Trang chủ > Hội thảo về Di sản mẹ Âu Cơ

Hội thảo về Di sản mẹ Âu Cơ

28/04/2023 14:24:44

8h30 sáng 28/4/2023 tại hội trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Dòng họ và Khoa Văn hóa học của Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức hội thảo “Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc”.

Đông đảo khách mời đến tham dự hội thảo

Đến dự hội thảo, về phía Viện Lịch sử Dòng họ có: TS Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng), nhà nghiên cứu Võ Ngọc An (Phó Chủ tịch Hội đồng Viện), PGS-TS Hà Minh Hồng (Chủ tịch Hội đồng Khoa học), PGS-TS Võ Văn Lộc (Phó Viện trưởng), Thạc sĩ Phạm Hooàng Nam Huân (Phó Viện trưởng), Luật gia Hoàng Long Vân (Phó Viện trưởng). 

 

Đoàn Chủ tọa hội thảo, từ phải qua: Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An, TS Hoàng Văn Lễ, PGS-TS Hà Minh Hồng và PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ

Về phía Khoa Văn hóa học, có PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (Chủ nhiệm khoa) và các giảng viên: GS-TS Trần Ngọc Thêm, TS Võ Sông Hương, TS Bùi Việt Thành.

Ngoài ra còn có đại diện Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả TP Hồ Chí Minh, thạc sĩ Nguyễn Thanh Bền cùng đại diện một số dòng họ và nhiều quan khách khác…

Sau phần biểu diễn võ thuật của võ đường võ phái cổ truyền Nam Huỳnh Đạo - đơn vị tài trợ chính cho hội thảo - là diễn văn khai mạc của nhà nghiên cứu Võ Ngọc An. 

Biểu diễn võ thuật cổ truyền của Nam Huỳnh Đạo trước khi khai mạc hội thảo

Trong diễn văn khai mạc có nhấn mạnh: “Đặc biệt Viện chúng tôi tiếp nhận 17 bạn khoa học mới của Viện, số bạn này là tiến sĩ, thạc sĩ ở các trường đại học, có trường rất xa như Đại học Vinh, An Giang, chuyên viên cao cấp ngành Tuyên giáo; có nhóm bạn trẻ đang là sinh viên các trường đại học, có bạn ở ngành kỹ thuật vi tính, võ đường, cô giáo nhà trẻ… Chúng tôi vui mừng với tất cả các bạn tham gia hội thảo lần này. Một ý thức nhớ về cội nguồn rất đáng trân trọng”.

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An

Tiếp sau đó, PGS-TS Hà Minh Hồng đọc đề dẫn của hội thảo. Trong đề dẫn, GS cho biết: “Hội thảo Di sản mẹ Âu Cơ với truyền thống giáo dục gia đình, nối truyền và bảo tồn văn hóa dân tộc là một hội thảo khoa học thường niên của Viện Lịch sử Dòng họ phối hợp với Khoa Văn hóa học của Đại học KHXH&NV tổ chức có tính chất thường kỳ vào dịp lễ Quốc tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch hàng năm…

PGS-TS Hà Minh Hồng

Kỷ yếu hội thảo lựa chọn 33 bài nghiên cứu của các nhà nghiên cứu kỳ cựu như GS Mạc Đường, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng, TS Hồ Bá Thâm, nhà nghiên cứu Võ Ngọc An… cung cấp những tư liệu và vấn đề lịch sử tích lũy từ hàng chục năm nghiên cứu. Nhưng nhiều nhất vẫn là đội ngũ các cây viết và các nhà nghiên cứu trẻ từ các trường đại học, các địa phương”.

Kỷ yếu được chia ra làm 3 phần: Phần I: Vai trò của người phụ nữ trong lịch sử (gồm 10 bài); Phần II: Phụ nữ trong văn hóa gia đình và tín ngưỡng dân gian (gồm 14 bài) và Phần III: Gương phụ nữ xuất chúng (gồm 6 bài). Ngoài ra còn có Trang tư liệu gồm 3 bài.

Mở đầu phần trình bày tham luận, TS Hoàng Văn Lễ trình bày tham luận “Phong trào nữ quyền trong xã hội Việt Nam thời cổ đại” của GS Mạc Đường (TS Hoàng Văn Lễ được GS Mạc Đường ủy nhiệm đọc tham luận).

TS Hoàng Văn Lễ

Tiếp theo là TS Trần Phú Huệ Quang trình bày tham luận “Tư tưởng giáo dục nữ giới của Nho gia và bối cảnh Việt Nam tiếp nhận”.

TS Trần Phú Huệ Quang 

Tiếp theo nữa là TS Hồ Bá Thâm trình bày tham luận “Vai trò nữ giới trong nối truyền dòng tộc và trong văn hóa dòng tộc xưa nay”. Ngoài trình bày tham luận TS Hồ Bá Thâm còn đề xuất một đề tài cho hội thảo lần sau là: “Sử phả dòng họ và văn hóa dòng họ”.

TS Hồ Bá Thâm

Sau đó, GS-TS Trần Ngọc Thêm phát biểu nhận xét về các tham luận vừa được trình bày. Cũng từ phần phát biểu nhận xét này mà TS Võ Sông Hương “cảm hứng”, phát biểu trao đổi thêm về quyền lực nữ quyền, vai trò phụ nữ, vai trò người mẹ…

GS-TS Trần Ngọc Thêm (bên trái) và TS Võ Sông Hương

Sau giờ nghỉ giải lao, TS Hồ Tường trình bày tham luận “Tín ngưỡng thờ nữ thần ở Nam Bộ”.

Tiếp theo TS Hồ Tường, nghiên cứu sinh Đoàn Hoàng Hải trình bày tham luận “Chuyện người phụ nữ trung hậu đảm đang trong cuộc trường chinh 30 năm”.

TS Hồ Tường (bên trái) và nghiên cứu sinh Đoàn Hoàng Hải 

Do thời gian có hạn nên chỉ có 5/33 tham luận được trình bày tại hội thảo.

Sau phần trình bày này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ đã đại diện Đoàn chủ tọa hội thảo có những nhận định mang tính đúc kết nội dung ý nghĩa mà 33 tham luận đã đạt được…

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ

Tiếp theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, TS Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ) phát biểu giới thiệu về việc lập cấp bậc ngành nghề gia phả học. Theo đó, trong năm 2023, Viện sẽ tiến hành việc lập hồ sơ, lập hội đồng xét chọn để công nhận chức danh nghề nghiệp cho một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực gia phả như: Nhà gia phả học, Chuyên viên gia phả, Cán sự gia phả, Tập sự viên gia phả.

TS Hoàng Văn Lễ (Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ)

Trước khi kết thúc hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Châu Linh (Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hành trình Kim cương, nhà sáng lập Thư viện số 100 năm, đối tác của Viện Lịch sử Dòng họ) đã có lời phát biểu và tặng cho đại biểu tham dự hội thảo tổng cộng 70 thẻ Thư viện số 100 năm.

TS Hoàng Văn Lễ đại diện Viện Lịch sử Dòng họ nhận 70 thẻ Thư viện số 100 năm

Hội thảo kết thúc lúc 11h30 cùng ngày. Viện Lịch sử Dòng họ, Khoa Văn hóa học, Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành gia phả TP.HCM, CLB Gia phả Trẻ... cùng chụp hình lưu niệm

BÌNH MINH

(Hình: Ban Tổ chức)