Trang chủ > Các văn chỉ bằng cấp khảo hạch và bài thi đạt hạng tú tài thời Duy Tân

Các văn chỉ bằng cấp khảo hạch và bài thi đạt hạng tú tài thời Duy Tân

11/08/2022 09:42:59

Chữ hán Nôm qua một thời gian dài mai một, những di sản quý hiếm của nhiều gia đình và dòng tộc đã bị đối xử một cách tồi tệ. Lý do đơn giản là chữ Hán Nôm không ai hiểu nên văn chỉ đó ghi những gì, giá trị văn học ở mức độ nào không nhận thức được.

Có một số di chỉ cổ may mắn chưa hóa thành tro và cũng là điều may mắn cho nhiều người chưa được nhìn thấy loại di chỉ nầy bao giờ. Hy vọng bài giới thiệu nầy quý độc giả sẽ có cơ hội biết thêm 4 di chỉ văn hóa trong hai triều Vua Nguyễn.

Thời Vua Duy Tân và Vua Khải Định, xét về mặt lịch sử chưa xa lắm với thế hệ đương thời, nhưng chắc chắn rằng rất nhiều người chưa được biết các bài thi tú tài thời đó cũng như những chỉ dụ liên quan. Chúng tôi là những người của Hội Quán Hán Nôm Tân Thư trực thuộc trung tâm Nghiên Cứu Thực Hành Gia Phả thành phố Hồ Chí Minh, với suy nghĩ sẽ làm người đi tìm những Nhân Vật lịch Sử còn lãng quên và Bảo Tồn các Di chỉ cổ. Sau sự kiện phát hiện các Đạo Sắc của Vua Quang Trung và Vua Cảnh Thịnh phong tặng cho ngài TRƯƠNG BẢO(*) và các Sắc của Vua Tự Đức bổ nhiệm cụ Tú Tài TRƯƠNG SÍNH vào Hàn Lâm Viện cung Dực Thiện Ninh Thuận tại xã Đức Hòa, Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tỉnh, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm những di chỉ mới. Ngày 17/4/2010, chúng tôi phát hiện thêm 2 di chỉ Hán Nôm thời Vua Duy Tân và Vua Khải Định, 2 bài thi tú tài của 2 sĩ tử cùng thời kỳ.

1/ Bài thi đạt hạng Tú Tài, được 10 và 15 điểm phê màu son đỏ (châu phê). Bài thi viết bằng chữ Nho, đưa ra một số nguyên tắc giúp nước an dân, trình bày những mâu thuẩn trong bá tánh, chủ yếu chỉ trích các quan không liêm chính, không quan tâm đến dân, để dân đói khổ là mầm mống loạn lạc. Khuyên can kẻ sĩ phải thấy được cái cương yếu của Vua Nghiêu- Vua Thuấn nhiều đời trước cao xa khó với tới chi bằng nhìn thực tế mà hành xử.

   

Bài thi Tú tài chữ hán - Nôm

Bài này không thấy là của cụ Tú Tài nào, nhưng dự đoán của gia đình đây là bài của cụ Tú Nguyễn Tuyến.

2/ Chỉ dụ thông cáo cho cụ Giáo sư Tú Tài Nguyễn Tuyến. Bản nầy viết tay trên giấy xuyến chỉ nay đã muốn tan nát, do Tuần Phủ tỉnh Quảng Nghĩa cấp bằng cho dự tuyển (...Lộ bàn trường tuyển sanh giáo sư Tú tài Nguyễn Tuyến cử thử). Ngày ấn cấp 15 tháng 5 năm Duy Tân thứ 9 (1915).

 

Văn chỉ khảo hạch

 

Văn chỉ khảo hạch

3/ Một dụ khác do Nha Học Chánh cấp cho ông Nguyễn Chi, người anh em với ông Nguyễn Tuyến. Bằng cấp hoàn tất khảo hạch tại Hội đồng Khảo hạch huyện Đức phổ và được khen ban chọn dự tuyển cho sĩ tử Nguyễn Chi, ấn cấp ngày 23 tháng 4 năm Khải Định thứ tư (1919). Trên văn chỉ nầy ghi bằng hai loại chữ: Quốc ngữ phổ thông và chữ Hán Nôm. Phần chữ Hán Nôm có quan hiệu là Lộc Uyển Đường Đại Nhân đóng dấu và quan Đốc Học ký đóng dấu, phần chữ Quốc ngữ phổ thông quan Đốc Học ký và đóng dấu, quan Công sứ ký và đóng dấu chính quyền Bảo Hộ Pháp.

 

4/ Bài cuối cùng trong sưu tập nầy là bài thi viết bằng chữ Quốc ngữ phổ thông, đầu trang là chữ Hán Nôm. Bài thi nầy có đóng dấu của hội đồng tuyển sanh, tuy nhiên chưa có tài liệu bài nầy là bài thi chính hay phụ hoặc bài thi chỉ có như vậy. Nội dung bài thi phân tích chữ Nho và chữ Quốc ngữ phổ thông nên chọn loai chữ viết nào, cuối cùng kết luận rằng chữ Quốc ngữ phổ thông dễ học, dễ viết đàn bà trẻ em đều học tốt, lại thêm trào lưu mới đang thịnh hành tất cả phải học. Nếu có thêm thông tin sẽ chuyển đến độc giả sau.

 

Bài thi Tú tài bằng chữ quốc ngữ phổ thông

Tất cả tư liệu nầy do ông Nguyễn Thanh Quý ở Tân Bình là chắt ngoại của cụ Tú Nguyễn Tuyến cất giữ. Chúng tôi đang thuyết phục gia đình nên tặng cho Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, vì tại đây có đủ diều kiện lưu trữ không bị hư mất, hơn nữa khi đã số hóa các di chỉ mọi người cùng được biết những khía cạnh Văn hóa nước nhà đồng thời tên các cụ cũng sẽ vẻ vang rộng khắp.

---------------

(*) Gọi theo cách của dòng tộc Trương xưa nay – tự điển Từ Hải Đại Từ Điển của Trung Quốc xuất bản năm Dân Quốc thứ tư đọc là Bảo, các tự điển khác đọc Bao

Bài & ảnh: Trần Văn Đường

(GP: 9-6-2010)