Trang chủ > Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam

Đúc kết về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa - lịch sử Việt Nam

31/08/2023 20:15:33

Tham luận của Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An (Phó Chủ tịch Hội đồng Viện Lịch sử dòng họ) viết cho hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc” tổ chức lúc 8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An - tác giả tham luận

Đặt vấn đề

Vai trò của phụ nữ Viêt Nam trong lịch sử là một chuyên đề lớn, đa dạng, đánh giá về phẩm hạnh và tài năng của giới nữ nước ta. Chúng tôi chọn ra vài đúc kết có tính lịch sử trình bày trong tham luận dưới đây:

1. ĐẠO MẪU VIỆT NAM

Đây là sự tôn thờ nữ thần của người Việt. Thờ Mẫu, mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoại, Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liểu Hạnh… xuất hiện là rất phổ biến ở khắp vùng miền, có nguồn gốc lịch sử và xã hội từ thời các vua Hùng đến nay; các đền thờ mẫu ở các tỉnh (cả miền Bắc) vẫn đang tồn tại và phát huy tính tích cực của nó. Tín ngưỡng dân gian cho rằng các vị thánh nữ ấy có các quyền năng to lớn, đã sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người, tiêu biểu như Văn tế Thánh mẫu Liễu Hạnh sau đây:

…Tây hồ hun đúc,

Nam phố sinh thành,

Nổi danh liệt nữ,

Nổi tiếng trâm anh.

Áo sen phơi phới,

Dáng phượng thanh thanh.

Đức mẹ cả nước,

Nuôi nấng sinh linh.

Tuy xa vời vợi,

Lẫm liệt như sinh.

Trời che đất chở,

Đất rộng trời xanh.

Xua tà đuổi quỷ,

Phù hộ dân lành.

Răn đời dạy bảo,

Giáng bút truyền kinh.

Khắp nơi nức tiếng,

Thánh mẫu anh linh… 

(Văn tế Thánh Mẫu - Bà Chúa Liễu Hạnh)

Các bài văn tế với nội dung đề cao các vị thánh, cầu mong sự yên bình cuộc sống, giáo dục đạo đức gia dình, với các lễ thức phong phú, đậm nét dân gian, trang phục cho các vị thánh, những người hầu đồng, các thức bày cúng là nét riêng của VN. Các dạng thờ thánh mẫu, thờ bà, như bà hỏa, bà thủy, bà Chúa xứ, bà Đen….là rất phổ biến ở Nam bộ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, các am, miếu, điện, cũng đã diễn ra những cuộc tế lễ về Đạo Mẫu (thời kỳ trước 30-4-1975 ở ngã tư Phú Nhuận), các hình thức đồng, bóng diễn ra liên tục; thời nay, nội dung, hình thức có cải tiến theo hướng tích cực hơn, nhưng nội dung trân trọng các vị nữ thánh nay gần như trọn vẹn. UNESCO Quốc tế đã công nhận Đạo Mẫu là “di sản văn hóa thế giới”. Đặc biệt nhiều quyển sách có giá trị viết về Đạo Mẫu, phát hành công khai, phần lớn là thẩm thấu nội bộ lăng miếu.

Một số nhận định về đạo mẫu như sau: 

- Là một loại Đạo của Việt Nam; việc “phong thánh cho các bà mẹ của tổ tiên ta là sự đề cao dúng mức về danh vị, địa vị, về giá trị tinh thần văn hóa của các bà mẹ. Phong thánh là mức độ cao nhứt trong các cấp bậc tâm linh. “Thánh” phải cao hơn “thần” một bậc.

- Ý thức về vai trò người phụ nữ như trên của tổ tiên ta xưa là một sự sáng tạo, sự khẳng định đặc sắc, đúng mức, thể hiện sự lạc quan, tin cậy và tôn vinh người phụ nữ. Có thể nói, “nam nữ bình đẳng” đã là nhận thức đã có từ xa xưa của dân tộc ta qua tôn thờ các bậc thánh mẫu ở khắp vùng miền cả nước.

2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI MẸ - NGƯỜI  VỢ -  CON DÂU

Trong lịch sử, nghiên cứu để thấy rõ các giá trị, phẩm chất đạo đức người phụ nữ VN. Từng chi họ, gia đình, vai trò NGƯỜI MẸ là nổi trội hơn cả. Họ chăm lo con cái, lựa từng miếng ăn, giọt sữa để nuôi con; người mẹ chịu đựng mọi hy sinh gian khổ để bảo vệ gia đình. Thực ra vai trò người mẹ khắp các vùng miền, trong nước và nước ngoài đều có phẩm chất lo toan cho gia đình, tuy vậy trào lưu bình đẳng có phần cực đoan, vai trò phụ nữ dấn thân đảm nhận công tác xã hội nhiều hơn, thậm chí vì sự nghiệp riêng tư mà từ chối lập gia đình, hoặc có gia đình nhưng chối bỏ nhiều chức năng của người mẹ. Với vị thế là đồng người chủ gia đình, người mẹ còn là hạt nhân làm kinh tế gia đình, lo sự ấm no hạnh phúc.

NGƯỜI VỢ, trược khi làm mẹ, người phụ nữ ký kết chung sống với người chồng và làm vợ. Người vợ truyền thống của nước ta và nhiều nước phương Đông khác đã thực hiện nhiều mức độ khác nhau, lo cho chồng và gánh vác “gian san nhà chồng”, xa chồng vẫn chờ đợi chồng, những tấm gương thủ tiết thờ chồng là vậy. Người vợ là lo cho chồng, tôn tọng sự gắn bó đầm ấm, thủy chung, gương mẫu.

CON DÂU, trong gia đình truyền thống, từ bỏ nhà mình đi sang nhà chồng, lãnh phần trách nhiệm mới đầy gian khó; tính tự nguyện này có phần khác nhau đối với từng người nữ, ngày càng tách rời để sớm thành lâp một gia đình hạt nhân, không hoặc ít liên đới với gia đình chồng, sau khi sinh con, người phụ nữ này sớm trở thành người mẹ. Con dâu trong hoàn cảnh nào cũng thực hiện chuyện truyền nòi giống cho dòng họ nhà chồng vì phần lớn cặp đôi vợ chồng thường khác họ, thế hệ nối tiếp lấy họ cha theo chế độ phụ hệ. Ý nghĩa nối truyền họ nhà chồng là thực tế xã hội, tuy vây người khác họ này vẫn nung nấu họ nhà mình (dòng họ ngoại), tính nối kết các họ là đầu mối nối kết dòng tộc và dân tộc hàng trăm họ…

Người dâu truyền thống là người từ một gia đình khác về nhà chồng, họ được phân giao nhiệm vụ giỗ chạp, được tiếp cận “một gia sản”, họ tự nhiên coi những sự kiện, những nhân vật bên chồng là đối tượng ứng xử cho đúng phép, nên họ ghi nhớ trong nhận thức một kho gia sử đồ sộ. Những người làm gia phả chúng tôi thường xem họ là một nhân vật quan trọng để tìm hiểu, phỏng vấn thu thập tài liệu về chi họ để dựng gia phả.

Các Ban Liên lạc hoặc Hội đồng dòng họ ở TP.HCM thường lập Câu lạc bộ “con gái, con dâu” của họ tộc. Điển hình như Câu lạc bộ “con gái, con dâu họ Phạm” sinh hoạt rất đặc trưng vơi nhiều nội dung thiết thực của giới, như việc họ có trang phục riêng mặc khi sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sinh hoạt toàn dòng họ; chính bộ áo dài kiểu dáng phù hợp với từng “nàng” làm quí bà, quí cô thân cận và chia sẻ công việc lẫn việc riêng tư dễ dàng hơn; ta không còn phân biệt là người dưng khác họ nữa, con dâu trờ thành người trong họ thực sự.

Sự gắn kết con gái và con dâu là sự gắn kết dòng họ, dòng họ nào, gia đình nào sự gắn kết này càng chặt chẽ thì chi họ đó, gia đình đó thắt chặt tình thân huyết thống tốt hơn; giải tỏa áp lực chị em chồng là bên ngoài nhiều lấn cấn rất khó xử cho người cha, người chồng trong cuộc sum họp gia đình truyền thống.

Các nữ nhi vì nước hơn tình riêng:

Trong lịch sử có những người phụ nữ thuộc giới “lá ngọc cành vàng” như công chúa An Tư, nhà Trần gả cho Thoát Hoan để “thư giãn nạn nước”, công chúa Ngọc Hân gả cho Chế Mân với nhiều công đoạn ly kỳ, hoặc nhân vật tiểu thuyết (thơ Lục Vân Tiên) Kiều Nguyệt Nga, cống Hồ... là người dâu rất đặc biệt.  Hãy xét tâm trạng của họ, khi theo lịnh vua, vì sự nghiệp bảo vệ đất nước mà phải mang thân đi làm vợ xứ người, thâm chí là kẻ thù (như Công chúa An Tư). Lúc đó, dứt khoát tình yêu là không có. Đó là một sự cưỡng bức, một trách nhiệm rất cao cả. Đó là những tấm gương hy sinh cao cả.

 Có trường hợp thể hiện sự bao dung của người phụ nữ: một số quân Minh bại trận, không được vua nhà Minh cho phép trở về nước. Họ  buộc phải ở lại VN, sống theo phong tục tập quán VN và lấy vợ VN. Những cuộc hôn nhân với ý nghĩa kết hôn với kẻ bại trận, thì tâm trạng ấy thể hiện sự bao dung rộng lớn…

Nhân định chung về Phụ nữ trong gia đình:

- Người mẹ trong gia đình truyền thống ba thế hệ, có thể có đủ ba thế hệ: làm bà chung của con cháu trong nhà, làm mẹ của các con của minh và cả con dâu, làm dâu đời hai, làm cháu dâu đời ba… tất cả đúng vai người phụ nữ bao quát việc họ tộc, nhất là chuyện hôn nhân và kết nối họ tộc (phụ hệ). Các người nữ này từ ngoại tộc, dần từng bước thành nhân vật chính của họ tộc nhà chồng, từ người dưng khác họ trở thành như người trong họ; một chức trách rất căn cơ truyền thống của văn hóa Việt Nam.

- Khi gia cảnh hai thế hệ gồm cha mẹ và con cái, quan hệ mẹ chồng con dâu trước đây thường rất căng thẳng: người mẹ thương yêu con trai của mình, nàng dâu cũng yêu thương chàng trai đó; khi quá thiên vị tất dẫn đến mắc mứu, thâm chí mâu thuẫn phải tách rời. Ra riêng lập gia đình hạt nhân, người làm dâu nay trở thành người mẹ trong gia đình mới này, qua hệ trực tiếp với người mẹ chồng dần từng bước thành quan hệ gián tiếp… đó là xu hướng chung của nhiều gia đình hiện nay.

- Gia đình hạt nhân, chỉ có mỗi làm người mẹ, ứng xử với chồng, thường đem việc nhà chia chung để xây dựng, tuy có sư bình đẳng tương đối; song đây là dạng gia đình dễ đổ vỡ nhất vì nhiều vấn đề không phải cả hai đều nhìn nhân giống nhau, sự nhường nhịn không có người giám sát trở nên ích kỷ và tranh quyền. Cái được của gia đình hạt nhân rất hợp với xu thế thời đại, nhưng cái bất hạnh dẫn đến ly thân, ly dị cũng từ sự tự tôn của vợ hoặc chồng.

3. “MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”

Với các phẩm chất là những bà mẹ yêu nước “ANH HÙNG, BẤT KHUẤT, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG”. Có bà mẹ có tới 11 người (chồng, con, cháu) hy sinh, như Mẹ Thứ ở Quảng Nam; mẹ Rành ở Củ Chi có 9 người là liệt sĩ; có bà mẹ phải giết chết con để cứu sống nhiều người đang ẩn nấp trong căn hầm bí mật đang bị giặc càn; có bà mẹ chờ chồng đi tập kết thời chống Mỹ cứu nước, nhiều bà ở tù dài đăng đẵng thời chống Pháp, chống Mỹ… Đặc trưng này được đề cao trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, do cuộc đấu tranh khá dài nên có việc truy tặng danh hiệu sau thời gian dài hơn ba mươi năm. Tiêu chí này nếu áp dụng thì mẹ của Hai bà Trưng, bà Man Hoàng hậu là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đầu tiên trong lịch sử thành văn ở nước ta

Những người phụ nữ trong các nhà tù Mỹ - Ngụy: Có khoảng 3 - 4 trăm nữ tù bị đày Côn Đảo, họ giữ vững khí tiết cách mạng, bị tra tấn cùng cực, chống chào cờ ba que, không hô la khẩu hiệu chống Cộng, chống khổ sai như Dì Một, Dì Bảy Cưỡng, Dì Ba Bí, Dì Phùng Ngọc Anh, Chị Trương Mỹ Hoa, Chị Võ Thị thắng v.v… là những tấm gương ANH HÙNG, BẤT KHUẤT tuyệt vời.

Những bà mẹ nói trên đó là những bà mẹ hiện thực, có thật, xuất hiện từ xa xưa (thời Hùng Vương) cho tới tận ngày nay. Ta rất hãnh diện có những bà mẹ như vậy trong đời sống thường nhật hiện nay.

VÕ NGỌC AN