nam Bộ còn tin rằng mỗi một người trên thế gian đều có một vị thần linh độ mạng, phù hộ cho sức khỏe, tiền tài và sự bình an. Những người thuộc hai thiên can là Giáp - Ất, nam thì do Quan Thánh Đế Quân 關聖帝君 độ mạng, còn nữ thì do Cửu Thiên huyền nữ 九天玄女娘娘 độ mạng. Những người thuộc hai thiên can là Bính - Đinh, nam thì do Cậu Tài – Cậu Quý 舅 才 - 舅 貴 độ mạng, còn nữ thì do Chúa Ngọc Nương Nương 主 玉 娘 娘 độ mạng. Những người thuộc hai thiên can là Mậu - Kỷ, nam thì do Ngũ Công Vương Phật 五公王佛 độ mạng, còn nữ thì do Quan Âm Bồ Tát  觀音菩薩 độ mạng. Những người thuộc hai thiên can là Canh - Tân, nam thì do Quan Bình Thái Tử 關平太子 độ mạng, còn nữ thì do Chúa Tiên Nương Nương 主仙娘 娘 độ mạng. Những người thuộc hai thiên can là Nhâm Quý, nam thì do Tử Vi đại đế 紫微大帝) độ mạng, còn nữ thì do Cửu Thiên Huyền Nữ Nương Nương 九天玄女娘娘 độ mạng.

Tuy nhờ thầy giở sách xem để biết thần độ mạng là ai, nhưng thông thường đến khi lập gia đình rồi, nhất là khi đã có nhà riêng, người Việt ở Nam Bộ mới bắt đầu thờ Thần độ mạng. Cách thờ thứ nhất là thờ chung hai vị thần độ mạng cho nam và nữ gia chủ cùng một tran thờ (nam thần phù hộ cho nam gia chủ đặt phía bên trái từ trong nhà nhìn ra cửa, còn nữ thần phù hộ cho nữ gia chủ đặt phía bên phải) ở vị trí cao hơn và ở phía trên bàn thờ gia tiên. Cách thờ thứ hai là thờ hai tran: tran cao hơn bàn thờ gia tiên, ở bên trái từ trong nhà nhìn ra cửa thờ nam thần phù hộ cho nam gia chủ; còn tran bên phải thờ nữ thần phù hộ cho nữ gia chủ.

Hằng ngày, vào lúc chiều tối, cùng với việc thắp nhang ở bàn thờ gia tiên, mọi người đều thắp nhang ở tran thờ thần độ mạng để cầu nguyện điều tốt lành. Đến ngày rằm, mùng một âm lịch, hay gày vía của thần độ mạng hằng năm, mọi người dâng nhang đèn, hoa quả, bánh trái, rượu trà lên tran thờ thần độ mạng để cầu nguyện những điều tốt đẹp.

Khi trong nhà có các lễ cúng (như: cúng giỗ, cúng đổi đốt, cúng đầy tháng, thôi nôi… trong nhà), không ai lại quên kiếng lên tran thờ thần độ mạng chút ít đồ cùng, cùng với hương đăng, rượu trà để bày tỏ lòng tôn kính đối với thần độ mạng. Đặc biệt, trong những năm làm ăn khá giả, nhiều nữ gia chủ còn làm lễ tạ tran đối với nữ thần độ mạng, với lễ vật dâng cúng thịnh soạn hơn, có cả hát bóng rỗi, múa bóng rỗi, hát chặp tuồng hài Địa Nàng nhằm mục đích “làm cho Bà vui”, để tạ ơn sự phù hộ, độ trì của thần độ mạng (Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc, 2013). 

3. Kết luận

Nét độc đáo trong tục thờ nữ thần ở Nam bộ là tục thờ các nữ thần gắn liền với những lưu dân người Việt trong quá trình đến mở đất, khai khẩn và cả sự tích hợp trong quá trình cộng cư. Theo đó, có nhiều vị nữ thần được thờ có gốc tích từ quê gốc của nguồn di dân Việt (từ Bắc bộ và Trung bộ) như: Quốc Mẫu Âu Cơ, Bà Tổ Cô… Ngoài ra còn có tín ngưỡng thờ Ngũ Hành Nương Nương được người Hoa du nhập vào Nam bộ. Bên cạnh đó còn có các nữ thần bản địa mang nguồn gốc tín ngưỡng của dân tộc thiểu số Chăm, Mạ, Chơro, S’tiêng…

Tất cả đã dung hợp hóa trở thành một tín niệm, sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng cư dân mang tính địa phương. Điều này cũng phản ánh tính chất mở của những cư dân sinh sống ở Nam bộ, bằng sự năng động đã kế thừa những đối tượng thờ tự với cả tấm lòng và cầu mong đáp ứng trong tín niệm mà không đặt nặng nguồn gốc đối tượng thờ. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng.

Tôn thờ các nữ thần, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo, không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi, bởi tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt quan tâm trước hết đến đời sống trần gian của con người về nhiều mặt như sức khỏe, tiền tài, may mắn, hạnh phúc…

Do đó, có thể nói rằng tục thờ nữ thần ở Nam Bộ đã thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn bởi các nữ thần được người dân Nam Bộ tôn thờ thường là những anh hùng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc hay những đấng thiêng liêng đã phù hộ cho biết bao thế hệ người dân Nam Bộ vượt qua những khó khăn, dịch bệnh trong cuộc sống để vươn lên.

Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ trở thành một nét đẹp văn hóa, luôn thường trực, có sức sống bền vững trong tâm linh của người dân trên vùng đất phương Nam của tổ quốc. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1) Trần Phỏng Diều (2016), Tín ngưỡng thờ bà Cậu ở Cần Thơ, đăng trên báo điện tử Cần Thơ ngày 31/07/2016, truy cập ngày 17/3/2023.

2) Bửu Đấu (2022), Mỗi năm thu 120-150 tỉ đồng tiền công đức, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam dành 70% chăm lo an sinh xã hội, đăng trên báo Tuôi Trẻ Online ngày 16/05/2022, truy cập ngày 17/3/2023. 

3) Tấn Đức (2013), Thất Sơn ký sự - Kỳ 1: Kỳ bí miếu Bà Chúa Xứ, đăng trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 31/05/2013, truy cập ngày 17/03/2023. 

4) Huỳnh Hà (2021), Tục thờ Bà Ngũ Hành ở Nam Bộ, đăng trên báo Cần Thơ ngày 4/4/2021, truy cập ngày 18/3/2023.

5) Tô Phục Hưng (2016), Tìm hiểu về tục thờ Bà Cậu ở Nam Bộ, đăng trên báo Tin Tức ngày 20/08/2016, truy cập ngày 18/3/2023.

6) Nguyễn Điện Nam (2015), Tá Thổ, đăng trên báo Quảng Nam ngày 09/02/2015, truy cập ngày 18/2/2023.  

7) Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (2013), Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

8) Lâm Viên (2022), Đặc sắc tín ngưỡng Bà Chúa Xứ ở Nam bộ, đăng trên website Đồng Nai ngày 4/05/2022, truy cập ngày 17/3/2023.

9) Vũ Hồng Vận, Phạm Huy Hoàng (2020), Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, đăng trên website Thánh địa Việt Nam học ngày 20/07/2020, truy cập ngày 19/3/2023. 

TS HỒ TƯỜNG
(Giàng viên ĐH Bình Dương)