Trang chủ > 001. Gia phả họ Bùi (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh)

001. Gia phả họ Bùi (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh)

11/08/2022 16:19:17

Gia phả họ Bùi (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) do Trung tâm Nghiên cứu và Thự hành Gia phả TP Hồ Chí Minh hoàn thành năm 2005.

LỜI NÓI ĐẦU

Dòng họ Bùi sống lao động, chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên vùng đất có truyền thống đấu tranh chống áp bức và chống ngoại xâm mạnh mẽ. Đó là xã Bà Điểm anh hùng của huyện Hóc Môn.

Qua hai cuộc kháng chiến dai dẳng và ác liệt đó, một số con cháu trong dòng họ Bùi phải lăn xả, trực diện với kẻ thù tại chỗ cũng như ở các chiến trường. Đa số vừa lao động vừa chiến đấu, một số ít xa lìa tổ quán để lo việc mưu sinh. Người trong thân tộc chịu cảnh chia ly phân tán do vậy dẫu người thân mà vẫn không biết nhau hết, là phổ biến. Nguồn gốc, công lao của tổ tiên họ Bùi, con cháu chỉ biết qua ngôn truyền của các bậc cao niên trong họ tộc. Ngày nay hòa bình đã lập lại hơn một phần tư thế kỷ, các bậc lão thành trong họ lần lượt qua đời. Mỗi khi nhớ đến câu “Cây có cội, nước có nguồn” mà ông bà ta thường nói để nhắc  ta phải tìm về cội nguồn, làm tôi thêm chạnh lòng.

Cùng với việc lập từ đường và việc tôn tạo mồ mả, việc lập gia phả cũng là một việc làm nhằm tri ân tổ tiên, vì qua gia phả, chẳng những con cháu biết được nguồn gốc của dòng họ mình, công lao gầy dựng sự nghiệp của tổ tiên mà còn biết được danh tánh, thứ thế, ngày tháng năm sinh, năm mất, mồ mả để con cháu giỗ chạp cho đúng ngày.

Họ Bùi ở Bà Điểm xưa nay không có gia phả. Nếu không kịp làm gia phả cho dòng họ thì mai sau con cháu ta lớn lên không biết bà con, không biết truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để phát huy, không biết hành trạng và sự truyền tử lưu tôn của họ tộc. Do vậy việc lập gia phả họ Bùi ta là rất cần thiết và cũng để kính dâng lên tổ tiên như một việc làm báo hiếu đồng thời qua gia phả nầy con cháu trong họ hiểu biết nhau hơn, đoàn kết nhau, giúp nhau trong cuộc sống và cùng nhau tiến bộ. 

Dẫu có nhiều cố gắng song không tránh khỏi thiếu sót. Mong bà con bổ sung để gia phả được hoàn chỉnh

Cháu trai đời thứ V chi ông Bùi Văn Nhượng

BÙI VĂN NHƯ

 

PHẢ KÝ

Người Việt Nam vốn trọng lễ nghĩa, chăm lo đạo hiếu, luôn luôn muốn tìm về cội nguồn của dòng họ để biết công lao của tổ tiên mình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình  cho con cháu noi theo đồng thời cũng để biết ngày tháng giỗ chạp của tổ tiên cho con cháu thực hiện đạo hiếu. Đó cũng là những điều mà con cháu họ Bùi ở Hóc Môn đã từng ấp ủ, nay mới có dịp thực hiện được qua việc lập gia phả cho dòng họ mình.

Họ Bùi là một họ lớn nhưng không có phả gốc để làm cơ sở nối tiếp cho bộ gia phả này. Do vậy, ta phải nhờ vào ký ức của con cháu họ Bùi ở Bà Điểm, gia phả Phan Công Hớn (cũng ở Bà Điểm), và tư liệu lịch sử, mồ mả, bia ký còn giữ lại vết tích để dựng bộ gia phả này.

I. NGUỒN GỐC HỌ BÙI

Con cháu họ Bùi ở Bà Điểm hiện nay không ai biết ông Tổ mình họ tên gì, sinh và mất năm nào, chỉ biết vào đầu thế kỷ XIX khi đất Nam Bộ thuộc nhà Nguyễn, có một phái bộ quan lại do triều đình phái đi vào kinh lý vùng đất Đồng Nai – Gia Định, có một vị quan họ Bùi không rõ tên, thấy bà Phan Thị Duyên, em thứ tám của ông Phan Công Hớn có nhan sắc nên xin cưới làm vợ. Ít lâu sau khi công việc kinh lý xong, ông cùng phái đoàn trở về kinh (Huế) ông tổ chức rước bà về quê ông cùng chung sống. Nếu căn cứ gia phả ông Phan Công Hớn thì ông Hớn sinh năm 1829 (vì gia phả ông Phan Công Hớn ghi tuổi ông bằng tuổi ông Phan Công Hớn).

Như vậy ông được sinh khoảng năm 1829 thuộc triều đại Minh Mạng. Hai ông bà sinh được 5 người, tất cả đều là con trai.

Về sau ông bị gian thần hảm hại, vua nghe lời sàm tấu, ông bị xử tử, gia đình chôn ông ở đất thần kinh. Sau đó (không rõ năm nào, triều đại vua nào thời Nguyễn xét lại cho ông), ông được phục chức và cho lập đền thờ ở Huế. Hiện nay con cháu ông ở Bà Điểm cũng không biết rõ nguyên quán ông tổ mình ở đâu chỉ biết ở miền Trung. Ngày giỗ của ông là ngày nào, con cháu cũng không được nghe các người lớn nói đến.

Còn về bà tổ, tên bà là Phan Thị Duyên, sinh năm Tân Mão 1831, là em gái thứ tám và cũng là em út của ông Phan Công Hớn, quê ở Bà Điểm (Hóc Môn) sống trong một gia đình Nho giáo, có uy tín ở địa phương, bà lại có nhan sắc, thuở nhỏ ở với cha mẹ không rõ bà làm nghề gì học hành ra sao chỉ biết khi được ông quan họ Bùi cưới rồi bà theo ông về Huế sinh sống.

Khi ông mất, bà buồn rầu và xin về quê mình là xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Bà đem theo hai con trai nhỏ là Bùi Văn Hy và Bùi Văn Diện, còn 3 con trai lớn thì ở lại quê ông.

Đưa bà về Nam Bộ, có hai người hầu đi theo. Hai ông nầy cùng sống ở quê bà, hầu bà cho đến cuối đời, khi chết hai ông cũng được chôn ở Dinh Ông nhưng tận hàng rào bên ngoài dinh. Về sau dân lấn đất cất nhà, hiện nay không còn thấy mộ hai ông nữa.

Bà về ấp Tiền Lân (xã Bà Điểm) với dòng họ và sinh sống bằng tiền của ông để lại, hai con trai về quê ít lâu thì người trai út là Bùi Văn Diện chết (lúc 4 tuổi) mộ sau Dinh Ông Phan Công Hớn. Hiện nay mộ ông vẫn còn bằng đá xanh, bia bằng chữ nho đã mòn chữ, không đọc được, mộ vẫn được con cháu họ Bùi hằng năm thăm viếng và dẫy mả.

Bà tổ nuôi dạy đứa con trai duy nhất còn lại theo mình là Ông Bùi Văn Hy, bà sống sung túc đến cuối đời. Bà mất năm 1902 (Nhâm Dần), nhằm ngày 16/8 âm lịch, mộ bà sau Dinh Ông Phan Công Hớn. Con trai bà là Bùi Văn Hy cúng giỗ và lập mộ. Sau khi ông Hy mất giỗ bà được cháu nội là Bùi Văn Nhượng lo. Hiện nay giỗ bà được cháu đời 4 là Bùi Thị Xuân cùng với bà Bùi Thị Vân (cháu đời 5) vẫn giỗ hằng năm. Hằng năm, đến ngày 25/12 âm lịch, con cháu họ Bùi đến dẫy mã tổ tiên sau Dinh Ông.

Về các con của ông bà tổ:

Ông, bà có 5 con trai, mất một con trai út, còn ba con trai lớn ở quê ông. Hiện nay con cháu họ Bùi ở Bà Điểm không ai biết rõ tin tức về ba người con này. Như vậy ông Bùi Văn Hy là con trai duy nhất của họ Bùi và họ Phan ở Bà Điểm, là nguồn gốc phát tích của họ Bùi ở ấp Tiền Lân xã Bà Điểm. Ông Hy lập gia đình với bà Võ Thị Phiến lập ra 1 chi duy nhất (đời 2). Ông Hy và Bà Phiến có 10 người con cả trai lẫn gái, chết nhỏ hết 3, còn lại 7 người: 3 người con gái và 4 người con trai của ông, bà là:

- Thứ hai : Bùi Văn Nhượng.  

- Thứ ba : Chết nhỏ.  

- Thứ tư : Chết nhỏ.  

- Thứ năm : Bùi Thị Cút.  

- Thứ sáu : Chết nhỏ. 

- Thứ bảy : Bùi Thị Két

- Thứ 8 : Bùi Văn Tỵ

- Thứ 9 : Bùi Thị Vẹt

- Thứ 10 : Bùi Văn Dậu

- Thứ 11 : Bùi Văn Bích

Bốn người con trai lập gia đình, tạo ra hậu duệ đông đúc truyền nối đến nay là đời thứ 7.

 Người con trai thứ hai là ông Bùi Văn Nhượng, lấy vợ  người cùng làng, có 7 người con, chết nhỏ một người, còn lại 5 người trai và một người gái, tạo ra hậu duệ đời thứ ba từ đó tiếp nối cho đến nay là đời thứ bảy: Ông là cha của ông Bùi Văn Thủ và Bùi Văn Ngữ là hai xứ ủy viên Nam Kỳ vào thời kỳ 1936 – 1940.

 Người con trai thứ tám là ông Bùi Văn Tỵ, ông có hai đời vợ. Đời thứ nhứt có được hai con trai. Do không hợp với chồng nên bà về ở với cha ruột, ông Tỵ lấy bà thứ hai có một con trai và một con gái nhưng dòng họ Bùi hiện nay không biết gì về tin tức 2 người con này. Sau đó ông Tỵ ở lại với bà vợ thứ nhất. Hai người con trai đời thứ nhất của ông lập gia đình tạo ra hậu duệ đời ba, đến nay cũng đến đời thứ 7. Ông Tỵ là thầy thuốc Nam, con cháu ông giỏi kinh doanh, tham gia cách mạng. Đứa cháu gái đời thứ năm của ông là vợ của thiếu tướng Võ Văn Thời.

 Người con trai thứ mười là ông Bùi Văn Dậu, ông lập gia đình, không có con trai, hậu duệ mang họ khác.

 Người con trai thứ mười một là ông Bùi Văn Bích lập gia đình nhưng không có con trai, xin con của người chị thứ chín là bà Bùi Thị Vẹt con là Bùi Văn Tiêu làm con nuôi. Ông coi cháu như con đẻ của mình. Ông Tiêu lập gia đình truyền nối chi ông Bích đến nay là đời thứ bảy. Ông ở tại đất của bà Tổ là ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Cả gia đình ông Bích hết lòng ủng hộ cách mạng.

Ba người con gái của ông Hy đều lập gia đình

 Người con gái thứ năm là bà Bùi Thị Cút có chồng về Tân Sơn Nhì, tiếp tục nghề buôn bán trầu cau, quản lý ruộng đất phía chồng, hậu duệ của bà mang họ Triệu.

 Người con gái thứ bảy là bà Bùi Thị Két, có chồng về Đông Thạnh có lò đường lớn, cuộc sống của ông bà rất sung túc nhưng ủng hộ cách mạng hết lòng. Hậu duệ của bà chuyển sang họ Đặng.

 Người con gái thứ chín là bà Bùi Thị Vẹt có chồng về Tham Lương nhưng không hợp với chồng nên trở về ở nhà em trai út là ông Bùi Văn Bích khi đang  mang thai. Sau khi sinh con trai, lấy họ mẹ đặt tên con là Bùi Văn Tiêu, cho ông Bích vì ông Bích không có con trai. Ông Bùi Văn Bích nối dõi họ Bùi cho đến nay là đời thứ bảy. Bà Vẹt cùng cả gia đình ông Bích ủng hộ cách mạng hết lòng.

Như vậy họ Bùi là một họ tộc lớn, sống chủ yếu ở Bà Điểm (Hóc Môn), một số ít con cháu họ Bùi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hòa bình lập lại, hậu duệ họ Bùi đã đi kháng chiến nay trở về quê hương phấn đấu học tập, lao động để sinh sống và góp phần xây dựng quê hương.

II. ĐỊA DANH BÀ ĐIỂM, TỔ QUÁN HỌ BÙI

Qua khảo sát dòng họ Bùi, được biết tổ quán họ Bùi ở ấp Tiền Lân, xã Tân Thới Nhất, tỉnh Gia Định này là ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Xã Bà Điểm là một trong 18 thôn vườn trầu được hình thành cùng với sự hình thành của vùng đất Hóc Môn cách nay 300 năm, nằm cặp Quốc lộ 22, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 15km. Vào thế kỷ thứ XVII vùng nầy còn là rừng rậm, nhiều thú dữ, đặc biệt là cọp dữ. Nhân gian có câu “Dữ như cọp vườn trầu”. Cư dân phần lớn là nông dân và nhân dân lao động, không chịu nổi chiến tranh Trịnh – Nguyễn hoặc vì nghèo đói cơ cực phải từ bỏ quê hương miền Bắc, miền Trung để vào Nam tạo dựng cuộc sống mới, tự do hơn. Buổi đầu họ phải lao động gian khổ, đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ để trồng lúa, trồng hoa màu rồi trồng cây ăn quả đặc biệt là trồng trầu cau. Xưa kia có bà già đến mở quán nước đầu tiên ở thôn Tân Thới Nhất nên gọi nơi đây là Bà Điểm. Trầu cau Bà Điểm ngon nhất nước.

Theo địa bạ Minh Mạng thì năm 1936, xã Tân Thới Nhất thuộc Tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, Phủ Tân Bình. Năm 1967 thì vùng nầy thuộc Tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định. Từ năm 1970 đến nay Tân Thới Nhất thuộc huyện Hóc Môn. Hiện nay Tân Thới Nhất được tách ra làm 2 xã Bà Điểm và Phuờng Tân Thới Nhất (Thuận Kiều) thuộc Quận 12.

Xã Bà Điễm có vị trí như sau:

- Phía Bắc giáp xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

- Phía Nam giáp xã Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.

- Phía Đông giáp Phường Thân Thới Nhất, Quận 12.

- Phía Tây giáp xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).

Toàn xã giáp các ấp: Trung Lân, Tiền Lân, Hậu Lân, Đông Lân, Nam Lân, Tây Bắc. Về sau Hậu Lân được tách ra làm 2 ấp là Hậu Lân và Hưng Lân.

Tổ quán họ Bùi ở ấp Tiền Lân. Ấp này có vị trí như sau:

- Tiền Lân nằm dọc tỉnh lộ 14 (nay là đại lộ Phan Công Hớn) kéo dài từ  Tây Lân xã Bà Điểm đến xã Xuân Thới Thượng.

- Phía Đông giáp Nam Lân.

- Phía Tây giáp Bình Chánh, Vĩnh Lộc và Tân Hòa.

- Phía Nam Giáp Bình Hưng Hòa.

- Phía Tây giáp Tây Lân.

Hiện nay ấp có diện tích là 10ha, dân số độ 5.000 người. Tổ quán họ Bùi ở Tiền Lân nhà số 42/1 hiện nay cháu đời thứ năm là Bùi Văn Quân và Bùi Văn Bộ ở.

III. LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN BÀ ĐIỂM VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CỦA DÒNG HỌ BÙI QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ

1. Lịch sử đấu tranh của nhân dân Bà Điểm

Nhân dân Bà Điểm vốn giàu lòng yêu nước có truyền thống đấu tranh chống áp bức và chống ngoại xâm mạnh mẽ từ trước khi chưa có Đảng . Từ khi thực dân Pháp đặt gót giày xâm lược nước ta và đến năm 1859 thì chúng kéo quân vào đánh thành Gia Định, nhân dân Tân Thới Nhứt đã dũng cảm vùng lên cùng hàng ngũ với nghĩa quân Nguyễn Tri Phương và sau đó đứng dưới ngọn cờ khởi nghĩa của các nghĩa sĩ yêu nước như  Trương Định để đánh thực dân Pháp. Cũng từ Bà Điểm, Nguyễn Ảnh Thủ đánh đồn Thuận Kiều (1871). Năm 1882 Phan Công Hớn cùng Nguyễn Văn Quá chỉ huy nghĩa quân đốt phủ đường Hóc Môn, giết tên Trần Tử Ca gian ác, rồi phong trào Thiên Địa Hội của Phan Xích Long, Hội kín của Nguyễn An Ninh đã thu hút đông đảo thanh niên yêu nước tham gia. Từ khi có Đảng nhân dân Bà Điểm sớm giác ngộ cách mạng và nhanh chóng đi theo Đảng. Ngay từ tháng 5/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập lãnh đạo quần chúng nhân dân biểu tình chống sưu cao thuế nặng và chống áp bức bóc lột. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra đặc biệt là tiếng mỏ Đông Lân đã thúc giục đông đảo đồng bào trương cờ đỏ búa liềm tuần hành đến thị trấn Hóc Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1930 đã làm cho giặc phải khiếp sợ. Cơ sở cách mạng đã phát triển vững chắc ở Bà Điểm và Bà Điểm đã vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ trú đóng để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước trong thời từ năm 1936 đến năm 1939. Chính trên địa bàn xã Bà Điểm đã diễn ra các hội nghị lần thứ 2 đến lần thứ 6, Bà Điểm còn là quê hương của Nam Kỳ khởi nghĩa và đã có 4 xứ ủy viên Nam Kỳ là những người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nầy, đã dũng cảm hy sinh trong thời kỳ kháng Pháp. Giặc đã sử dụng nhiều đồn bót đưa nhiều tên khát máu đến để đàn áp các phong trào cách mạng nhưng chúng vẫn không tiêu diệt được ý chí quật cường của nhân dân Bà Điểm.

Đến thời kỳ chống Mỹ, giặc ra sức kìm kẹp khủng bố tinh thần nhân dân Bà Điểm bằng những thủ đoạn thâm độc nhưng nhân dân Bà Điểm vẫn một lòng theo Đảng, liên tục kiên trì đấu tranh bằng những hình thức sáng tạo, mưu trí để đến thắng lợi cuối cùng, góp phần không nhỏ cho thắng lợi chung cả nước.

Hiện nay, Bà Điểm là một xã anh hùng, có 52 liệt sĩ, 16 bà mẹ Việt Nam anh hùng 118 thương binh, 127 gia đình có công với cách mạng. Nhân dân Bà Điểm lao động cần cù, học tập vươn lên để xây dựng xã hội giàu mạnh.

2. Sự đóng góp của dòng họ Bùi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ

Mặc dù xuất thân từ gia đình quan lại phong kiến song ông tổ đời hai của họ Bùi ở Bà Điểm đã hấp thu truyền thống lao động cần cù, tinh thần yêu nước của tộc họ Phan (họ ngoại), được giáo dục của bên ngoại là gia đình nho giáo, có uy tín tại địa phương. Ông tổ (ông Hy) lại sống trên mảnh đất có truyền thống đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm mạnh mẽ, cho nên, dù giàu có song ông không tham gia chính quyền phong kiến địa phương để bóc lột, ức hiếp nhân dân. Sự hiện diện của ông tổ đời hai và các con ở Bà Điểm (tức là từ năm 1850 là năm sinh của ông) là lúc thực dân Pháp đã ra sức áp bức bóc lột nhân dân ta. Các ông đời 2, 3, 4 là những nhân chứng lịch sử của những cuộc khởi nghĩa chống áp bức, bóc lột của thực dân pháp và tay sai: Khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu, hội kín Nguyễn An Ninh (1924 – 1929). Với lòng yêu nước và chịu ảnh hưởng nhiều từ các phong trào chống giặc ngoại xâm đã đưa con cháu dòng họ Bùi từ ủng hộ đến tham gia đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Từ khi có Đảng, con cháu họ Bùi đời 3 và 4 đã giác ngộ cách mạng – đóng góp nhiều cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

* Thời kỳ đầu mới thành lập Đảng từ trước năm 1930 – 1945, đóng góp của họ Bùi rất lớn

Ông Bùi Văn Thủ và Bùi Văn Ngữ (đời 4) là anh em ruột, đã được kết nạp Đảng vào đợt đầu tiên từ năm 1930, là hai xứ ủy viên của xứ ủy Nam Kỳ. Riêng ông Bùi Văn Thủ được học bổng du học ở Pháp ngành hóa chất, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, được Đảng Cộng sản Pháp đưa đi học trường Đại học Cộng sản ở Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp được Quốc tế Cộng sản đưa về nước hoạt động. Ông vận động thiếm dâu là vợ ông Bùi Văn Bích bỏ tiền lập nhà thuốc “Tư Sanh Đường” là nơi kinh tài và là trạm liên lạc cho Trung ương và xứ ủy. Ông còn viết báo trong thời kỳ đấu tranh công khai. Ông Bùi Văn Ngữ đã thoát ly để hoạt động cách mạng. Ông cùng anh là Bùi Văn Thủ và các ủy viên Trung ương Đảng đã tích cực sử dụng và củng cố xứ ủy sau khi bị địch khủng bố ở cao trào 1930 – 1931 tưởng chừng như tan rả hết. Từ năm 1932 đến năm 1935, ông Ngữ được phân công xây dựng lại cơ sở cho Trung ương và xứ ủy miền Đông Nam Bộ. Ông hoạt động rất tích cực và có hiệu quả, góp phần lập được Xứ ủy lâm thời Nam kỳ, đến năm 1938 thì bầu lại xứ ủy chính thức. Cả hai anh em họ Bùi xây dựng nơi ăn chốn ở cho Trung ương ở vùng Bà Điểm. Hai ông bị bắt trong khi chuẩn bị cho Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940.

Ông Thủ bị bắt năm 1939 và hy sinh ở nhà tù Côn Đảo. Ông Bùi Văn Ngữ bị bắt năm 1940. Ông đấu tranh quyết liệt trong nhà tù và hy sinh năm 1941 tại nhà tù Côn Đảo.

* Tham gia cách mạng từ năm 1945 – 1975

Con cháu họ Bùi lần lượt thoát ly gia đình, cầm súng chiến đấu giặc Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tiêu biểu có ông Bùi Văn Dùng đã gia nhập Vệ Quốc đoàn chi đội 12, khu 7 về sau là trung đoàn 312. Từ năm 1945 – 1954, ông là một chiến sĩ kiên cường trong 9 năm kháng chiến đánh Pháp cho đến năm 1972 thì vượt Trường Sơn về Nam đánh Mỹ và xây dựng đất nước. Ông lăn lộn khắp chiến trường, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Cho đến năm 1984 thì yên nghỉ ở nghĩa trang của gia đình.

* Ủng hộ tài chính và nơi ăn ở

Con cháu họ Bùi cả nam lẫn nữ đều rất tích cực ủng hộ tài chánh, nơi ăn chốn ở cho cách mạng.

Bà Bùi Thị Két (đời 3) có chồng về Đông Thạnh, có lò đường rất lớn, là nơi hội họp của ông Tô Ký, ông Trần Văn Trà và bà Hồ Thị Bi. Bà Két hết lòng ủng hộ tài chánh cho các vị này để hoạt động trong thời kỳ chống Pháp.

Bà Bùi Thị Vẹt (đời 3) có chồng về Tham Lương nhưng không hợp nên ly dị chồng khi đã mang thai. Bà về ở nhà ông em út là ông Bùi Văn Bích để làm ăn sinh sống, bà xây lại nhà ông Bích tối tân sang trọng làm nơi buôn bán và hội họp ăn ở cho Trung ương và xứ ủy. Cuộc họp của Trung nương Đảng lần thứ 4 năm 1937 tại nhà này. 

Bà Bùi Thị Hoa (con gái ông Bích) có chồng là ông Trần Ngọc Danh (em ruột Trần Phú) cùng học với Bùi Văn Thủ ở Trường Đại học Cộng sản Liên Xô.

Bà Hoa cùng mẹ và anh là ông Bùi Văn Tiêu hết lòng lo tài chánh cho Trung ương và xứ ủy, đáp ứng mọi yêu cầu cho cách mạng. Trong hồi ký của Bà Nguyễn Thị Thập với tựa đề “Từ đất Tiền Giang” (do Đoàn Giỏi ghi) đã đề cập đến việc ủng hộ tài chánh của gia đình này “... tôi phải lên nhà chị Năm Danh (vợ anh Trần Ngọc Danh, em gái anh Hai Tiêu) nhà này rất giàu, nuôi cán bộ cách mạng luôn cả mấy năm, ăn uống suốt ngày này qua ngày khác”( (1) và (2) Trang 269 - Từ đất Tiền Giang” – Đoàn Giỏi, xuất bản năm 1958 1) và khi bà Thập đi dự hội nghị ở Tân Trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 bà Bùi Thị Hoa hóa trang cho bà Thập qua mắt kẻ thù được bà Thập kể như sau “... các anh chị chuẩn bị cho tôi một vali gồm sáu, bảy bộ quần áo, cả áo dài, áo ngắn toàn loại đắt tiền, may kiểu Le Mur thích hợp, thời trang nhất”(2) về sau bà Vẹt mất, hưởng gia tài của mẹ ruột ông khuyếch trương buôn bán rất phát đạt, ông Tiêu cung cấp tài chánh cho mọi yêu cầu của cách mạng.

Bà Bùi Thị Điệu (cháu nội ông Bùi Văn Tỵ), kinh doanh giỏi, rất giàu có, bà Điệu ủng hộ tài chánh và bà làm kinh tài cho Trung đoàn 312 của ông Trân Văn Trà, ông Tô Ký và bà Hồ Thị Bi. 

Tóm lại, hầu hết con cháu họ Bùi đều tham gia cách mạng, làm giao liên, cất giấu tài liệu, đi bộ đội, lăn xả nơi chiến trường đóng góp hết sức mình cho cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Con cháu họ Bùi có người là liệt sĩ, có người là thương binh. Khi hòa bình lập lại con cháu lo học tập, lao động góp phần xây dựng cuộc sống cho gia đình tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương. Riêng ông Bùi Văn Thủ và Bùi Văn Ngữ được ghi tiểu sử vào tự điển danh nhân Việt Nam. Tên ông Bùi Văn Ngữ được đặt tên đường và tên trường ở xã Bà Điểm. Lịch sử địa phương cũng có ghi công hai ông.

IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG HỌ BÙI Ở BÀ ĐIỂM

Qua gần hơn một thế kỷ, kể từ khi bà Tổ Phan Thị Duyên đem con từ quê chồng về quê mình là Bà Điểm để sinh sống và nuôi dạy; tạo dựng sự nghiệp cho đứa con trai duy nhất của mình là ông Bùi Văn Hy cho đến nay, họ Bùi đã sinh con cháu nối nhau được 7 đời đã hình thành một họ tộc lớn, sống hơn một thế kỷ nay tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh.

Được tiếp thu truyền thống lao động cần cù, tinh thần yêu nước của gia đình bên ngoại là tộc họ Phan và của quê hương Bà Điểm nên dòng họ Bùi đã có được những đặc điểm như sau:

Điểm đáng quý của họ Bùi đáng được con cháu học tập là lòng yêu nước và tinh thần cách mạng triệt để. Dù ông tổ họ Bùi thuộc thành phần quan lại phong kiến, có quyền thế, lại giàu có trong xã hội song con cháu lại theo tân học và làm cách mạng, không tham gia chính quyền phong kiến thực dân để ức hiếp nhân dân. Ông Bùi Văn Thủ và Bùi Văn Ngữ (đời 4) theo tân học và học rất giỏi. Ông Bùi Văn Thủ được học bổng đi du học ở Pháp, đỗ kỷ sư hóa học. Chính trên con đường du học, ông Thủ đã sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ cách mạng, trở về nước chấp nhận gian khổ, hy sinh, mất mát, cống hiến hết đời mình cho cách mạng. Ông vận động dòng họ, bạn bè cùng học ở trường Đại học Cộng sản Liên Xô để xây dựng cơ sở cho Trung ương và xứ ủy trong buổi đầu mới thành lập và đưa Đảng ta và xứ ủy vượt qua những chặn đường khó khăn sau thời kỳ 1930 – 1931; đóng góp cho phong trào 1936 – 1939, chuẩn bị cho Nam kỳ khởi nghĩa.

Hầu hết con cháu họ Bùi đều tham gia cách mạng với nhiều hình thức khác nhau: ủng hộ tài chánh, cất giấu vủ khí, nuôi giấu cán bộ, lăn xã nơi chiến trường qua 2 cuộc kháng chiến. Đi bộ đội thì con cháu họ Bùi giữ gìn đạo đức cách mạng, là Đảng viên thì giữ khí tiết của người cộng sản, dù bị tù đầy, tra tấn vẫn bảo vệ cơ sở đến cùng.

Tất cả những truyền thống tốt đẹp nầy đáng được con cháu tự hào và noi gương.

Điểm đáng quý nữa là lòng thương người của họ Bùi. Ông Bùi Văn Nhượng (đời 3) cha của ông Bùi văn Thủ và Bùi Văn Ngữ, mặc dù giàu có nhưng ông sống có đạo đức, được mọi người xung quanh quý mến. Bà Bùi Thị Két (con gái thứ bảy của ông Nhượng), nhà giàu có, song bà hay giúp người nghèo và ủng hộ cách mạng. Có lần anh bộ đội bị thương trên đầu, ở nhà bà, bà tự tay mổ lấy đạn ra và chăm sóc vết thương cho đến khi lành. Ông Bùi Văn Tân (con trai ông Bùi Văn Nhượng (đời 4) chửa trặc chân rất giỏi nhưng không lấy tiền ai. Ông Bùi Văn Tỵ (đời 3) là thầy thuốc Nam giỏi nhưng chỉ làm từ thiện. Bà Bùi Thị Điệu (cháu nội ông Tỵ) thường xuyên giúp đỡ gạo, tiền, điện, nước cho nhiều gia đình nghèo, khó khăn, trong thời gian dài nhiều năm. Đa số con cháu họ Bùi đều sống có tình, có nghĩa với xóm làng.

Tất cả những truyền thống tốt đẹp này đáng được con cháu tự hào và noi gương. Từ khi hòa bình lập lại, con cháu họ Bùi ở Bà Điểm có điều kiện học tập, lao động tốt hơn, luôn hướng về tổ tiên, muốn biết cội nguồn dòng họ mình nay thực hiện được việc lập gia phả cho dòng họ. Xin coi gia phả nầy là cơ sở của trung tâm đoàn kết của dòng họ, giúp nhau trong học tập, trong cuộc sống và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để xây dựng gia đình, dòng họ, đất nước ngày càng phồn vinh.