Bắt vợ, tìm tình trên cao nguyên Mộc Châu
25/08/2022 15:45:23Trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), ngoài đặc sản sữa bò còn có phiên chợ tình nguyên sơ với những câu chuyện ly kỳ và cảm động. Những chàng trai, cô gái người Mông vượt hàng trăm km đèo, núi để mong một đêm tâm tình.
Những ngày đầu tháng 9, thị trấn cao nguyên Mộc Châu (huyện Mộc Châu, Sơn La, cách thủ đô Hà Nội 200 km về hướng Tây) rực rỡ sắc màu và trở thành “vườn địa đàng” của thanh niên người Mông đang yêu hay muốn tìm người yêu. Họ đến từ 14 tỉnh miền núi phía Bắc, trải dài cho đến tận Nghệ An, để hò hẹn, giao duyên và tìm “ý trung nhân”.
Một cảnh phiên chợ tình Tây Bắc
Người Mông trước đây thường sống du canh cu cư trên những ngọn núi cao, địa bàn cư trú trải rộng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trường Sơn. Sống phiêu du là vậy nhưng từ hàng trăm năm qua, phiên chợ tình vào dịp đầu tháng 9 vẫn không thay đổi. Đến hẹn lại lên, chợ tình lại họp như một thông lệ.
Vài tháng trước khi diễn ra chợ tình, các cô gái tuổi 15-17 đã chuẩn bị những bộ váy xòe đẹp nhất. Các chàng trai thì luyện những điệu khèn hay nhất để thể hiện tình yêu trong hai đêm họp chợ tình. Bây giờ trai Mông biết chơi khèn đã ít đi nhiều nhưng tất cả đều phải thể hiện được một tài lẻ gì đó trước khi nghĩ đến chuyện chiếm được trái tim của cô gái Mông.
Nếu như chợ tình Khau Vai (Hà Giang) và chợ tình Sapa (Lào Cai) đã trở quen thuộc thì chợ tình Mộc Châu vẫn còn khá nguyên sơ. Chị Oanh, một người dân đã sống hơn 30 năm ở khu vực trung tâm của chợ tình Mộc Châu, kể: “Từ bé, tôi đã thấy người Mông họp chợ tình ở đây. Khi tôi lớn lên vẫn thấy khu chợ tình nguyên như vậy. Mỗi dịp chợ tình họp, tôi lại thấy rộn ràng. Dù không phải là người Mông nhưng tôi cũng xúng xính váy xòe hoa để đi dạo quanh chợ”.
Xuống núi bắt vợ, lên non tìm tình
Có đến hàng vạn người Mông đổ về Mộc Châu trong 3 ngày 2 đêm diễn ra chợ tình. Người Mông là dân tộc nổi tiếng với tập quán bắt vợ, phong tục cổ xưa đã được nhà văn Tô Hoài kể trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.
Theo cụ Sùng Luông, người đàn ông Mông đã bước qua tuổi 70, thời Pháp thuộc diễn ra nhiều cảnh bắt vợ ở chợ tình. Nhưng bắt vợ cũng có hai dạng, một dạng là có sự thỏa thuận ngầm của cả hai bên, một dạng là gặp người mình thích. Chàng trai Mông cứ bắt về làm vợ không cần biết cô gái có thích mình hay không.
Người Mông có hai dịp bắt vợ là dịp đầu năm mới và dịp diễn ra chợ tình này. Sau khi đã bắt được vợ, gia đình chú rể đem cô dâu ra cúng ma nhà mình. Khi đó cô dâu không còn cách nào khác là phải ưng thuận người vừa bắt mình về làm vợ.
Các cô gái Mông trong phiên chợ tình
Giờ đây tập tục bắt vợ không còn phổ biến như trước đây nhưng người Mông vẫn là một trong số ít những dân tộc có “phong cách” yêu hết sức hồn nhiên và kỳ lạ. Một cặp đôi người Mông chỉ mất khoảng 3 ngày để từ những người xa lạ trở thành vợ chồng.
Những chuyện tình “ba đèo, chín suối”
Chợ tình Mộc Châu vừa là nơi hò hẹn, gặp gỡ nhưng cũng là nơi chứng kiến rất nhiều câu chuyện tình ly kỳ. Trai gái gặp nhau ở chợ tình hay trao cho nhau những tín vật, rồi hẹn năm sau đúng ngày đó gặp lại. Nếu vẫn còn nhớ đến nhau, đôi trai gái Mông sẽ vẫn giữ kỷ vật và tìm đến nhau vào phiên chợ sang năm. Đó cũng là một khoảng thời gian thử thách với tình yêu của cả hai người.
Vậy nhưng, không phải ai cũng được toại nguyện với tình yêu của mình dù họ thực hiện đúng cái quy ước bất thành văn kia. Anh Sùng A Kim, tuổi ngoại tứ tuần, đến từ huyện Sapa (tỉnh Lào Cai), có mặt chợ tình Mộc Châu trước một ngày. Trong những ngày chợ họp, anh ngồi lặng lẽ trên con dốc gần chợ trung tâm thị trấn nhìn dòng người đi lại bằng ánh mắt buồn.
Sùng A Kim từng tìm thấy được tình yêu của mình chính tại con dốc này khi anh 18 tuổi, tức là đã hơn 20 năm trước. Khi ấy, anh Kim đã lặn lội hàng trăm km đường núi hiểm trở để đến chợ tình. Có lẽ câu ca dao “mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” để tìm người yêu quả đúng với người Mông ở Tây Bắc và càng đúng trong trường hợp của anh Kim. Dù đã trao cho nhau kỷ vật, nhưng suốt từ ấy đến nay, Kim vẫn không thể gặp lại cô gái năm nào.
Sùng A Kim đã lấy vợ năm 23 tuổi, 5 năm sau ngày bặt vô âm tín từ cô gái anh yêu. Giờ anh đã có 4 mặt con với vợ nhưng anh vẫn mang theo kỷ vật năm xưa đến chợ tình này và chờ đợi một ngày sẽ gặp lại “cố nhân”.
Với Sùng A Kim, lý do đến chợ tình của anh thật hồn nhiên. “Mình là người đã có gia đình rồi. Mình muốn gặp lại bạn cũ để xem nó sống có vui không thôi, xem nó có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu nó cũng vui, cũng sướng như mình thì mình cũng vui mà”, anh Kim nói.
Theo Mạnh Duy - Người Lao Động
(GP: 10-6-2010)
Các tin cũ
- » Phong tục cúng giỗ của người Hà Nội xưa 25/08/2022 15:28:37
- » Liễn đối mang tính tích cực ở công sở làng 25/08/2022 15:06:20
- » Đám giỗ có vị trí quan trọng trong việc thờ cúng tổ tiên 25/08/2022 11:59:47
- » Văn hóa dòng họ - Di sản kết nối huyết thống và tình thân mọi nhà 25/08/2022 11:39:38
- » Những điều cần biết về dòng họ khi dựng phả 25/08/2022 11:16:17
- » Tín ngưỡng thờ thành hoàng làng của người Việt Nam 25/08/2022 11:07:30
- » Hãy ngoảnh lại xem cách giáo dục của ông cha ta 25/08/2022 11:00:05
- » Đình Hòa Tịnh (xã Hòa Tịnh, Mang Thít, Vĩnh Long) 24/08/2022 11:58:30
- » Chùa Ngộ Pháp (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) 24/08/2022 11:42:07