Đình làng - Nguồn gốc hình thành và phát triển
26/08/2023 19:42:37Ngày xưa ở Trung Hoa, cũng như ở Việt Nam cùng các nước khác ở Á Đông, các cách vận chuyển còn trong thời kỳ thô sơ. Muốn đi từ nơi này đến nơi khác, tùy theo từng giai đoạn lịch sử, người xưa có các phương cách khác nhau. Đầu tiên là đi bộ, rồi sau đi cáng, đi võng, đi kiệu do mấy người khiêng, đi ngựa, đi xe do một người đẩy.
(Hình mang tính minh họa)
Những cách vận chuyển này đã phiền phức và khó nhọc, lại thêm đường sá gập ghềnh khó đi, và vì phải đi qua vùng núi rừng hiểm trở nên cuộc hành trình nào cũng mất gấp mười gấp trăm thì giờ so với các cuộc hành trình ngày nay và người ta thường phải ngừng, nghỉ lại dọc đường.
Dọc đường, nếu trời tối mà không gặp thôn cư làng mạc nào, thì dù là vua, cũng sẽ bị dãi tuyết dầm sương (bên Trung Hoa có tuyết). Do đó, nhà vua sai lập bên các con đường cái lớn gọi là quan lộ, tức là những con đường được công nhận chính thức, những quán trú chân, phòng khi vua, quan đi tuần du giữa đường gặp tối.
Việc lâp các quán dọc đường đó có định lệ hẳn hoi:
- Đời Tần cứ 10 dặm lập một đình.
- Đến các đời vua sau, chế độ ấy được thay đổi, cứ năm dặm đường, gọi là đoản đình, lập một quán nhỏ; mười dặm đường gọi là tràng đình, lập quán to.
Các quán này, hầu hết đều kiến thiết chắc chắn bằng tường gạch, mái ngói, và đều làm theo một kiểu giống nhau. Kiểu này do vua quan bắt phải làm theo hình vuông, trên nóc thì bốn mái có góc uốn cong.
Gọi “quán” là ta gọi theo tiếng thời bây giờ cho dễ hiểu, chứ thật ra, các quán dọc đường đó, xưa đều gọi là “đình”.
Làm xong các đình đó, nếu cứ bỏ hoang ở ven đường, không trông nom quét tước và sửa chữa giữ gìn thì chẳng mấy chốc trở thành nơi trú ẩn của trộm cướp, nơi hò hẹn của rêu cỏ, bẩn thỉu, và chắc chắn bị xuống cấp theo thời tiết và thời gian.
Vì vậy người ta phải đặt ra một chức, chọn giao một người dân sở tại để trông nom “đình”. Chức ấy gọi là “đình trưởng”. Tuy phận sự của viên đình trưởng cốt yếu ở sự trông nom gìn giữ ngôi đình, song thường cũng rất là vất vả bận rộn. Như khi có vua quan, quý khách nghỉ ngơi lưu trú tại đình thì đình trưởng phải tổ chức cuộc canh phòng để ngăn ngừa quân trộm cướp, phải sắm thức ăn thức uống, dầu đèn, tóm lại phải phục dịch như có khách quý đến nhà mình vậy.
Để đền bù vào chỗ đó, các viên đình trưởng được hưởng những quyền lợi riêng, như có quyền sai phái, và trừng giới dân đinh thuộc đình mình, tức là trong vòng mười dặm, được quyền cấy ruộng công hay được lương bổng và được vinh ấm v.v…
Chức đình trưởng cũng tương tự như chức xã - chánh, xã trưởng hay lý trưởng ở ta và như chức bảo chánh (lý trưởng) ở Trung Quốc hiện giờ. Vì lý trưởng hay bảo chánh chỉ là danh hiệu từ đình trưởng mà ra. Bây giờ, trong văn chương người ta gọi bóng là lý trưởng, là thập lý hầu, nghĩa là tước hầu trong vòng mười dặm, cũng là vì xưa đình trưởng quyền hành trong vòng mười dặm. Như vậy cái đình, đầu tiên không phải là nơi thờ thần Thành hoàng hay nơi họp việc làm, hoặc nơi uống rượu và chia phần xôi thịt, hoặc nơi người ta tranh nhau ngồi trên ngồi dưới như ngày nay.
Nước ta có đình từ đời nào ?
Cứ theo nguyên nghĩa của chữ đình, thì nước ta có đình từ đời Lý. Bấy giờ kinh đô nhà vua là Thăng Long tức Hà Nội bây giờ. Nhân vì có sứ giả các tiểu quốc tới triều cống, nên năm Tân Tỵ (1041) vua Thánh Tôn nhà Lý sai xây một nơi công quán ở vào đất Cự Linh, phủ Gia Lâm ngày nay, gọi là trạm hoặc đình Hoài - Viễn, dành để quý khách phương xa nghỉ ngơi, trước khi vào kinh bệ kiến.
Cùng năm ấy, nhà Vua lại sai lập luôn bảy trạm (tức đình) nữa đặt tên là Tuyên Hóa, Vĩnh Thông, Thanh Bình, Quý Đức, Bảo Vinh, Canh Hóa vá An Dân, nay đều thuộc địa hạt tỉnh Thái Nguyên.
Các đình hay trạm nay đều thiết lập và tổ chức theo lối các đình ở bên Trung Hoa ngày xưa.
Tại sao bây giờ ở ta mỗi làng có một đình?
Người nước ta ở thành làng từ ngay đời thượng cổ. Và làng Việt Nam trở thành làng có tổ chức từ khi chịu quyền đô hộ của nhà Hán, nhà Đường.
Nhưng nếu mỗi làng Việt Nam trở thành một nước nhỏ ở trong một nước lớn, là do Trần thủ Độ, một vị gian thần của nhà Lý, và là một khai quốc đệ nhất công thần của nhà Trần.
Sau khi khi bày mưu cướp ngôi nhà Lý, Trần thủ Độ làm đủ cách để nhân dân trong nước quên nhà Lý và không thể phản đối được nhà Trần.
Năm Nhâm Dần (1242) đời vua Trần Thái Tôn, Trần Thủ Độ chia làm 12 lộ, tức là 12 tỉnh. Mỗi lộ chia làm nhiều xã. Để trực tiếp với dân các xã và kiểm soát hành vi của họ, nhà Trần đặt thêm các chức Đại tư xã, bổ các quan từ ngũ phẩm trở lên; các quan từ ngủ phẩm trở xuống thì xung chức Tiểu tư xã: (Đại tư xã và Tiểu tư xã sau này đổi làm Tri phủ và Tri huyện).
Các quan Đại tư xã, Tiểu tư xã làm việc dưới quyền các quan đầu tỉnh (hay lộ) là Chánh phó An phủ sứ (hai chức này đặt ra từ đời nhà Lý). Mỗi xã lại bổ xã quan trực tiếp cai trị, gọi là Xã chánh và Xã giám tức như Lý trưởng, Phó lý bây giờ. Xã chánh, Xã giám làm việc dưới quyền các quan Đại tư xã, Tiểu tư xã. Trong xã đã có quan nhà vua bổ về cai trị, thì tất phải có công đường làm việc. Vì vậy xã nào cũng phải làm một nơi công quán gọi là đình. Thế là đình đã qua một thời kỳ cải cách: nó vừa là nơi vua, quan quý khách lưu trú, lại vừa là nơi họp bàn việc quan, việc làng.
Cái đình đã có quan hệ như vậy, nên đình đối với dân thời bấy giờ cũng như huyện nha đối với dân ngày nay.
Tại sao đình lại thành nơi thờ thần?
Đình nguyên không phải là nơi thờ tự; ở đời Trần cũng vậy.
Song cũng có đình sắm sẵn hương án, lư hương, tàn, lọng để phòng khi phụng nghênh sắc chỉ nhà vua, hoặc để bái vọng xa giá vua hay quan khâm mạng tuần du qua. Và để chúc tụng nhà vua, người ta thường khắc bốn chữ “Thánh thọ vô cương” hoặc “Thánh cung vạn tuế” vào hoành phi treo lên gian chính tẩm. Khi nhà vua ngự du, lưu trú tại đình, trông thấy những chữ đó, tất lấy làm đẹp lòng. Chỗ dụng ý của người ta là như vậy.
Mãi đến sau này, nhà Lê mới lập lệ phong các quan đại thần, khi thất lộc làm phúc thần, cho thờ bằng lọng vàng tại đình làng.
Đình làng này thờ ông quan này làm phúc thần, đình làng khác nếu không được cái hân hạnh ấy, thì tự ý hoặc xin phép các quan thờ các vị thần thánh thời cổ hoặc các bậc đế vương trung thần liệt nữ thời trước làm thành hoàng.
Cứ thế, dần dần chẳng đình làng nào là không thờ Thành hoàng (xem định nghĩa) như ngày nay.
Còn ngôi thứ ở đình trung là do các xã quan đời Trần bắt đầu ấn định do các quan lộ duyệt y. Lâu dần thành ra một thứ luật lệ rất là nghiêm khắc. Chỗ ngồi tại đình trung được người ta coi trọng không kém gì chỗ ngồi trong triều đình, vì ở đình làng người ta cũng y theo lệ luật và kiểu cách ở triều đình. Do đó mà trong hương thôn thường xảy ra những vụ xung đột, kiên tụng về chỗ ngồi ở đình. Đến nỗi sau này vua Minh Mạng đã phải ấn định trật tự ăn ngồi tại đình trung.
---
- “Định nghĩa về Thành hoàng”:
Thành hoàng (城 隍): Thành là bức tường xây bao chung quanh một thị trấn, một thành phố. Ngày xưa, phía ngoài thành bao giờ cũng có đào hào rảnh cho sự phòng thủ được kiên cố. Cái hào bao quanh thành đó, có nước thì gọi là trì (thành trì), cạn không có nước thì gọi là hoàng (thành hoàng). Thuở xưa người ta tin rằng đất, nước chỗ nào cũng có thần coi giữ. Thành có thần coi thành, trì hay hoàng cũng có thần coi. Thần coi thành hoàng người ta gọi chung là thần thành hoàng. Lâu dần, thành hoàng có nghĩa là thần coi một thị trấn, cho đến bây giờ ta hiểu thành hoàng là thần coi một làng, thờ tại đình làng.
- Chú ý: Những danh từ về chức vụ, đơn vị hành chánh “bây giờ” trong bài được hiểu là vào thời điểm 1942 .
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lê Văn Hòe,Tầm nguyên từ điển 1942
LÂM HOÀI PHƯƠNG
Các tin cũ
- » Bác sĩ Dương Cẩm Chương - Người con ưu tú của họ Dương ở Hưng Yên 20/08/2023 10:19:39
- » Vấn đề giáo dục truyền thống phụ nữ qua tác phẩm văn học nghệ thuật 18/08/2023 18:57:05
- » Hậu duệ mẹ Âu Cơ trong giáo dục gia đình và bảo tồn văn hóa dân tộc 17/08/2023 20:41:15
- » Người phụ nữ trong văn hóa dựng nước và giữ nước ở Việt Nam 17/08/2023 20:25:11
- » Người phụ nữ trong văn hóa dựng nước và giữ nước 17/08/2023 20:05:16
- » Vai trò nữ giới trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng họ xưa nay 17/08/2023 19:44:34
- » Khắc họa hình ảnh phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nước nhà 16/08/2023 17:10:05
- » Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập 16/08/2023 16:57:29
- » Phụ nữ Huế với việc phát triển nghề truyền thống 16/08/2023 16:50:44