Trang chủ > Liễn đối mang tính tích cực ở công sở làng

Liễn đối mang tính tích cực ở công sở làng

25/08/2022 15:06:20

Khi 6 tỉnh Nam Kỳ đã thành thuộc địa của thực dân Pháp thì họ lập tức thực hiện việc “chia để trị” đến tận hạ tầng cơ sở ở cấp làng xã, điển hình là dựng lên công sở (nhà việc làng) để đối trọng với đình làng.

Đình trước đây do nhân dân “bản thôn” đóng góp xây dựng, nghiễm nhiên trở thành một thiết chế chính thống, được công nhận bằng đạo sắc phong với chức năng là thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh, thờ các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, là trụ sở, nơi hành xử cán cân công lý trong làng đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa. Nói tóm lại đình là trung tâm điểm của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, mang đậm màu sắc của việc phát triển nông nghiệp, nhưng rồi nó dần dần mất đi một phần tác dụng, bởi từ những năm đầu của thế kỷ XX, các nhà việc làng đã mọc lên do 12 vị Hương chức Hội tề chia nhau quản lý các việc trong làng. 

Sách xưa nói rằng: 12 vị Hương chức Hội tề đều là người địa phương được sự đào tạo để hành xử theo đường lối của chánh quyền cai trị và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Họ cũng không quên chọn các kỳ lão trong làng đặt ra nhóm Hương chức Hội Hương, không có lương để lo công việc cúng tế ở Đình và đặc biệt bị dòm ngó sợ họ làm quốc sự. Đó là lúc mà đình mất dần chức năng vốn có của nó. 

 Thật ra thì chánh sách phân hóa cũng không mấy tác dụng, bởi đại đa số “phụ mẫu chi dân” cũng đều có quan hệ thân tộc, quan hệ hôn nhơn với  nhau nên quanh đi quẩn lại không xa lạ gì nhau, nên trong hội hè đình đám, Hương Cả sẽ là Chánh Bái, Hương Sư là Hương Lễ, Hương Giáo là Hương Văn, các viên chức khác là Bồi bái, họ chia nhau để trang trí bàn thờ trong đình. Tất nhiên đây đó cũng xuất hiện những tay ác bá, cường hào nhưng chung quy họ đã không thoát khỏi “lưới trời” và trong lễ đình người ta vẫn đọc là: Đại Nam quốc…, vẫn tôn vương Hoàng đế vạn vạn tuế… Nếu mà thiếu những người tốt thì làm gì có chuyện sau khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 có ông Hương Cả bị lột chức, có ông Xã trưởng bị đốt nhà và bắt đày Côn Đảo, đó là thắng lợi đáng kể trong đại đoàn kết dân tộc. 

 Còn về nha việc làng được xây dựng khang trang, địa điểm thuận lợi, nhưng cũng không thoát khỏi phong cách kiến trúc kiểu tứ trụ kèo đâm, kèo quyết, cũng thờ cúng tiên sư, nhưng đối với nhân dân là địa chỉ không thân thiện, người ta đến chỉ vì phải đi đóng thuế, xin xác nhận, hoặc phải đến vì bị phó Hương quản bắt “đóng trăng”.

 Nhà việc làng tôi (Tân Phú Trung, Củ Chi, TP.HCM) cùng chung số phận trong thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến” nhưng có mấy ai biết được trong đó có những câu đối liễn mang thông điệp tích cực cho tiến bộ xã hội đương thời, xin ghi lại như sau: 

 1.  

Tân kỳ dân, lợi lợi lạc lạc

Phú nhi giáo, kỉnh kỉnh thân thân

2. 

Tân minh chí, đạo khả chỉ hỷ! 

Phú thứ giáo, hựu hà gia yên! 

3. 

Tân kỳ dân dã, minh kỳ đức dã

Phú nhi giáo chi, thứ nhi đốc chi 

4. 

Tân công hộ, thái bình hương lý

Phủ sở môn, thạnh lợi nhơn dân

5. 

Tân cảnh, tân dân, tân khí tượng

Phú gia, phú quốc, phú hương lân 

6. 

Trị quốc hữu phương, minh đức tân dân chí thiện

Tu thân vi bổn, trí tri, thành ý, chánh tâm.

Do tầm chương trích cú từ sách Tứ thơ, mang đậm ý nghĩa giáo dục từ minh đức, tân dân cho đến chánh tâm thành ý, rồi cảnh mới, dân mới. Nhà giàu nước mạnh, trong đó hàm chứa biết bao thông điệp tiến bộ, không một lời nào ca tụng hoàn cảnh hiện thời, có điều khá tiếc là không ghi lạc khoản nên không biết người hiến tặng là ai? Lại nữa, các câu liễn đối đều có khoán thủ là Tân Phú, hoặc Tân Phú công sở, tức là không phải nơi khác đem đến. Và nội dung của nó phải chăng là người xưa ngầm nhắn nhủ cho mọi người nên giữ nếp tu, tề, trị, bình để hướng theo truyền thống yêu nước tự ngàn xưa. 

Người viết bài này cứ ngỡ rằng làng mình không có văn hóa (chữ Nho) nhưng lầm to, nếu không được may mắn đọc được tập di cảo của một nhà giáo địa phương đang sóng, ông đã cần mẫn ghi lại liễn đối nơi nhà ở, nơi tiệm quán, nơi đình chùa miếu mạo kể cả công sở làng, nay ân cần nhắc lại gọi là một cách bảo tàng, biết đâu chừng vốn liếng liễn đối này cũng là ngọn đuốc soi đường để người dân địa phương góp vốn vào sự nghiệp thành công của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân…. 

Xã ngoại thành Tân Phú Trung, mùa Thu 2011

Võ Văn Sổ

(TTNC&THGP TP.HCM)

(GP: 8-10-2011)